Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 06 đến 12-5-2019)
TCCSĐT - Cách đây 1 năm, ngày 07-5-2018, Tổng thống Nga V. Putin tuyên thệ nhậm chức trong nhiệm kỳ thứ 4 của mình. Có thể thấy rõ, dưới sự chèo lái đất nước của Tổng thống V. Putin, hình ảnh nước Nga thật sự thay đổi, và không thể phủ nhận về những đóng góp của Tổng thống V. Putin đối với khả năng duy trì trật tự xã hội, mang lại đời sống thịnh vượng cho người dân và không ngừng nâng tầm vị thế nước Nga trên trường quốc tế.
Nhìn lại một năm cầm quyền của Tổng thống Nga
Tổng thống Nga V. Putin. Ảnh: TTXVN
Đánh giá về 1 năm đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ 4 của Tổng thống V. Putin, nhìn chung nhiều người nhận định, bất chấp việc bị các nước phương Tây áp đặt trừng phạt (kể từ năm 2014 liên quan đến những xung đột bùng phát ở miền Đông Ukraine và vùng lãnh thổ Crimea sáp nhập vào Nga), nền kinh tế Nga vẫn trụ vững. Thậm chí, năm 2018, kinh tế Nga đạt mức tăng trưởng 2,3%, mức cao nhất kể từ năm 2012 (3,7%). Báo cáo về tầm nhìn kinh tế thế giới năm ghi nhận nền kinh tế Nga tiếp tục trụ vững, dù các đòn trừng phạt ngày một siết chặt, trong đó nổi bật nhất là tỷ lệ lạm phát thấp và ổn định, sản lượng dầu tiếp tục tăng trong năm 2018. Một điều đáng nói khác là Nga mạnh tay “cắt giảm” 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối, giảm phụ thuộc đồng USD bằng cách chuyển sang các đồng ngoại tệ khác như Euro, Yen Nhật, Nhân dân tệ Trung Quốc. Năm 2018, Nga có sự bứt phá trong bảng xếp hạng của hãng Bloomberg, từ vị trí thứ 7 lên vị trí thứ 2. Để có được thành quả này, trong năm qua, nhà lãnh đạo Nga đầu tư phát triển nhiều ngành, nghề khác nhau trong nền kinh tế. Nhờ đó, hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều ghi nhận sự phát triển tích cực, đặc biệt là nông nghiệp trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế.
Song song với đẩy mạnh phát triển kinh tế trong nước, Nga còn tăng cường tìm kiếm các phương thức hợp tác mới với các đối tác ngoài thế giới phương Tây. Nga củng cố và mở rộng quan hệ với các nước ở khu vực châu Mỹ, châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt với Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hiện kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt ngưỡng 100 tỷ USD.
Về an ninh - quốc phòng, Nga tạo ra sự đột phá về kỹ thuật trong lĩnh vực quốc phòng. Thành tựu tàu lượn siêu thanh được phóng thành công là một trong số rất nhiều thành tựu trong ngành công nghệ quốc phòng Nga. Nga cũng đã phát triển được một loạt vũ khí chiến lược, trong đó có các hệ thống tên lửa siêu thanh Poseidon, Avangard và Kinzhal, cùng với vũ khí laser có tên gọi Peresvet.
Không chỉ có vậy, nước Nga trong năm qua tiếp tục lấy lại vị thế và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế, thể hiện vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế như chống khủng bố, chương trình hạt nhân Iran, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, tấn công mạng, không phổ biến vũ khí hạt nhân… Đặc biệt, trên chính trường Syria, với sự giúp đỡ của Nga, chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad đã đánh bại lực lượng khủng bố và giành lại quyền kiểm soát gần như toàn bộ đất nước. Tuy nhiên, trong 1 năm qua, quan hệ giữa Nga và nước láng giềng Ukraine vẫn trong tình trạng căng thẳng. Ngoài ra, mối quan hệ Nga - Mỹ và phương Tây cũng bị xấu đi liên quan đến việc hai nước đình chỉ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)…
Không thể phủ nhận, kể từ khi nắm quyền lãnh đạo đất nước, Tổng thống V. Putin có những đóng góp lớn và ý nghĩa trong việc giữ vững nền độc lập cũng như chủ quyền quốc gia và dần đưa nước Nga lấy lại vị thế của một cường quốc, hướng tới trật tự thế giới công bằng, bình đẳng hơn, hợp tác cùng phát triển dựa trên luật pháp quốc tế. Trước những cơ hội và thách thức, trong thông điệp liên bang hồi tháng 02-2019, Tổng thống V. Putin nhấn mạnh tiếp tục mục tiêu lãnh đạo đất nước trong những năm tới là phát triển kinh tế và sức mạnh quân sự quốc phòng Nga. Theo ông, người dân Nga cần phải cảm thấy cuộc sống cải thiện nhờ việc thực hiện các dự án quốc gia.
Triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung nhiều khó khăn
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN
Sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 10-5, Bắc Kinh đã cân nhắc hủy đàm phán thương mại với Washington. Trong bối cảnh một phái đoàn Trung Quốc sẽ tới Washington trong tháng 5-2019 để tiến hành vòng đàm phán được cho là cuối cùng với mục tiêu hoàn tất một thỏa thuận thương mại cho cuộc gặp quan trọng giữa lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, diễn biến căng thẳng này khiến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vẫn còn chông gai.
Động thái trên được Tổng thống D. Trump đưa ra bất chấp hôm 01-5, Nhà Trắng cho biết Mỹ và Trung Quốc đang đạt được “tiến bộ đáng kể” trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra, và các báo cáo chỉ ra rằng các nước đang ký kết một thỏa thuận.
Theo các nhà phân tích kinh tế, nguyên nhân khiến Tổng thống D. Trump đưa ra động thái trên là do kinh tế Trung Quốc vẫn đang khởi sắc, tăng trưởng ổn định trong quý I-2019 bất chấp xuất khẩu sang Mỹ giảm. Các nhà kinh tế thuộc Citigroup nhận định, Trung Quốc sẽ ít có khả năng đưa ra thêm các nhượng bộ và lời đe dọa trên của Tổng thống D. Trump nhằm gia tăng sức ép đối với Trung Quốc để đạt được những nhượng bộ này.
Việc Tổng thống Mỹ gây thêm sức ép đối với Trung Quốc bộc lộ một thực tế rằng, những điểm còn vướng mắc, bất đồng giữa hai nước là những vấn đề khó khăn nhất không dễ vượt qua. Nhìn vào những vấn đề kinh tế đang tồn tại trong quan hệ hai nước có thể hiểu rằng, hai bên có những khác biệt then chốt rất khó hóa giải, đặc biệt có những điểm được xem là “giới hạn đỏ”.
Mặc dù trong các cuộc đàm phán đã và đang diễn ra, hai bên đạt được tiến bộ trong việc thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ, thông qua việc Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn đậu nành, vi mạch và các sản phẩm khác của Mỹ, hay việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty nước ngoài, song vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các vấn đề mang tính cấu trúc sẽ có được bước đột phá. Khi tìm cách cân bằng thương mại với Trung Quốc, Washington đang động vào giới hạn đỏ của Bắc Kinh - yêu cầu Trung Quốc cải cách cơ bản các chính sách hiện nay và cải cách cấu trúc nền kinh tế. Washington cho là Trung Quốc đang thiên vị và chống lại các doanh nghiệp Mỹ, như trợ cấp lớn cho các công ty Trung Quốc và buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Mỹ cũng muốn xóa bỏ các rào cản phi thuế quan của Trung Quốc đối với thương mại, như bảo hộ công nghiệp, thủ tục cấp bằng, tiêu chuẩn kỹ thuật và những cách làm khác nhằm tạo lợi thế cho các doanh nghiệp Trung Quốc trước các đối thủ Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ khó chấp nhận những đòi hỏi như vậy, bởi để đáp ứng các yêu cầu đó, Bắc Kinh phải thay đổi chính sách cũng như cách thức hoạt động của nền kinh tế nước này, một bước đi được cho là có thể khiến Mỹ “kiểm soát” nền kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc muốn giải quyết các bất đồng và va chạm kinh tế, thương mại giữa hai nước bằng phương thức hợp tác, nhưng là “hợp tác có nguyên tắc”.
Có thể thấy, dù Mỹ và Trung Quốc vẫn đang cố gắng để thu hẹp bất đồng, nhưng càng gần đến giai đoạn cuối thì dường như hai bên lại thể hiện sự quyết liệt nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và cũng là lợi ích mang tính chiến lược cốt lõi của mỗi quốc gia. Điều này khiến triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung không rõ ràng.
Mỹ - Anh thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt
Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo. Ảnh: TTXVN
Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo thực hiện chuyến thăm Anh trong ngày 08-5. Chuyến thăm của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ diễn ra gần một năm sau chuyến thăm chính thức Anh của Tổng thống D. Trump đã một lần nữa khẳng định “quan hệ đặc biệt” giữa hai nước.
Tại cuộc hội đàm ở thủ đô London (Anh), Ngoại trưởng M. Pompeo đánh giá cao quan hệ giữa Mỹ và Anh, đồng thời khẳng định hai nước sẽ duy trì mối quan hệ vững chắc bất kể kết quả Brexit như thế nào. Về vai trò của Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc trong mạng lưới 5G thế hệ mới của Anh, Ngoại trưởng M. Pompeo nói rằng, Mỹ muốn Anh bảo đảm an ninh đối với mạng 5G và có trách nhiệm bảo đảm cơ quan tình báo nước này hoạt động trong một mạng lưới an toàn. Về phần mình, Ngoại trưởng Anh J. Hunt đề cập đến Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), cho biết, Anh cam kết sẽ tiếp tục tìm cách để giảm bớt các lệnh trừng phạt Iran. Về vấn đề Triều Tiên, Ngoại trưởng M. Pompeo kêu gọi cộng đồng quốc tế cần duy trì sức ép với Triều Tiên cho tới khi nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Có thể khẳng định, Chính phủ Anh luôn chờ đợi các chuyến thăm của giới chức Mỹ tới Anh, bởi các chuyến thăm này sẽ thúc đẩy “quan hệ đặc biệt” giữa Anh với Mỹ thời hậu Brexit. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi đặt trong bối cảnh Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt khi Anh phải lùi thời hạn Brexit. Một thực tế không thể phủ nhận rằng, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, Anh vẫn luôn cần mối quan hệ đặc biệt với Mỹ để duy trì vị thế của một cường quốc thế giới.
Trong khi đó, về hợp tác kinh tế, Anh và Mỹ cũng là nhà đầu tư lớn nhất của nhau. Theo thống kê, kim ngạch thương mại song phương đạt con số 160 tỷ bảng mỗi năm (khoảng 210 tỷ USD). Hơn 15% kim ngạch xuất khẩu của Anh sang thị trường Mỹ. Xét về vị thế thương mại, Mỹ và Anh là hai nhà xuất khẩu dịch vụ ưu việt với sự hiểu biết song phương sâu sắc và doanh nghiệp hai bên đều có sự cạnh tranh lành mạnh tạo tiền đề cho những hợp tác lâu dài hơn nữa. Sau chuyến thăm Anh của Tổng thống D. Trump, ngày 24-7, Anh và Mỹ chính thức bước vào vòng đàm phán đầu tiên, liên quan đến một thỏa thuận thương mại song phương mới, nhằm đối phó với những kịch bản sau Brexit. Đây cũng là mục tiêu lý tưởng với một nước Anh hậu Brexit khi vừa phải đối mặt với nhiều nguy cơ về kinh tế, vừa mong muốn tiếp tục giữ tiếng nói trong các thể chế tài chính toàn cầu.
Quan hệ Anh - Mỹ không chỉ dựa trên lĩnh vực chính trị và kinh tế mà còn đan xen lợi ích trong tất cả các lĩnh vực. Trong một thế kỷ qua, hợp tác giữa Mỹ và Anh về an ninh, tình báo cũng như quốc phòng là một sự hợp tác hết sức bền chặt. Mặc dù giữa Anh và Mỹ đã có những bất đồng quan điểm về việc Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay Anh “thất vọng” trước việc Mỹ áp mức thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép, song “quan hệ đặc biệt” giữa hai bên luôn giúp hóa giải nhiều vấn đề.
Xung quanh việc Iran đình chỉ thực hiện một số cam kết trong JCPOA
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN
Một năm sau khi Tổng thống D. Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thuộc Nhóm P5+1 đạt được năm 2015, căng thẳng giữa Washington và Tehran nhanh chóng leo thang khi Mỹ tuyên bố đang triển khai tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một lực lượng máy bay ném bom tới vùng Vịnh, trong khi Iran thông báo ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Các diễn biến căng thẳng mới này tiếp tục là trở ngại cho mối quan hệ Mỹ - Iran.
Nhìn lại quan hệ Mỹ - Iran, có thể nhận thấy mối quan hệ này dưới thời cựu Tổng thống B. Obama đã có bước cải thiện đáng kể khi nhóm P5+1 cùng Iran đạt được một thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA hồi năm 2015. Theo đó, Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống D. Trump lên nắm quyền năm 2017, quan hệ giữa Mỹ và Iran xấu đi nghiêm trọng. Khi lên cầm quyền, Tổng thống D. Trump đã có nhiều động thái đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm, trong đó có việc rút khỏi JCPOA vào tháng 5-2018. Theo đó, Chính phủ Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Do vậy, trước tuyên bố của Mỹ, ngày 08-5, Iran thông báo với đại sứ của các nước Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga về quyết định của nước này “ngừng thực hiện một số cam kết” trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ký giữa Tehran vào nhóm các nước này cùng với Mỹ.
Nhiều nước trên thế giới đã có phản ứng sau khi Tổng thống Iran H. Rouhani cảnh báo Tehran sẽ thu hẹp việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận JCPOA, cụ thể là Tehran sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Trong một tuyên bố, Pháp khẳng định muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015, song cảnh báo nếu Iran không tuân thủ các cam kết của mình thì vấn đề khởi động một cơ chế trừng phạt sẽ được đưa ra thảo luận. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran phải được duy trì. Ông tuyên bố thêm Bắc Kinh “cực lực phản đối” các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Iran.
Còn theo các nhà phân tích, việc Iran đình chỉ thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân sẽ tương ứng với hai phần trong kế hoạch, vốn sẽ mở đường cho Iran chấm dứt một phần hoặc toàn bộ các cam kết của mình trong JCPOA, nếu Mỹ và các bên khác thất bại trong việc tuân thủ thỏa thuận. Đây sẽ là bước đi đầu tiên của Iran hướng tới đáp trả việc Mỹ rút khỏi JCPOA cũng như sự thất bại của các quốc gia châu Âu trong việc thực thi các cam kết.
Giới phân tích cũng nhận định sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 là mối hiểm nguy đối với Iran và cả thế giới. Còn theo tờ Javan theo đường lối cứng rắn của Iran có liên hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cho rằng, tuyên bố của Tehran ngày 08-5 sẽ “châm mồi lửa đốt cháy thỏa thuận hạt nhân”. Theo tờ Javan, Iran có thể lắp đặt các máy li tâm hiện đại tại cơ sở Natanz và bắt đầu hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Fordo, các hoạt động đều bị cấm theo thỏa thuận hạt nhân.
Cạnh tranh ở Bắc Cực “nóng” lên
Ảnh minh họa. Ảnh: sggp.org.vn
Ngoại trưởng các nước thuộc Hội đồng Bắc Cực nhóm họp tại thành phố Rovaniemi (Phần Lan) ngày 07-5 để thảo luận về tương lai của Bắc Cực. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa các nước, đặc biệt là Mỹ, Nga và Trung Quốc về cách đối phó với sự nóng lên toàn cầu và về quyền kiểm soát khu vực Bắc Cực, vùng đất giàu tiềm năng và có vị thế chiến lược này.
Bắc Cực trở nên hấp dẫn nhiều quốc gia trên thế giới vì về mặt địa lý, Bắc Cực tuy là khu vực có khí hậu vô cùng khắc nghiệt nhưng lại chiếm tới gần 30% trữ lượng khí đốt và 13% trữ lượng dầu mỏ chưa được phát hiện trên toàn thế giới. Cùng với dầu mỏ và khí đốt, Bắc Cực cũng là nơi rất giàu khoáng sản, đặc biệt là kim loại hiếm, nguồn nguyên liệu chính để chế tạo linh kiện điện tử và các hệ thống điều khiển vũ khí.
Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất tăng nhanh, những khối băng khổng lồ ở Bắc Cực bắt đầu tan, khiến các quốc gia trên thế giới hy vọng về việc hình thành những tuyến hàng hải mới, cũng như khả năng tiếp cận đáy biển, khai thác tài nguyên thiên nhiên Bắc Cực. Các quốc gia đã ráo riết cạnh tranh quyền kiểm soát khu vực Bắc Cực, tăng cường sự hiện diện trong khu vực để khi băng tan có thể khai thác phần lớn trữ lượng dầu khí còn sót lại của thế giới, cộng với các mỏ khoáng sản khổng lồ như kẽm, sắt và kim loại hiếm.
Song hành với các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thăm dò, các nước từng bước triển khai lực lượng quân sự tại đây, gây nên một cuộc chạy đua quân sự ở khu vực này. Mục đích của các nước trong việc triển khai lực lượng quân sự tại Bắc Cực là muốn khẳng định sự hiện diện quốc gia. Hiện nay, Nga đã mở lại các căn cứ quân sự gần Bắc Cực vốn đóng cửa từ sau Chiến tranh Lạnh và hiện đại hóa Hạm đội phương Bắc hùng mạnh. Đáp lại, Mỹ cũng đã tái lập hạm đội có trách nhiệm giám sát Bắc Cực. Ngoài ra, Na Uy, Canada, Đan Mạch… cũng tăng cường ngân sách quốc phòng phục vụ cho các hoạt động ở Bắc Cực. Trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017, Trung Quốc đã đầu tư vào khu vực Bắc Cực gần 90 tỷ USD. Trong bối cảnh cạnh tranh về lợi ích giữa các nước ở Bắc Cực như vậy, giữa các nước xuất hiện ngày càng nhiều mâu thuẫn trong nhiều vấn đề, như việc Bắc Cực có nguy cơ bị “quân sự hóa”, hay việc băng tan do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu.
Trong tương lai, các bên tham gia Hội đồng Bắc Cực, kể cả các quan sát viên cần phải nỗ lực hợp tác quốc tế hơn nữa mới hy vọng giải quyết được các vấn đề ở đây. Các quốc gia này không chỉ thúc đẩy bảo vệ môi trường mà còn cần tiến hành đàm phán, ký kết các thỏa thuận ràng buộc về pháp lý, ứng phó với các thách thức về tìm kiếm cứu nạn, ngăn ngừa và sẵn sàng ứng phó với sự cố tràn dầu ở Bắc Cực. Bên cạnh đó, phối hợp khai thác du lịch, đường hàng hải Bắc Cực, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường... giữa các nước là biện pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ tranh chấp./.
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về điều tra dân số  (13/05/2019)
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về điều tra dân số  (13/05/2019)
Thủ tướng tiếp Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc  (12/05/2019)
Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019  (12/05/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển