Bệnh quá lời

VŨ VIẾT XÔ
06:36, ngày 29-10-2022

Những năm gần đây, công tác cán bộ của Đảng tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là về đánh giá cán bộ và sử dụng cán bộ. Do vậy, phần đông cán bộ các cấp đều trưởng thành, đảm nhiệm được trọng trách khi tổ chức phân công. Tuy nhiên, trong công tác cán bộ cũng xuất hiện “hội chứng quá lời” của một số cán bộ lãnh đạo các cấp khi trao quyết định cho cán bộ thuộc quyền được bổ nhiệm hay điều động “sang ngang”, thậm chí ngay cả đối với những cán bộ nhận quyết định xuống vị trí thấp hơn.

Có lần, ở một địa phương nọ, một vài cán bộ mắc khuyết điểm đến mức phải thi hành kỷ luật, có người còn bị truy tố vì có hành vi tham nhũng. Không ít người đã bàn luận, nói ra nói vào, rồi lần mở lại các thông tin về những cán bộ này khi nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ. Theo đó, hầu hết số này khi nhận quyết định “thăng chức”, điều chuyển “sang ngang”, đều được “sếp” đánh giá rất cao. Ví như, đồng chí A là một cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, được đào tạo bài bản, trải qua nhiều vị trí công tác đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn tiêu biểu về phẩm chất và đức tính gương mẫu, được quần chúng tín nhiệm cao; đồng chí B là một cán bộ trẻ, được đào tạo chuyên sâu, luôn năng động, đổi mới, tạo được bước tiến đột phá của ngành...

Suy ngẫm lại những lời đánh giá của các “sếp”, dư luận lại xôn xao. Họ cho rằng cơ quan và cấp ủy nắm cán bộ không chắc, không thấy được những hạn chế của cấp dưới trước khi bổ nhiệm (?!). Có trường hợp một số cán bộ học hành chưa đến nơi, đến chốn nhưng “sếp” cứ nói theo thói quen là được đào tạo bài bản; trong hồ sơ nhận xét cán bộ hằng năm ghi hoàn thành nhiệm vụ ở mức tốt, nhưng khi “sếp” giao nhiệm vụ cứ nhắc đi nhắc lại vị trí nào cũng hoàn thành xuất sắc...(?!).

Tôi chợt nhớ chuyện cũ ở đơn vị mình. Ấy là khi một cán bộ “có vấn đề” mà tổ chức phải xử lý, đưa sang vị trí thấp hơn (chủ yếu để chờ đủ thời gian nghỉ hưu), nhưng để động viên cán bộ nhận nhiệm vụ, khi trao quyết định, “sếp” lại dành những lời nhận xét có cánh, rồi khẳng định vị trí mới được trên tin tưởng giao là lĩnh vực rất quan trọng, đòi hỏi phải có trình độ, kiến thức toàn diện và kinh nghiệm dày dạn... Nào ngờ, “sếp” vừa dứt lời, thì với thái độ bình tĩnh, anh cán bộ đứng dậy cảm ơn, rồi thẳng thắn nói: Tôi rất hiểu lý do được trên điều động giao nhiệm vụ này. Là cán bộ, đảng viên tôi sẵn sàng nhận khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm; sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi tổ chức phân công, nhưng... giá như các thủ trưởng cứ nói đúng mức về tôi thì tâm trí tôi cảm thấy thanh thản, nhẹ nhõm hơn!

Những sự việc đó cho thấy, việc nhận xét, đánh giá cán bộ kiểu như thế là vô tình coi thường nhận thức của cán bộ cấp dưới, của nhân dân. Tôi mang chuyện này kể với anh bạn tôi làm công tác tổ chức ở một cơ quan bộ. Anh cười rồi nói: Khổ lắm! các “sếp” ở trên cao, đôi khi không nhớ hết; cơ quan chuyên môn tham mưu, “sếp” lại không nghe. Vài “sếp” cứ nói thêm, “tung hứng” quá mức, đánh giá chủ quan, vượt cả nhận xét của cấp ủy đối với đồng chí đó.

Việc đánh giá, ghi nhận đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ các cấp trong mọi lúc mọi nơi là rất cần thiết. Những cán bộ có trách nhiệm khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới dù ở cương vị nào cũng nên nói đúng mức, không nên phiến diện, chủ quan, nói quá lời, khen quá lời để rồi đến lúc “há miệng mắc quai”, thành sự đàm tiếu của dư luận. Khi giao nhiệm vụ cho cán bộ cấp dưới, “sếp” nên chỉ ra cho đồng chí đó những vấn đề cần chú ý, tập trung giải quyết, cùng tập thể lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, hoàn thành mọi nhiệm vụ; tốt hơn nữa, là phân tích, chỉ ra những hạn chế và đưa ra sự lãnh đạo, định hướng để đồng chí của mình khắc phục, không ngừng hoàn thiện. Đó mới thực sự là tình đồng chí, thực sự là tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng ta./.