Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh
TCCS - Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng lớn mạnh, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, song cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, cần nhanh chóng khắc phục. Thời gian tới, để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp tốt hơn, cần có các giải pháp hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh
Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế năng động, được xem là một trong những trung tâm phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo Báo cáo thường niên năm 2021 của DO Ventures và Cento Ventures, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã vươn từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng 6 quốc gia lớn nhất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Indonesia và Singapore. Minh chứng là năm 2018, số vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5%, đến năm 2019 đã tăng lên 17%; số lượng các nhà đầu tư và quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam tăng 50%, đa số là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Singapore(1). Trong đó, với nguồn nội lực dồi dào và sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền các cấp, Thành phố Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị thế là một trong những thành phố dẫn đầu cả nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khi thu hút gần 50% số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp của cả nước.
Để đạt được những kết quả nổi bật đó, thời gian qua, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo(2). Từ những chính sách này, nhiều địa phương, đơn vị trong Thành phố đã triển khai các chương trình cụ thể giúp hệ sinh thái phát triển, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Điển hình, Thành phố đã hình thành mô hình không gian hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Saigon Innovation Hub - SIHUB) cho các doanh nghiệp. Trong giai đoạn ươm tạo của mô hình này, các doanh nghiệp nhận được nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển, như: Giảm chi phí hoạt động; hỗ trợ và đa dạng hóa các nguồn lực tài chính, thông tin, công nghệ và quản lý; hỗ trợ mở rộng thị trường và tham gia vào các thị trường mới… Nhờ vậy, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Thành phố ngày càng tăng cả về lượng và chất, trong đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và mô hình kinh doanh mới xuất hiện ngày càng nhiều, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Hình thành và bắt đầu hoạt động từ năm 2016 đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố đã có 44 tổ chức tham gia hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hơn 100 trường đại học và cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo, hơn 60 quỹ đầu tư, 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, 250 chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp. Hằng năm, hệ sinh thái khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hơn 500 sự kiện khởi nghiệp sáng tạo ở cả khối nhà nước và tư nhân; gần 80 cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo, thu hút hơn 3.000 dự án khởi nghiệp đăng ký tham gia, trong đó có hơn 350 dự án được ươm tạo mỗi năm tại các cơ sở ươm tạo nhà nước.
Năm 2017, Chương trình Speedup(3) chính thức được triển khai và đến nay đã xem xét hỗ trợ cho 61 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ từ nhà nước là 44,32 tỷ đồng, trong đó 26 dự án có vốn đối ứng từ các nhà đầu tư khác, với tổng kinh phí là 10,03 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48%. Hiện đã có 41 dự án được nghiệm thu, trong đó có 2 dự án được nhà đầu tư mua lại với định giá tăng từ 1,1 - 1,5 lần và đã hoàn trả kinh phí hỗ trợ cho nhà nước; 7 dự án huy động được vốn từ các quỹ đầu tư lớn, cao gấp 4,6 lần so với phần kinh phí hỗ trợ trước đó của Chương trình. Tổng giá trị định giá của 61 dự án ước khoảng 718 tỷ đồng, trong đó phần kinh phí nhà nước hỗ trợ là 44,32 tỷ đồng, chiếm 6,1%. Cũng trong năm 2017, nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trong khuôn khổ tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (I-Star) chính thức trở thành giải thưởng thường niên của Thành phố trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Giai đoạn 2017 - 2020, Giải thưởng I-Star đã thu hút được 1.087 hồ sơ tham dự và đã trao thưởng cho 43 cá nhân, tập thể tiêu biểu.
Năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chuỗi sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - TECHFEST 2021 thuộc khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - WHISE 2021 (TECHFEST - WHISE 2021) với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai”, gồm hơn 100 sự kiện trực tuyến và trực tiếp, thu hút hơn 2,5 nghìn lượt người tham dự, với hơn 500 diễn giả trong nước và quốc tế. Trên nền tảng TECHFEST247 đã có gần 1.000 gian hàng triển lãm với hơn 770 sản phẩm được giới thiệu, thu hút gần 19.000 lượt khách tham quan. Cũng trong chuỗi sự kiện trên, đã có 350 doanh nghiệp khởi nghiệp đăng ký kết nối với hơn 100 nhà đầu tư, tổng giá trị quan tâm đầu tư lên đến 15,16 triệu USD. Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành sự kiện để lại ấn tượng đáng nhớ và ngày càng được cộng đồng khởi nghiệp quan tâm, có hơn 6.000 lượt khách tham dự trong 20 sự kiện được đồng hành của 30 đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh; tạo điều kiện cho 99 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có cơ hội triển lãm, giới thiệu mô hình; gần 60 dự án khởi nghiệp sáng tạo được kết nối trực tuyến với các nhà đầu tư; thu hút sự tham gia của 500 doanh nhân, nhà đầu tư cá nhân; 60 tổ chức, cơ quan truyền thông và cộng đồng khởi nghiệp trên khắp cả nước tham gia.
Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, Thành phố rất chú trọng hoạt động hợp tác quốc tế. Nhiều bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác đã được ký kết với các đối tác ở Phần Lan, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Israel... nhằm phối hợp hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tiếp cận thị trường, các nguồn tài chính quốc tế; đặc biệt, tăng cường mở rộng hợp tác với các tổ chức đổi mới sáng tạo, tập đoàn lớn trên thế giới nhằm thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, các chuyên gia, phát triển thị trường, nâng cao năng lực hệ sinh thái khởi nghiệp... Thông qua các hoạt động trên, lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ của Thành phố được tiếp cận với tri thức, trang thiết bị, môi trường nghiên cứu tiên tiến, hiện đại, từ đó nâng cao hiệu quả và trình độ nghiên cứu, nhất là trong các lĩnh vực trọng tâm của Thành phố như xây dựng thành phố thông minh, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế...
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và thực hiện đổi mới sáng tạo. Thành phố đã đẩy mạnh tổ chức huấn luyện, tư vấn về đổi mới sáng tạo, năng suất, chất lượng, quản lý năng lượng và quản trị tài sản trí tuệ cho khoảng 25.000 doanh nghiệp; tổ chức các khóa học trực tuyến trên trang thông tin điện tử thu hút trên 50.000 lượt truy cập; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ quản trị tài sản trí tuệ để bảo vệ và khai thác hiệu quả các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua chương trình đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ cho hơn 1.000 cá nhân… Chính nhờ các hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã giúp nhiều doanh nghiệp có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, áp dụng các công cụ quản lý giúp tăng năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định, đó là:
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Thành phố chưa thực sự phát huy được tiềm năng vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu do các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp còn hoạt động rời rạc, chưa có sự gắn kết.
Đã có cơ sở thực tiễn và nguồn đầu tư sẵn có để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhưng còn thiếu cơ chế phối hợp giữa các đơn vị để huy động và phát triển các tiềm năng đó.
Quy trình lựa chọn của các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn rất khắt khe và không phải doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được…
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, làm đứt gãy một số chuỗi sản xuất, thương mại, hạn chế sự di chuyển các nguồn lực trên quy mô quốc gia và quốc tế, dẫn tới sự khó khăn của hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn non trẻ và dễ bị tổn thương, gây ra những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Một số giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, huy động mọi nguồn lực xã hội thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”(4). Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm:
Một là, khơi thông, khuyến khích phát triển nguồn tài chính khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm. Tạo lập hành lang pháp lý cho hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Đồng thời, chủ động đề xuất, tháo gỡ một số “điểm nghẽn” trong huy động các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng...
Hai là, mở rộng tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Thành phố Hồ Chí Minh có thể thí điểm cho phép các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia đấu thầu mua sắm công của Thành phố, Chương trình triển khai Chính phủ điện tử và Thành phố thông minh. Một kênh tiếp cận thị trường có tiềm năng phát triển cao cho doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay là mua sắm và đặt hàng giải pháp công nghệ từ phía các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước. Để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thị trường này, Thành phố từng bước phát triển thị trường khoa học - công nghệ với sự tham gia đặt hàng của các doanh nghiệp lớn và khuyến khích sự tham gia cung ứng của các doanh nghiệp công nghiệp khởi nghiệp.
Ba là, phổ biến kiến thức về khởi nghiệp; hoàn thiện hệ thống cơ sở ươm tạo; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, đặc biệt là các trường thuộc khối kỹ thuật - công nghệ, cần thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, với các nhiệm vụ hình thành không gian chung, tài trợ kinh phí cho các nhóm khởi nghiệp là giảng viên và sinh viên, tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản trị liên quan đến khởi nghiệp cho các nhóm khởi nghiệp. Tạo hành lang hỗ trợ tối đa cho thành lập một số trung tâm, viện nghiên cứu độc lập hoặc trực thuộc các trường đại học trên địa bàn về hai lĩnh vực công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI); khuyến khích các trường đại học liên kết quốc tế mở các ngành học về các công nghệ này để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích các chuyên gia người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài và người nước ngoài cộng tác nghiên cứu và đào tạo với các trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học trên địa bàn.
Bốn là, đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Để nâng cao hiệu quả và hiệu suất khai thác, cần tăng cường kết nối giữa những cơ sở hiện hữu với việc đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất của các trường đại học, các cơ sở ươm tạo cấp 1, cấp 2 và các trung tâm tăng tốc. Cần xây dựng Quy chế phối hợp đầu tư, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất cho khởi nghiệp sáng tạo giữa Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, các trường đại học, các cơ sở ươm tạo cấp 1, cấp 2 và các trung tâm tăng tốc… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện thực hóa ý tưởng của mình./.
--------------------------
(1) Xem: NSSC và BambuUP: Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2021, 2022
(2) Quyết định số 4181/QĐ-UBND, ngày 15-8-2016, “Ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”; Quyết định số 5342/QĐ-UBND, ngày 11-10-2016, “Ban hành Quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; Kế hoạch số 2934/KH-UNBD, ngày 5-8-2020, “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025”; Kế hoạch số 1474/KH-UBND, ngày 6-5-2022, về triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 trong năm 2022”…
(3) Chương trình SpeedUp do Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh triển khai, thông qua sự lựa chọn “gắt gao” của các chuyên gia và hội đồng tư vấn, các dự án khởi nghiệp có thể nhận được kinh phí hỗ trợ lên đến 2 tỷ đồng/dự án.
(4) Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Trang thông tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-thanh-pho-ho-chi-minh-lan-thu-xi-nhiem-ky-2020-2025-1491870713, ngày 18-10-2020
Hợp tác quốc tế: Cơ hội cho Thủ đô Hà Nội thúc đẩy liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp  (16/11/2022)
Thủ đô Hà Nội: Xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp  (19/10/2022)
Thanh niên Việt Nam: Nguồn nhân lực thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp  (04/10/2022)
Bàn giải pháp phát triển kinh tế sông ở đồng bằng sông Cửu Long  (02/08/2022)
Về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh  (31/07/2022)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay