Ngày 20-9-2007, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Báo Nhân dân đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã - những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát và xây dựng thành một hệ thống các nguyên tắc đảm bảo cho quá trình hợp tác hóa diễn ra phù hợp với các quy luật khách quan và điều kiện cụ thể của Việt Nam. 5 nguyên tắc hàng đầu đến nay vẫn còn giữ nguyên tính thời sự là:
- Tự nguyện
- Tuần tự
- Bình đẳng, cùng có lợi, thiết thực.
- Dân chủ
- Có sự lãnh đạo - tổ chức hợp tác xã với sự hướng dẫn, giúp đỡ về tài chính của Nhà nước.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Cùng tham gia chủ trì có các đồng chí: GS, TS Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS Nguyễn Tiến Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; TS Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, chủ trì Hội thảo. Hội thảo đã nhận được trên 50 tham luận của các nhà nghiên cứu khoa học, hoạt động thực tiễn và thu hút gần 200 đại biểu thuộc nhiều cơ quan, đoàn thể, bộ ban ngành của Trung ương và địa phương tham dự.

Hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã - những vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức nhằm mục tiêu hiểu rõ hơn, nghiên cứu sâu sắc hơn tư tưởng của Hồ Chí Minh về hợp tác xã; đánh giá thực trạng kinh tế hợp tác, hợp tác xã từ khi thành lập đến nay; kiến nghị, đề xuất các giải pháp phát triển hợp tác xã trong giai đoạn mới hiện nay.

Với mục tiêu đặt ra, các ý kiến tham luận tại Hội thảo tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn:

- Các hợp tác xã cũ về cơ bản đã được chuyển đổi xong theo Luật Hợp tác xã; giải thể các hợp tác xã hình thức, không còn hoạt động.

- Số lượng các hợp tác xã tăng lên đáng kể. Đến hết tháng 6-2007, cả nước có trên 320.000 tổ hợp tác, tăng so với năm 2001 là 32,6%; có 17.599 hợp tác xã, 39 liên hiệp hợp tác xã, tăng so với đầu năm 2001 (14.841 hợp tác xã) 17,8%. Các tổ hợp tác, hợp tác xã thu hút trên 12,5 triệu xã viên, hộ xã viên là người lao động, các hộ kinh tế gia đình, kinh tế cá thể, các doanh nghiệp nhỏ.

- Quy trình phát triển các hợp tác xã mới được đẩy mạnh theo hướng tích cực hơn. Đến nay, đã có 52.000 hợp tác xã mới được thành lập. Xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã trong các ngành nghề mới; hợp tác xã đáp ứng nhu cầu đời sống, kinh tế của các giới, các tầng lớp, các nhóm đối tượng khác nhau...

1-
Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã và việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc xây dựng hợp tác xã trong giai đoạn hiện nay. Các tham luận trình bày kết quả nghiên cứu về: quan niệm, các nguyên tắc xây dựng và phát triển hợp tác xã của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cơ sở hình thành và quá trình phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã và xây dựng hợp tác xã ở Việt Nam; việc vận dụng tưởng Hồ Chí Minh để phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp và xác định mô hình, vai trò, các giải pháp phát triển hợp tác xã trong giai đoạn hiện nay...
 

2- Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác và kinh tế hợp tác xã qua các thời kỳ. Những vấn đề được đề cập trong chủ đề này là: hệ thống, phân tích chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hợp tác hóa nông nghiệp trước năm 1986; chủ trương đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đối với hợp tác xã năm 1986 đến nay; hệ thống các chính sách của Nhà nước trong hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về hợp tác xã trong nông nghiệp; kinh nghiệm phát triển hợp tác xã và những biện pháp phát huy tiềm năng của hợp tác xã trong thế kỷ XXI, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã vào phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; chú trọng và thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã trong thời kỳ mới.

3- Đánh giá thực trạng và nêu những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác và hợp tác xã ở Việt Nam trong thời gian qua. Các tác giả đã tập trung những vấn đề: tình hình hợp tác xã hiện nay, đặc biệt là những thay đổi và bước phát triển mới của khu vực hợp tác xã từ sau khi Luật Hợp tác xã được ban hành và có hiệu lực năm 1997; định hướng và các giải pháp phát triển hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường; mô hình hợp tác xã và định hướng hoàn thiện trong các ngành, lĩnh vực; một số kinh nghiệm xây dựng và phát triển hợp tác xã tại Thành phố Hồ Chí Minh, Yên Bái...; kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

7 nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã:

1. Tự nguyện và rộng mở về thành viên
2. Quản lý dân chủ
3. Tham gia về kinh tế của thành viên
4. Độc lập tự chủ
5. Giáo dục, đào tạo và thông tin trong hợp tác xã
6. Hợp tác trong các hợp tác xã
7. Quan tâm đến cộng đồng

Những nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã cho thấy sự khác biệt giữa hợp tác xã và doanh nghiệp

4- Tình hình phát triển hợp tác xã trên thế giới và những kinh nghiệm rút ra đối với Việt Nam. Nhóm vấn đề này được đề cập ở những khía cạnh: quan niệm về hợp tác xã và các nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã; trào lưu hợp tác xã quốc tế và tình hình phát triển tại một số nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á như: Pháp, Anh, Đức, Thụy Điển, Nga, Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Bra-xin Ấn Độ, Hàn Quốc, Băng-la-đét...; vai trò của hợp tác xã ở Phần Lan; kinh nghiệm hoạt động tiêu thụ sản phẩm tại các hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản.

Cuộc Hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã - những vấn đề lý luận và thực tiễn” là một hoạt động khoa học - thực tiễn thiết thực trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đồng thời, cung cấp những thông tin, kết quả nghiên cứu, góp phần vào việc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ năm, khóa IX về phát triển kinh tế tập thể.