Một số vấn đề về đổi mới tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
TCCS - Ngày 12-6-2024, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Ban Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học: “Một số vấn đề về đổi mới tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Dự hội và chủ trì hội thảo có đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Cùng dự hội thảo có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, việc đổi mới tổ chức, bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn là nhiệm vụ xuyên suốt, mang tính chiến lược. Bên cạnh đó, vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị nước ta; đồng thời, trước nhiệm vụ và yêu cầu ngày càng nặng nề, phức tạp hơn, đòi hỏi tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải bảo đảm ngang tầm nhiệm vụ. Trong các nhiệm kỳ đại hội gần đây của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vấn đề đổi mới tổ chức bộ máy luôn được chú trọng và là một trong những giải pháp quan trọng, mang tính căn cơ, cốt lõi trong Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các hội nghị sơ kết, tổng kết, hội nghị chuyên đề gần đây về công tác mặt trận cũng thẳng thắn thừa nhận, công tác tổ chức, cán bộ của Mặt trận tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng có mặt vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực cán bộ và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với công tác tổ chức bộ máy của Mặt trận, như: Việc tập hợp, mở rộng và thu hút, phát triển các thành viên (cả tổ chức và cá nhân tiêu biểu) đại diện cho các giai tầng, các nhóm, lực lượng xã hội người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài; những bất cập về mô hình các ban, đơn vị tham mưu của Mặt trận Tổ quốc ở cấp tỉnh, cấp huyện theo Quy định số 212-QĐ/TW, ngày 30-12-2019, của Ban Bí thư, “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện” cần được tổng kết, sửa đổi, bổ sung; mô hình tổ chức và hoạt động của các hội đồng tư vấn của Mặt trận Tổ quốc ở 3 cấp; mô hình tổ chức và cơ chế vận hành của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp trung ương, cấp tỉnh; mô hình tổ chức tự quản, ban công tác mặt trận ở khu dân cư, việc tập hợp nhân dân ở các khu chung cư, khu thương mại, khu công nghiệp; tổ chức và hoạt động của Đoàn Chủ tịch ở cấp trung ương,… Do đó, để nhận diện đúng vấn đề, đề xuất giải pháp hữu hiệu nhằm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay thì cần bám sát, dựa trên các kết quả nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, thấu đáo cơ sở lý luận, thực tiễn, cơ sở chính trị - pháp lý chặt chẽ và thực hiện với nội dung, cách thức phù hợp.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh, đổi mới tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong đổi mới phương thức và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời, góp phần quan trọng trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Việc đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm đáp ứng tình hình, bối cảnh mới, để chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình, đề án của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được triển khai tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tới các tổ chức thành viên của Mặt trận và toàn thể nhân dân; đồng thời, góp phần giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện đúng và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Mặt trận ở mỗi cấp theo Luật và Điều lệ Mặt trận quy định.
Đồng chí Phạm Minh Tuấn mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến tập trung ở một số nội dung chính sau:
Thứ nhất, tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay có những điểm gì hợp lý và chưa hợp lý; tính cấp thiết, tất yếu của đổi mới tổ chức bộ máy; đổi mới tổ chức bộ máy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm những nội dung cốt lõi gì và việc đổi mới phụ thuộc vào những yếu tố, điều kiện nào? Ở đây, cần làm rõ thêm các căn cứ chính trị - pháp lý và thực tiễn để đổi mới tổ chức bộ máy Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Thứ hai, vai trò của đổi mới tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tác động như thế nào tới tổ chức và hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Thứ ba, nội dung gì cần chú ý trong vấn đề cơ cấu tổ chức bộ máy, định hướng đổi mới, xây dựng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; nhất là yêu cầu về chức danh Chủ tịch danh dự và Ủy viên danh dự Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Thứ tư, việc mở rộng tổ chức, phát triển thêm tổ chức thành viên, nhất là đối với các tổ chức hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; về đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp tỉnh trong bối cảnh mới có điểm mới gì đáng quan tâm?
Thứ năm, việc đổi mới tổ chức bộ máy đặt ra yêu cầu gì đối với đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trong hình thành môi trường làm việc, tạo động lực để rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng và tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác chuyên môn, nghiệp vụ, chuẩn bị kiến thức và tích lũy kinh nghiệm cho việc thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.
Cùng với 7 tham luận và 2 ý kiến phát biểu tại hội trường, các đại biểu đã tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về đổi mới tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực trạng và giải pháp đổi mới tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức bộ máy và hoạt động Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tránh "nhà nước hóa", hành chính hóa, tránh hình thức, sức ỳ và thiếu dân chủ; đi sâu làm rõ một số vấn đề và đề xuất kiến nghị trong việc tập hợp các tổ chức tôn giáo đã được công nhận và cá nhân tiêu biểu trong các tổ chức tôn giáo làm thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời, khảo sát thực tiễn mô hình tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một số tỉnh, thành phố trong thời gian vừa qua, chỉ rõ những kết quả và một số hạn chế cần tập trung khắc phục...
Kết luận hội thảo, đồng chí Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, hội thảo đã hoàn thành nội dung, chương trình, mục tiêu đề ra. Những ý kiến, tham luận tại hội thảo là cơ sở quan trọng giúp Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thêm các căn cứ chính trị - pháp lý và thực tiễn để chỉ đạo, hướng dẫn việc đổi mới tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới và trực tiếp là phục vụ công tác xây dựng Đề án nhân sự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới./.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thành phố Đà Nẵng  (12/11/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm