Số người cực nghèo ở Mỹ cao kỷ lục

Nao-mi Xpen-xơ
13:46, ngày 19-09-2007

Giàu nhất thế giới nhưng Mỹ lại là nước có rất nhiều người phải sống trong cảnh nghèo cùng cực. Các số liệu cho thấy, số người cực nghèo ở Mỹ hiện nay cao nhất trong 3 thập kỷ gần đây. Thậm chí, khi nền kinh tế Mỹ đã được phục hồi sau suy thoái, từ năm 2000 đến năm 2005, số người nghèo ở Mỹ vẫn tăng khoảng 26%. Tờ Thời báo Niu-oóc tính rằng, hiện ở Mỹ có 60 triệu người nghèo.

Báo cáo phân tích số liệu của Cục Điều tra dân số Mỹ do công ty truyền thông M. Clát-chy (Mc Clatchy) xuất bản ngày 22-2-2007 cho biết, nghèo khổ cùng cực ở Mỹ đã tới điểm cao nhất trong 3 thập kỷ qua. Báo cáo này phản ánh tình trạng suy giảm chất lượng sống của đa số người dân Mỹ trong thời kỳ được gọi là "sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản, kể từ năm 2001".

Theo chuẩn nghèo năm 2005 ở Mỹ, những người Mỹ có thu nhập dưới 5.080 USD/năm được xem là cực nghèo; một gia đình 4 người với hai trẻ em được coi là cực nghèo nếu họ kiếm được ít hơn 9.903USD/năm. Các số liệu cho thấy, năm 2005 ở Mỹ có gần 16 triệu người phải sống ở mức cực nghèo, hoặc dưới một nửa ngưỡng nghèo. Con số này đại diện cho gần một nửa số người nghèo, là tỷ lệ người nghèo cao nhất ở Mỹ kể từ năm 1975. Thậm chí khi nền kinh tế Mỹ đã được phục hồi sau suy thoái, trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2005, số người nghèo ở Mỹ vẫn tăng khoảng 26%. Theo Tô-ny Pu-gơ (Tony Pugh), tác giả của báo cáo, sự tăng tỷ lệ nghèo cùng cực là 56%, nhiều hơn sự tăng toàn bộ dân số nghèo khổ.

Trong năm 2005, có 12,6% dân số Mỹ, hoặc 37 triệu người, bao gồm 13 triệu trẻ em, sống dưới chuẩn nghèo chính thức. Báo cáo của M. Clát-chy cho biết, cứ 1 trong 3 người cực nghèo ở Mỹ là dưới 17 tuổi và gần 2/3 số người nghèo là phụ nữ. Trong đó, các gia đình nghèo khổ nhất là các gia đình mà người chủ là phụ nữ. Người da đen cực nghèo thu nhập thấp hơn 3 lần so với người da trắng (không phải gốc La-tinh) cực nghèo; còn người Mỹ gốc La-tinh chịu sự nghèo cùng cực nhiều hơn 2 lần so với người da trắng. Trong năm 2005, có 4,3 triệu người Mỹ cực nghèo là người da đen, 3,7 triệu người cực nghèo là người gốc La-tinh.

Những người cực nghèo phải làm việc hằng thập kỷ trong những nhà máy chế tạo hiện đã phải đóng cửa và phải chịu nhiều vấn đề về sức khỏe, những thương tổn có liên quan đến nghề nghiệp. Giáo sư chuyên về phúc lợi xã hội M. Ran-cơ (Mark Rank) ở Đại học Uy-xcon-xin (Wisconsin) nói, cứ 1 trong 3 người Mỹ phải trải qua một năm cực nghèo ở một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống. Theo tính toán của Ran-cơ, có 58% số người Mỹ trong độ tuổi từ 20 đến 75 phải chịu ít nhất 1 năm nghèo khổ; 2 trong 3 người ở độ tuổi từ 20 đến 65 phải sống dựa vào một chương trình trợ cấp xã hội và có 40% số người Mỹ phải dựa vào trợ cấp cộng đồng, ít nhất trong 5 năm. Nếu tính cả số người nhập cư bất hợp pháp, con số này sẽ còn nhiều hơn.

Báo cáo của M. Clát-chy cho thấy, 65 trong số 215 hạt lớn của Mỹ có sự tăng lớn về tỷ lệ người cực nghèo. Số lượng người cực nghèo không chỉ tăng lên ở đô thị lớn mà còn mở rộng tới các khu vực nông thôn và ngoại ô.

Biên giới Mỹ - Mê-hi-cô và miền nam nước Mỹ có số người cực nghèo nhiều nhất - 6,5 triệu người. Nhiều người phải làm việc trong các nhà máy dệt, thêu và đồ gỗ là những nhà máy hiện đang phải đóng cửa hoặc đang chuyển đến những địa điểm mới, với mức lương thấp. Tương tự như vậy, số người cực nghèo đã tăng lên tại nhiều nơi ở Trung Tây và Đông Bắc nước Mỹ - những nơi mà hàng loạt nhà máy đã phải đóng cửa và hàng loạt công nhân bị sa thải.

Số người cực nghèo ở Thủ đô Oa-sinh-tơn chiếm 10,8% dân cư thành phố này, nhiều hơn các bang khác, vượt cả Mi-xi-xi-pi và Lu-xi-a-na, những bang bị tàn phá bởi cơn bão Ka-tri-na. Ở Oa-sinh-tơn, cứ 6 trong 10 người nghèo là những người nghèo cùng cực. Tại trung tâm của một đất nước giàu nhất thế giới, nơi hàng nghìn tỉ USD được chi cho chiến tranh thì cắt giảm thuế và trợ cấp đoàn thể chỉ mang tính hình thức.

Số liệu do Cục Điều tra dân số Mỹ thu thập mới chỉ sơ lược thực trạng nghèo khổ ở Mỹ và mới chỉ giải thích vì sao sự nghèo khổ tăng lên. Hơn nữa, chuẩn nghèo chính thức ở Mỹ hoàn toàn không thích hợp với tư cách là một phương tiện tính toán sự ổn định và thịnh vượng kinh tế. Ngoài ra, số liệu này cũng chưa phản ánh đúng sự suy giảm chất lượng sống.

Gần nửa thế kỷ qua, chuẩn nghèo ở Mỹ được tính toán trên cơ sở mức dinh dưỡng tối thiểu cho một gia đình, với chi tiêu là 1/3 thu nhập cho bữa ăn. Nhưng trong khi lạm phát tăng lên, chuẩn này lại không tính đến những thay đổi lớn trong chi phí cho cuộc sống của những người lao động Mỹ, chẳng hạn như chi phí cho chăm sóc trẻ em và đi lại, cho sự tăng lên nhanh chóng giá thuê nhà, hoặc cho gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe của những người Mỹ nghèo khổ phần lớn không có bảo hiểm.

Chỉ một thiểu số những người giàu có được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế, còn đa phần người dân Mỹ phải chịu sự suy giảm chất lượng sống. Trong một tài liệu có tên là Tình trạng của nước Mỹ lao động 2006 - 2007, Viện chính sách kinh tế Mỹ nhận xét: "Bất chấp thực tế kinh tế phục hồi kể từ năm 2001, thu nhập thực tế của gia đình Mỹ trung bình đã bị giảm đi hằng năm. Trong thời kỳ 2000 - 2005, thu nhập thực tế của một gia đình Mỹ trung bình giảm 23%, khoảng 1.300 USD"[1].

Trong khi lương không tăng, chi phí cho cuộc sống lại tăng lên nhanh chóng đã đẩy những người có thu nhập trung bình và thấp vào những hoàn cảnh ngày càng khó khăn; đồng thời, sự tiếp cận các chương trình xã hội của người nghèo đã bị cắt giảm rất lớn. Điều này khiến cho những người nghèo hoặc những người sắp lâm vào cảnh nghèo khổ trở nên dễ bị tổn thương nhất bởi "bản chất thất nghiệp" của sự phục hồi.

Tháng 11-2006, tờ Thời báo Niu-Oóc sau khi phân tích thông tin thuế liên bang Mỹ năm 2004 đã thấy rằng, 1/5 số người đóng thuế nghèo nhất nước Mỹ chỉ kiếm được chưa tới 11.166 USD/năm, với thu nhập trung bình chưa tới 5.800 USD/năm. Theo cách xác định "người đóng thuế" của Cơ quan thu thuế và thi hành luật thuế ở Mỹ (Internal Revenue Service), nước Mỹ hiện có 26 triệu người đóng thuế nghèo nhất, là những người đại diện cho gần 48 triệu người lớn và khoảng 12 triệu trẻ em phụ thuộc. Bằng cách này, tờ báo tính rằng có 60 triệu người Mỹ nghèo nhất đang sống dưới mức 7 USD/ngày. So sánh với chuẩn nghèo năm 2002 là 27 USD/ngày cho một người lớn chưa đến tuổi về hưu và 42 USD/ngày cho một hộ gia đình có một trẻ em, sự giảm sút về thu nhập trung bình của số người nghèo khổ là một dẫn chứng quan trọng về thực trạng của nền kinh tế Mỹ. Cách tính này được gọi là "khoảng cách nghèo khổ".

Trong năm 2005, khoảng cách nghèo khổ trung bình là một kỷ lục 8.000 USD. ý nghĩa của khoảng cách này là, các gia đình nghèo ở Mỹ hiện nay thực sự nghèo hơn những năm trước đây[2].

Có những phân tích cho rằng, sự khốn khổ được phóng đại bởi vì các biện pháp tính toán không bao gồm giá của các dịch vụ xã hội chẳng hạn như phiếu lương thực và các sự trợ giúp y tế, hoặc chương trình phúc lợi xã hội như chương trình Trợ cấp tạm thời cho các gia đình nghèo túng (TANF). Nhưng báo cáo của M. Clát-chy lưu ý đến sản phẩm phụ của nghèo khổ, chẳng hạn như tỷ lệ tội phạm và bạo lực cao, các hậu quả về giáo dục, dinh dưỡng và sức khỏe kém - những điều tồi tệ cho những người nghèo cùng cực.

Một nghiên cứu của Tạp chí thuốc phòng bệnh về xu hướng lan tràn nghèo cùng cực (tháng 11-2006), kết luận: "Tỷ lệ nghèo khổ tăng lên là điều rất phải quan tâm do những khó khăn to lớn mà người nghèo phải đối mặt trong việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của con người, ví dụ như giáo dục, công ăn việc làm và tiền lương"[3].

Nghiên cứu cho thấy, sự gia tăng tỷ lệ nghèo khổ ở Mỹ gần đây là do số người cực nghèo tăng đột ngột. Ngày càng có thêm nhiều người với mức thu nhập dưới 8.000 USD/năm, tức dưới ngưỡng nghèo khổ. Nghiên cứu liệt kê những hậu quả của cảnh sống nghèo khổ. Đó là mối quan hệ qua lại giữa sức khỏe cộng đồng và sự tăng lên của nghèo khổ, thông thường rất khó nhận biết, chẳng hạn như chết yểu, bệnh tật hoặc đau yếu tinh thần. Người nghèo không được bảo vệ trước các nhân tố rủi ro, như vô gia cư, nhà ở kém chất lượng, những chất gây ô nhiễm môi trường. Người nghèo cũng là mục tiêu của thuốc lá, đồ uống có cồn, thức ăn nhanh. Đối với 1/3 dân số nghèo không có bảo hiểm y tế và một số lớn không có tiền tiết kiệm, tất cả những nhân tố này sẽ hòa quyện vào nhau. Nghiên cứu cũng cho rằng, sự tăng số người cực nghèo đang sản sinh ra hậu quả "lỗ đắm" về sự phân phối thu nhập ở Mỹ, khiến cho có thêm hàng triệu người Mỹ phải chịu những hoàn cảnh thảm khốc.

Trong khi đó, các thông cáo báo chí của Cục Điều tra dân số Mỹ là không đáng tin cậy, kể từ năm 2000 chỉ có một thông báo ngắn về số người nghèo khổ trong một nghiên cứu năm 2003 về số liệu của năm 2002. Sự đề cập này cũng chỉ trong một câu duy nhất: "14,1 triệu người (4,9% dân số) có thu nhập ít hơn một nửa nhu cầu cần thiết...", tỷ lệ không khác so với năm 2001[4].

Bên cạnh đó, sự tăng số người cực nghèo và sự tập trung sự cực giàu vào một số người cũng tăng lên. Số người bần cùng hóa cùng cực tăng lên đã phản ánh sự bất bình đẳng không thể phủ nhận. Đó là kết quả của các chính sách đặt mục tiêu vào việc đưa các nguồn của cải xã hội vào tay giới tinh hoa tài chính. Trong khi 1% số hộ gia đình giàu nhất nước Mỹ nhận 17% toàn bộ thu nhập quốc gia, sở hữu hơn 33% toàn bộ giá trị thực và hơn 42% toàn bộ tài sản thực, thì gần 20% số hộ gia đình chỉ sở hữu 0% hoặc giá trị thực ít ỏi, 33% khác sở hữu chưa đến 10.000 USD[5].
 
Trịnh Cường lược dịch
 

* Nguồn: World Socialist Web Site (tháng 4-2007)
** Naomi Spencer
[1] Mishel, Lawrence, Jared Bernstein and Sylvia: The State of Working America 2006 - 2007 (An Economic Policy Institute Book). Ithaca, NY: ILR Press, an imprint of Cornell University Press, 2007, p. 39
[2] Sđd
[3] Woolf S, Johnson R, Geiger H: The rising Prevalence of Severe Poverty in America: A Growing Threat toPublic Heath, Am J Prev Med 2006; 31 (4): 332 - 341
[4]http://www.census.gov/hhes/www/income/income 02/prs03asc.html
[5] Mishel, Lawrence, Jared Bernstein and Sylvia: The State of Working America 2006 - 2007 (An Economic Policy Institute Book). Ithaca, NY: ILR Press, an imprint of Cornell University Press, 2007, p. 257