Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 06 đến ngày 12-5-2019
Phân cấp cho các địa phương trong sắp xếp các sở, ngành, phòng, ban
Triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh) và dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 37/2014/NĐ-CP (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện). Đây là cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.
Mặc dù nghị định sửa đổi chưa được ban hành, song, ngay sau khi có Kết luận số 34-KL/TW nhiều địa phương đã sớm thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện (sáp nhập sở ngành, phòng ban). Việc sáp nhập, sắp xếp này chưa có sự thống nhất, đã tạo ra nhiều điểm "nghẽn" và gây băn khoăn trong dư luận. Trước tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trong tháng 12-2018 Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, chờ Chính phủ ban hành Nghị định.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế Đào Thị Hồng Minh, việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện là vấn đề nhạy cảm, còn nhiều ý kiến thảo luận, nội dung dự thảo phải sửa đi, sửa lại nhiều lần nên chậm ban hành. Đến nay nghị định này đã cơ bản hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành.
Theo đó, dự thảo nghị định đưa ra hướng các sở được tổ chức thống nhất (cứng) gồm có chín sở (dự thảo ban đầu chỉ giữ cứng bốn sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế). Còn những sở ngành có thể sáp nhập, hợp nhất gồm có: Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng… Đối với các sở này tại năm thành phố trực thuộc trung ương, tại những tỉnh có thể tự cân đối ngân sách và những tỉnh có diện tích trên 10.000 km2 và có dân số trên hai triệu người thì địa phương có thể quyết định nhập hay không nhập. Đối với bốn sở có thể hợp nhất: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông thì địa phương tùy vào điều kiện đặc thù để sắp xếp hợp lý.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, hiện tại việc này vẫn đang trong giai đoạn dự thảo nên chưa xác định cụ thể sẽ sáp nhập sở nào với sở nào mà chỉ đưa ra một số vấn đề mang tính nguyên tắc, khung để các địa phương tự tính toán hợp lý.
Hiện nay, Nghị định 24 và 37 vẫn có hiệu lực và guồng máy vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì phải sửa Nghị định. Mục tiêu thay thế hai nghị định này là để đảm bảo một việc thì chỉ một người phụ trách. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chỉ ra thực tế hiện nay là có nhiều nhiệm vụ mà có hai đến ba nơi cùng làm, ví dụ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm có nhiều ngành cùng quản lý dẫn đến không phân định rõ trách nhiệm. Hay trong một số vấn đề về tài nguyên có nhiều việc còn đan xen nhau; quản lý về đầu tư, tài chính, quản lý danh mục vốn, thanh quyết toán thì hai ngành kế hoạch - đầu tư và tài chính nhiều lúc trùng nhau. Ngay việc quản lý vốn ODA cũng rất phức tạp. Nếu nhiều việc trùng lắp giữa các sở, ngành thì phải hướng đến sửa làm sao để một người có thể làm nhiều việc chứ một việc không thể giao cho nhiều người.
“Làm sao bộ máy gọn nhẹ, tinh giản, có hiệu lực hiệu quả và phân cấp, phân quyền, chức năng rõ để bộ máy từ địa phương lên Chính phủ cho tốt”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nói.
Ông cũng cho rằng lãnh đạo các địa phương có tinh thần cải cách mạnh mẽ nhưng Thủ tướng có ý kiến là chờ nghị định của Chính phủ để thực hiện cho thống nhất, hướng tới không phải sáp nhập đầu mối một cách cơ học mà làm sao để tránh chồng chéo, phân định nhiệm vụ cho thật rõ. Nghị định sẽ phân cấp mạnh cho các địa phương trong việc sắp xếp các sở, ngành, phòng, ban bởi mỗi tỉnh có một thế mạnh, điều kiện khác nhau, lãnh đạo tỉnh sẽ nghiên cứu để sắp xếp bộ máy cho phù hợp. Tuy nhiên, các địa phương phải bám sát phương châm là "rõ việc, giảm cồng kềnh, hiệu lực và biên chế không tăng lên".
Bỏ hình thức giáng chức không làm bớt tính nghiêm minh của pháp luật
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, vấn đề nhiều cán bộ trẻ bị kỷ luật, việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh… là những nội dung được báo giới đề cập tại buổi họp báo Bộ Nội vụ, chiều 09-5.
Đề cập đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang trình Quốc hội xin ý kiến bỏ hình thức kỷ luật giáng chức, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức - Bộ Nội vụ Nguyễn Tư Long cho biết, việc bỏ hình thức kỷ luật này không làm bớt tính nghiêm minh, nghiêm khắc của việc thực thi pháp luật, vì hình thức kỷ luật giáng chức chỉ áp dụng đối với công chức lãnh đạo quản lý. Ngoài hình thức này còn có hình thức kỷ luật cách chức.
Hiện tại đang có 5 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức gồm: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc. “Ở giữa giáng chức và cách chức, quá trình thực thi người Việt Nam có những lúc duy tình. Đáng lẽ ra phải sử dụng hình thức mạnh mẽ là cách chức thì đâu đó có hiện tượng chỉ áp dụng hình thức giáng chức. Đây không phải là lách luật mà là giảm nhẹ hình thức kỷ luật”, ông Nguyễn Tư Long nói.
Theo ông, Bộ Nội vụ đã nêu quan điểm trình Chính phủ và Chính phủ cũng thống nhất trình bỏ hình thức kỷ luật giáng chức, nếu không phải là khiển trách, cảnh cáo, cán bộ, công chức là lãnh đạo quản lý sẽ bị xử lý nghiêm khắc bằng hình thức cách chức.
Thông tin thêm, Phó Vụ trưởng này cho hay, việc giữ hình thức kỷ luật giáng chức có xung đột với các yêu cầu về vị trí việc làm. Vị trí việc làm xác định rất rõ, ví dụ 1 cấp trưởng, 3 cấp phó. Ví dụ, một người đang ở vị trí cấp trưởng bị giáng chức, tức là được bổ nhiệm vào một chức vụ thấp hơn.
“Bây giờ có 3 người cấp phó ngồi đó rồi, làm gì còn vị trí việc làm để bổ nhiệm người ấy làm cấp phó”, ông Long nói và cho biết điều này khiến thực tế sinh ra một số trường hợp bị giáng chức, chẳng hạn từ Vụ phó xuống Trưởng phòng, tức là từ cấp phó lại sang cấp trưởng, không tương đương. Ngoài ra, việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đáp ứng yêu cầu tương thích với 4 hình thức kỷ luật bên Đảng quy định, gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ khỏi Đảng. Điều này giúp bảo đảm sự liên thông trong công tác cán bộ.
Đà Nẵng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu tình hình mới
Ngày 08-5, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức sơ kết năm năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 06-11-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp yêu cầu xây dựng thành phố trong tình hình mới.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, trong năm năm qua Chỉ thị 29-CT/TU đã tác động đến nhận thức, tinh thần trách nhiệm cao, bước đầu tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính của thành phố, công tác cán bộ và lề lối làm việc của cán bộ công chức, viên chức. Công tác tuyển dụng, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện chặt chẽ, dân chủ, không để xảy ra tiêu cực trong công tác cán bộ; có cơ chế đột phá trong bố trí và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng; cơ chế đề bạt, bổ nhiệm cạnh tranh vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Thành phố đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp quan trọng, đột phá, sáng tạo trong công tác cải cách hành chính, tác động tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố, cải thiện đáng kể chất lượng phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao rõ rệt; mở rộng hình thức, phạm vi công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính và các thông tin quản lý nhà nước, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ tại 100% cơ quan hành chính nhà nước; mở rộng số lượng và chất lượng thực hiện cơ chế một cửa liên thông giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thẩm quyền phối hợp của nhiều cơ quan hành chính nhà nước với nhau...
Trong năm năm qua có 186 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức ở Đà Nẵng vi phạm pháp luật Nhà nước và các quy định đối với công chức, viên chức.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính; tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục phiền hà không cần thiết, nhất là các lĩnh vực đất đai, tư pháp, quản lý đô thị... Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần tổ chức các kênh tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của người dân có hiệu quả; rà soát, giải quyết và trả lời kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, tổ chức và các phương tiện thông tin đại chúng chuyển tới một cách khách quan, hợp lý, kịp thời; rà soát nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến văn hóa công vụ, qua đó hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng làm việc của đội của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; kiểm tra, kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc trì trệ, kém hiệu quả trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thái Bình hợp nhất ba Văn phòng: Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND - UBND
Ngày 10-5, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 3589/QĐ-UBND ngày 31-12-2018 của UBND tỉnh và trao các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh Thái Bình. Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nội vụ Thái Bình đã công bố Quyết định số 3589 của UBND tỉnh về hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh Thái Bình và công bố các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Văn phòng này.
Theo đó, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan hành chính Nhà nước, tương đương cấp sở, thuộc UBND tỉnh Thái Bình, có chức năng tham mưu, tổng hợp, phục vụ hoạt động của văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, trụ sở làm việc tại số 76, đường Lý Thường Kiệt, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Văn phòng có 11 đơn vị trực thuộc, mỗi đơn vị trực thuộc có một trưởng phòng và tương đương; có các phó trưởng phòng và tương đương; trước mắt giữ nguyên số lượng các phó trưởng phòng như hiện nay, khi có cán bộ nghỉ hưu, chuyển công tác thì không được bổ sung, đồng thời xây dựng kế hoạch điều chuyển, sắp xếp lại phó trưởng phòng để đến hết năm 2020 số lượng cấp phó trưởng phòng của các đơn vị đảm bảo đúng quy định...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng nhấn mạnh: Việc sáp nhập phù hợp với quá trình thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn cơ quan Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh thực hiện tốt hơn nữa chức năng tham mưu cho ba cơ quan trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị phục vụ sự điều hành của cấp ủy.
Đồng Nai: Giải quyết nhanh thủ tục cho người dân khi điều chỉnh địa giới hành chính
Theo Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh Đồng Nai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (có hiệu lực thi hành từ ngày 01-6-2019), tới đây, tỉnh Đồng Nai sẽ điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã và giải thể 1 xã của huyện Long Thành, thành lập 5 phường thuộc thị xã Long Khánh và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai. Quá trình điều chỉnh địa giới hành chính sẽ phát sinh nhiều vấn đề, đòi hỏi chính quyền các cấp phải nỗ lực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Các cơ quan chức năng của Đồng Nai đang xây dựng kế hoạch thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh; trong đó ưu tiên đẩy nhanh thủ tục cấp bách, liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân như: Hoàn thiện hồ sơ địa giới hành chính mới; điều chỉnh bản đồ địa chính; cấp đổi hộ khẩu, hộ tịch, chứng minh nhân dân cho người dân tại các khu vực; điều chỉnh và thu hồi dấu cũ.
Đơn vị chức năng của Công an Đồng Nai đã chuẩn bị sẵn sàng phương án để đổi hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân mới cho người dân tại các địa phương thực hiện điều chỉnh. Theo quy định, việc cấp đổi các loại giấy tờ người dân phải chịu phí, tuy nhiên, ngành chức năng đang bàn bạc nhằm hỗ trợ chi phí cho người dân.
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, Sở đang gấp rút làm thủ tục liên quan đến quản lý đất đai để phục vụ bàn giao, quản lý sau khi hình thành các đơn vị hành chính mới. Trong đó, ưu tiên việc hoàn chỉnh bộ hồ sơ địa giới hành chính và bản đồ địa chính của các xã, phường mới. Đối với việc thành lập 5 phường và thành phố Long Khánh, việc điều chỉnh tương đối thuận lợi do chỉ thay đổi tên gọi từ xã lên phường và từ thị xã lên thành phố. Tuy nhiên, huyện Long Thành phải tiến hành điều chỉnh dữ liệu đất đai, bản đồ và hồ sơ do xã Suối Trầu sẽ bị giải thể. Đây là công việc rất quan trọng, phải hoàn thành nhanh vì trực tiếp liên quan đến quyền lợi về đất đai của người dân.
Theo lãnh đạo UBND thị xã Long Khánh, thị xã đã tiến hành thủ tục để khắc dấu cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhằm đảm bảo phục vụ người dân ngay sau khi điều chỉnh. Ngoài ra thị xã đã làm hồ sơ trình UBND tỉnh để thành lập các khu phố tại 5 xã được nâng cấp lên lên phường.
Ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ, thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính sẽ có nhiều công việc, thủ tục phải làm. Các sở, ngành, địa phương cần dành sự ưu tiên, giải quyết trước những vấn đề cấp bách, cần thiết. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, tất cả các giấy tờ của người dân liên quan đến cơ quan Nhà nước thì giao trách nhiệm cho các xã, phường mới giải quyết theo đúng quy định. Các xã, phường nào chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục cho người dân sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, thành phố và Chủ tịch UBND tỉnh./.
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 06 đến 12-5-2019)  (13/05/2019)
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về điều tra dân số  (13/05/2019)
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về điều tra dân số  (13/05/2019)
Thủ tướng tiếp Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc  (12/05/2019)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên