Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 30-7 đến ngày 05-8-2018

Hồng Ngọc tổng hợp
21:41, ngày 07-08-2018
TCCSĐT - Liên hợp quốc đánh giá cao Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam; Phối hợp nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính giữa Bộ Nội vụ và Đài Truyền hình Việt Nam; Trình Thủ tướng danh mục đơn vị sự nghiệp công lập cổ phần hoá trước 31-8; Kinh nghiệm xây dựng chính quyền điện tử ở Quảng Ninh; Quảng Nam ban hành bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh; là những tin nổi bật tuần qua.

Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam được đánh giá ở mức cao

Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI (E-Government Development Index) của Liên hợp quốc là một bộ chỉ số tổng hợp trung bình về 3 lĩnh vực quan trọng nhất của Chính phủ điện tử là: Quy mô và chất lượng của dịch vụ công trực tuyến (OSI), chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI). Chỉ số này được sử dụng để đo lường sự sẵn sàng và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để cung cấp các dịch vụ công của các quốc gia.

Chỉ số này giúp các quốc gia, tổ chức nghiên cứu, nhà hoạch định hiểu biết sâu sắc hơn về điểm chuẩn so sánh của các vị trí tương đối của một quốc gia trong việc sử dụng Chính phủ điện tử cho các hoạt động, trách nhiệm công dân và khả năng cung cấp dịch vụ công. Cứ 2năm một lần, Ủy ban các vấn đề kinh tế – xã hội Liên hợp quốc (UNDESA) cung cấp toàn cảnh bảng xếp hạng việc phát triển Chính phủ điện tử của các nước thành viên Liên hợp quốc.

Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về Chỉ số Chính phủ điện tử 2018, Việt Nam đã tăng 1 hạng lên vị trí 88 so với lần xếp hạng trước vào năm 2016. Việt Nam được Liên hợp quốc xếp vào nhóm có chỉ số Dịch vụ công trực tuyến OSI (Online Services Index) và Chỉ số tham gia điện tử (E-Participation Index) ở mức cao (tăng từ 0,5 đến 0,75 điểm). Như vậy, sau 2 năm, Việt Nam đã cải thiện được cả 3 chỉ số thành phần; tăng 1 bậc về chính phủ điện tử. Trong nhóm các nước khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Brunei.

Theo dự thảo “Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025”, Việt Nam đặt ra mục tiêu là đến hết năm 2020 nằm trong nhóm 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI của Liên hợp quốc năm 2014, Việt Nam xếp hạng 99/193. Năm 2016, Việt Nam xếp hạng 89...

Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) 2018 được chia thành các nhóm nhỏ (rất cao, cao, trung bình và thấp). Trong báo cáo Chỉ số Chính phủ điện tử 2018, có 40 quốc gia được chấm điểm “rất cao” với chỉ số Chỉ số chính phủ điện tử EGDI (E-Government Development Index) từ 0,75-1 điểm. Việt Nam nằm trong nhóm được đánh giá phát triển “cao” với chỉ số từ 0,5 - 0,75 điểm. Các nước có điểm EGDI từ 0,25- 0,5 được đánh giá là mức tăng trung bình, nhóm tăng thấp có mức điểm tăng dưới 0,25. Đan Mạch, Australia và Hàn Quốc hiện là các quốc gia đứng đầu thế giới về mức độ phát triển chính phủ điện tử.

Điểm đáng chú ý trong báo cáo năm 2018 là chỉ số Dịch vụ công trực tuyến OSI (Online Services Index) đóng vai trò chính trong cải thiện chỉ số Chính phủ điện tử. Các nước thu nhập trung bình và thấp có xu hướng tăng điểm từ Chỉ số Hạ tầng viễn thông TII (Telecommunication Infrastructure Index) và Dịch vụ công trực tuyến OSI. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy việc liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ công đã dẫn đến những tiến bộ chung về phát triển chính phủ điện tử...

Phối hợp nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính

Chương trình phối hợp thông tin tuyên truyền về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2018-2020 giữa Bộ Nội vụ và Đài Truyền hình Việt Nam nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính trong quá trình tổ chức, triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đối với tiến trình cải cách hành chính.

Chương trình phối hợp tập trung vào những nội dung: Phối hợp thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính trên các bản tin, chuyên mục của Đài Truyền hình Việt Nam; phối hợp đôn đốc, kiểm tra các cơ quan nhà nước thực hiện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2018-2020.

Theo chương trình phối hợp này, Bộ Nội vụ cử một Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực cải cách hành chính, Đài Truyền hình Việt Nam giao một Phó Tổng Giám đốc chỉ đạo các đơn vị liên quan của hai cơ quan. Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) và Ban Thư ký biên tập (Đài Truyền hình Việt Nam) là 2 đơn vị đầu mối giúp thực hiện việc đôn đốc các đơn vị trực thuộc triển khai chương trình phối hợp. Hằng năm, Bộ Nội vụ, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức họp sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện chương trình phối hợp; hai đơn vị đầu mối tổng hợp, đề xuất, bổ sung kịp thời nội dung chương trình phối hợp phù hợp với nhu cầu thực tiễn…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Lê Vĩnh Tân cho biết: Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và xã hội về công tác cải cách hành chính, từ năm 2013 đến nay, Bộ Nội vụ đã ban hành 2 đề án tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính giai đoạn 2013-2015 và giai đoạn 2016-2020. Hai đề án trên được triển khai từ năm 2013 đến nay đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh cho biết: Thời gian qua, Đài Truyền hình Việt Nam đã có nhiều chuyên đề về cải cách hành chính, nhất là đăng phát trên các bản tin thời sự hàng ngày, các chuyên trang, chuyên mục về tình hình triển khai, kết quả cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Ngoài việc thông tin, tuyên truyền các văn bản, chính sách mới liên quan đến đời sống xã hội, Đài cũng phản ánh những văn bản, chính sách chưa hợp lý, chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Hai bên đánh giá, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số nơi ban hành kế hoạch thông tin, tuyên truyền còn mang tính hình thức, chưa bám sát các nhiệm vụ cải cách hành chính theo lộ trình của Chính phủ; chất lượng tin, bài, phóng sự về cải cách hành chính chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của độc giả, bạn xem truyền hình. Trong đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên đưa tin về cải cách hành chính, một số người còn chưa hiểu biết sâu, đầy đủ các mục tiêu, nội dung nhiệm vụ công tác cải cách hành chính trong từng giai đoạn làm ảnh hưởng đến chất lượng thông tin… Để cải cách hành chính đạt được hiệu quả tốt hơn, công tác tuyên truyền phải được làm tích cực hơn nữa, nhất là tuyên truyền về xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại. Trong thời đại công nghệ 4.0, cải cách hành chính càng cần được thực hiện nghiêm túc hơn, gắn với việc tinh giản bộ máy hành chính nhà nước.

Trình Thủ tướng danh mục đơn vị sự nghiệp công lập cổ phần hoá trước 31-8

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp ký công văn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ danh mục các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng cổ phần hoá trước ngày 31-8-2018.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu sau thời hạn 31-8-2018, nếu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không trình được danh mục sẽ chịu trách nhiệm hành chính trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chậm triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng theo Nghị quyết của Đảng.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thực hiện công tác cơ cấu, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc theo đúng Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương.

Căn cứ danh mục đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án chuyển thành công ty cổ phần theo đúng quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 22 Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Kinh nghiệm xây dựng chính quyền điện tử ở Quảng Ninh

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Đặng Sỹ Nguyên, cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, các cấp, các ngành, địa phương Quảng Ninh đã tập trung nghiên cứu, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược.

Theo đó, ngay từ năm 2012 tỉnh đã chủ động, triển khai xây dựng chính quyền điện tử và các Trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện với mục tiêu thực hiện cải cách hành chính là khâu then chốt để phát huy dân chủ, thực hiện pháp quyền, phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.

Đây là mô hình đầu tiên trong cả nước được Trung ương, các tỉnh bạn đánh giá cao và được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, ủng hộ.

Sau 5 năm thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả quan trọng, các mục tiêu của Đề án đã hoàn thành, nhiều mục tiêu hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Đến nay, hơn 400 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử, trung bình trên 1 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng hàng năm, tiết kiệm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính mỗi năm, riêng tiết kiệm chi phí gửi nhận văn bản một năm gần 15 tỷ đồng.

Hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến, trên 600 nghìn hồ sơ được giải quyết mỗi năm giúp tiết kiệm chi phí xã hội trung bình một năm trên 70 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử được triển khai giúp địa phương này minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, cho phép người dân tham gia giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước.

Đặc biệt, hệ thống giúp giảm tới 40% thời gian và giảm số lần phải đi lại tối thiểu một lần/giao dịch của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.

Kê khai và nộp hồ sơ trực tuyến ngay tại nhà; đặt lịch hẹn trước qua mạng; hồ sơ được xử lý tập trung, tại chỗ với thủ tục đơn giản, thuận tiện…

Kinh nghiệm từ tỉnh Quảng Ninh cho thấy để triển khai thành công chính phủ điện tử cần sự quyết tâm từ phía lãnh đạo các cấp, đào tạo, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và lựa chọn đối tác triển khai có đủ năng lực.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ cùng với Tập đoàn FPT xây dựng một trung tâm dữ liệu hiện đại, đồng bộ, là nơi tập trung lưu giữ, xử lý thông tin, dữ liệu của toàn tỉnh gồm: phòng chống lụt bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; giao thông, tài nguyên môi trường; dân cư; kinh tế xã hội… Đồng thời, xây dựng hệ thống Cổng dịch vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh có khả năng tích hợp với Cổng Thông tin điện tử tỉnh.

Hệ thống này sẽ cung cấp tất cả các dịch vụ hành chính công của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cho người dân và doanh nghiệp.

Người dân và doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào hệ thống này là có thể được cung cấp đầy đủ các dịch vụ hành chính của cơ quan Nhà nước tỉnh Quảng Ninh, từ các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh đến thủ tục đăng ký, quản lý hộ tịch, thông tin khiếu nại tố cáo, cấp hộ chiếu ngoại giao và công vụ…

Từ những thành công đã đạt được của Chính quyền điện tử, tỉnh Quảng Ninh xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông phải hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả trong quản lý vận hành và cung cấp dịch vụ, trong khi vẫn bảo đảm yêu cầu về phát triển bền vững.

Quảng Nam ban hành bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh

Từ tháng 8-2018, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Theo đó, 20 sở, ban, ngành sẽ được đánh giá và xếp hạng theo 9 chỉ số thành phần.

Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam Võ Văn Hùng cho biết, bộ tiêu chí là nỗ lực lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Trung tâm hành chính công, bộ chỉ số này sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung liên tục. Các tiêu chí đánh giá của từng chỉ số sẽ phù hợp với từng giai đoạn, tình hình thực tế và được công bố thường niên kể từ năm 2018. DDCI sẽ tạo ra một kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp đóng góp ý kiến. Từ đó Trung tâm hành chính công sẽ rút kinh nghiệm hoàn thiện hơn nữa nhiệm vụ. Công cụ này sẽ giúp Quảng Nam đo lường cụ thể và nhận diện rõ những mặt đã làm được và những hạn chế cần phải tập trung khắc phục. Ngoài ra, có thể giám sát hiệu quả, nâng cao trách nhiệm giải trình của lãnh đạo sở, ban, ngành và địa phương, để có thể nắm bắt, giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính ngay từ cấp cơ sở, góp phần cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của các cấp chính quyền địa phương và sở ngành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân khẳng định, Quảng Nam đang cố gắng kiểm tra giám sát, thanh tra công vụ để loại ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ công chức vòi vĩnh, tiêu cực, gây khó khăn cản trở cho doanh nghiệp nhằm khuyến khích các nhà đầu tư đến với Quảng Nam đồng thời cũng tạo điều kiện cho các dự án mới, doanh nghiệp trẻ có cơ hội tốt để phát huy ý tưởng của mình.

Để hiện thực hóa điều này, theo Phó Chủ tịch Trần Văn Tân, Quảng Nam đang cố gắng hoàn thiện cải cách thủ tục hành chính. Ngoài việc ban hành bộ chỉ số, cải cách thủ tục hành chính được xác định là khâu đột phá của tỉnh. Nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu 3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính hàng năm và triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực đồng thời tỉnh đang chỉ đạo Trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam cũng như bộ phận trả kết quả ở cấp huyện, cấp tỉnh, trong trường hợp để trả hồ sơ lỗi hẹn, cản trở hoặc các nguyên nhân khác do cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận thủ tục gây nên thì phải có thư xin lỗi nói rõ nguyên nhân vì sao trễ hẹn và phải vận dụng triệt để mô hình "4 biết" trong cải cách hành chính (biết cười, biết lắng nghe, biết cảm ơn, biết xin lỗi).

Không chỉ đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành mà Quảng Nam còn đang nỗ lực phát huy hơn nữa năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tổng điểm PCI năm 2017 của Quảng Nam đã đạt 65,41 điểm, thăng từ hạng 10 lên 7, thuộc nhóm tốt, đứng vị thứ 2 khu vực duyên hải miền Trung, tiệm cận với những tỉnh, thành phố có chỉ số PCI rất tốt. Việc trở thành gương mặt có thứ hạng cao trong hai năm liền lọt vào top 10 đã khiến chính quyền, cơ quan quản lý lạc quan về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, Quảng Nam nhanh chóng nhận ra những hạn chế của mình nằm ở việc phân tích riêng lẻ các chỉ số thành phần PCI Quảng Nam. Đáng nói khi 3/10 chỉ số chiều sâu (gia nhập thị trường - 8,2 điểm, chi phí thời gian - 6,71 điểm và cạnh tranh bình đẳng - 5,48 điểm) vẫn đang sụt giảm điểm. Không tự bằng lòng với thứ hạng hay điểm số PCI 2017, chính quyền Quảng Nam đã yêu cầu các cơ quan quản lý rà soát, nhìn nhận một cách thực tế các chỉ số thấp điểm hoặc yếu hơn so với các địa phương khác để tìm cách cải thiện./.