Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai

Tin, ảnh Lan Hương
22:19, ngày 08-12-2016
TCCSĐT - Ngày 08-12-2016, nhân ngày Quốc tế Phòng, chống tham nhũng (09-12), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức tọa đàm chuyên đề về “Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai: Nghiên cứu trường hợp và hàm ý chính sách”.
Mục đích của tọa đàm nhằm chia sẻ và thảo luận một số phát hiện từ nghiên cứu thực chứng “Nhận dạng một số rủi ro và hành vi có dấu hiệu tham nhũng trong lĩnh vực đất đai từ một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và khai khoáng” do Viện Quản lý châu Á - Thái Bình Dương (thuộc trường Đại học Kinh tế quốc dân) và UNDP Việt Nam phối hợp thực hiện trong thời gian vừa qua. Tọa đàm được tổ chức với mong muốn chia sẻ những góc nhìn thực chứng trong bối cảnh tham nhũng và bất bình đẳng vẫn còn là những thách thức lớn trong quản lý đất đai ở Việt Nam.

Tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai vẫn tồn tại dai dẳng dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực phòng, chống tham nhũng mang tính tổng thể, liên ngành. Nghiên cứu của UNDP và Đại học Kinh tế quốc dân nhận diện những dấu hiệu tham nhũng trong lĩnh vực đất đai ở các dự án đầu tư phát triển có sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân - một hình thức đầu tư đang phát triển nhanh ở Việt Nam.

Với khung phân tích mới, nghiên cứu chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, từ đó đề xuất một số giải pháp chính sách nhằm kiểm soát tham nhũng hiệu quả hơn. Cụ thể, mục tiêu của nghiên cứu bao gồm:

- Xác định các dạng tham nhũng trong các dự án phát triển kết cấu hạ tầng và khai khoáng sử dụng ngân sách ngoài Nhà nước.

- Xác định các nguyên nhân của tham nhũng trong các dự án đó.

- Gợi ý một số chính sách phòng, chống tham nhũng.

Nghiên cứu bắt đầu với một số số liệu nền nhằm nắm bắt cảm nhận chung của người dân và doanh nghiệp về tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Tiếp đó, nghiên cứu thực hiện phỏng vấn sâu với các bên liên quan trong các trường hợp dự án có các hình thức hợp tác khác nhau giữa Nhà nước và tư nhân, bao gồm phát triển đô thị mới, cải tạo chợ mới, khai thác đá,… trong xây dựng nông thôn mới.

Kết quả nghiên cứu các trường hợp này cho thấy, trong hầu hết các dự án đều chưa có sự quan tâm thỏa đáng đến lợi ích của người dân cũng như những lợi ích kinh tế và xã hội rộng lớn hơn. Những người bị ảnh hưởng bởi các dự án đó cho rằng việc không coi trọng lợi ích của cộng đồng trong những dự án này cũng là một hành vi có dấu hiệu tham nhũng. Mối quan tâm của cộng đồng là cách phân bổ chi phí và lợi ích của các bên liên quan, và cách phân bổ đó có phản ánh lợi ích chung của cộng đồng hay không?

Tại Tọa đàm, các đại biểu trao đổi một số hàm ý chính sách và gợi ý một số biện pháp giúp cải thiện hiệu quả quản trị nhà nước về tài nguyên đất ở cấp địa phương và giảm thiểu tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Một là, Nhà nước yêu cầu các chủ đầu tư lập dự án theo hướng mở, yêu cầu các nhà đầu tư tham vấn đại diện của người dân và cộng đồng trong từng khâu của dự án. Các nhà hoạch định chính sách có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thử nghiệm hình thức thiết kế dự án mở tại Việt Nam. Thiết kế dự án mở cho phép người dân tham gia tranh luận về xây dựng đề án, thiết kế dự án, phân bổ ngân sách cho dự án và giám sát thực hiện dự án. Sự hỗ trợ về mặt chủ trương của Nhà nước và kỹ thuật của các nhà tài trợ là nền tảng cho sự thành công của cơ chế mở ở cấp độ dự án này.

Hai là, tạo cơ hội cho người dân tham gia cùng chính quyền địa phương trong việc quy hoạch và phát triển đất đai. Để làm được điều này, hệ thống luật pháp liên quan đến đất đai và quản lý dự án cần được bổ sung các quy định bắt buộc về việc tiếp thu ý kiến của người dân. Đồng thời, Luật Phòng, chống tham nhũng cần chú trọng ưu tiên phòng ngừa những hành vi “kết nối” có thể có giữa doanh nghiệp và cán bộ, công chức ở những lĩnh vực “nóng”, như đất đai và đầu tư.

Những ý kiến chia sẻ tại Tọa đàm đã đem lại một góc nhìn sâu hơn về một số rủi ro và hành vi có dấu hiệu tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, liên quan tới nhiều bên trong các dự án đầu tư hạ tầng được nghiên cứu./.