TCCS - Công tác phòng, chống dịch COVID-19 luôn là ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh trong suốt những năm qua. Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, năng động, quyết liệt, Quảng Ninh đã có những quyết sách đúng đắn, khoa học, mang tính tổng thể, xử lý kịp thời những vấn đề khó, chưa có tiền lệ, mới phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh. Với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, dự phòng, tích cực, chủ động, từ sớm, từ xa, từ cơ sở chính là điều kiện tiên quyết giúp Quảng Ninh giữ vững địa bàn an toàn, thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, vừa đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại điểm tiêm xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ _ Ảnh: quangninh.gov.vn

Chủ động, tích cực, từ sớm, từ xa

Năm 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng Quảng Ninh vẫn vững vàng vượt qua các đợt dịch, thành công trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự xã hội, giữ đà tăng trưởng 2 con số trong trạng thái bình thường mới. Thành công trên nhiều phương diện của tỉnh được lý giải trên cơ sở triển khai hàng loạt các nhiệm vụ một cách linh hoạt, thận trọng nhưng rất quyết đoán, dựa trên cách tiếp cận quản trị an ninh phi truyền thống. Trong suốt hai năm vừa qua, công tác phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh càng khẳng định tính đúng đắn của giải pháp này khi được cụ thể hóa bằng chủ trương, chiến lược, giải pháp đúng đắn, khoa học, kịp thời mang tính tổng thể và kiên trì thực hiện phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, dự phòng, tích cực, chủ động, từ sớm, từ xa, từ cơ sở.

Ở mỗi giai đoạn của dịch bệnh, nguyên tắc, phương châm này lại được thực hiện một cách chủ động hơn, tích cực hơn, ở mức cao hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Khi dịch xâm nhập vào địa bàn, lãnh đạo tỉnh xác định vắc-xin là “vũ khí chiến lược” để chống lại dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh đã chủ động, tích cực tiếp cận với các nguồn vắc-xin sớm nhất có thể với số lượng vắc-xin đáp ứng nhu cầu tiêm chủng diện rộng trên toàn tỉnh; đồng thời tập trung cao nhất triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên diện rộng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Ở bước chuyển trạng thái quan trọng từ “Zero COVID-19” sang thực hiện chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Quảng Ninh vững vàng tâm thế, kịp thời điều chỉnh phương pháp, cách làm phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh, chủ động vận dụng thực hiện hiệu quả chiến lược nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước và “4 tại chỗ” với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 18-10-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trên địa bàn tỉnh với những quan điểm, nguyên tắc, phương châm, giải pháp mang tầm chiến lược. Để luôn sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch ở mọi tình huống, cấp độ, theo chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, ngành y tế tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; coi trọng giám sát dịch bệnh, xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ hằng ngày, hằng tuần theo đúng quy định, nhằm kịp thời phát hiện sớm, truy vết sớm, cách ly sớm, điều trị sớm các trường hợp F0; không để bị động, bất ngờ về ca bệnh, ổ dịch.

Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, cộng đồng dân cư, xã, phường, thị trấn là “pháo đài” khi chuyển đổi trạng thái, tỉnh đã phát huy cao nhất vai trò trung tâm của nhân dân trên tất cả mọi mặt hoạt động phòng, chống dịch, từ ý thức phòng ngừa, ngăn chặn, tự giãn cách, tự cách ly, tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, giám sát lẫn nhau, đến đóng góp nguồn lực, tương trợ xã hội, tham gia các tổ tự quản phòng, chống COVID-19 giúp giảm áp lực cho các lực lượng nòng cốt, hình thành nên “thế trận lòng dân” ứng phó với đại dịch. Không chỉ là tỉnh đầu tiên trong cả nước đặt vấn đề toàn dân biết tự xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh thông qua việc tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực xét nghiệm tập trung từ cấp cơ sở, từng đơn vị nhỏ, đến từng hộ gia đình, Quảng Ninh còn là một trong những địa phương chủ động xây dựng bộ dữ liệu lớn về xét nghiệm dùng chung toàn tỉnh, kết nối liên thông, đồng bộ với nền tảng công nghệ, trong đó có ứng dụng PC-COVID để tất cả kết quả các mẫu xét nghiệm test nhanh, PCR cho các pháp nhân và thể nhân thực hiện để bảo đảm sự nhất quán, đồng bộ, kết nối chia sẻ liên thông và tránh lãng phí.

Với những quyết sách sáng tạo, khoa học, quyết đoán, tỏ rõ bản lĩnh của người đứng đầu từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, nhất là ở thời điểm quan trọng khi chuyển trạng thái sang chung sống an toàn với dịch, tỉnh đã có những chỉ đạo mang tầm chiến lược để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của lực lượng tuyến đầu và khối đại đoàn kết toàn dân và khơi dậy tinh thần kỷ luật và đồng tâm, tinh thần tự lực, tự cường cùng chung tay tạo nên sức mạnh trong phòng chống dịch.

Quyết tâm giữ vững thành quả

Năm 2022, trong bối cảnh Quảng Ninh thực hiện chiến lược sống chung an toàn với dịch bệnh, mặc dù trong đợt dịch thứ 4, số bệnh nhân mắc COVID-19 đều có tại hầu hết các địa phương trong tỉnh nhưng dịch bệnh luôn trong tầm kiểm soát. Nhiều địa phương, kể cả những địa phương khó khăn, như Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu cũng đang nhanh chóng làm chủ được tình hình, các khu công nghiệp hoạt động bình thường, bảo đảm chuỗi sản xuất không bị đứt gẫy. Học sinh toàn tỉnh vẫn được đến trường học tập. Kết quả triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2022 là 1.667.376 mũi. Độ bao phủ vắc xin đối với các đối tượng người từ 18 tuổi trở lên và trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt tỷ lệ trung bình trên 99% (mũi 1, mũi 2), 95% (mũi 3); đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt tỷ lệ 99,3% (mũi 1), 80,8% mũi 2. Riêng vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 cho người lớn từ 18 tuổi trở lên trong tháng 8 và tháng 9-2022 đạt 70% theo kế hoạch để ra của tỉnh. Việc bao phủ rộng vắc-xin cho người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng để bảo vệ an toàn sức khỏe cho mỗi người dân, đặc biệt là những trường hợp mắc COVID-19 đều có triệu chứng từ nhẹ đến không có triệu chứng do đã được tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Theo báo cáo của CDC Quảng Ninh, tính đến 5-10-2022, toàn tỉnh có 359.976 ca mắc COVID-19, 158 trường hợp tử vong. Hiện tại, dịch bệnh đang có xu hướng giảm dần với số ca mắc dao động ở mức 20 - 90 ca/ngày. Các dịch bệnh mới nổi, tái nổi, như viêm gan lạ, cúm A/H5N1, A/H7N9, Mers-CoV, mắc bệnh do Adeno virus chưa ghi nhận trường hợp mắc. Các dịch bệnh khác, như thủy đậu, quai bị, sốt phát ban nghi sởi, liên cầu lợn… đang được kiểm soát. Tuy nhiên bệnh cúm mùa, tay chân miệng có tỷ lệ mắc tăng so với cùng kỳ 2021 (307 ca tay chân miệng; 2340 ca cúm mùa), bệnh sốt xuất huyết không tăng so với cùng kỳ nhưng cần được giám sát chặt chẽ để tránh bùng dịch.

Vì vậy, đề chủ động phòng chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, CDC Quảng Ninh đề xuất cần tăng cường giám sát ca bệnh dựa vào sự kiện; giám sát các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, tại các cơ sở khám chữa bệnh nhằm phát hiện sớm trường hợp đậu mùa khỉ đầu tiên để xử lý triệt để, tránh lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh dịch trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, cần củng cố và kiện toàn các đội đáp ứng nhanh, đội điều trị, đội điều trị cấp cứu cơ động tại các bệnh viện, đơn vị y tế; chủ động phương án kiểm soát nhiễm khuẩn, bố trí khu cách ly của các bệnh viện; trang bị phương tiện phòng hộ cho cán bộ y tế, phương tiện chẩn đoán, điều trị cấp cứu…

Việc giữ vững thành trì trong công tác phòng, chống dịch là yếu tố tiên quyết để Quảng Ninh tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch của năm 2022, tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt trên 11% và thu ngân sách nhà nước trên 52.600 tỷ đồng./.