Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng
khai mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Thưa các vị khách quý,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thưa đồng bào và chiến sỹ cả nước.

Hôm nay, Quốc hội khóa XII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai mạc trọng thể kỳ họp thứ tư. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, các vị lão thành cách mạng, các vị trong Đoàn ngoại giao đã đến dự kỳ họp và xin chúc các đồng chí, các quý vị cùng toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước sức khỏe, hạnh phúc và thắng lợi.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII tiến hành vào thời điểm chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2008, năm mà nền kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính ở một số nền kinh tế lớn, buộc nhiều quốc gia phải điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế. Thực trạng này ảnh hưởng trực tiếp, bất lợi đến nền kinh tế nước ta. Từ cuối năm 2007, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có biến động theo chiều hướng không thuận và tình hình đó được thể hiện rõ nét trong những tháng đầu năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và thấp hơn so với các năm trước; lạm phát vượt xa mức dự báo; thị trường tài chính-tiền tệ có nhiều biến động, làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến tư tưởng, tâm lý xã hội và đời sống nhân dân… Trong bối cảnh đó, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của các ngành, các cấp, các địa phương, các doanh nghiệp; sự tập trung chỉ đạo, điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ, những tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới vào nước ta đã và đang từng bước được hạn chế, nền kinh tế nước ta đến nay tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã có những chuyển biến đáng khích lệ. Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP ước đạt 6,52%; các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát, đã phát huy tác dụng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng bước đầu được kiểm soát; các cân đối kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội được bảo đảm. Nhiều nguồn lực được huy động cho đầu tư phát triển, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao. Các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục-đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường được chú trọng và tiếp tục phát triển. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có một số chuyển biến. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại, quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế được đẩy mạnh… Sau 2 năm chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế nước ta đã có thêm những điều kiện và môi trường để phát triển; chúng ta có thêm kinh nghiệm để quản lý điều hành nền kinh tế trong tình hình mới; và với việc Việt Nam được gánh trách nhiệm là Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc làm cho vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Tại diễn đàn trọng thể này, thay mặt Quốc hội, tôi nhiệt liệt biểu dương đồng bào, chiến sĩ cả nước, các cấp, các ngành trong thời gian qua đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2006-2010, tạo tiền đề cho sự phát triển của năm 2009 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, kinh tế nước ta vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Lạm phát vẫn cao, nhập siêu còn lớn, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc; nhịp độ tăng trưởng kinh tế giảm, chất lượng, hiệu quả còn thấp, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; đời sống nhân dân, nhất là những người lao động có thu nhập thấp, người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn; việc xử lý một số vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực xã hội còn nhiều hạn chế; cải cách hành chính chậm, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đạt được kết quả mong đợi; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn còn phức tạp; công tác chỉ đạo, điều hành tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đây là những vấn đề cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Những ngày gần đây, đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài thường xuyên quan tâm theo dõi, hướng về nhân dân các địa phương bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản do thiên tai gây ra, đặc biệt là hậu quả của cơn bão số 6 và số 7, với những trận lũ lớn tàn phá nặng nề trên diện rộng một số tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung. Quốc hội một lần nữa xin chia sẻ những khó khăn, mất mát, đau thương và gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị nạn; đồng thời đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành; tinh thần chủ động, sự nỗ lực không ngừng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương trong công tác phòng, chống bão lũ, cứu hộ, cứu nạn, giải quyết hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, giúp nhân dân các địa phương bị nhiều thiệt hại khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Chương trình nghị sự của kỳ họp thứ tư gồm nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào một số nhóm vấn đề sau đây:

Một là, xem xét các Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009.

Hai là, thảo luận và thông qua 8 dự án luật và 1 Nghị quyết. Đó là các dự án: Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật cán bộ, công chức; Luật quốc tịch Việt Nam (sửa đổi); Luật thi hành án dân sự; Luật bảo hiểm y tế; Luật công nghệ cao; Luật giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật đa dạng sinh học và Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009. Cho ý kiến về 6 dự án luật: Luật quản lý nợ công; Luật lý lịch tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Luật bồi thường nhà nước; Luật quy hoạch đô thị và Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Ba là, xem xét báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ và các ngành Tòa án, Kiểm sát về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác đối ngoại của Nhà nước; tình hình quốc phòng, an ninh và một số báo cáo chuyên đề khác.

Bốn là, tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007 và một số vấn đề mới phát sinh trong những tháng đầu năm 2008. Xem xét một số báo cáo kết quả giám sát chuyên đề do Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thực hiện. Nghe báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Xem xét, thông qua Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009.

Năm là, xem xét Đề án và thảo luận, thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và việc nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Trong những tháng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ và các cơ quan hữu quan tích cực chuẩn bị các nội dung kỳ họp. Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc nghiên cứu tiếp tục cải tiến cách thức tiến hành và công tác phục vụ kỳ họp. Cử tri cả nước hướng về Quốc hội với niềm tin tưởng sâu sắc, gửi gắm tâm tư nguyện vọng qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, qua các phương tiện thông tin đại chúng và mong muốn Quốc hội sẽ làm tròn trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước.

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII là kỳ họp cuối năm với nhiều nội dung rất quan trọng, đặc biệt là việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, dành nhiều thời gian tham dự đầy đủ các phiên họp, tập trung nghiên cứu, phát huy trí tuệ, dân chủ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII.

Xin trân trọng cảm ơn.