Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em
Ngày 06-8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo lực, xâm hại và các nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của trẻ.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến tới 675 điểm cầu ở cấp huyện, xã - là cấp cơ sở có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, với sự tham gia của khoảng 18.000 đại biểu.
Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cho biết, ước tính mỗi năm trung bình Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự nên con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình là 21,3%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, con số khoảng 2.000 trẻ em bị bạo hành xâm hại tình dục theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội không phải là con số thực tế. Ngoài 2.000 trường hợp bị bạo hành, xâm hại được phát hiện, can thiệp, hỗ trợ và đưa vào số liệu thống kê vẫn còn nhiều trường hợp khác chưa được phát hiện. Nhiều hành vi, cách ứng xử với trẻ em mà người ta coi là "bình thường" nhưng thực chất là bạo hành, là xâm hại trẻ em, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em. Đau lòng hơn là không ít trẻ em bị chính người thân trong gia đình, trường lớp hay xóm giềng ngược đãi và xâm hại, nhiều trường hợp được pháp luật can thiệp nhưng vẫn để lại những di chứng khó lành trong tinh thần trẻ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng xâm hại trẻ em, phân tích nguyên nhân và đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này. Một số ý kiến cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương; tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội. Chúng ta vô cùng đau xót khi mỗi năm vẫn còn hàng nghìn trẻ em tử vong do đuối nước và tai nạn giao thông”. Vì vậy, quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự đồng tình với những định hướng, giải pháp nêu trong báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác bảo vệ trẻ em và vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em; cũng như những ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ, được sống an toàn của trẻ em, trước hết cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc, quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em. Phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tạo lập cuộc sống an toàn cho trẻ em.
“Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường thay đổi phương pháp giáo dục trẻ em; hướng dẫn các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, học đường; thực hiện trách nhiệm phát hiện thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Việc đào tạo, cung cấp kiến thức pháp lý cho toàn xã hội về chăm sóc, bảo về và hỗ trợ trẻ em là rất cần thiết”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý (hiện nay toàn quốc mới có 590/11.162 - khoảng 5% cấp xã bố trí); Nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn thanh niên xã, Hội phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản. Các địa phương chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em; bố trí đủ nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định bảo đảm phù hợp với Luật trẻ em, tiếp tục hoàn thiện theo hướng: việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em phải nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; cụ thể, rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ ngành liên quan để có chương trình đào tạo, giáo dục kỹ năng tự bảo vệ mình cho các cháu, tùy theo lứa tuổi, giới tính. Các cơ quan tố tụng cần có những chương trình cụ thể, thực hiện tốt hơn nữa những nhiệm vụ của mình để bảo vệ quyền trẻ em.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; giám sát việc bố trí nhân lực và ngân sách để thực hiện công tác này ở địa phương.
Ủy ban quốc gia về trẻ em định kỳ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá tại các bộ, ngành, địa phương về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình cùng các cấp chính quyền tạo lập cuộc sống an toàn, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận, mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân cần giám sát, phát hiện, phản biện xã hội mạnh mẽ hơn và chung tay giải quyết những vấn đề nóng về trẻ em, đặc biệt bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Đề án vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhân Ngày Vì người nghèo Việt Nam 17-10-2018../.
Nhân dân kỳ vọng vào vai trò chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc  (06/08/2018)
Kiên quyết trong việc giao biên chế cho địa phương, bộ, ngành  (06/08/2018)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự họp mặt phụ nữ Khu 8  (05/08/2018)
Việc xả lũ không ảnh hưởng đến tình trạng ngập lụt tại huyện Chương Mỹ  (05/08/2018)
Hà Nội tiếp tục đầu tư phát triển phương tiện xe buýt kết nối  (05/08/2018)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam