Những điểm mới nổi bật trong các quy định của Trung ương về công tác cán bộ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII
TCCS - Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bao gồm hệ thống quan điểm, tư tưởng, đường lối, định hướng chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Công tác xây dựng Đảng về cán bộ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đã quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội.
Những quy định, kết luận của Trung ương về công tác cán bộ theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Xây dựng đội ngũ cán bộ là một nội dung lớn trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức; bởi vì, cán bộ và tổ chức có mối liên hệ hữu cơ, mật thiết, tác động qua lại với nhau. Trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta luôn lồng ghép công tác cán bộ là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức, coi đây là hai nhiệm vụ cần được thực hiện đồng thời, cùng lúc. Đến Đại hội XIII, từ những bài học kinh nghiệm của Đảng ta về công tác cán bộ và từ yêu cầu, đòi hỏi cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, có chất lượng, ngang tầm nhiệm vụ, nên cần tách nội hàm cán bộ từ xây dựng Đảng về tổ chức thành một nội dung riêng. Trong phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu… đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(1). Điều này cho thấy những nhận thức mới, cũng như quyết tâm của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.
Bám sát định hướng chỉ đạo của Văn kiện Đại hội XIII, công tác cán bộ được đẩy mạnh ngay từ đầu nhiệm kỳ, thực sự là “then chốt của then chốt”. Các nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác cán bộ có nội dung bao trùm, với nhiều điểm mới, cụ thể là:
Thứ nhất, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị cho thấy quyết tâm chính trị của toàn Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Ngay đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021, “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, nhằm khuyến khích và bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên tự tin đổi mới, sáng tạo, dám bước qua những lối mòn, vượt qua những thách thức để cống hiến cho đất nước, phục vụ nhân dân. Kết luận số 14-KL/TW là sự cụ thể hóa một trong những phương hướng được Đại hội XIII của Đảng xác định là xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, Kết luận số 14-KL/TW nêu rõ, “khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”. Những nội dung này tạo cơ sở chính trị, củng cố niềm tin và tạo động lực để cán bộ, đảng viên dám dấn thân cống hiến vì lợi ích chung. Việc xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm là một giải pháp căn cơ đối với công tác cán bộ, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương và rộng hơn là sự phát triển của đất nước. Đây chính là cơ chế tạo động lực cho sự đổi mới, bứt phá, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Thứ hai, mở rộng phạm vi không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị; không chỉ đối với đảng viên và các cấp ủy, tổ chức đảng, mà còn mở rộng ra đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị.
Thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, đã xác định những nội dung không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà cả trong xây dựng hệ thống chính trị. Kết luận số 21-KL/TW yêu cầu, phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng đặt ra yêu cầu phải chủ động tiến công mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, là bước đột phá mới, cấp độ cao hơn, cường độ và mức độ quyết liệt hơn, thái độ xử lý nghiêm khắc hơn; kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”; yêu cầu cao về đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, “lợi ích nhóm”, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.
Một trong những điểm nhấn của Kết luận số 21-KL/TW là đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, đòi hỏi phải được thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, bảo đảm kết hợp giữa “xây” và “chống” trong công tác cán bộ. “Xây” là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đó phải là những cán bộ có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, “đúng vai, thuộc bài”, thật sự chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ được giao, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, ủng hộ. Trong khi đó, “chống” chính là kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm; tập trung vào phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát người đứng đầu thực hiện trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, các quy định của Trung ương(2) tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác cán bộ.
Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27-12-2021, của Bộ Chính trị, “Về công tác quy hoạch cán bộ” cho thấy tư duy đổi mới, toàn diện của Đảng về công tác quy hoạch cán bộ. So với Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004, của Bộ Chính trị, “Về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Quy định số 50-QĐ/TW bổ sung 5 nguyên tắc bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ. Theo đó, công tác quy hoạch cán bộ phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, liên thông, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch cán bộ. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải xuất phát từ tình hình thực tế về đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, đồng thời gắn kết chặt chẽ với các khâu khác trong công tác cán bộ. Quy định số 50-QĐ/TW yêu cầu phải rà soát, đánh giá đúng cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch, thực hiện phương châm quy hoạch “động” và “mở”. Hằng năm, tiến hành đánh giá, rà soát để kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện; bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc nguồn nhân sự từ nơi khác đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có triển vọng phát triển. Một trong những nguyên tắc quan trọng trong Quy định số 50-QĐ/TW là chỉ quy hoạch chức danh cao hơn, mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý, quy hoạch không quá 3 cán bộ; một cán bộ quy hoạch không quá 3 chức danh cùng cấp; không thực hiện quy hoạch đồng thời với việc đề xuất bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Trên cơ sở tổng kết 5 năm thực hiện Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 7-10-2017, của Bộ Chính trị, “Về luân chuyển cán bộ”, Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 28-4-2022, của Bộ Chính trị, “Về luân chuyển cán bộ” có những nội dung chặt chẽ hơn, từ việc xem xét, bố trí, quyết định cán bộ luân chuyển, đến việc giao trách nhiệm cho các cơ quan có liên quan nhận xét, đánh giá cán bộ định kỳ hằng năm, bố trí cán bộ sau khi hết thời gian luân chuyển,.... Nếu như Quy định số 98-QĐ/TW nhấn mạnh cán bộ được luân chuyển là những cán bộ trẻ, triển vọng trong quy hoạch, thì Quy định số 65-QĐ/TW chỉ rõ cán bộ luân chuyển chỉ trong diện quy hoạch lãnh đạo. Về nguyên tắc bố trí chức danh khi luân chuyển cán bộ, Quy định số 65-QĐ/TW quy định thực hiện theo nguyên tắc bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức vụ dự kiến phân công, bố trí. Trong khi đó, Quy định số 98-QĐ/TW quy định về nguyên tắc bố trí chức danh khi luân chuyển là đối với cán bộ đã giữ chức vụ cấp trưởng 2 nhiệm kỳ liên tục và những cán bộ luân chuyển để thực hiện chủ trương không phải là người địa phương, khi luân chuyển chủ yếu bố trí làm cấp trưởng. Về tiêu chuẩn, điều kiện luân chuyển cán bộ, Quy định số 65-QĐ/TW nêu rõ, “có đủ sức khỏe và còn thời gian công tác ít nhất 10 năm công tác tính từ thời điểm luân chuyển. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong công tác cán bộ; tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đồng thời kiên quyết loại bỏ những cán bộ yếu kém ra khỏi hàng ngũ của Đảng.
Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Bộ Chính trị, “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”, đã giải thích rõ nội hàm của khái niệm “miễn nhiệm”, “từ chức”; đồng thời, đưa ra những quy định, quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức và bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức. So với Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 2-10-2009, “Về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ”, Quy định số 41-QĐ/TW cụ thể hóa những quy định, cơ chế, chính sách trong việc xử lý đối với cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ và việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời gian bổ nhiệm. Quy định số 41-QĐ/TW bổ sung nhiều khái niệm mới, như “miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức”. So với Quy định số 260-QĐ/TW, Quy định số 41-QĐ/TW có những quy định xử lý mạnh hơn, cho thấy tinh thần kiên quyết của Đảng trong việc xử lý những cán bộ yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Về quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức, Điều 8 Quy định số 41-QĐ/TW đưa ra những mốc thời gian cụ thể, ngắn hơn so với Quy định số 260-QĐ/TW, thể hiện rõ quan điểm quyết liệt của Đảng trong xử lý cán bộ thiếu năng lực: “Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”. Đồng thời, “cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc”. Quy định số 260-QĐ/TW nêu mốc thời gian 30 ngày cùng quy trình giải quyết khiếu nại, nên ít nhiều chưa thể hiện được tính kịp thời. Tương tự, hồ sơ và quy trình xử lý theo Quy định số 41-QĐ/TW cũng gọn hơn so với Quy định 260-QĐ/TW.
Điều 10 Quy định số 41-QĐ/TW nêu khái quát về việc bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức, trong đó “bố trí công tác phù hợp” theo điều kiện cụ thể, đồng thời tiếp tục “xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử” nếu thể hiện sự tiến bộ. Điều này cho thấy, Đảng ta rất rạch ròi, kiên quyết trong xử lý cán bộ yếu kém, nhưng cũng rất nhân văn, bao dung, mà mục đích chính là làm cho tổ chức, cán bộ, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục.
Hướng đến mục tiêu kỷ luật tự giác và nhân văn, Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6-7-2022, của Bộ Chính trị, “Về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”, có nhiều nội dung mới về tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng mức kỷ luật trong việc xem xét vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Điều 5 Quy định số 69-QĐ/TW đưa ra một số tình tiết để xem xét, giảm nhẹ mức kỷ luật đối với các tổ chức đảng, như chủ động, kịp thời báo cáo vi phạm với tổ chức đảng cấp trên, thái độ kiểm điểm nghiêm túc, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với vi phạm, chủ động cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phản ánh đầy đủ, trung thực về vi phạm, chủ động chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục cơ bản, kịp thời hậu quả do vi phạm của tổ chức mình gây ra trước và trong quá trình kiểm tra, giám sát,…; đối với đảng viên, chủ động báo cáo vi phạm của mình với tổ chức đảng, tự giác nhận trách nhiệm cá nhân về khuyết điểm, vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với nội dung, tính chất, mức độ vi phạm trước và trong quá trình kiểm tra, giám sát thì sẽ được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật. Ngược lại, Quy định số 69-QĐ/TW cũng quy định các trường hợp đảng viên sẽ bị tăng nặng mức kỷ luật, như đảng viên đã được tổ chức đảng yêu cầu kiểm điểm, nhưng không thực hiện, không sửa chữa khuyết điểm, vi phạm; không tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm, hình thức kỷ luật tương xứng với nội dung, tính chất, mức độ vi phạm; gây thiệt hại về vật chất phải bồi hoàn nhưng không bồi hoàn, không khắc phục hậu quả hoặc khắc phục không đúng yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, không tự giác nộp lại tiền, tài sản do vi phạm mà có; đối phó, quanh co, cản trở quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán…; bao che cho người vi phạm; đe dọa, trù dập, trả thù người đấu tranh, tố cáo, người làm chứng, người cung cấp tài liệu, chứng cứ vi phạm…
Đặc biệt, Quy định số 69-QĐ/TW khuyến khích đảng viên đổi mới, sáng tạo. Đảng viên thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo nhưng xảy ra thiệt hại và nguyên nhân để xảy ra thiệt hại là do khách quan, thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì miễn kỷ luật đảng. Đảng viên do chấp hành quyết định sai trái của cấp trên hoặc bị ép buộc, nhưng đã chủ động, kịp thời báo bằng văn bản về ý kiến, đề xuất của mình trước khi thực hiện thì cũng được miễn kỷ luật đảng.
Bên cạnh đó, Thông báo Kết luận số 20-TB/TW, ngày 8-9-2022, của Bộ Chính trị, “Về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”, cho thấy sự quyết liệt, nhưng cũng rất nhân văn trong công tác cán bộ của Đảng. Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì cần tự nguyện xin từ chức; đồng thời, nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, để tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện.
Thứ năm, Quy định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị là sự cụ thể hóa chủ trương của Đại hội XIII, làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cấp ủy, người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Đại hội XIII xác định: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế Đảng lãnh đạo công tác cán bộ, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về công tác cán bộ. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị”(3). Đây là định hướng chỉ đạo quan trọng, tạo nền tảng cho Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18-8-2022, của Bộ Chính trị, “Về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”. Quy định số 80-QĐ/TW, thay thế cho Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017, của Bộ Chính trị, “Về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”; làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cấp ủy, người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tổng thể, liên thông trong công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị; đánh giá khách quan, công tâm, lựa chọn và bố trí đúng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
So với Quy định số 105-QĐ/TW, Quy định số 80-QĐ/TW đưa ra nội dung bao quát, toàn diện hơn về quản lý cán bộ; trong đó, bổ sung việc bổ nhiệm lại, tái cử, chỉ định, phong, thăng, giáng, tước quân hàm, cho thôi chức vụ, tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, cách chức cán bộ và giải quyết khiếu nại, tổ cáo trong công tác cán bộ và cán bộ. Về nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ, Quy định số 80-QĐ/TW bổ sung thêm tiêu chí “uy tín của cán bộ” khi xem xét bổ nhiệm cán bộ và không bổ nhiệm đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật. Những điểm mới này thể hiện sự minh bạch, khách quan, nghiêm minh trong công tác cán bộ của Đảng, là đòi hỏi cấp thiết đặt trong bối cảnh “một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp”(4).
Về điều kiện bổ nhiệm cán bộ, Quy định số 80-QĐ/TW bổ sung quy định về việc cán bộ phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm. Đây là điểm mới của Quy định số 80-QĐ/TW so với quy định trước đây về điều kiện bổ nhiệm cán bộ. Bên cạnh đó, Quy định số 80-QĐ/TW cũng đã thay đổi điều kiện về bổ nhiệm cán bộ đối với trường hợp kỷ luật như sau: 1- Cán bộ bị kỷ luật khiển trách sẽ không được bổ nhiệm chức vụ cao hơn trong vòng 12 tháng (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật); 2- Cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo sẽ không được bổ nhiệm chức vụ cao hơn trong vòng 30 tháng; 3- Cán bộ bị kỷ luật cách chức sẽ không được bổ nhiệm chức vụ cao hơn trong vòng 60 tháng. Như vậy, thời gian không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn đã được quy định cụ thể hơn so với quy định trước đây(5).
Để thực hiện tốt công tác cán bộ theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới
Mặc dù chưa đến nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị về công tác cán bộ; đặc biệt là, tập trung giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định (chủ trương khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung) hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn (vấn đề quy hoạch, luân chuyển, miễn nhiệm, từ chức,…), từ đó mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ. Tựu trung, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về công tác cán bộ của Đảng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII cho thấy một số đặc điểm nổi bật sau: 1- Các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương là sự cụ thể hóa định hướng chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng về công tác cán bộ, đưa ra những hướng dẫn cụ thể, chi tiết giúp cho cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tổ chức thực hiện dễ dàng, thuận lợi; 2- Các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương về công tác cán bộ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng là sự kế thừa và bổ sung những nghị quyết cũ bằng nhiều nội dung mới, phù hợp hơn. Điều này xuất phát từ thực tiễn công tác cán bộ thời gian qua, cũng như nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; 3- Các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương có nội dung khá bao trùm, toàn diện về các khâu trong công tác cán bộ, từ giới thiệu, bố trí, bổ nhiệm, luân chuyển, đến miễn nhiệm, từ chức,…
Thời gian tới, để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
Một là, trên cơ sở đánh giá, tổng kết các quy định, kết luận đã có, cần tiếp tục ban hành những quy định mới nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc trong công tác cán bộ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn không ít trường hợp chưa phản ánh đúng thực chất. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, cá biệt có nơi bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín. Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc”(6). Do đó, cần có những quy định nhằm tiếp tục cụ thể hóa tiêu chí, quy trình, phương pháp đánh giá, xếp loại cán bộ, xử lý cán bộ sau đánh giá; bổ sung, hoàn thiện chính sách, cơ chế, quy định công tác cán bộ toàn diện, bảo đảm tính khoa học và tính khả thi đối với tất cả các khâu, các bước, các nội dung, công việc của công tác cán bộ.
Hai là, gắn dân chủ với tăng cường kỷ luật đảng, tạo môi trường đổi mới, sáng tạo trong công tác cán bộ. Trong bối cảnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn diễn biến phức tạp, thì công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng cần phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, bài bản, để kịp thời đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên suy thoái, không xứng đáng, có năng lực, uy tín thấp, đồng thời tạo sức răn đe, cảnh tỉnh lớn hơn. Xử lý đúng người, đúng tính chất sai phạm còn góp phần bảo đảm dân chủ, tạo động lực để cán bộ yên tâm công tác, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Ở khía cạnh này, tăng cường kỷ luật đảng không những không làm cán bộ nhụt chí vì an toàn, mà còn là một cơ chế bảo vệ và khuyến khích cán bộ dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị cần được thể chế hóa thành pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa bằng những chương trình hành động của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp để cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung có thể nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, là việc làm thường xuyên của Đảng và của cả hệ thống chính trị.
Ba là, tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được đưa ra trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội, là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là nhiệm kỳ Đại hội XII(7) và Đại hội XIII của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”(8). Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng nhằm xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả đối với công tác cán bộ, trong đó có cả kiểm soát chặt chẽ người làm công tác cán bộ. Thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ ở tất cả các khâu trong công tác cán bộ; gắn kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm quy rõ trách nhiệm của từng cán bộ, từng khâu trong công tác cán bộ; bảo đảm tính đồng bộ, lô-gíc, khoa học, chặt chẽ cả về nguyên tắc, đối tượng và hình thức kiểm soát trong công tác cán bộ(9)./.
-------------------------
(1), (8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 187, 190
(2) Như: Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27-12-2021, của Bộ Chính trị, “Về công tác quy hoạch cán bộ”; Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 28-4-2022, của Bộ Chính trị, “Về luân chuyển cán bộ”.
(3), (4), (6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 243, 223, 196
(5) Điều 14 Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”.
(7) Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.
(9) Xem: Mai Văn Chính: “Nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 7-2-2022,https://tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/nang-cao-hieu-qua-kiem-soat-quyen-luc-trong-cong-tac-can-bo-hien-nay
Tỉnh Quảng Ninh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả  (24/11/2022)
Hà Nội: Đột phá vào những khâu mới, việc khó trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh  (03/11/2022)
Bệnh quá lời  (29/10/2022)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên