TCCSĐT - Hướng tới kỷ niệm 20 năm tái lập, trong thời gian qua, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; góp phần thúc đẩy cải cách, công khai minh bạch các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đi trước đón đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Sau nhiều năm triển khai đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo được nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc, tạo nền móng và tiền đề quan trọng cho việc xây dựng những "Văn phòng không giấy", tạo lập chính quyền điện tử.

Trong năm 2016, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh hoàn thiện phủ sóng 3G, Internet cáp quang tốc độ cao toàn tỉnh, lập kế hoạch và triển khai hạ tầng 4G tại các trung tâm hành chính; giai đoạn 2017-2018 hoàn thiện phủ sóng 4G phục vụ việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đến các tổ chức, công dân. Đến 2017, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, sử dụng mạng truyền dẫn số liệu chuyên dùng và dịch vụ Internet tốc độ cao trên đường truyền dữ liệu chuyên dùng. Giai đoạn 2016-2018, tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị bảo đảm: 100% cán bộ, công chức có máy tính làm việc, 100% cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ đồng bộ, hiện đại, an toàn thông tin, có tính tới các phương án dự phòng và kết nối mạng diện rộng của tỉnh. Ngoài ra, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức; gắn với việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ.

Để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác của cán bộ, công chức, Vĩnh Phúc đã có Nghị quyết 41/2011/NQ-HĐND ngày 19-12-2011 về việc hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức làm về công nghệ thông tin, viễn thông trong các cơ quan Đảng, đoàn thể và Nhà nước, đồng thời thu hút nhân tài và đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ làm việc ở lĩnh vực trên. Đến hết năm 2015, tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 4.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Đến nay, Vĩnh Phúc có 96% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh; 91% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản, sử dụng mạng máy tính để truy cập Internet tìm kiếm, khai thác thông tin phục vụ công tác. 100% các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp huyện trở lên có mạng LAN; 100% kết nối Internet cáp quang và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. Khoảng 95% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và 90% cấp huyện có máy tính; 100% số xã, phường có máy tính nối mạng Internet băng rộng. Tỷ lệ các loại văn bản, tài liệu được gửi, nhận qua hệ thống tại cấp huyện đạt gần 50%, cấp tỉnh đạt 62,4%.

Những kết quả bước đầu

Nhờ triển khai sâu rộng việc thực hiện ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; trong đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ các ngành, địa phương vận hành hiệu quả 3 ứng dụng: quản lý văn bản và điều hành, cổng thông tin điện tử thành phần, thư điện tử công vụ... nên tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc xây dựng chính quyền điện tử. Nếu 10 năm trước, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Vĩnh Phúc còn khá mới mẻ; ở không ít cơ quan, đơn vị là điều xa lạ, do hạ tầng mạng nội bộ mới đang trong giai đoạn đầu tư, hoàn thiện; trang thiết bị, nhân lực còn nhiều hạn chế. Khi đó, tại các cơ quan, đơn vị, phần lớn công văn, giấy mời… đều chuyển qua hệ thống bưu điện, thông báo qua điện thoại hoặc phải cử cán bộ mang đi, gây lãng phí về thời gian, sức lao động và giấy mực. Nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng máy tính vào các công việc đơn giản như xem tin tức, soạn thảo văn bản, việc sử dụng mạng, máy tính để trao đổi thư điện tử rất hạn chế. Giờ đây, các chương trình làm việc, lịch họp, giấy mời, tài liệu cuộc họp được chuyển cho các đại biểu nghiên cứu trước để nắm bắt rõ nội dung, tăng sự chủ động khi dự họp; đồng thời được đưa lên Cổng thông tin điện tử.

Hiện nay, các loại văn bản, giấy tờ, tài liệu như Niên giám thống kê điện tử, công báo điện tử, danh sách cơ quan và địa phương trong tỉnh, thông tin quy hoạch phát triển, báo cáo kinh tế-xã hội, đấu thầu mua sắm công, danh mục đề tài khoa học, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, ý kiến cử tri, thư điện tử công vụ, các nghị quyết, quyết định, chính sách... đều được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đã mang lại hiệu quả rõ nét, đảm bảo kết nối thông tin nhanh nhạy, giảm công sức, chi phí, hình thành các "Văn phòng không giấy"...

Đến hết năm 2016, 100% dịch vụ công của Vĩnh Phúc được thực hiện ở mức độ 3 - mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Đến hết năm 2017, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 - mức độ cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng dịch vụ.

Hiện nay, toàn tỉnh bàn giao, cấp phát khoảng 7.900 hộp thư điện tử công vụ cho 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được nâng cấp công nghệ, tích hợp hệ thống điện tử công vụ; hệ thống chữ ký điện tử được triển khai cài đặt cho 35 đơn vị, địa phương. Toàn tỉnh có 31 Cổng thông tin điện tử gồm 1 cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh và 30 cổng thông tin thành phần đang hoạt động. Dịch vụ công trực tuyến hiện có trên cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh hơn 1.600 thủ tục văn bản, trong đó có 3 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Hệ thống một cửa điện tử hiện đại quy mô toàn tỉnh đã triển khai xong giai đoạn 1 cho 25 đơn vị, địa phương.

Những kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử góp phần tạo môi trường thông thoáng, minh bạch về thủ tục hành chính, giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí thời gian, tiền bạc khi giải quyết thủ tục hành chính. Môi trường hành chính thông thoáng, minh bạch góp phần cải thiện môi trường thu hút đầu tư, tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội của tỉnh./.