Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc
Tại Phiên họp toàn thể thứ 8, ngày 8 tháng 9 năm 2000, Liên Hợp Quốc Đại Hội đồng đã thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc. Tạp chí Cộng sản xin giới thiệu toàn văn Tuyên bố trên.
I. Các giá trị và nguyên tắc
1. Chúng tôi, những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, đã gặp mặt tại Trụ sở Liên Hợp quốc, thành phố Niu-Yoóc, từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 9 năm 2000, vào buổi bình minh của Thiên niên kỷ mới, để khẳng định lại niềm tin của chúng tôi đối với Liên Hợp quốc và Hiến chương của Tổ chức này như là những nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hoà bình, thịnh vượng và công bằng hơn. Chúng tôi nhìn nhận rằng, ngoài trách nhiệm riêng của chúng tôi đối với từng xã hội, chúng tôi có trách nhiệm tập thể trong việc tôn trọng các nguyên tắc về nhân phẩm, bình đẳng và bình quyền trên toàn thế giới. Là những nhà lãnh đạo, chúng tôi có nghĩa vụ đối với tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có trẻ em - những chủ nhân của thế giới ngày mai.Chúng tôi khẳng định lại cam kết của chúng tôi đối với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc, đã chứng tỏ là những giá trị muôn thuở và mang tính phổ biến. Trên thực tế, tính phù hợp và khả năng khích lệ của những mục đích và nguyên tắc này, ngày càng được củng cố trong quá trình các dân tộc và nhân dân trên thế giới trở nên gắn bó với nhau và tuỳ thuộc lẫn nhau nhiều hơn. Chúng tôi quyết tâm thiết lập một nền hoà bình lâu bền và công bằng trên toàn thế giới, phù hợp với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương. Chúng tôi một lần nữa khẳng định sự ủng hộ của mình đối với mọi nỗ lực trong việc nêu cao sự bình đẳng chủ quyền của tất cả các Quốc gia, sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của họ, việc giải quyết xung đột bằng phương pháp hoà bình và phù hợp với các nguyên tắc công lý và luật pháp quốc tế, quyền tự quyết của các dân tộc còn chịu sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân và sự chiếm đóng của ngoại bang, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các Quốc gia, tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của con người, tôn trọng các quyền bình đẳng của mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo, và sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo. Chúng tôi tin tưởng rằng thách thức trung tâm đối với chúng ta ngày hôm nay là làm thế nào để bảo đảm toàn cầu hoá trở thành một lực lượng tích cực cho tất cả mọi người trên thế giới. Bởi vì, trong khi toàn cầu hoá tạo ra nhiều cơ hội to lớn, thì lợi ích của nó đang được chia sẻ không đồng đều, cái giá phải trả cho nó đang được phân phối bất bình đẳng. Chúng tôi nhìn nhận rằng các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi đang phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt trong việc khắc phục thách thức này. Vì vậy, chỉ thông qua những nỗ lực rộng lớn và bền bỉ nhằm tạo ra một tương lai chung cho mọi người, dựa trên tính nhân văn chung trong sự đa dạng của chúng ta, thì toàn cầu hoá mới mang lại lợi ích bình đẳng cho tất cả mọi người. Những nỗ lực này phải bao gồm các chính sách và biện pháp ở cấp độ toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi, được xây dựng và thực hiện với sự tham gia có hiệu quả của các nước này.
2. Chúng tôi cho rằng một số giá trị cơ bản có vai trò thiết yếu trong quan hệ quốc tế của thế kỷ 21. Đó là:
· Tự do: Nam giới cũng như nữ giới đều có quyền sống và nuôi dạy con cái trong nhân phẩm, không đói nghèo, và không sợ bạo lực, áp bức và bất công. Điều hành đất nước theo nguyên tắc dân chủ, có sự tham gia của người dân và trên cơ sở ý chí của người dân là bảo đảm tốt nhất cho việc thực hiện quyền này.
· Bình đẳng: Không được phép tước đoạt cơ hội thụ hưởng kết quả từ hoạt động phát triển của bất cứ cá nhân nào hoặc dân tộc nào. Phải bảo đảm các quyền và cơ hội bình đẳng cho nam giới cũng như nữ giới.
· Đoàn kết: Các thách thức mang tính toàn cầu cần được xử lý sao cho các chi phí và gánh nặng được chia sẻ một cách công bằng, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng và công bằng xã hội. Những người phải chịu thiệt thòi hay được hưởng lợi ít nhất, xứng đáng được nhận sự trợ giúp từ những người được hưởng lợi nhiều nhất.
· Khoan dung: Con người phải tôn trọng lẫn nhau, trong sự đa dạng về tín ngưỡng, văn hoá và ngôn ngữ. Sự khác biệt trong cùng và giữa các xã hội không có gì đáng sợ hãi hoặc phải bị đàn áp, mà nên được tôn trọng như một tài sản quý giá của nhân loại. Một nền văn hoá hoà bình và đối thoại giữa tất cả các nền văn minh cần được khuyến khích.
· Tôn trọng thiên nhiên: Cần tỏ ra khôn ngoan trong việc quản lý tất cả các sinh vật sống và tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững. Chỉ có bằng cách này nguồn tài nguyên phong phú, vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta mới có thể được bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Cần phải thay đổi những tập quán sản xuất và tiêu dùng không bền vững hiện nay, vì an sinh của tương lai và của các thế hệ con cháu chúng ta.
· Chia sẻ trách nhiệm: Trách nhiệm quản lý hoạt động phát triển kinh tế và xã hội trên toàn thế giới cũng như mối đe doạ đối với nền hoà bình và an ninh quốc tế cần được chia sẻ giữa các dân tộc và cần được thực thi qua các kênh đa phương. Là tổ thức mang tính đại diện rộng rãi nhất và phổ biến nhất trên thế giới, Liên Hợp quốc phải được đóng vai trò trung tâm.
Để biến những giá trị chung này thành hành động, chúng tôi đã xác định những mục tiêu then chốt mà chúng tôi cho là có tầm quan trọng đặc biệt.
I. Hoà bình, an ninh và giải trừ quân bị
1. Chúng tôi sẽ không từ bỏ nỗ lực nào để giải thoát nhân dân chúng ta khỏi sự tàn phá của chiến tranh, cho dù đó là chiến tranh trong cùng hay giữa các Nhà nước, đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu con người trong thập kỷ qua. Chúng tôi cũng sẽ phấn đấu để thủ tiêu hiểm hoạ của vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
2. Bởi vậy chúng tôi quyết tâm:
-
Tăng cường sự tôn trọng đối với chế độ pháp quy trong các vấn đề quốc tế cũng như quốc gia, và đặc biệt là quyết tâm bảo đảm sự tuân thủ của các Quốc gia thành viên đối với các quyết định của Toà án Công lý Quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc, trong trường hợp mà các Quốc gia này là bên tham gia
-
Làm cho Liên Hợp quốc trở nên hiệu quả hơn trong việc duy trì hoà bình và an ninh bằng cách cung cấp cho Liên Hợp quốc những nguồn lực và công cụ cần thiết đề ngăn chặn xung đột, giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, giữ gìn hoà bình, củng cố hoà bình và tái thiết sau xung đột. Trong khuôn khổ này, chúng tôi ghi nhận bản báo cáo của Tiểu ban về các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp quốc và yêu cầu Đại Hội Đồng hãy sớm xem xét các khuyến nghị của Tiểu ban này.
-
Tăng cường sự hợp tác giữa Liên Hợp quốc và các tổ chức cấp vùng, phù hợp với các điều khoản tại Chương VIII của Hiến chương Liên Hợp quốc.
-
Bảo đảm các Quốc gia tham gia sẽ thực hiện các Hiệp ước về kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị, luật nhân đạo quốc tế, luật nhân quyền, và kêu gọi tất cả các Quốc gia hãy xem xét ký kết và phê chuẩn Quy chế Rô-ma về Toà án Tội phạm Quốc tế.
-
Cùng nhau hành động trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và tham gia tất cả các công ước quốc tế liên quan càng sớm càng tốt.
-
Tăng cường nỗ lực thực hiện cam kết chung chống tệ nạn ma tuý trên thế giới.
-
Tăng cường nỗ lực chống tội phạm xuyên quốc gia dưới mọi hình thức, trong đó có tệ chuyên chở và buôn bán người và tội rửa tiền.
-
Hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của lệnh cấm vận kinh tế của Liên Hợp quốc đối với những người dân vô tội, tiến hành kiểm điểm thường kỳ những lệnh cấm vận đó, và loại bỏ tác động tiêu cực đối với các bên thứ ba.
-
Phấn đấu loại bỏ các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, và theo đuổi mọi khả năng thực hiện mục tiêu này, trong đó có khả năng triệu tập một hội nghị quốc tế nhằm tìm kiếm cách thức để loại trừ hiểm hoạ hạt nhân.
-
Cùng nhau nỗ lực chấm dứt tình trạng buôn bán trái phép các loại vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ, đặc biệt là bằng cách làm cho việc chuyên chở vũ khí trở nên minh bạch hơn và hỗ trợ các biện pháp giải trừ quân bị cấp vùng, trong đó có xem xét tất cả các khuyến nghị sẽ được đưa ra tại Hội nghị sắp tới của Liên Hợp quốc về Buôn bán trái phép các loại vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ.
-
Kêu gọi tất cả các Quốc gia xem xét tham gia Công ước Cấm sử dụng, tàng trữ, sản xuất, chuyên chở và phá huỷ các loại mìn sát thương, cũng như Nghị định thư bổ xung về mìn của Công ước về các loại vũ khí thông thường.
1. Chúng tôi kêu gọi tất cả các Quốc gia hãy tôn trọng Thoả thuận ngừng bắn Olympic, trên cơ sở từng quốc gia và tập thể các quốc gia, bây giờ và trong tương lai, tôn trọng Uỷ ban Olympic Quốc tế trong nỗ lực xúc tiến hoà bình và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia thông qua thể thao và Lý tưởng Olympic.
II. Phát triển và xoá đói giảm nghèo
1. Chúng tôi sẽ không từ bỏ nỗ lực nào trong việc giải thoát những người đàn ông, đàn bà và trẻ em đồng loại ra khỏi tình trạng nghèo cùng cực, tuyệt vọng và làm mất tính người mà hơn 1 tỉ con người trên thế giới còn phải chịu đựng. Chúng tôi cam kết biến quyền được phát triển trở thành một hiện thực cho mọi người và đưa toàn nhân loại ra khỏi tình trạng thiếu thốn. Do đó, chúng tôi kiên quyết tạo dựng một môi trường - ở cấp độ quốc gia cũng như toàn cầu, thuận lợi cho hoạt động phát triển và xoá nghèo đói. Thành công trong việc thực hiện các mục tiêu này tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có công tác điều hành tốt ở từng quốc gia. Thành công đó cũng tuỳ thuộc vào công tác điều hành tốt ở cấp độ quốc tế và sự minh bạch trong các hệ thống tài chính, tiền tệ và thương mại. Chúng tôi cam kết thực hiện một hệ thống tài chính và thương mại đa phương cởi mở, bình đẳng, dựa vào luật, có thể dự báo trước và không phân biệt đối xử. Chúng tôi bày tỏ sự lo lắng của mình về trở ngại mà các nước đang phát triển đang phải đối đầu trong việc huy động nguồn lực cần thiết để tài trợ cho phát triển bền vững. Do đó, chúng tôi sẽ hết sức cố gắng bảo đảm thành công của Hội nghị Cấp cao Quốc tế và Liên chính phủ về Tài trợ cho Phát triển sẽ được tổ chức trong năm 2001.
2. Chúng tôi cũng cố gắng đáp ứng nhu cầu đặc biệt của các nước kém phát triển nhất. Trong bối cảnh này, chúng tôi hoan nghênh Hội nghị lần thứ ba của Liên Hợp quốc về Các nước kém phát triển nhất sẽ được tổ chức vào tháng 5 năm 2001, và sẽ cố gắng bảo đảm thành công của Hội nghị này. Chúng tôi kêu gọi các nước công nghiệp hoá hãy:
-
Thông qua, tốt nhất là ngay trong thời gian Hội nghị, một chính sách cho phép tiếp cận với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu từ các nước kém phát triển nhất mà không áp dụng thuế quan hay hạn ngạch;
-
Thực hiện không chậm trễ chương trình tăng cường về giảm nợ cho các nước nghèo có nhiều nợ và đồng ý huỷ bỏ tất cả các khoản nợ song phương chính thức cho các nước để đổi lấy cam kết của họ cho nỗ lực xoá đói giảm nghèo
-
Cung cấp viện trợ phát triển nhiều hơn, đặc biệt cho các nước đang thực sự nỗ lực sử dụng nguồn lực của mình cho nỗ lực xoá đói giảm nghèo.
3. Chúng tôi cũng quyết tâm xử lý một cách toàn diện và hiệu quả hơn vấn đề nợ của các nước đang phát triển có mức thu nhập thấp và trung bình, thông qua các biện pháp ở cấp quốc gia và quốc tế nhằm giữ mức nợ của họ trong tầm kiểm soát về lâu dài. Chúng tôi cũng quyết tâm đáp ứng nhu cầu đặc biệt của các quốc gia hải đảo nhỏ đang phát triển, bằng cách thực hiện nhanh chóng và đầy đủ Chương
trình hành động Berbados và kết quả của Phiên họp đặc biệt thứ 22 của Đại Hội đồng. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy bảo đảm nhu cầu đặc biệt của các quốc gia hải đảo nhỏ sẽ được xem xét trong quá trình xây dựng chỉ số về tình trạng dễ bị tổn thương. Chúng tôi nhìn nhận nhu cầu đặc biệt và khó khăn của các quốc gia đang phát triển không có bờ biển, và kêu gọi các nhà tài trợ song phương cũng như đa phương hãy tăng thêm mức viện trợ kỹ thuật và tài chính cho nhóm các nước này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đặc biệt và giúp họ vượt qua những trở ngại về địa lý thông qua việc cải thiện hệ thống vận tải quá cảnh của họ.
4. Chúng tôi cũng kiên quyết:
-
Đến năm 2015, giảm một nửa tỉ lệ dân số trên thế giới có mức thu nhập chưa đến 1 đô-la mỗi ngày và tỉ lệ người còn thiếu đói và, trong cùng thời gian, giảm một nửa số người không được sử dụng nước sạch hoặc không có khả năng chi phí cho nước sạch.
-
Bảo đảm rằng, trong cùng thời gian, trẻ em trên khắp thế giới, con gái cũng như con trai, sẽ được học xong bậc tiểu học và được theo học tất cả các cấp một cách bình đẳng.
-
Cũng trong cùng thời gian, giảm 3/4 số tử vong ở các ca sản phụ và 2/3 số tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, so với tỉ lệ tương ứng hiện nay.
-
Cũng trong cùng thời gian, chấm dứt tình trạng lây lan của dịch bệnh HIV/AIDS, bệnh sốt rét và các căn bệnh nguy hiểm khác đang gây đau khổ cho nhân loại.
-
Cung cấp trợ giúp đặc biệt cho trẻ em bị mồ côi do cha mẹ chết vì HIV/AIDS.
-
Đến năm 2020, cải thiện cuộc sống của ít nhất 100 triệu người còn sống trong các khu nhà ổ chuột, như đã được đề xuất trong sáng kiến "Thành phố không có các khu nhà ổ chuột".
5. Chúng tôi cũng quyết tâm:
-
Xúc tiến bình đẳng giới và nâng cao địa vị của phụ nữ như là những biện pháp có hiệu quả trong cuộc chiến chống đói nghèo và bệnh tật, và khuyến khích hoạt động phát triển thực sự bền vững.
-
Xây dựng và thực hiện các chiến lược cho phép thanh niên khắp nơi có cơ hội thực sự trong tìm kiếm việc làm phù hợp và có năng suất.
-
Khuyến khích ngành công nghiệp dược làm cho các loại thuốc thiết yếu trở nên dễ tiếp cận hơn và giá cả hợp lý hơn đối với người dân ở các nước đang phát triển đang cần các loại thuốc này.
-
Xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với khu vực tư nhân và với các tổ chức xã hội dân sự, phục vụ mục tiêu phát triển và xoá đói giảm nghèo.
-
Bảo đảm lợi ích của các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, đến với mọi người theo các khuyến nghị tại Tuyên bố cấp bộ trưởng năm 2000 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp quốc.
III. Bảo vệ môi trường chung
1. Chúng tôi sẽ tìm mọi cách để giải thoát toàn thể nhân loại, trước hết là tất cả con cháu chúng ta, khỏi mối hiểm hoạ phải sống trên một hành tinh bị huỷ hoại đến mức không thể cứu vãn bởi những hoạt động của chính con người và bằng nguồn lực không còn đủ để đáp ứng nhu cầu của họ.
2. Chúng tôi khẳng định lại sự ủng hộ của mình đối với các nguyên tắc phát triển bền vững, trong đó có những nguyên tắc đã được nêu ra trong Chương trình nghị sự Thế kỷ 21, được thoả thuận tại Hội nghị Liên Hợp quốc về Môi trường và Phát triển.
3. Do đó, chúng tôi quyết tâm áp dụng trong tất cả các hoạt động môi trường của mình một đạo lý mới về việc bảo tồn và sử dụng và, như là những bước đi đầu tiên, chúng tôi quyết tâm:
-
Hết sức cố gắng bảo đảm Nghị định thư Kyoto sẽ có hiệu lực, tốt nhất là vào năm 2002, tức là năm kỷ niệm lần thứ 10 của Hội nghị Liên Hợp quốc về Môi trường và Phát triển, và bắt tay vào việc bắt buộc cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính.
-
Tăng cường nỗ lực tập thể trong việc quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tất cả các loại rừng.
-
Tạo áp lực để đi đến thực hiện Công ước về Đa dạng sinh học và Công ước về Chống sa mạc hoá ở các nước đang phải chịu nạn hạn hán nghiêm trọng và/hoặc nạn sa mạc hoá, đặc biệt là ở châu Phi.
-
Chấm dứt tình trạng khai thác các nguồn nước không mang tính bền vững bằng cách xây dựng các chiến lược quản lý nguồn nước ở cấp vùng, quốc gia và địa phương, qua đó khuyến khích khả năng tiếp cận bình đẳng cũng như cung cấp đầy đủ nguồn nước.
-
Tăng cường sự hợp tác nhằm cắt giảm số lượng và ảnh hưởng của các tai hoạ do thiên nhiên cũng như con người gây ra.
-
Bảo đảm sự tiếp cận miễn phí với thông tin về chuỗi gien của con người.
IV. Nhân quyền, dân chủ và điều hành tốt
1. Chúng tôi sẽ không từ nỗ lực nào nhằm khuyến khích dân chủ và tăng cường chế độ pháp quyền, cũng như tôn trọng tất cả các quyền con người và quyền tự do cơ bản được quốc tế thừa nhận, trong đó có quyền được phát triển.
2. Do đó, chúng tôi quyết tâm:
-
Tôn trọng triệt để và tiếp tục thực hiện bản Tuyên ngôn Nhân quyền.
-
Phấn đấu để bảo vệ đầy đủ và xúc tiến ở tất cả các nước chúng ta các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá cho tất cả mọi người.
-
Tăng cường năng lực của tất cả các nước chúng ta để thực hiện các nguyên tắc và tập quán về dân chủ và tôn trọng quyền con người, trong đó có các quyền của các dân tộc thiểu số.
-
Chống lại mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và thực hiện Công ước về việc Loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ.
-
Thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm sự tôn trọng và bảo vệ các quyền con người của những người di cư, công nhân làm việc ở nước ngoài và gia đình của họ, nhằm xoá bỏ sự gia tăng các hành vi phân biệt chủng tộc và bài ngoại còn tồn tại ở nhiều nước, và nhằm khuyến khích sự hoà đồng và khoan dung nhiều hơn ở tất cả các xã hội.
-
Cùng nhau phấn đấu hướng tới các quy trình chính trị rộng mở hơn, thu hút sự tham gia của mọi công dân ở tất cả các nước chúng ta.
-
Bảo đảm quyền tự do của giới truyền thông để họ thực hiện vai trò chủ yếu của mình và quyền của công chúng được tiếp cận với thông tin.
V. Bảo vệ những người dễ bị tổn thương
1. Chúng tôi sẽ không từ nỗ lực nào để bảo đảm rằng trẻ em và thường dân đang phải chịu đựng vô vàn đau khổ do hậu quả của thiên tai, nạn diệt chủng, xung đột vũ trang và các cuộc khủng hoảng nhân đạo khác được cung cấp mọi sự trợ giúp và bảo vệ cần thiết để họ có thể sớm khôi phục lại cuộc sống bình thường của mình.
2. Do đó, chúng tôi kiên quyết:
-
Mở rộng và tăng cường việc bảo vệ thường dân trong các tình huống khẩn cấp phức tạp, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.
-
Tăng cường sự hợp tác quốc tế, kể cả việc chia sẻ gánh nặng và điều phối viện trợ nhân đạo, cho các nước tiếp nhận người tị nạn và giúp đỡ tất cả người tị nạn và người đi lánh nạn khác trở về quê hương mình một cách tự nguyện, trong an toàn và nhân phẩm, và hoà nhập suôn sẻ vào xã hội của mình.
-
Khuyến khích việc phê chuẩn và thực hiện đầy đủ Công ước về Quyền trẻ em và các nghị định thư không bắt buộc về việc lôi kéo trẻ em vào các cuộc xung đột vũ trang, buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và khiêu dâm trẻ em.
VI. Đáp ứng nhu cầu đặc biệt của châu Phi
1. Chúng tôi sẽ hỗ trợ việc củng cố nền dân chủ ở châu Phi và hỗ trợ nhân dân châu Phi trong cuộc đấu tranh vì một nền hoà bình lâu bền, xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững, qua đó để đưa châu Phi vào dòng chảy chủ đạo của nền kinh tế thế giới.
2. Do đó, chúng tôi quyết tâm:
-
Hoàn toàn ủng hộ cơ cấu chính trị và thể chế của các nền dân chủ đang hình thành ở châu Phi.
-
Khuyến khích và duy trì các cơ chế cấp vùng và tiểu vùng nhằm ngăn chặn xung đột, xúc tiến ổn định chính trị, và bảo đảm cung cấp vững chắc các nguồn lực cho hoạt động gìn giữ hoà bình ở châu lục này.
-
Thực hiện các biện pháp đặc biệt nhằm khắc phục những thách thức trong sự nghiệp xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững ở châu Phi, trong đó có việc xoá nợ, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, tăng thêm nguồn Viện trợ phát triển chính thức và Đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như chuyển giao công nghệ.
-
Giúp đỡ châu Phi tăng cường năng lực để khắc phục tình trạng lây lan của dịch bệnh HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiềm khác.
VII. Tăng cường Tổ chức Liên Hợp quốc
1. Chúng tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách để làm cho Liên Hợp quốc trở thành một công cụ có hiệu quả hơn nhằm thực hiện tất cả các ưu tiên này: cuộc chiến vì sự phát triển của tất cả các dân tộc trên thế giới; cuộc chiến chống đói nghèo, dốt nát và bệnh tật; cuộc chiến chống bất công; cuộc chiến chống bạo lực, khủng bố và tội phạm; và cuộc chiến chống tình trạng xuống cấp và hủy hoại ngôi nhà chung của chúng ta.
2. Do đó, chúng tôi quyết tâm:
-
Khẳng định lại lập trường trung tâm của Đại Hội đồng là cơ quan đại diện, làm chính sách và tranh luận chủ yếu của Liên Hợp quốc, và tạo mọi điều kiện để Đại Hội đồng thực hiện vai trò của mình một cách có hiệu quả. Tăng cường nỗ lực chung nhằm thực hiện cuộc cải tổ toàn diện Hội đồng Bảo an ở tất cả các khía cạnh của nó.
-
Tăng cường hơn nữa Hội đồng Kinh tế và Xã hội, trên cơ sở phát huy những thành quả thu được trong thời gian gần đây, nhằm giúp Hội đồng hoàn thành nhiệm vụ được Hiến chương giao phó.
-
Tăng cường Tòa án Công lý Quốc tế, nhằm bảo đảm công lý và thực thi luật pháp trong các vấn đề quốc tế.
-
Khuyến khích các cuộc tham khảo và phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan chủ yếu của Liên Hợp quốc nhằm thực hiện các chức năng của mình.
-
Bảo đảm cung cấp cho Liên Hợp quốc một cơ sở nguồn lực kịp thời và có thể dự báo trước mà Liên Hợp quốc cần có để thực thi sứ mệnh của mình.
-
Kêu gọi Ban thư ký sử dụng tốt nhất những nguồn lực này, phù hợp với các thủ tục và quy chế rõ ràng đã được Đại Hội đồng chấp thuận, vì lợi ích của các Quốc gia thành viên, bằng cách thực hiện các tập quán quản lý tốt và công nghệ hiện có và bằng cách tập trung vào những nhiệm vụ phản ánh những ưu tiên đã được các Quốc gia thành viên nhất trí.
-
Xúc tiến việc tuân thủ triệt để Công ước về sự an toàn của Tổ chức và nhân viên Liên Hợp quốc.
-
Bảo đảm sự gắn kết về chính sách và sự hợp tác tốt hơn giữa Liên Hợp quốc, các cơ quan của Liên Hợp quốc, các Tổ chức thuộc hệ thống Bretton Woods và Tổ chức Thương mại thế giới cũng như các tổ chức đa phương khác, nhằm mục đích thực hiện một phương pháp tiếp cận được phối hợp đầy đủ đối với các vấn đề về hoà bình và phát triển.
-
Tăng cường sự hợp tác giữa Liên Hợp quốc và Nghị viện các nước thông qua tổ chức thế giới của họ là Liên minh các nghị viện, trên các lĩnh vực như hoà bình và an ninh, phát triển kinh tế và xã hội, luật pháp quốc tế và nhân quyền, dân chủ và vấn đề giới.
-
Tạo thêm cơ hội cho khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự nói chung, để họ góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu và chương trình của Liên Hợp quốc.
3. Chúng tôi yêu cầu Đại Hội đồng thường xuyên kiểm điểm tiến độ thực hiện các điều khoản của Tuyên bố này, và yêu cầu Ông Tổng thư ký công bố các báo cáo định kỳ về tiến độ thực hiện để Đại Hội Đồng xem xét và làm cơ sở để triển khai các hoạt động tiếp theo.
4. Nhân dịp này, chúng tôi trịnh trọng khẳng định một lần nữa rằng Liên Hợp quốc là ngôi nhà chung không thể thiếu của toàn nhân loại, qua đó chúng ta sẽ cố gắng thực hiện nguyện vọng chung về hoà bình, hợp tác và phát triển. Do đó, chúng tôi cam kết sự ủng hộ vô điều kiện của mình đối với những mục tiêu chung này và quyết tâm của chúng tôi trong việc thực hiện thành công những mục tiêu chung đó.
Thêm một Nghị quyết sai trái của Hạ viện Hoa Kỳ  (20/09/2007)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên lần thứ hai  (20/09/2007)
Việt Nam - Liên Hợp quốc: mối quan hệ tin cậy, bền vững  (20/09/2007)
ADB dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh  (19/09/2007)
Đã đến thời của con Rồng Việt Nam  (19/09/2007)
Số người cực nghèo ở Mỹ cao kỷ lục  (19/09/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay