Ba mươi năm trước, Chính phủ Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào và Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Lào - Việt Nam. Sự kiện này có ý nghĩa lịch sử quan trọng, khẳng định quyết tâm tăng cường đoàn kết, hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước trên mọi lĩnh vực trong giai đoạn cách mạng mới.

Trong suốt 30 năm qua, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Lào - Việt Nam ngày càng được triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, văn hóa... tạo thế mạnh cho cả hai nước trong sự nghiệp đổi mới cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên lĩnh vực chính trị

Quan hệ chính trị Lào - Việt Nam đã được tăng cường vững chắc và có hiệu quả. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên thăm viếng lẫn nhau. Cuộc thăm chính thức CHXHCN Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn (3-2006), và của Thủ tướng Bua-xỏn Bup-pha-văn (8-2006); cuộc thăm chính thức CHDCND Lào của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (10-2006) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (12-2006) đã tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy sự hợp tác hữu nghị không ngừng phát triển giữa hai dân tộc.

Hằng năm, việc trao đổi các đoàn đại biểu của các bộ, ban, ngành, các tổ chức hữu nghị, các đoàn thể nhân dân ở các địa phương của hai nước đã thúc đẩy hợp tác ngày càng mở rộng, chia sẻ kinh nghiệm cần thiết và bổ ích trong nhiều lĩnh vực cho cả hai bên và góp phần quan trọng vào việc bổ sung cho nhau cùng nhau phát triển.

Tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, hai bên thường xuyên trao đổi ý kiến, thống nhất quan điểm và phối hợp chặt chẽ trong hoạt động đối ngoại, nhất là xung quanh các vấn đề về ASEAN, tiểu vùng Mê-công, phát triển hành lang Đông - Tây, dự án xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia... Việt Nam ủng hộ Lào tham dự các tổ chức quốc tế và khu vực như: APEC, WTO... và Lào nhất trí ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 cũng như các hoạt động khác nhằm tạo bầu không khí và môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của mỗi nước.

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh

Sự hợp tác về quốc phòng - an ninh đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Các cơ quan hữu quan hai bên đã tăng cường phối hợp hoạt động, trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh biên giới, ngăn chặn sự xâm nhập và các hoạt động buôn lậu, tội phạm, chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch hòng phá hoại mối quan hệ Lào - Việt Nam. Thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Lào - Việt Nam, hai bên đã hoàn thành hoạch định và cắm mốc trên toàn tuyến biên giới, trong đó đã xây dựng 5 cửa khẩu quốc tế, mở thêm các cửa khẩu chính, cửa khẩu địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho việc qua lại, trao đổi hàng hóa, du lịch... đường biên giới giữa hai nước đã trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển bền vững.

Trên lĩnh vực hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật

Trong thực hiện chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giai đoạn 2001 - 2010, cũng như chương trình hợp tác 2000 - 2005 và 2006 - 2010, hai bên thống nhất tập trung vào 6 chương trình hợp tác lớn: Giáo dục và đào tạo cán bộ; phát triển bền vững biên giới hai nước; văn hóa và thông tin; thương mại và đầu tư; kết nối cơ sở hạ tầng, dịch vụ, du lịch; duy trì hoạt động và nâng cao năng lực các dự án hợp tác trên tinh thần coi trọng chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, phù hợp với thực tế, đồng thời phải tạo thuận lợi, hỗ trợ lẫn nhau nhằm thể hiện rõ mối quan hệ hữu nghị đặc biệt.

Thực hiện thỏa thuận của Bộ Chính trị và Chính phủ hai nước, Ủy ban hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của hai nước đã tổ chức họp thường niên hai lần, để kiểm điểm đánh giá và triển khai Hiệp định về hợp tác mà chính phủ hai nước đã ký kết. Hằng năm, Chính phủ Việt Nam giúp chính phủ Lào về vốn viện trợ không hoàn lại hoặc tín dụng dài hạn không lãi suất, bình quân khoảng 50 - 60 tỉ đồng. Điều này thể hiện tình cảm truyền thống thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau từ bao đời nay của hai dân tộc Lào - Việt “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".

Về hợp tác kinh tế. Từ 1989 đến tháng 5-2007, Việt Nam đã có 106 dự án đầu tư vào Lào, với tổng giá trị 516.892.549 USD, trong đó đầu tư 100% có 64 dự án, tổng giá trị 453.025.213 USD và liên doanh 42 dự án, tổng giá trị 63.867.336 USD chủ yếu tập trung vào các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến gỗ, khảo sát, khai thác mỏ, sản xuất dược phẩm, thương mại, dịch vụ... Chỉ tính riêng từ năm 2000 - 2007 đầu tư của Việt Nam vào Lào đứng thứ 3 trong 37 nước đang đầu tư tại Lào. Ngoài những công trình lớn còn có hàng trăm doanh nghiệp đang thực hiện các dự án sản xuất. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu quốc tế tại Lào. Đầu tư của Việt Nam sang Lào đang có chiều hướng phát triển, nổi bật nhất là dự án trồng cây cao su, sẽ trồng 50.000 ha tại các tỉnh Nam Lào và hiện nay đã trồng được 20.000 ha, với vốn 30 triệu USD. Việt Nam còn giúp Lào xây dựng đường số 18B tại tỉnh Ăt-ta-pư đã chính thức đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh Nam Lào có tuyến đường ra biển miền Trung của Việt Nam; dự án xây dựng đập thủy điện Xê Kha Mản 3 tại tỉnh Xê Kong mà Việt Nam đầu tư 100% cũng đã được khởi công xây dựng. Các công ty Lào cũng đã đầu tư vào Việt Nam với 7 dự án, tổng giá trị 16.739.528USD, vốn đăng ký gồm 11.009. 527USD.

Chủ chương ưu tiên, ưu đãi cho nhau trong hợp tác kinh tế đã được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước thỏa thuận ngày càng được cụ thể hóa, bổ sung và hoàn thiện để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp của hai nước tăng cường đầu tư trực tiếp và liên doanh cho tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước vì lợi ích của cả hai bên.

Về hợp tác thương mại. Hai bên đã cố gắng giải quyết và thực hiện các cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế, giảm thuế 50% và thuế nhập khẩu đối với hàng hóa sản xuất tại mỗi nước giảm từ 5% - 0%. Riêng năm 2006, thương mại hai nước đạt 260 triệu USD, tăng 60,5% so với năm 2005. Cơ cấu hàng hóa của mỗi nước thay đổi theo hướng đa dạng, tăng cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, các doanh nghiệp của Việt Nam đã đầu tư giúp các địa phương của Lào trong sản xuất hàng hóa và thành lập các doanh nghiệp của Lào.

Về hợp tác giao thông, bưu chính - viễn thông. Các công ty xây dựng của Việt Nam đã nhận thầu xây dựng và nâng cấp các tuyến đường quan trọng dài hàng nghìn cây số, hàng trăm cây cầu các loại, góp phần quan trọng trong việc phát triển kết cấu hạ tầng gắn với công tác quốc phòng - an ninh của Lào nói riêng và việc phát triển của cả hai nước và khu vực nói chung. Đường bay từ Hà Nội - Viêng Chăn - Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng chuyến, riêng tuyến Hà Nội - Luông Phra-bang 3 chuyến/một tuần đã đáp ứng nhu cầu đi lại, giao dịch thương mại và du lịch giữa hai nước. Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho Lào sử dụng các cảng biển của Việt Nam như cảng Đà Nẵng, cảng Cửa Lò, cảng Vũng Áng để Lào quan hệ giao dịch với các nước trên thế giới. Việc lắp đặt đường dây cáp quang có chiều dài 230 km qua miền Trung của Lào đã được hai bên ký kết, hệ thống này sẽ nối liền 6 nước trong khu vực: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po, sẽ tăng thêm khả năng giữa giao tiếp thông tin của Lào với thế giới.

Điện lực là một lĩnh vực hợp tác quan trọng trong việc thực hiện chiến lược "Hướng về phương Đông” của Lào và sẽ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Lào và Việt Nam. Việt Nam đã ký hiệp định mua điện của Lào từ 1500 - 2000 MW giai đoạn 1988 - 2010. Hai bên cùng nhau nghiên cứu đầu tư một số dự án thủy điện: Xê-khạ-mản, Xan-xay Xê-khạ-mản công suất 360 MW và chương trình Xê-khạ-mản 4. Khởi công xây dựng nhà máy Thủy điện Xê khạ mản 3 với công suất 240 MW. Việt Nam hiện cung cấp điện cho một vùng biên giới của Lào như Săm-nửa, Xê-pôn, Lăc-xao...

Hợp tác về nông - lâm nghiệp - thủy lợi đã có tác dụng thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp và nông thôn, góp phần vào việc bảo đảm đủ lương thực và thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông nghiệp ở Lào. Hợp tác trong lĩnh vực nông - lâm - thủy lợi đã giúp Lào tập trung chuyển đổi mùa vụ, tăng năng suất cây trồng, quy hoạch phát triển lương thực và thủy lợi cho các đồng bằng lớn. Việc phối hợp thực hiện xây dựng trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở một số vùng trọng điểm, trao đổi giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng những công trình thủy lợi cung cấp nước cho đồng ruộng đông phu xi và các nơi khác, xây dựng xí nghiệp chế biến phân vi sinh ở Viêng Chăn và Khăm Muồn v.v.. đã góp phần ổn định lương thực, định canh định cư của nhân dân các bộ tộc Lào.

Về hợp tác văn hóa - xã hội. Hai đảng, hai Nhà nước coi việc giúp nhau đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một khâu hết sức quan trọng cho việc bảo vệ, xây dựng đất nước và tăng cường quan hệ đặc biệt Lào - Việt. Số lượng cán bộ, sinh viên Lào sang học ở Việt Nam ngày càng tăng. Tính đến tháng 4-2007 con số đó là 3.845 người, trong đó có cả chỉ tiêu do chính phủ đài thọ, tỉnh kết nghĩa tài trợ, tự túc và các tổ chức quốc tế tài trợ. Việt Nam đã giúp Lào xây dựng một số cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu về giáo dục, đào tạo ở Lào, hỗ trợ về tài liệu, giáo trình giảng dạy, cử chuyên gia sang giảng dạy và đào tạo giảng viên, ở một số tỉnh của Lào. Đồng thời Việt Nam còn xây dựng Trường dân tộc nội trú tỉnh U Đôm Xây, Sa Văn Na Khệt, Xê Kong và Chăm Pa Sắc, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Viện bảo tàng Cay Xỏn, trường năng khiếu v.v.. Kết quả trên đã góp phần vào việc phát triển tiềm năng con người trong các lĩnh vực công tác, từ trung ương đến địa phương.

Phía Lào cũng đã nhận đào tạo cán bộ, sinh viên của Việt Nam sang học tập tại đại học quốc gia ở một số khoa với chỉ tiêu 20 - 25 người/ năm. Số cán bộ, sinh viên Việt Nam hiện học tập tại Lào tính đến tháng 4-2007 là 319 người trong đó có cả chỉ tiêu Chính phủ đài thọ và tự túc.

Việc trao đổi các đoàn nghệ thuật, thể thao, thông tin đại chúng nhất là vào dịp lễ kỷ niệm quan trọng của hai nước, đã làm cho sự giao lưu văn hóa ngày càng phát triển và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam. Hai bên cùng gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại và thời đại; giúp nhau ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết, dịch cúm gia cầm, chăm sóc sức khỏe; giúp đỡ nhau rất to lớn trong lĩnh vực thông tin đại chúng (đài phát thanh, truyền hình, thông tấn xã). Hai bên cũng đã thực hiện việc tìm kiếm và cất bốc hài cốt chuyên gia và bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào thời chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Đồng thời hai bên cùng nhau xây dựng tượng đài liệt sĩ "Tình đoàn kết chiến đấu Lào - Việt" tại 3 tỉnh: U Đôm Xay, Xiêng Khoảng và Ăt-ta-pư. Những tượng đài liệt sĩ này là biểu tượng tốt đẹp sẽ tồn tại mãi mãi từ thế hệ này đến các thế hệ mai sau của hai dân tộc Lào - Việt Nam.

Về hợp tác lao động. Trong những năm qua đã có hàng nghìn lao động của các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam sang giúp Lào thực hiện các dự án hợp tác song phương, đa phương và đấu thầu quốc tế. Lào cũng đã điều chỉnh lệ phí đăng ký, gia hạn và dịch vụ đối với lao động Việt Nam từ 391 USD giảm xuống còn 144,14 USD/người/ năm. Các cơ chế chính sách khuyến khích thương mại, đầu tư, vận tải, đi lại... đều được chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả.

Những kết quả hợp tác mọi mặt đã củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa hai dân tộc Lào - Việt Nam, đem lại lợi ích thiết thực cho hai bên, góp phần tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Triển vọng hợp tác trong thời gian tới

Trên cơ sở Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Lào - Việt Nam, trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế, khu vực và đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi nước, chúng ta tự hào sâu sắc về truyền thống đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện, một truyền thống mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có trong quan hệ quốc tế, vừa là di sản quý giá vừa là một trong những nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi trong cuộc đấu tranh của hai nước hơn nửa thế kỷ qua. Hai bên khẳng định quyết tâm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó và nhất trí đẩy mạnh sự hợp tác toàn diện trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, dành sự ưu tiên, ưu đãi hợp lý cho nhau phù hợp với tính chất của quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác, tạo điều kiện để mỗi nước chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Với tinh thần trên, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục được phối hợp chặt chẽ, vừa phù hợp với nguyên tắc chung và thông lệ quốc tế vừa thể hiện rõ tính chất đặc biệt trong quan hệ Lào - Việt Nam. Trước mắt tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án hợp tác như: Dự án hợp tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo; Dự án hợp tác phát triển ổn định khu vực biên giới hai nước; Dự án hợp tác về văn hóa - thông tin; Thương mại và đầu tư; Kết nối mạng lưới kết cấu hạ tầng; Dự án hợp tác nhằm củng cố, bảo vệ sự hoạt động có hiệu quả của các chương trình hợp tác.

Triển vọng của hợp tác Lào - Việt Nam là to lớn nhưng với sự nỗ lực của cả hai bên tin chắc rằng quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam sẽ không ngừng được củng cố, phát trển lên một tầm cao mới, đáp ứng lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào nguyện làm hết khả năng của mình cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em gìn giữ và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng bền vững và phát triển. Đó chính là sự thể hiện lòng trung thành và tình cảm của chúng ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản kính yêu đã xây dựng, vun đắp và giáo dục tôi luyện chúng ta nâng niu mối quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt này. Mối quan hệ ấy sẽ càng đơm hoa kết trái và là tài sản vô giá để lại cho các thế hệ mai sau tiếp tục gìn giữ và kế thừa.