TCCS - Trên con đường thiên lý Bắc - Nam từ thị xã Hồng Lĩnh đến đê La Giang nhìn về phía Tây, chúng ta sẽ thấy một khu quy hoạch nghề thủ công nằm bên cạnh một làng nghề truyền thống đã có từ lâu đời. Đó là làng rèn Trung Lương nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đến nay, chưa ai xác định được nghề rèn ở đây có tự bao giờ, chỉ biết rằng nó đã tồn tại trên mảnh đất Trung Lương này từ rất lâu rồi. Sản phẩm rèn Trung Lương được người dân trong nước và thế giới rất ưa chuộng. Ngày nay, trước sự cạnh tranh gay gắt, nghề rèn Trung Lương vẫn không ngừng phát triển.

Làng rèn đi lên trong cơ chế thị trường

Cho đến cuối thế kỷ XX, khi khoa học - kỹ thuật chưa được phổ biến tại các vùng nông thôn Việt Nam, ở Trung Lương đã phát triển một số nghề thủ công truyền thống như: nghề rèn, nghề dệt, nghề đan, nghề mộc... Trong đó, nghề rèn là nghề nổi tiếng nhất. Thợ rèn Trung Lương thời nào cũng tài hoa. Khi quốc gia hữu sự, họ đem tay nghề của mình giúp nước, cứu dân. Thời Cần Vương, thầy trò cố Đường đã tình nguyện đem lò bệ của mình lên đại ngàn rèn đao, kiếm cho nghĩa quân cụ Phan Đình Phùng. Cố Đường cùng với ông Cao Thắng chế thành công súng cho nghĩa quân. Trong kháng chiến chống Pháp, thợ rèn Trung Lương đã rèn hàng vạn mã tấu, kiếm, dao găm, sản xuất hơn 2.000 khẩu súng kíp, hàng chục tấn lựu đạn phục vụ dân quân, bộ đội đánh giặc.

Ngày nay, làng rèn Trung Lương như một khu công nghiệp làng nghề với hai khu sản xuất riêng biệt. Nghề rèn với mô hình sản xuất nhỏ (hộ gia đình) được tổ chức sản xuất trong địa vực cư trú của làng. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Trung Lương, ngay từ năm 2007, toàn xã có 350 lò rèn, 4 xưởng đúc, 26 hộ gia công cơ khí, 66 búa máy, 18 máy tiện; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.500 lao động với mức thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/tháng. Đó là chưa tính đến những người làm nghề phục vụ cho nghề rèn và tiêu thụ sản phẩm rèn. Hiện tại, hơn 60% số gia đình ở Trung Lương liên quan đến nghề rèn. Mỗi năm, xã thu về từ nghề rèn hơn 20 tỉ đồng, chiếm gần 40% tổng số thu nhập của toàn xã. Sản phẩm rèn của Trung Lương được người tiêu dùng khắp cả nước biết đến.

Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt hôm nay, rất nhiều làng nghề đã lao đao, một số nghề truyền thống phải bỏ. Nhưng nghề rèn Trung Lương vẫn vững vàng đi lên, bởi mỗi người thợ ở đây họ luôn lấy chất lượng sản phẩm là điều quan trọng nhất, để giữ lấy thương hiệu cho gia đình mình cũng như cho cả làng.

Người dân Trung Lương bảo: "Nghề rèn là nghề xóa đói, giảm nghèo" quả thực không sai. Xã Trung Lương là địa phương ngói hóa nhà ở đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Hầu hết các gia đình đều có ti-vi, gần 50% số hộ gia đình có xe máy. Số hộ có mức sống khá và giàu chiếm hơn 85%, trong xã không còn hộ đói. Hệ thống giao thông của xã đã được bê-tông hóa hoàn toàn. Hằng năm, xã có tới 40 đến 50 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

Một số kết quả và kinh nghiệm

Trước đây, hầu hết công cụ phục vụ nghề rèn ở Trung Lương đều do người thợ tự chế và quy trình sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Hiện nay, một số công cụ chủ lực đã được cơ khí hóa, điện hóa như: búa máy, quạt thổi bằng mô-tơ điện, máy mài... ứng dụng máy móc vào sản xuất đã giúp cho các lò rèn ở Trung Lương vừa tăng năng suất, vừa giải phóng một lượng lớn sức lao động. Hình thức, mẫu mã sản phẩm cũng dần được cải tiến, đổi mới. Chất lượng sản phẩm được nâng cao.

Tuy nhiên, thành quả đáng ghi nhận nhất là việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cải tiến công cụ sản xuất của nghề đúc và nghề gia công cơ khí. Hiện nay, hầu hết các công đoạn trong sản xuất của nghề đúc ở Trung Lương đã được cơ khí hóa. Điều này đồng nghĩa với việc giải phóng hoàn toàn sức lao động bằng cơ bắp của người thợ, sản phẩm được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, hình thức "bắt mắt" hơn. Với việc ứng dụng kỹ thuật, máy móc cũng như hình thức tổ chức, quản lý sản xuất của nghề đúc và nghề gia công cơ khí ở làng Trung Lương hiện nay có thể gọi đây là làng công nghiệp.

Một số làng rèn ở miền Bắc và Nam Trung bộ có nguồn gốc từ làng rèn Trung Lương cho thấy, trước đây sản phẩm của làng đã có mặt khá rộng. Ngày nay, bên cạnh việc duy trì các thị trường truyền thống, sản phẩm của Trung Lương đã có mặt ở một số thị trường mới như Tây Nguyên, một số tỉnh biên giới của nước bạn Lào, Thái Lan...

Trước đây, khi thương nghiệp chưa phát triển, hình thức phân phối sản phẩm của nghề rèn làng Trung Lương chủ yếu do người dân, người thợ của làng mang đến các địa phương khác có nhu cầu để bán hàng. Ngày nay, hình thức phân phối truyền thống đã dần được thay bằng nhiều hình thức phân phối mới. Các thương lái của làng hoặc nơi khác đến đặt hàng với số lượng lớn gấp hàng chục, hàng trăm lần trước đây. Còn sản phẩm của nghề đúc, nghề gia công cơ khí chủ yếu khách hàng đặt hàng trước. Với hình thức khách đặt hàng và trả tiền trước đã tạo tâm lý cho người thợ an tâm trong sản xuất khi họ chủ động về nguồn vốn và không còn phải lo khâu tiêu thụ sản phẩm.

Các sản phẩm thủ công ở Trung Lương cuối thế kỷ XX nhìn chung vẫn còn khá đơn điệu như liềm, hái, cuốc... và các loại dao, đinh đóng thuyền, một số dụng cụ của nghề mộc. Hiện nay, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, nghề rèn ở Trung Lương đã có nhiều thay đổi về hình thức, mẫu mã. Bề mặt sản phẩm nhẵn bóng hơn, không còn nứt, mẻ hoặc giống nhau đến khó phân biệt trong từng chủng loại. Việc ứng dụng máy mài, máy đánh bóng đã đưa sản phẩm của nghề rèn ở Trung Lương từng bước đáp ứng được thị hiếu của khách hàng trên thị trường.

Xã Trung Lương là địa phương “ngói hóa” nhà ở đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Hầu hết các gia đình đều có ti-vi, gần 50% số hộ gia đình có xe máy. Số hộ có mức sống khá và giàu chiếm hơn 85%, trong xã không còn hộ đói.

Nếu gọi Trung Lương là làng rèn chỉ đúng và phù hợp trong khoảng thời gian từ những năm cuối thế kỷ XX trở về trước. Giống như một số nghề thủ công khác, nghề rèn ở Trung Lương ngoài sản xuất tại chỗ, thợ rèn còn đi hành nghề ở những địa phương khác. Vào những năm 70, 80 của thế kỷ XX, người thợ Trung Lương khi đến hành nghề ở Phường Đúc (thành phố Huế) đã biết và làm quen với nghề đúc. Từ đó, họ học thêm nghề đúc và về truyền lại cho làng. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, nghề đúc mới bắt đầu phát triển ở Trung Lương. Hiện nay, ở Trung Lương ngoài có nghề rèn còn có nghề đúc và nghề gia công cơ khí, góp phần làm cho sản phẩm của làng nghề truyền thống Trung Lương ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Chẳng hạn, nghề đúc sản xuất các sản phẩm như lưỡi cày, răng bừa, cuốc, ống bơm nước, ống hút cát sạn, một số chi tiết của xe gắn máy..., nghề gia công cơ khí sản xuất các sản phẩm như hàng rào bằng sắt thép, xe đẩy (xe rùa) sử dụng trong xây dựng, các phụ kiện của máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa...

Nghề thủ công ở Trung Lương có được những thành quả như hôm nay đó là sự hội tụ của rất nhiều yếu tố.

Trước hết, sự lãnh đạo của Đảng bộ và vai trò của chính quyền địa phương là yếu tố quyết định. Từ khi mô hình hợp tác xã nghề rèn ở đây làm ăn kém hiệu quả, có nguy cơ giải thể, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã mạnh dạn cho phát triển nghề rèn theo mô hình truyền thống hộ gia đình, quyết tâm đưa kinh tế địa phương phát triển theo hướng đa dạng hóa, trong đó ưu tiên phát triển thủ công nghiệp. Các cấp ủy và chính quyền xã Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh đã có những ưu tiên, tạo điều kiện cho nghề thủ công, các hộ làm nghề rèn, các doanh nghiệp hoạt động nghề đúc, nghề gia công cơ khí phát triển như đơn giản hóa thủ tục hành chính, miễn các loại thuế theo quy định của Nhà nước....

Thứ hai, với tinh thần cần cù, chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong lao động, người dân Trung Lương đã từng bước vượt lên hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt do thiên nhiên mang lại, đưa làng rèn ngày càng phát triển. Cũng giống như bao làng nghề thủ công truyền thống khác ở Việt Nam, những năm 80 của thế kỷ XX là thời kỳ khó khăn nhất của nghề rèn ở Trung Lương. Trước sự ra đời và tràn ngập thị trường các sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghiệp, đã đặt câu hỏi lớn cho các thợ rèn ở Trung Lương là duy trì để tồn tại hay bỏ đi nghề cha ông đã chọn từ bao đời nay? Nhận thấy sản phẩm của mình được sản xuất mà kỹ thuật công nghiệp chưa thể sánh nổi, các lò rèn ở đây vẫn cố gắng duy trì sản xuất và tiêu thụ ở những thị trường truyền thống của mình.

Thứ ba, bảo tồn và phát huy tính ưu việt truyền thống kết hợp với việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, kinh doanh. Những thành công mà nghề thủ công ở Trung Lương đã gặt hái được trong những năm gần đây là rất lớn. Sự thành công đó không chỉ quyết định đến sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương mà còn là những kinh nghiệm quý cho việc định hướng phát triển nghề thủ công ở Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay, nghề thủ công ở đây đang gặp không ít khó khăn, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương cần phải có giải pháp cụ thể để đưa nghề thủ công của địa phương phát triển bền vững, trở thành một điểm sáng kinh tế bên núi Hồng, sông Lam tươi đẹp./.