Kiểm soát lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ
Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, sẽ duy trì lãi suất cơ bản 14%/năm trong thời gian tới. Các chuyên gia nhận định: Chính phủ vẫn rất thận trọng với lạm phát, thể hiện bằng việc tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Như vậy, dù chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) các tháng qua liên tục giảm, đặc biệt trong tháng 9 vừa qua chỉ có 0,18%, nhưng việc kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm 2008 vẫn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, sự suy giảm kinh tế của Mỹ và kinh tế toàn cầu, cùng với đồng USD suy yếu sẽ gây khó khăn cho việc xuất khẩu. Trong khi đó, theo quy luật, nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng cuối năm tăng cao, có thể sẽ tạo sức ép tăng giá vật tư đầu vào và tăng nhập siêu. Trước bối cảnh đó, giải pháp thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều này đặt các doanh nghiệp đứng trước tình hình sẽ tiếp tục gặp những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
PGS,TS. Trần Hoàng Ngân, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Các doanh nghiệp hiện đang rơi vào tình trạng rất khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn xét về dài hạn cho toàn bộ nền kinh tế. Nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời điểm này ở Việt Nam là rất cần thiết; tuy nhiên, cũng đòi hỏi phải thật uyển chuyển, linh hoạt. Bởi nếu chính sách thắt chặt tiền tệ xảy ra thái quá, sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ; mà loại hình doanh nghiệp này hiện đang chiếm phần lớn về tỷ trọng tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm ở nước ta. Bởi vậy, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND cho các tổ chức tín dụng lên 5%/năm, tức là tăng thêm 1,4% so với mức 3,6%/năm được áp dụng từ đầu tháng 9-2008, là cách, mà trong chừng mực nhất định, Chính phủ gián tiếp giúp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, đồng thời thể hiện quyết tâm đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ. Dù không giảm lãi suất cơ bản, nhưng động thái nói trên của Ngân hàng Nhà nước thể hiện sự khuyến khích, mở cửa cho các ngân hàng tăng nguồn cung vốn cho thị trường.
Trước đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng với quyết định tăng lãi suất tiền gửi dự trữ này, có thể coi đó là sự kêu gọi bằng hành động cụ thể. Và trên thực tế, nhiều ngân hàng đã hưởng ứng cũng bằng hành động cụ thể là giảm lãi suất cho vay (trước đó, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động khi cho rằng thị trường đã dồi dào vốn và dự đoán lạm phát của những tháng tới và năm sau sẽ không còn quá “nóng” nữa). Sau quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước, từ 1-10-2008, các ngân hàng đã bước vào đợt giảm lãi suất cho vay mới.
Việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp thực ra cũng là biện pháp để ngân hàng tự cứu mình. Bởi vì, nếu doanh nghiệp tiếp tục lâm vào tình trạng khó khăn về vốn kéo dài, thì hơn ai hết, chính các ngân hàng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp. Các ngân hàng sẽ mất khách hàng trong dài hạn, nợ xấu cũng sẽ tăng lên do các doanh nghiệp không trả được nợ, đến một mức nào đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thanh khoản của ngân hàng. Việc thị trường bất động sản “đóng băng”, khiến khoản nợ cho vay bất động sản từ năm trước của các ngân hàng trở thành nợ xấu là bài học cho các ngân hàng. Từ nay đến cuối năm cũng là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, việc các ngân hàng “bơm” vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu là động thái cần thiết để đôi bên cùng có lợi.
Ưu tiên kiềm chế lạm phát
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, dù CPI những tháng qua có giảm, nhưng tính chung cả năm, CPI vẫn rất cao; dự báo, cả năm có thể ở mức 25-30%. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, tuy không trực tiếp ảnh hưởng tới Việt Nam, nhưng về gián tiếp, chúng ta cũng không thể tránh khỏi ít nhiều bị ảnh hưởng từ “cơn địa chấn” này. Nếu nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian này sẽ là rất nguy hiểm. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, thị trường Mỹ chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Và đã có các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vay vốn USD từ các tập đoàn tài chính Mỹ để hoạt động xuất khẩu. Như vậy, khi thị trường Mỹ bị khủng hoảng tiền tệ, thì việc họ sẽ giảm mua hàng, hoặc hạn chế cho vay (cũng là điều dễ hiểu) nên các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.
Để thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô theo chủ trương của Chính phủ, các bộ, ngành , địa phương đã cắt giảm, đồng thời thực hiện giãn tiến độ 1.700 dự án với số vốn 3.950 tỉ đồng. Đây là con số thực sự rất ý nghĩa trong thời buổi lạm phát tăng cao và kinh tế toàn cầu đang bị suy thoái. Nhìn lại chính sách cũng như các giải pháp về tiền tệ và thị trường tài chính ở Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hai quyết định quan trọng về điều hành thị trường tiền tệ cho tháng 10-2008. Đó là giữ nguyên mức lãi suất cơ bản VND là 14%/năm như hiện nay, và, tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng. Đây là một động thái hợp lý trong thời điểm nhạy cảm này.
Quyết định này sẽ giúp các ngân hàng ấn định trần lãi suất cho vay 21%/năm giảm mạnh lãi suất cho vay. Nếu giảm lãi suất cơ bản, các ngân hàng buộc phải giảm trần lãi suất cho vay, đầu ra giảm, trong khi đầu vào giảm chậm, các ngân hàng phải ấn định một lãi suất cho vay cao nhất để đảm bảo thu nhập của mình. Giữ nguyên lãi suất cơ bản, các ngân hàng sẽ có “đất” rộng hơn để ấn định lãi suất cho vay, nhờ đó lãi suất sẽ mang tính thị trường hơn là ràng buộc trong khung của lãi suất cơ bản. Ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thấp cho diện ưu tiên và lãi suất trần cho trường hợp không khuyến khích. Như vậy, cơ hội tiếp cận vốn sẽ được chia đều cho mọi đối tượng khách hàng.
Đánh giá về quyết định này của Ngân hàng Nhà nước, PGS,TS. Trần Hoàng Ngân nói: Quyết định này thể hiện rõ quyết tâm lấy ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát làm mục tiêu hàng đầu của Chính phủ. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm, tình hình trong nước và thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp; trong đó, theo chu kỳ hàng năm, giá cả cũng sẽ tăng mạnh trong từ nay tới cuối năm nên sự thận trọng nói trên của Chính phủ trong thời điểm này là rất cần thiết./.
Vì sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc  (07/10/2008)
Nga - Bê-la-rút quyết tâm xây dựng Nhà nước liên minh  (07/10/2008)
FED mở rộng tái cấp vốn cho các ngân hàng  (07/10/2008)
Họp báo về Lễ trao giải thưởng Sách Việt Nam 2008  (07/10/2008)
Luật sư Mỹ: Quyết định của Tòa Phúc thẩm là sai trái  (07/10/2008)
Mỹ tiếp tục nỗ lực giải quyết khủng hoảng tài chính  (07/10/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên