Quảng Ninh quyết tâm giữ vững thành quả phòng, chống dịch, bảo vệ địa bàn “An toàn - Ổn định trong trạng thái bình thường mới”
TCCS - Đến thời điểm hiện nay, Quảng Ninh vẫn là địa phương thích ứng an toàn, linh hoạt trong đại dịch COVID-19. Kinh tế giữ vững đà tăng trưởng với tốc độ cao. Thành quả này đến từ những quyết sách đầy quyết liệt, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng sự đồng lòng, chung sức của người dân trong tỉnh.
Những quyết định mang tầm chiến lược
Ứng phó trước thách thức của đại dịch COVID-19, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực, phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch, lấy chống dịch thành công làm tiền đề để giữ vững đà tăng trưởng, chủ động ứng phó nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả với dịch bệnh.
Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, lãnh đạo tỉnh đã dành hầu hết thời gian, tâm sức để lo cho công tác chống dịch với mục tiêu: Dập dịch thành công vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết và trước hết. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên đến “điểm nóng”, vùng đang có ca mắc COVID-19 để nắm bắt tình hình, chấn chỉnh kịp thời cách làm chưa đúng, thiếu hiệu quả của địa phương, hay chỉ đạo trực tiếp những biện pháp cần triển khai trong khoanh vùng, dập dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân. Điều đó cho thấy sự quyết liệt, quyết tâm của người đứng đầu tỉnh, tạo sức lan tỏa để những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở địa phương, cơ sở học tập trong triển khai công tác lãnh đạo, điều hành ở địa bàn mình quản lý. Qua đó, đã tạo ra sự đồng bộ trong cả hệ thống chính trị để triển khai công tác phòng, chống dịch một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Cùng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, từng cộng đồng dân cư, nhất là ở cơ sở, đã và đang thực hiện hiệu quả nhiều mô hình, phong trào thiết thực, cụ thể, bảo đảm thích ứng an toàn trong trạng thái bình thường mới của Quảng Ninh, với hơn 1.500 tổ tự quản phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng cùng hàng nghìn người dân tham gia.
Nhằm phát huy vai chủ thể của người dân trong công tác phòng, chống dịch, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã xây dựng, hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung hướng dẫn xây dựng, kiện toàn và phát huy vai trò của các tổ liên gia theo nhóm hộ gia đình. Đồng thời, tập trung hướng dẫn các nội dung bổ sung vào quy ước, hương ước tại cộng đồng dân cư các quy tắc xử sự gắn với các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp quy định chung và tình hình thực tiễn tại địa phương, bảo đảm 3 an toàn “Cá nhân an toàn - gia đình an toàn - cộng đồng an toàn”.
Nhờ đó, Quảng Ninh đã giữ được địa bàn an toàn, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, kinh tế tăng trưởng cao, bảo đảm đời sống an sinh xã hội. Sau hơn 2 năm đối mặt với dịch bệnh COVID-19, tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn đạt mức cao. Cụ thể, năm 2020 đạt 10,05% - là một trong những địa phương có mức tăng trưởng kinh tế cao của cả nước. Bước sang năm 2021, dù phải đương đầu trực tiếp với dịch bệnh, khi có những ca mắc mới trong cộng đồng, nhưng 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn đạt 8,6%, cao hơn nhiều lần so với trung bình cả nước; thu hút FDI đạt trên 1 tỷ USD, gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công có bước tiến vượt bậc. Mới đây, ngày 24-10-2021, Quảng Ninh đã đồng loạt khởi công, khởi động 4 dự án động lực, gồm: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, Sân golf Đông Triều, Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh và Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1). Tổng vốn đầu tư các dự án này đã lên tới con số trên hơn 283.000 tỷ đồng. Điều này một lần nữa thể hiện sức hút của Quảng Ninh cũng như niềm tin của nhà đầu tư đối với tỉnh. Quảng Ninh hiện cũng là một trong những địa phương có tốc độ tiêm vắc-xin cho người dân nhanh của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm được trên 1,8 triệu mũi vắc-xin, hệ số sử dụng vắc-xin đạt 105,3%; trong đó, có 973.940 mũi 1 và 873.957 mũi 2 (đã có 973.940 người từ 18 tuổi trở lên được tiêm, đạt 95,44%).
Những bài học kinh nghiệm quý báu
Để có được thành quả đó, thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, thích ứng nhanh với diễn biến dịch bệnh; chủ động vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, sự chỉ đạo của cấp trên vào điều kiện thực tế địa phương trên cơ sở nhận diện, đánh giá đúng tình hình. Từ đó, có những quyết sách và hành động phù hợp; nâng cao chất lượng ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách; chú trọng khâu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát; lựa chọn các vấn đề bức xúc, nổi cộm hoặc hạn chế, yếu kém ở địa phương, cơ quan, đơn vị để tập trung giải quyết có hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.
Thứ hai, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa bàn; chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, thống nhất ý chí và hành động, kiên trì thực hiện thành công phương châm “3 trước” (nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước); “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) trong ứng phó với COVID-19); dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thứ ba, kiên định thực hiện nguyên tắc, phương châm: “Lấy phòng dịch làm ưu tiên”, “Khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng, dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả”, ngăn chặn, tầm soát, chủ động phát hiện kịp thời, cách ly, khoanh vùng khoa học, dập dịch, xét nghiệm nhanh, diện rộng để bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết tận cùng F1, F2, F3 không để dịch lây lan ra diện rộng. Nếu không khoanh vùng dập dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở (phạm vi nhỏ nhất có thể) thì việc phòng, chống dịch sẽ gặp khó khăn do không đủ nguồn lực để ứng phó khi dịch lan ra phạm vi rộng.
Thứ tư, triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch gắn với bố trí nhiều tầng, nhiều lớp lực lượng, từ lực lượng nòng cốt đến lực lượng phối hợp và toàn dân. Đó là xây dựng, hoàn thiện kịch bản ứng phó có hiệu quả với từng tình huống cụ thể; xây dựng thế trận lòng dân; lực lượng công an phối hợp với các đơn vị chức năng tại từng khu vực có F0, quyết liệt đẩy nhanh tối đa tốc độ truy vết trên diện rộng, lấy mẫu, xét nghiệm không bỏ sót; củng cố, nâng cao năng lực cách ly tập trung các trường hợp F1; tăng cường năng lực điều trị đối với các tuyến y tế cấp tỉnh, cấp huyện.
Thứ năm, chủ động và tích cực tuyên truyền thường xuyên, mạnh mẽ, bài bản về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch, để người dân đề cao cảnh giác, nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ mình và cộng đồng trước dịch bệnh COVID-19. Mỗi người dân, mỗi gia đình là một chiến sĩ, mỗi cộng đồng dân cư là một pháo đài, có vai trò, vị trí rất quan trọng trong công tác phòng, chống và dập dịch.
Cuối cùng, đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh tới cơ sở, nhất là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, lực lượng tuyến đầu phát triển kinh tế. Cùng với đó là sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã tự lực, tự cường kiên trì khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, kiên trì phấn đấu quyết tâm giữ vững vùng “xanh” an toàn, đạt được những kết quả quan trọng, tương đối toàn diện, nổi bật trong thực hiện “mục tiêu kép” và chủ đề công tác năm trong 9 tháng.
Từ nay đến hết năm 2021, tỉnh cần xác định tiếp tục chủ động, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, bám sát tình hình thực tế để có giải pháp xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thỏa mãn với kết quả bước đầu. Tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, thực hiện quyết liệt các chiến lược ngăn chặn triệt để mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào địa bàn; tầm soát chủ động, xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm các nguy cơ từ bên trong; không để bị động, bất ngờ; tạo bước đột phá về tiêm phòng vắc-xin cho người dân có chỉ định tiêm, giữ vững “vùng xanh” an toàn.
Toàn tỉnh đưa quyết tâm thực hiện kịch bản điều hành tăng trưởng quý IV và cả năm 2021 để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% và tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 51.000 tỷ đồng. Đây là con số rất cao thể hiện quyết tâm của Quảng Ninh tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước.
Quảng Ninh đang đứng trước rất nhiều cơ hội thuận lợi, đan xen khó khăn, thách thức, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên. Do đó, cần nắm lấy thời cơ phát triển mới, lường trước những thách thức, hóa giải các nguy cơ; không lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh. Bằng tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, Quảng Ninh quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép, giữ vững đà tăng trưởng hai con số, cực tăng trưởng kinh tế toàn diện phía Bắc.
Dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được kiểm soát, các hoạt động của tỉnh đã trở về trạng thái bình thường mới, tỉnh đang tập trung các giải pháp khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, tình hình dịch trên toàn quốc vẫn đang còn nhiều diễn biến khó lường, hơn lúc nào hết, các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân trong tỉnh cần chung sức, đồng lòng, đề cao cảnh giác; bảo vệ thành quả chống dịch của tỉnh, góp phần vào công cuộc chống dịch của cả nước./.
Những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam tiếp tục tỏa sáng trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh  (19/11/2021)
Hà Nội nỗ lực hồi phục ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới  (18/11/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển