TCCSĐT - Ngày 02-8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 51 (AMM 51) đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm Expo - Singapore, với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao đến từ 10 nước thành viên.

ASEAN củng cố sức mạnh nội tại
 
 
 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 51 (AMM 51). Ảnh: vov.vn

Hội nghị AMM 51 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen, khó đoán định, như gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn, tình hình Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông... hay các khó khăn đến từ kinh tế, như xu hướng bảo hộ trên toàn cầu, thương mại giảm sút.

Trên cơ sở nhận diện các khó khăn và thách thức, tại Hội nghị AMM 51, các Bộ trưởng đã tập trung thảo luận về các định hướng, giải pháp xây dựng Cộng đồng ASEAN; triển khai các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng theo Tầm nhìn ASEAN 2025; nâng cao khả năng tự cường của ASEAN để ứng phó với các thách thức nổi lên. Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng được đề cập là tăng cường đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và trong quan hệ với các đối tác; thúc đẩy xây dựng và đề cao các quy tắc, chuẩn mực ứng xử ở khu vực, trong đó có tiến trình soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, các nước thành viên ASEAN phải tiếp tục tăng cường kiến trúc khu vực mở, toàn diện và lấy ASEAN làm trung tâm. Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh điều quan trọng là ASEAN cần tiếp tục ủng hộ hệ thống đa phương và phối hợp với các đối tác cùng chí hướng để tăng cường mạng lưới hợp tác của tổ chức này.

Thủ tướng Singapore đồng thời lưu ý, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác đối thoại khác của ASEAN đã leo thang, hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, vốn củng cố cho sự tăng trưởng và thịnh vượng của ASEAN, đang phải chịu sức ép. Ông nhấn mạnh các nước ASEAN cần duy trì cam kết tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế.

Nhà lãnh đạo Singapore đánh giá cao việc các nước đang nỗ lực tối đa để cuối năm nay hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là một sáng kiến thương mại tự do có sự tham gia của 16 quốc gia (gồm 10 nước ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) và sẽ trở thành thỏa thuận thương mại tự do có quy mô lớn nhất trên thế giới, với gần một nửa dân số toàn cầu và 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Kết thúc Hội nghị, các bộ trưởng 10 nước thành viên đã ra thông cáo chung nêu rõ ASEAN cần củng cố sức mạnh nội tại thông qua các biện pháp gia tăng hơn nữa thương mại, đầu tư nội khối, liên kết kinh tế khu vực.

Nga và Nhật Bản tiếp tục các nỗ lực xây dựng lòng tin

 
 Ngoại trưởng Nga S. Lavrov và Ngoại trưởng Nhật Bản T. Kono. Ảnh: AP

Cuộc đối thoại cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng giữa Nga và Nhật Bản (khuôn khổ 2+2) lần thứ ba đã diễn ra ngày 31-7 tại thủ đô Moscow (Nga). Đây được coi là cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa hai nước.

Trong cuộc đối thoại, hai bên đã thảo luận về đối thoại chính trị song phương cũng như hợp tác an ninh, thương mại và kinh tế, cùng các vấn đề an ninh quốc tế và khu vực, các mối đe dọa và thách thức mới cũng như các cuộc xung đột khu vực, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, tình hình Syria và Trung Đông.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov tuyên bố Moscow đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ với Tokyo, phát triển hợp tác song phương trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có an ninh, bao gồm cả các vấn đề an ninh quốc tế, khu vực, các mối đe dọa và thách thức cũng như các cuộc xung đột khu vực. Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản T. Kono khẳng định việc làm sâu sắc đối thoại với Moscow có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh khởi động đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Nhìn lại lịch sử gần 7 thập niên qua, quan hệ giữa Nga và Nhật Bản vẫn luôn “lạnh nhạt” và có lúc trở nên căng thẳng. Nga và Nhật Bản vẫn chưa thể ký kết được một Hiệp ước hòa bình toàn diện kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Một trong những tồn tại chính là vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với 4 hòn đảo (Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai) do Nga kiểm soát từ tháng 8-1945 (mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc).

Năm 2010, Tổng thống Nga D. Medvedev đã thực hiện chuyến thăm lần đầu tiên tới quần đảo Kuril và tuyên bố Nga sẽ tăng cường sự hiện diện quân đội tại đây, đẩy quan hệ Nga - Nhật Bản lên một mức căng thẳng mới.

Năm 2013, quan hệ hai nước lại tiếp tục “nổi sóng” quanh sự kiện 2 máy bay chiến đấu của Nga xuất hiện tại khu vực tranh chấp và phía Nhật Bản cũng điều máy bay đến ngăn chặn. Sau đó, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe và Tổng thống Nga V. Putin đã có những động thái tích cực để không đẩy căng thẳng giữa hai nước leo thang. Đối thoại “2+2” giữa Nga và Nhật Bản lần đầu tiên đã được tổ chức hồi tháng 11-2013 tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Tuy nhiên, sự kiện này đã bị đình chỉ từ tháng 3-2014 do căng thẳng giữa hai nước liên quan đến cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp giảm căng thẳng, ngày 06-5-2016, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã thực hiện chuyến thăm Nga, một động thái cho thấy chuyển biến tích cực trong quan hệ hai nước.

Bất chấp những tranh chấp về lãnh thổ, Nga và Nhật Bản đang tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương. Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Nga V. Putin vào tháng 12-2016, hai bên đã đạt được thỏa thuận về tiến hành thảo luận các hoạt động hợp tác kinh tế chung trên Quần đảo Kuril. Ngày 20-3-2017, các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản và Nga đã nhóm họp tại Tokyo trong khuôn khổ cuộc đối thoại an ninh “2+2” đầu tiên sau ba năm gián đoạn. Quan hệ giữa Nga và Nhật Bản tiếp tục chuyển biến tích cực khi tháng 4-2017, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã thực hiện chuyến thăm chính thức tới Nga.

Việc Nga và Nhật Bản tiến hành cuộc đối thoại cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng lần thứ ba tiếp tục là một nỗ lực nhằm xây dựng lòng tin giữa hai nước.

Somalia và Eritrea cải thiện quan hệ - cơ hội chấm dứt xung đột ở vùng sừng châu Phi

 
 Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Mohamed thực hiện chuyến thăm Eritrea. Ảnh: timeslive.co.za

Sau hơn một thập niên thù địch, Eritrea và Somalia đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là động thái mới nhất đánh dấu việc lập lại mối quan hệ hữu nghị ở vùng Sừng châu Phi.

Trong khuôn khổ chuyến thăm 3 ngày từ 28 đến 30-7-2018 tới Eritrea của Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Mohamed nhằm hàn gắn quan hệ, lãnh đạo Eritrea và Somalia đã ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau hơn một thập niên thù địch.

Thỏa thuận mang tên “Tuyên bố chung về mối quan hệ anh em” được ký kết nêu rõ: “Hai nước sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ”. Tuyên bố cũng nhấn mạnh: “Eritrea ủng hộ mạnh mẽ sự độc lập về chính trị, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Somalia, cũng như các nỗ lực của người dân và Chính phủ Somalia nhằm khôi phục vị thế đất nước và đáp ứng được nguyện vọng to lớn của người dân nước này”. Văn kiện cho biết hai nước “sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như quốc phòng và an ninh”, đồng thời “hợp tác thúc đẩy hòa bình, ổn định và hòa nhập kinh tế của khu vực”.

Chuyến công du 3 ngày tới Asmara của Tổng thống Somali Mohamed Abdullahi Mohamed diễn ra trong bối cảnh Eritrea và Ethiopia đang trải qua một tiến trình hòa bình đặc biệt, một sự thay đổi nhanh chóng trong khu vực vốn đã phải đối mặt với chiến tranh, các cuộc xung đột ủy nhiệm, sự cô lập và luật lệ hà khắc.

Trước đây, Eritrea và Somalia từng có mối quan hệ gần gũi một thời, song Somalia và Eritrea đã trở nên bất hòa hơn một thập noeen trước khi Asmara bị cáo buộc hậu thuẫn các chiến binh Hồi giáo trên lãnh thổ Somali trong cuộc chiến ủy nhiệm với Ethiopia. Eritrea từ lâu đã bác bỏ cáo buộc này, song vẫn bị áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc vì ủng hộ lực lượng Hồi giáo cực đoan Al-Shabaab hồi năm 2009.

Cuộc xung đột leo thang ở Somalia đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại gây mất ổn định khu vực và có nguy cơ làm bùng phát cuộc chiến tranh ở vùng sừng châu Phi trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, việc Eritrea và Somalia nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao cùng việc Eritrea bình thường hóa quan hệ với Ethiopia trước đó, được coi là cơ hội chấm dứt “kỷ nguyên xung đột” ở vùng sừng châu Phi.

Anh - Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác

 
 Ngoại trưởng Anh J. Hunt với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: nytimes.com

Tân Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt ngày 30-7 đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và đặc biệt là việc tăng cường hợp tác giữa Anh và Trung Quốc.

Trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Anh J. Hunt với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, hai bên đã thảo luận về hợp tác giữa hai nước, các vấn đề tự do thương mại, một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit, việc thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên cũng như cách thức Anh và Trung Quốc hợp tác trong những thách thức toàn cầu như vấn đề biến đổi khí hậu.

Ngoại trưởng J. Hunt khẳng định trong bối cảnh Brexit, London sẽ nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác với Trung Quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị bắt đầu các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do giữa Anh và Trung Quốc sau Brexit. Kết thúc hội đàm, Ngoại trưởng Anh Hunt và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhất trí tăng cường thương mại và đầu tư.

Trung Quốc và Anh là hai quốc gia đã có mối quan hệ hợp tác từ lâu. Năm 2004, hai nước chính thức thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong đó, vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại là một trong những nội dung quan trọng nhất và là trụ cột chính thúc đẩy sự phát triển trong quan hệ hai nước. Đặc biệt, tháng 10-2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Anh theo lời mời của Nữ hoàng Elizabeth II. Chuyến thăm đã mở ra “kỷ nguyên vàng” cho quan hệ hợp tác giữa hai nước khi hai bên nhất trí nâng quan hệ song phương lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện toàn cầu” trong thế kỷ XXI.

Trước khi nước Anh quyết định trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU vào năm 2016, về mặt chiến lược, các chuyên gia phân tích cho rằng, Anh là một trong những “cầu nối” giữa Trung Quốc với châu Âu và việc thắt chặt quan hệ với London đã giúp Bắc Kinh xích lại gần hơn với châu lục này. Bên cạnh đó, Anh còn là thành viên quan trọng của EU nên mối quan hệ Trung Quốc - Anh và quan hệ Trung Quốc - EU cũng đã tác động lẫn nhau. Công nghệ và hàng hóa của Trung Quốc đã đứng vững ở thị trường Anh cũng như ở châu Âu. Với sự ủng hộ của Anh, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - EU (CEFTA) cũng đã được thúc đẩy. Trong khi đó, Trung Quốc cũng được coi là một kênh chắc chắn để Anh tiếp cận với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầy năng động. Và như vậy, “xứ sở Sương mù” không bị “tụt hậu” trước xu hướng dịch chuyển trọng tâm về phương Đông mà nhiều cường quốc thế giới theo đuổi.

Theo thống kê, Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong EU và Trung Quốc cũng là đối tác thương mại ngoài EU lớn thứ hai của Anh. Năm 2017, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt mức 79 tỷ USD, tăng gần 6,2% so với năm 2016.

Về đầu tư, hơn 500 doanh nghiệp Trung Quốc đã mở văn phòng tại Anh, với tổng số 21,8 tỷ USD vốn đầu tư vào các dự án. Anh cũng đã trở thành quốc gia phương tây đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.

Nếu Brexit diễn ra suôn sẻ, hợp tác giữa Anh và Trung Quốc trong các lĩnh vực sẽ được tăng cường. Chính vì vậy, chuyến thăm Trung Quốc của tân Ngoại trưởng Anh J. Hunt là một cơ hội để hai nước định hình một lộ trình mới cho mối quan hệ song phương.

Nỗ lực không mệt mỏi vì một nền hòa bình cho Syria

 
 Đặc phái viên của Nga tại Syria Alexander Lavrentyevat tham dự vòng đàm phán thứ 10 về vấn đề Syria tại thành phố Sochi (Nga). Ảnh: Getty Images

Nhằm triển khai những kết quả đạt được tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria hồi tháng 01-2018, vòng đàm phán thứ 10 về vấn đề Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ đã diễn ra ngày 31-7-2018 ở thành phố Sochi (Nga) với sự tham dự của đại diện chính phủ và phe đối lập ở Syria cũng như Liên hợp quốc. Vòng đàm phán này tiếp tục cho thấy nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng quốc tế vì một nền hòa bình cho quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này.

Các vấn đề được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp tại Sochi là việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria, tình hình tại các khu vực giảm căng thẳng và hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria.

Về Ủy ban Hiến pháp, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhất trí tiếp tục các nỗ lực chung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ủy ban Hiến pháp Syria và thúc đẩy giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria.

Trong tuyên bố cuối cùng đưa ra sau cuộc họp, đại diện các nước bảo trợ các lệnh ngừng bắn tại Syria khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp thúc đẩy tiến trình dàn xếp chính trị ở Syria nhằm tạo điều kiện khởi động hoạt động của Ủy ban Hiến pháp Syria sớm nhất có thể, phù hợp với các quyết định được thông qua tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở Sochi hồi tháng 01 vừa qua và Nghị quyết số 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Liên quan đến tình hình tại các khu vực giảm căng thẳng, đại diện phe đối lập tại Syria cho rằng diễn biến tình hình tại tỉnh Idlib là “không tồi” nhờ các biện pháp giảm căng thẳng đang được áp dụng tại đây, song mong muốn Idlib phải “ngừng bắn hoàn toàn”.

Về công tác hỗ trợ nhân đạo, phe đối lập Syria ghi nhận có tiến triển trong vấn đề trao đổi những người bị bắt giữ hoặc thi thể những người đã mất và hy vọng Chính phủ Syria sớm đưa ra danh sách trao đổi. Các bên ủng hộ sáng kiến triển khai thí điểm kế hoạch trao đổi tù binh trong thời gian tới. Ngoài ra, các bên cũng tái khẳng định quyết tâm đánh bại các tổ chức khủng bố ở Syria, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường cứu trợ nhân đạo và bảo đảm an toàn cho người tị nạn Syria hồi hương.

Sau khi vòng đàm phán thứ 10 về vấn đề Syria kết thúc, các bên tham gia cũng như các nước đồng bảo trợ đã có những phản ứng tích cực và mang tính xây dựng. Vòng đàm phán thứ 10 về vấn đề Syria lần này thực chất là vòng đàm phán tiếp nối của 9 vòng đàm phán trước được tổ chức tại thủ đô Astana của Kazakhstan.

Việc các nước bảo trợ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cũng như các bên liên quan nhất trí về hàng loạt vấn đề quan trọng tại vòng đàm phán này đã cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.

Từ nay đến cuối năm 2018 sẽ có thêm ít nhất hai cuộc đàm phán quốc tế để bàn thảo cụ thể hơn nữa các kết quả đạt được tại vòng đàm phán thứ 10 về vấn đề Syria. Đó sẽ là những nỗ lực tiếp theo góp phần tạo ra niềm tin để cộng đồng quốc tế sẵn sàng giúp sức nhiều hơn cho công cuộc tái thiết Syria thời hậu chiến vốn cần đến hàng nghìn tỷ USD. Cùng với việc phối hợp truy quét các lực lượng khủng bố trên lãnh thổ Syria, các bên liên quan sẽ tiếp tục phải đối thoại, thỏa hiệp và nhượng bộ để góp phần chấm dứt hoàn toàn xung đột trên mảnh đất vốn đã chịu nhiều đau thương trong hơn 7 năm qua, với hơn 500.000 người thiệt mạng và 6,3 triệu người Syria phải rời bỏ quê hương tị nạn sang các nước láng giềng. Khi đó, các diễn đàn đối thoại dù là được tổ chức ở địa điểm nào cũng sẽ là một cơ hội cho các bên cùng ngồi lại để hiểu nhau hơn và cùng tìm kiếm điểm tương đồng, hài hòa lợi ích, vì một mục tiêu chung là đem lại hòa bình cho Syria./.