Đầu ngoài “biển”, chân ở “ao”

Nam Dũng
16:00, ngày 20-09-2007

Bộ H. hôm đó tổ chức hội thảo với chủ đề xúc tiến đầu tư các dự án xóa đói, giảm nghèo trọng điểm ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Kinh nghiệm của những năm trước, các giải pháp, nguồn vốn... được đưa ra bàn định rất sôi nổi. ý kiến của phó chủ tịch tỉnh Y. được mọi người rất quan tâm, chú ý. Ông nói: một trong những câu chuyện thành công nhất trong những năm đổi mới vừa qua ở nước ta là thành tựu giảm nghèo. Ở thập kỷ trước, 58% dân số có mức chi tiêu không đủ cho một cuộc sống khỏe mạnh, 5 năm sau đó, tỷ lệ dân sống dưới ngưỡng nghèo này đã giảm xuống 37%, rồi 29%. Như vậy, gần một phần ba dân số, tương đương với trên 20 triệu dân đã thoát nghèo trong vòng chưa đầy 10 năm. Con số đó quả là một kỳ tích rất ấn tượng, nó đã mang lại cuộc sống về cơ sở vật chất và văn hóa cao hơn, thu hẹp bớt khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng, miền, các đối tượng xã hội... Tuy nhiên, khi chúng ta cùng nhau nỗ lực để xóa nghèo thì "thiên hạ" đã rảo những bước dài cùa sự tăng trưởng, phát triển... Vì vậy, vấn đề đặt ra hôm nay là chúng ta không chỉ bàn chuyện xóa nghèo, mà còn phải bàn để tích cực hội nhập, tăng trưởng vững chắc. Đây quả là một bài toán tổng hợp không đơn giản đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Bởi lẽ:

Thứ nhất, hạ tầng cơ sở vật chất ở vùng núi, trọng tâm là giao thông, tuy đã được trên đầu tư một số trục đường chính liên tỉnh, liên huyện nhưng chưa đủ để "mạch máu" giao thông thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc điểm địa hình và phân bố dân cư ở đây rất tản mạn, nó tồn tại từ bao đời nay dạng du canh, du cư. Đi họp xã đã khó, chưa nói đến đi họp huyện, phải đi bộ cả ngày đường mới đến nơi. Chuyện lạ có thật là ở huyện P. của tỉnh tôi có đến 3 vị hội trưởng hội phụ nữ xã là đàn ông, vì họ mới có điều kiện và phương tiện để đi xuống họp ở huyện được. Có thể nói, trong nhiều năm qua chúng ta mới chỉ xóa nghèo bằng cách cho người dân "con cá" chứ chưa cho họ cái "cần câu", nên cứ cho bao nhiêu là họ chén hết bấy nhiêu. Tâm lý một số vùng cứ ngồi chờ trên "cho", rồi nghèo, tái nghèo lại như cái bóng lởn vởn quanh họ. Do đó cần phải bàn căn cơ hơn, phải bàn mạnh theo hướng đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông miền núi, rồi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, định canh, định cư chứ không thể bàn phát triển kinh tế theo kiểu "xin cho" như thế này thì không biết đến bao giờ vùng này mới khá lên được.

Thứ hai, là vấn đề dân trí. Trường học như hiện nay ở vùng núi tuy đã có cải thiện nhưng thực tế ở một số bản, buôn "bệnh thành tích" lưu cữu từ hàng chục năm nay, họ thường báo cáo lên trên cho "đẹp", còn khá nhiều trường không ra trường, lớp không ra lớp, thầy không ra thầy, dẫn đến hệ quả là trò cũng chẳng ra trò. Cứ như vậy con em nông thôn vùng núi, vùng sâu, vùng xa đi thi cùng với miền xuôi, đô thị thì trượt đầu nước. Rồi lại trở về với cái nương, cái rẫy, với cái "đầu" trì trệ, bảo thủ, cố hữu mà không thể bứt lên được nữa. Vì vậy, dự án xóa nghèo kỳ này nên bàn sâu, bàn thấu đáo vấn đề cái gốc của xóa nghèo đó chính là nâng cao dân trí. Cải tiến, điều chỉnh chính sách làm sao để con em ở trên này thì muốn về buôn, về bản dạy học, làm việc còn thầy, cô giáo và cán bộ dưới xuôi lên thì yên tâm, vững trí...

Cách đây độ chục năm tôi được nghe một cán bộ trung ương về nói rằng: Cái "chìa khóa" hữu dụng nhất để phát triển vùng núi, vùng sâu, vùng xa là giao thông dân trí. Đúng vậy, giao thông như mạch máu để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội còn dân trí thì ai cũng biết nó như chiếc chìa khóa vạn năng để tiếp cận mọi tiến bộ và khoa học kỹ thuật của loài người. Những năm gần đây, vùng núi tuy đã có chuyển, nhưng chưa đủ để biến, nó vẫn đang phát triển với tốc độ "rùa", nên khi nghe đài, báo nói nhiều đến hội nhập để "ra biển", rồi vào WTO thì còn như trong giấc mơ ấy. Hôm nay, nhân hội thảo này tôi có vô số chuyện muốn bàn, muốn nói nhưng thời gian có hạn nên chỉ xin phép nói cái điều đã nung nấu bấy lâu trong tôi...

Kết thúc hội thảo, đồng chí chủ tọa đưa ra mấy kết luận trong đó nhấn mạnh: Ra biển, đòi hỏi "hậu phương" tức là hệ thống hạ tầng cơ sở, giao thông nói chung trong đó đặc biệt là nông thôn, miền núi phải tốt, phải thuận tiện, càng đòi hỏi "tiền tuyến" tức là những con người có hiểu biết, có kỹ năng làm chủ khoa học - kỹ thuật, phải ngày càng được nâng cao, nâng nhanh. Những yếu tố đó không tốt thì không thể đầu tư, không thể cạnh tranh, càng không thể hội nhập và sẽ bị mất đi cơ hội, thị trường để tăng trưởng, để phát triển.

Năm ngoái tôi có về một tỉnh ở miền núi và nhớ mãi một nhà nghiên cứu ví von rằng: Ở một số vùng của ta đầu thì ngoài "biển", còn chân vẫn ở "ao"... Tôi nghĩ câu nói đó đang nhắc nhở chúng ta rằng, không riêng gì ở vùng núi mà ngay ở đô thị, miền xuôi, ở trong từng cơ quan, đơn vị nếu không làm cho cái chân chuyển nhanh, chuyển kịp cái đầu thì bài toán cho hội nhập, cho phát triển còn trì trệ, khập khiễng và nan giải lắm lắm!!