Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai năm 2023

NGUYỄN TẤN TOÀN
Tạp chí Cộng sản
07:05, ngày 22-04-2023

TCCS - Ngày 21-4-2023, tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai, với thông điệp: “Sách: Nhận thức - đổi mới - sáng tạo” và “Sách cho tôi, cho bạn”.

Tham dự lễ khai mạc có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế; PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản, cùng lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai năm 2023_Ảnh: Tấn Toàn

Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhắc lại, cách đây hơn hai thế kỷ, Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa thế giới từng khẳng định: “Sách vở đầy bốn vách/ Có mấy cũng không vừa”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về vai trò của sách cũng đã nhấn mạnh: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”. Lời khẳng định này đã phần nào đúc kết được truyền thống hiếu học, trọng sách của dân tộc ta.

Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, các bộ, ngành, địa phương, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, thư viện và doanh nghiệp, cá nhân có tấm lòng nhiệt huyết đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, góp phần làm cho công tác xuất bản có bước phát triển nhanh, văn hóa đọc có sự phục hồi đáng ghi nhận.

Phong trào đọc sách, tặng sách đã đến được nhiều nơi trên cả nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là: “Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “phải soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, các chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai được tổ chức tại thành phố Huế cũng như trên khắp mọi miền Tổ quốc thực sự phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống là tôn vinh sách và những người làm sách, phát triển phong trào đọc sách. “Sự kết hợp hài hòa giữa những nét văn hóa truyền thống cùng những yếu tố hiện đại là một cách để chúng ta tôn vinh sách và khẳng định vai trò trung tâm của văn hóa đọc trong đời sống văn hóa, để “dòng chảy văn hóa đọc” luôn được khơi thông, tiếp nối”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại lễ khai mạc_Ảnh: Tấn Toàn

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng; các bộ, ngành, địa phương tích cực lồng ghép văn hóa đọc trong tất cả phong trào, như: xây dựng văn hóa, khuyến học...; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích mọi người tham gia viết sách, đọc sách nhằm tạo ra tác phẩm tốt, làm phong phú thêm nguồn sách; tôn vinh các tác giả, văn nghệ sĩ, những tấm gương vì cộng đồng đã đưa sách, văn hóa đọc đến với mọi người, mọi nhà.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, để phát huy và nhân rộng việc phát triển văn hóa đọc, tỉnh đã xây dựng, hình thành và phát triển thói quen, nhu cầu, phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, như tổ chức Tuần lễ đọc sách miễn phí, nói chuyện chuyên đề: “Sách và cuộc sống”, “Chúng em với di sản văn hóa Huế”, “Cuốn sách của tôi”...

Những mô hình “Tủ sách cho bạn và cho tôi”, “Tủ sách tại lớp” đã huy động tối đa các đầu sách hay, ý nghĩa từ các nguồn xã hội hóa và các học sinh, giáo viên cùng xây dựng thư viện trường học.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai Đề án thiết lập và phát triển Tủ sách Huế nhằm tạo nên một thương hiệu sách mang đậm dấu ấn Huế góp phần thúc đẩy quảng bá văn hóa Huế qua sách. Đến nay, Tủ sách Huế đã hình thành được 9 xuất bản phẩm, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ xuất bản được 50 ấn phẩm mới và hợp tác gắn logo Tủ sách Huế với hàng trăm sách xuất bản khác trên toàn quốc sẽ trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của Huế, giới thiệu đến độc giả, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa về văn hóa của vùng đất Cố đô; đồng thời, sẽ trở thành cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu về Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực..., phục vụ cho công cuộc xây dựng tỉnh trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10-12-2019, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai với nhiều hoạt động, hình thức đa dạng và phong phú diễn ra từ ngày 21-4 đến ngày 1-5 tại thành phố Huế, như triển lãm sách “Huế xưa và nay”; các sự kiện giới thiệu tác giả, tác phẩm, giới thiệu di sản văn hóa Huế; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế gặp mặt các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành để trao đổi phát triển Tủ sách Huế…

Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu tham quan Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế sau lễ khai mạc_Ảnh: Tấn Toàn

Tại lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Chương trình truyền thông khuyến đọc nhằm xây dựng các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu, quảng bá sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên cơ sở hợp tác giữa các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông với 8 cơ quan báo chí.

Bộ Thông tin và Truyền thông tặng 3.000 cuốn sách cho huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm khuyến khích và thúc đẩy văn hóa đọc tại địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chuyển giao 770 ấn phẩm Tủ sách Huế đến 49 điểm thư viện trên toàn tỉnh góp phần quảng bá, lan tỏa những giá trị văn hóa Huế; khích lệ văn hóa đọc, hướng tới xây dựng một xã hội đọc sách.

Bên cạnh đó còn nhiều hoạt động triển lãm, hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai tại thành phố Huế. Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, tổ chức hội, đoàn thể Trung ương và địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực nhằm đẩy mạnh và phát triển văn hóa đọc trong từng cơ quan, đơn vị, nhà trường cũng như toàn xã hội./.