Quảng Ninh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
TCCS - Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh có sự phát triển đột phá, kinh tế liên tục tăng trưởng cao, giữ vững đà tăng trưởng 2 con số 7 năm liên tiếp (2016 - 2022). Một trong những nguyên nhân quan trọng của sự phát triển đột phá, đó là tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, xác định đây là mục tiêu xuyên suốt, là yếu tố mang tính then chốt để tạo môi trường hấp dẫn, thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Giai đoạn tiếp theo, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề ra những giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để đây thực sự là một điểm sáng trong thu hút nguồn lực.
Đẩy mạnh cải cách hành chính: nhiệm vụ thường xuyên, liên tục
Tỉnh Quảng Ninh xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là yếu tố then chốt xuyên suốt các nhiệm kỳ. Tỉnh luôn chú trọng cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, hấp dẫn, thông thoáng, thuận lợi. Quảng Ninh đã xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình về cải cách hành chính, như Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 14-9-2015, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, “Về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030”; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 9-4-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, gắn với Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022, về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 850 QĐ/UBND, ngày 19-4-2012, về Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2015, Quyết định số 985-QĐ/UBND, ngày 4-4-2016, về Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 124 NQ-HĐND, ngày 4-11-2022, về một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Quảng Ninh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính một cách toàn diện trên 6 nội dung, gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đến nay, hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh được xây dựng, áp dụng hệ thống phần mềm ISO điện tử theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Trung tâm phục vụ hành chính công từ tỉnh đến huyện được thành lập với nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, trang bị đầy đủ, đồng bộ các thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phần mềm công nghệ trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính, bảo đảm thuận tiện trong quá trình giao dịch cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn, tạo sự thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính. Nhờ đó, thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm từ 40% - 60% so với quy định của Trung ương, đặc biệt, một số thủ tục cắt giảm trên 70% thời gian, như lĩnh vực chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính được rút ngắn góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân. 100% số thủ tục hành chính đủ điều kiện (tương ứng 1.017 dịch vụ công trực tuyến) được cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tổ chức triến khai số hóa, bóc tách dữ liệu đối với 20 thủ tục hành chính của 5 sở, ngành(1), 25 dịch vụ công thiết yếu(2) và 100% số hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” sớm hơn so với chỉ đạo của Trung ương tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện(3). Tổng số thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là 1.433. Việc giải quyết theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” bao gồm: Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số cơ quan, trả kết quả gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết. Triển khai chữ ký số giúp giảm chi phí, thời gian giao dịch, tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm các thủ tục hành chính được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian, có cơ chế kiểm tra, giám sát. Các hoạt động được thực hiện công khai, minh bạch trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu.
Ngay sau khi có quyết định phê duyệt Đề án 06 (theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước chủ động báo cáo, đề xuất Chính phủ được lựa chọn “làm điểm” triển khai thực hiện đề án. Tỉnh đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng, với sự tham gia của 11.255 thành viên. Đến nay, hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh đã hoàn thành kết nối với cơ sở dữ liện quốc gia về dân cư nhằm phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân, là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng một người dân phải sử dụng quá nhiều giấy tờ cá nhân, song không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.
Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sát thực tiễn, năm 2022, lần thứ hai Quảng Ninh đạt vị trí dẫn đầu toàn quốc cả 4 chỉ số PCI, SIPAS, PAR INDEX, PAPI, trong đó 6 năm liên tiếp (2017 - 2022) giữ vị trí quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); 10 năm liền (2013 - 2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; duy trì 4 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) (2019 - 2022); 4 năm dẫn đầu cải cách hành chính PAR INDEX (năm 2018 - 2020 và 2022) và 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Đây đều là những kết quả chưa từng có tiền lệ, quan trọng hơn là Quảng Ninh đang đi đúng hướng để xây dựng một nền hành chính đạt chuẩn mực quốc gia, quốc tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả, ngày càng khẳng định thương hiệu, hình ảnh, văn hóa “đồng hành, cam kết, thực thi” của tỉnh Quảng Ninh đối với doanh nghiệp.
Những kết quả xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả góp phần rất lớn trong việc thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế. Tổng thu hút đầu tư ngoài ngân sách trong gần 3 năm của tỉnh Quảng Ninh đạt 430.736 tỷ đồng(4), trong đó thu hút mới được 26 dự án FDI, với số vốn đăng ký đạt 3.614,5 triệu USD, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ. Một trong những điểm sáng về thu hút vốn FDI năm 2023, ngoài các nhà đầu tư truyền thống, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, Quảng Ninh đón nhiều nhà đầu tư mới đến từ các nước châu Âu, trong đó có Thụy Điển với Dự án Công ty TNHH Autoliv Việt Nam tại khu công nghiệp Sông Khoai ở thị xã Quảng Yên, với tổng mức đầu tư khoảng 154 triệu USD. Đó là minh chứng cho sự thành công trong cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Quảng Ninh, góp phần xây dựng thương hiệu “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả
Trong suốt tiến trình phát triển, công tác cải cách hành chính luôn được xác định là một trong ba đột phá chiến lược, Quảng Ninh tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, giải pháp về cải cách hành chính, hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và thực sự hiệu quả, tạo đòn bẩy thu hút các nhà đầu tư, trở thành điểm sáng trong thu hút nguồn lực. Theo đó, cần chú ý một số giải pháp sau:
Một là, Tỉnh ủy Quảng Ninh tiếp tục quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, xuyên suốt công tác cải cách hành chính, tập trung cải cách hành chính toàn diện với quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm mới đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng cần thường xuyên đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống của nhân dân, kịp thời nhận diện những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức để tìm cách tháo gỡ.
Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò cũng như trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương trong công tác cải cách hành chính. Để nâng cao trách nhiệm trực tiếp của người lãnh đạo trong nhiệm vụ cải cách hành chính, tỉnh Quảng Ninh quy định kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và là căn cứ để bình xét thi đua, khen thưởng của các cơ quan, đơn vị hằng năm. Quảng Ninh đã ban hành một loạt các văn bản về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và đã đem lại những hiệu quả nhất định khi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện nghiêm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp, tăng cường các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Do đó, việc tiếp tục duy trì tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương với công tác cải cách hành chính là hết sức cần thiết.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực và có phẩm chất đạo đức tốt, bảo đảm hiệu quả trong thực thi công vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị và thật sự tâm huyết với công việc, xác định phục vụ nhân dân là nhiệm vụ chính. Tiếp tục tổ chức các lớp tuyên truyền, hướng dẫn công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính đến đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu triển khai. Phát huy chính sách thu hút, lựa chọn đúng người thực đức, thực tài trong bộ máy lãnh đạo, quản lý, mạnh dạn bố trí, sử dụng ở các vị trí phải chịu trách nhiệm “đứng mũi chịu sào” trong bối cảnh đầy khó khăn, thử thách. Thực tế cho thấy, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công chức, viên chức tận tụy, chuyên nghiệp, trung thành làm việc có kỷ cương, kỷ luật là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong cải cách hành chính của tỉnh Quảng Ninh.
Trong giai đoạn tiếp theo, trước những biến đổi nhanh chóng của thực tiễn, đòi hỏi cao hơn nữa việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, do đó việc đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ, nâng cao chất lượng về mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp; đề cao đạo đức công chức và kỷ luật công vụ; liêm chính, tận tụy phục vụ nhân dân được Quảng Ninh luôn chú trọng. Tỉnh tiếp tục thực hiện lồng ghép việc triển khai công tác cải cách hành chính trong các nội dung phát động thi đua, như đẩy mạnh phong trào thi đua “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa văn minh” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thi đua tạo sự chuyển biến thực chất rõ nét nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan trong hệ thống chính trị đối với nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Bốn là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt triển khai công tác cải cách hành chính trên tất cả các nội dung đến đông đảo người dân và doanh nghiệp để biết và thực hiện. Tuyên truyền cải cách hành chính nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm tổ chức thực hiện cải cách hành chính của cán bộ quản lý các cấp; cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ; giám sát hoạt động thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao nhận thức về cải cách hành chính, tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong triển khai cải cách hành chính và giám sát quá trình thực hiện cải cách hành chính của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh đã tổ chức nhiều nội dung tuyên truyền cải cách hành chính có ý nghĩa với hình thức mới đặc sắc, như tổ chức “Hội thi tìm hiểu cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh”, cuộc thi viết “Sáng kiến cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh”, cuộc thi tuyên truyền cải cách hành chính qua các clip với chủ đề “Chặng đường 10 năm thực hiện cải cách hành chính theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 8-11-2011 của Chính phủ”.
Năm là, đầu tư nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ công chức. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là một trong những địa phương đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Tỉnh vận hành có hiệu quả mạng thông tin chính quyền điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã theo mô hình tập trung, đồng bộ. Năm 2019, Quảng Ninh đã khai trương vận hành Trung tâm điều hành thành phố thông minh. Đây là trung tâm có quy mô tích hợp đồng bộ nhất hiện nay tại Việt Nam, được tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có của tỉnh, giúp có được một cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực... trên phạm vi toàn tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đề ra, thực hiện hiện đại hóa nền hành chính là hết sức cần thiết trong những năm tiếp theo.
Như vậy, với việc sử dụng đồng bộ các giải pháp cơ bản, cốt lõi trong công tác cải cách hành chính, trong tương lai, Quảng Ninh tiếp tục là một “Điểm đểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”./.
---------------------
(1) Gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Y tế.
(2) Trong đó có 6 dịch vụ công thiết yếu sử dụng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của tỉnh để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, 19 dịch vụ công thiết yếu sử dụng hệ thống phần mềm chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
(3) Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã thực hiện số hóa được 37.030 hồ sơ đầu vào (đạt 100%), trả 27.214 kết quả bàn điện tử cho tổ chức, người dân (đạt 73,5%)41; trung tâm hành chính công cấp huyện đã thực hiện tiếp nhận và số hóa 59.412/97.692 hồ sơ (đạt 60,8%) và trả 35.857/99.530 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân (đạt 36%); hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và xử lý trên môi trường điện tử của 3 cấp chính quyền đạt tỷ lệ trên 90%.
(4) Cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 70 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 120.108 tỷ đồng, cấp mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 129 dự án vốn trong nước với tổng vốn đàng ký đạt 310.626 tỷ đồng.
Quảng Ninh xây dựng nông thôn mới ngày càng thực chất, hiệu quả  (10/10/2023)
Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ của Trung Quốc và một số gợi ý tham chiếu cho tỉnh Quảng Ninh  (09/10/2023)
Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế  (06/10/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển