Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững trong bối cảnh mới
TCCS - Trong bối cảnh mới hiện nay, phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là yêu cầu cấp thiết được đặt ra để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
1- Phát triển bền vững là một nguyên tắc cơ bản trong chiến lược phát triển đất nước nói chung và ngành du lịch nước ta nói riêng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”(1), “Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”(2). Quyết định số 432/QĐ-TTg, ngày 12-4-2012, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” nhấn mạnh quan điểm phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường... “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 1-10-2021) đã phê duyệt 4 mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030, như giảm phát thải khí nhà kính; xanh hóa các nền kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu; đồng thời, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, trong đó có việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong ngành du lịch.
Đối với ngành du lịch, phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang là yêu cầu được đặt ra. Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị, về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” đã nhấn mạnh quan điểm phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên...; đồng thời, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch là tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao. Điều 4, Luật Du lịch quy định nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng.
Trên cơ sở xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, trước yêu cầu phát triển bền vững, ngành du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, đồng thời nhấn mạnh phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc... Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã xác định du lịch văn hóa là một trong những ngành công nghiệp văn hóa quan trọng mà Việt Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển và có nhiều đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Ngày 11-12-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành Quyết định số 3767/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa, trong đó khẳng định thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực; phấn đấu đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20% - 25% trong tổng số khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch. Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã đạt được những dấu mốc quan trọng và du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đã có những đóng góp tích cực vào kết quả đó.
2- Thời gian qua, ngành du lịch đã không ngừng nỗ lực, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách và phát triển theo hướng bền vững. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - tên được đổi từ ngày 1-7-2023 theo Quyết định số 1536/QĐ-BVHTTDL, ngày 15-6-2023, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam”), trong giai đoạn 2010 - 2019, du lịch Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Lượng khách du lịch quốc tế tăng từ 5 triệu lên 18 triệu (tăng 3,6 lần); đặc biệt giai đoạn 2015 - 2019 là giai đoạn tăng trưởng nhanh nhất, từ 7,9 triệu lên 18 triệu (tăng gần 2,3 lần); tốc độ tăng trưởng bình quân khách quốc tế đạt 22,7%/năm; lượng khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt (tăng 1,5 lần). Tổng thu từ du lịch tăng từ 355 nghìn tỷ đồng lên 755 nghìn tỷ đồng (tăng 2,1 lần). Năm 2019, toàn ngành đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 755.000 tỷ đồng, đóng góp 9,2% GDP, tạo ra 2,5 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp(3). Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng số khách nội địa đạt 76,5 triệu lượt; tổng lượng khách quốc tế đạt gần 6,6 triệu lượt, tương đương 83% kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch 7 tháng đầu năm ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng. Nhiều khả năng ngành du lịch sẽ sớm hoàn thành mục tiêu và còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm(4).
Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động du lịch ngày càng rõ nét, góp phần tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác phát triển, khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện diện mạo và đời sống người dân ở nhiều nơi trên cả nước, tiêu biểu như ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Cát Bà (thành phố Hải Phòng), Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Hội An (tỉnh Quảng Nam), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Mũi Né (tỉnh Bình Thuận), một số địa phương đồng bằng sông Cửu Long... Trong đó, việc gắn kết giữa du lịch với bảo tồn giá trị văn hóa, môi trường sinh thái ngày càng được đẩy mạnh và có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững.
Về du lịch văn hóa: Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế trong xây dựng, phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa với hơn 40.000 di tích, trong đó có hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, hơn 3.600 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh(5)... Trên cơ sở khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa khá đa dạng, như tuyến du lịch kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, tuyến du lịch di sản miền Trung, festival Huế, festival biển Nha Trang, lễ hội carnaval biển Hạ Long, festival hoa Đà Lạt, các lễ hội ẩm thực và trái cây ở các tỉnh, thành phố trên cả nước; các chương trình nghệ thuật đặc sắc, như “Ký ức Hội An”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, “À Ố Show”... Bên cạnh đó, các tuyến du lịch làng nghề thời gian qua cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, năm 2016, chỉ riêng các di sản thế giới ở Việt Nam đã đón 14,3 triệu khách, doanh thu khoảng 1.776 tỷ đồng; năm 2019 tăng lên khoảng 18,2 triệu khách, doanh thu khoảng 2.322 tỷ đồng. Du lịch Việt Nam liên tục được đánh giá cao ở nhiều cuộc bầu chọn và giải thưởng quốc tế. Năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á... Năm 2022, Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) bình chọn Việt Nam là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”. Đây là những minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản trong phát triển du lịch, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản văn hóa tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần cân bằng và bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Về du lịch cộng đồng: Thời gian qua, du lịch cộng đồng ở nước ta đã thể hiện được vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch, huy động được sự tham gia của nhiều bên liên quan. Nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng đang được khai thác, như du lịch trải nghiệm các hoạt động văn hóa và trải nghiệm cuộc sống của người dân tại địa phương, du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng tại cộng đồng... Các sản phẩm du lịch xoay quanh việc khai thác tài nguyên, thế mạnh, điểm hấp dẫn của địa phương, trong đó các yếu tố quan trọng, như tài nguyên văn hóa, lối sống, phong tục, tập quán, thói quen canh tác nông nghiệp được coi là những yếu tố cơ bản tạo nên sự khác biệt và tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Du lịch cộng đồng hiện nay được mở rộng ra với nhiều hoạt động khác nhau, như du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, du lịch vì sức khỏe...
Mô hình du lịch cộng đồng đang được phát triển tại nhiều địa phương trên cả nước, như các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... và ở các thành phố lớn, như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... Đến năm 2020, trên cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng. Nhiều điểm đến du lịch cộng đồng của nước ta đã đạt được các tiêu chuẩn nhất định và giành được giải thưởng quốc tế, như Giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023 được trao cho Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Quản Bạ (tỉnh Hà Giang); Điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (tỉnh Lai Châu); Cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành (tỉnh Quảng Nam); Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên). Bên cạnh lợi ích kinh tế mang lại cho cộng đồng dân cư, du lịch cộng đồng đã góp phần hiệu quả bảo tồn, lưu giữ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của nước ta.
Về du lịch sinh thái: Du lịch sinh thái là mô hình du lịch dựa trên khai thác các giá trị tự nhiên và văn hóa địa phương, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững. Nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển du lịch sinh thái với thiên nhiên đa dạng, bờ biển dài hơn 3.200#km cùng nhiều đảo lớn, nhỏ, hệ sinh thái động vật, thực vật phong phú, độc đáo. Du lịch sinh thái được tập trung phát triển theo các vùng, miền. Vùng núi và ven biển Đông Bắc có hệ sinh thái núi đá vôi, hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái san hô...; tiêu biểu là Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Sơn, Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên (tỉnh Lạng Sơn), Vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên), Vườn quốc gia Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh); Vườn quốc gia Cát Bà (thành phố Hải Phòng); hệ sinh thái san hô ở khu vực Hạ Long và Cát Bà, phù hợp để phát triển nhiều sản phẩm du lịch sinh thái... Vùng núi Tây Bắc có hệ sinh thái núi cao với nhiều loài sinh vật ôn đới và vườn quốc gia Hoàng Liên với nhiều loài động vật quý hiếm, thích hợp với loại hình du lịch tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái vùng núi cao, du lịch mạo hiểm. Vùng đồng bằng sông Hồng có các vườn quốc gia, như Ba Vì, Tam Đảo, Xuân Thủy, Cúc Phương với hoạt động du lịch sinh thái chủ yếu là tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái đặc thù kết hợp với du lịch văn hóa. Vùng Bắc Trung Bộ có tính đa dạng sinh học cao với nhiều vườn quốc gia (Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Phong Nha - Kẻ Bàng, Bạch Mã) là những khu rừng nguyên sinh rộng lớn có sự đa dạng sinh học, nhiều lợi thế cho loại hình du lịch tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch lặn biển... Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có hệ sinh thái điển hình là hệ sinh thái rừng khộp, hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái vùng núi cao, hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cát... Đây là vùng được thế giới công nhận có tính đa dạng sinh học cao, là nơi duy nhất ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á có đủ 4 loài bò xám và bò sừng xoắn, đồng thời cũng là nơi còn có nhiều loài chim, thú, bò sát, cá, các loài thực vật thuộc diện quý hiếm, đặc hữu ở Việt Nam và trên thế giới. Nhiều loại hình du lịch sinh thái được khai thác ở khu vực này, bao gồm tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch lặn biển... Vùng Đông Nam Bộ có không gian chủ yếu bao gồm khu vực vườn quốc gia Cát Tiên, vườn quốc gia Côn Đảo, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ... với tính đa dạng sinh học khá cao. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 2 hệ sinh thái điển hình là đất ngập nước và rừng ngập mặn với hoạt động du lịch hấp dẫn là du lịch sông nước, miệt vườn, ngày càng hấp dẫn đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, phát triển du lịch ở nước ta thời gian qua đã và đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ các di sản và sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch bền vững. Có thể thấy, hoạt động du lịch, một mặt, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng; mặt khác, cũng là yếu tố làm biến dạng, làm thay đổi bản sắc văn hóa và lối sống truyền thống của cộng đồng, đồng thời có không ít tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái. Ngoài ra, kết cấu xã hội tại cộng đồng cũng có thể bị ảnh hưởng do mâu thuẫn có thể nảy sinh từ việc phân chia lợi ích từ du lịch, khoảng cách giàu nghèo tăng lên, giá đất, giá sinh hoạt thay đổi theo nhu cầu và khả năng chi tiêu của khách du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch ở nước ta còn hạn chế và chưa đồng đều. Mặc dù, ở nhiều điểm du lịch đã phát triển, cộng đồng địa phương được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn do cơ quan quản lý du lịch địa phương hoặc do các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tổ chức hướng dẫn; song do năng lực nhận thức còn hạn chế, thói quen, lối sống truyền thống... nên việc tiếp nhận cũng như thực hành các kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch, khả năng ngoại ngữ... ở nhiều điểm đến còn chưa đạt yêu cầu, chưa chuyên nghiệp, làm giảm chất lượng dịch vụ của điểm đến. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng, giao thông đến các điểm có tiềm năng phát triển du lịch có nơi chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch, đặc biệt là các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khu vực miền núi phía Bắc. Cơ sở vật chất kỹ thuật (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng...) chưa được đầu tư, làm hạn chế khả năng phát triển của điểm đến. Tất cả đang là thách thức lớn đối với sự phát triển du lịch bền vững ở nước ta.
3- Sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch xanh, du lịch thân thiện môi trường, gắn kết với bảo tồn các giá trị văn hóa ngày càng được đặt ra, đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ như sau:
Một là, tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các địa phương, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, cần có chính sách hỗ trợ thích hợp cho hoạt động du lịch. Theo đó, chính sách, kế hoạch khai thác giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên phục vụ phát triển du lịch cần được các địa phương thật sự quan tâm, ban hành và triển khai hiệu quả trên địa bàn.
Hai là, có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đến các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nhiều tiềm năng ở vùng biên giới, miền núi, hải đảo. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể của cả nước, các địa phương cần tiếp tục rà soát, lập quy hoạch chi tiết từng khu, điểm, cụm du lịch trọng điểm, trong đó chú trọng các yếu tố bền vững. Trong quy hoạch, phải bảo đảm nguyên tắc đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhất là giá trị các di sản, bản sắc văn hóa dân tộc và những sắc thái văn hóa đa dạng của cộng đồng dân cư các địa phương. Bảo vệ môi trường phải được các cơ quan quản lý các cấp coi trọng và trở thành yêu cầu bắt buộc trong quy hoạch phát triển của mỗi địa phương.
Ba là, thúc đẩy sự gắn kết, phối hợp hiệu quả giữa các ngành, các doanh nghiệp, người dân, các bên liên quan trong xây dựng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng, sinh thái, văn hóa. Giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người lao động và doanh nghiệp để tạo niềm tin, thu hút nguồn lực xã hội vào hoàn thiện các khu, điểm, cụm du lịch, phấn đấu xây dựng những điểm đến du lịch mang tầm khu vực và quốc tế, từ đó tạo sức hấp dẫn và sự lan tỏa cho các điểm đến du lịch.
Bốn là, cơ cấu lại ngành du lịch, từ hoạt động xúc tiến, quảng bá, định vị thị trường mục tiêu, cho tới xây dựng sản phẩm phù hợp; ưu tiên xây dựng các gói kích cầu, hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và các bên cung ứng dịch vụ liên quan, như hàng không, các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch... Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác sản phẩm thuộc các loại hình du lịch có thế mạnh đặc thù của từng địa phương; tập trung phát triển sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch hội nghị - hội thảo (MICE), du lịch y tế... Tiếp tục nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là đối với đội ngũ quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực trực tiếp phục vụ khách du lịch, bảo đảm chất lượng đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn nghề ASEAN.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của khách du lịch và người dân về “lối sống xanh”, bảo vệ môi trường sống, ý thức du lịch có trách nhiệm, ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa trong hoạt động du lịch. Bảo đảm các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững, bao gồm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, hiệu quả kinh tế, sự phát triển cho địa phương, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm an sinh xã hội và công bằng xã hội, hướng tới xây dựng ngành du lịch chuyên nghiệp, bền vững hơn, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước./.
-------------------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 214, 145 - 146
(3) Xem: Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam): “Tốc độ tăng trưởng khách cao, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội”, Trang thông tin điện tử của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ngày 9-7-2020, https://www.vietnamtourism.gov.vn/post/32527
(4) Xem: Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam): “Trên 1 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7/2023”, Trang thông tin điện tử của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ngày 27-7-2023, https://vietnamtourism.gov.vn/post/51439
(5) Xem: Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam): “Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững”, Trang thông tin điện tử của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ngày 22-4-2023, https://vietnamtourism.gov.vn/post/49222
Lễ trao giải Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực công thương  (31/07/2023)
Ngành du lịch Hà Nội góp phần khẳng định thương hiệu, hình ảnh quốc gia “an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”  (26/07/2023)
Giá trị lịch sử của cuộc khởi nghĩa Hương Khê và sự phát huy những giá trị truyền thống trên vùng đất Vũ Quang hiện nay  (08/07/2023)
Du lịch Nghệ An: Tầm nhìn và khát vọng phát triển  (15/06/2023)
Phát triển du lịch biển tại vùng ven biển ở Việt Nam hiện nay  (05/02/2023)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay