Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội
Cách tiếp cận sáng tạo, độc đáo về bản chất của chủ nghĩa xã hội cũng như các định hướng và động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tư tưởng của Người về vai trò của đạo đức cách mạng và đạo đức xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn mãi mãi là bài học quý báu và là nguồn khích lệ to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Tư tưởng Hồ Chí minh là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, trong đó tư tưởng về chủ nghĩa xã hội là một bộ phận hết sức quan trọng.
Nhất quán với các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng, chủ nghĩa xã hội là một học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp vô sản nhằm xóa bỏ ách thống trị tư bản chủ nghĩa, thực hiện lý tưởng giải phóng giai cấp và giải phóng toàn thể xã hội loài người. Chủ nghĩa xã hội còn được hiểu với tư cách là một chế độ xã hội thuộc hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà việc xây dựng và hoàn thiện nó như là một quá trình lịch sử lâu dài để từng bước đạt tới mục tiêu.
Cái mới và sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về bản chất của chủ nghĩa xã hội là phát hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa từ sự chung đúc tất cả những lý tưởng về giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội. Đồng thời, Người còn phát hiện một điểm rất quan trọng là, muốn đạt tới lý tưởng, mục tiêu xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải thường xuyên chống lại chủ nghĩa cá nhân. Đối với Người, chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các cá nhân. Như vậy, đây là cách tiếp cận mới mà Người đã làm phong phú thêm hướng tiếp cận về chủ nghĩa xã hội. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã làm sáng tỏ bản chất chủ nghĩa xã hội từ những kiến giải về kinh tế, chính trị và xã hội. Ngoài những kiến giải ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhìn nhận bản chất chủ nghĩa xã hội từ phương diện đạo đức, văn hóa. Theo Người, chủ nghĩa xã hội đối lập, xa lạ với chủ nghĩa cá nhân, nhưng không hề phủ nhận cá nhân; trái lại, tôn trọng cá nhân, phát triển mọi năng lực cá nhân vì sự phát triển xã hội và hạnh phúc của con người nói chung. Đây là chiều sâu trong tư duy biện chứng, trong nhãn quan văn hóa, đạo đức của Người.
Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới mong hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang của sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Để có đạo đức cách mạng thì phải loại trừ mặt trái của nó là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ thù nguy hiểm, ngăn cản chúng ta đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. Nếu không gạt bỏ được nó ra khỏi ý thức và hành động của chúng ta, thì chúng ta sẽ tự mình phá hủy sự nghiệp của mình. Đây chính là nỗi lo toan thường trực của Người.
Từ tác phẩm "Đường cách mệnh" (năm 1927) cho đến "Di chúc" để lại cho toàn Đảng, toàn dân (năm 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh không lúc nào xa rời điều quan tâm lớn lao đó. Trong tác phẩm "Tư cách của người cách mệnh" và nhất là tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", Người nhấn mạnh: Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. "Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?"(1).
Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra lời khẳng định: "Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa"(2). Theo Người, cần chống chủ nghĩa cá nhân, thực hiện sự tôn trọng và đề cao nhân cách, bảo đảm cho mỗi cá nhân phát triển lành mạnh nhân cách của mình trong sự phát triển hài hòa giữa cá nhân và xã hội. Nhìn nhận mặt bản chất quan trọng này, Người đưa ra quan niệm, chủ nghĩa xã hội là xã hội trong đó, con người ứng xử với nhau theo phương châm: mình vì mọi người, mọi người vì mình. Do đó, một trong những nét nổi bật của con người xã hội chủ nghĩa là phải đạt tới trình độ phát triển cao về đạo đức, nhân cách, đủ sức chiến thắng chủ nghĩa cá nhân. Xã hội xã hội chủ nghĩa vừa đòi hỏi, vừa tạo ra những con người như thế, và chăm lo giáo dục, phát triển con người là chiến lược quan trọng bậc nhất của chủ nghĩa xã hội.
Điều cần lưu ý là, mặc dù rất chú trọng nhân tố đạo đức trong sự phát triển của chủ nghĩa xã hội và coi đạo đức xã hội chủ nghĩa là thuộc về bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội, song Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ xem đạo đức là hiện tượng nằm ngoài tác nhân khác, gây nên sự chia cắt, đối lập giữa kinh tế và đạo đức. Người đề cao sức mạnh tinh thần của đạo đức, nhưng không rơi vào duy ý chí, chủ quan hoặc chủ nghĩa trừu tượng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội luôn luôn thể hiện tính thống nhất biện chứng giữa các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và đạo đức. Từ cách tiếp cận đó về chủ nghĩa xã hội, thông qua hoạt động lý luận và thực tiễn hết sức phong phú của mình, Người đã rút ra những kết luận rất sâu sắc về bản chất của chủ nghĩa xã hội với tư cách là một chế độ xã hội có khả năng thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội luôn luôn thể hiện tính thống nhất biện chứng giữa các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và đạo đức. Theo Người, "xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội". "Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa". Bởi vậy, đạo đức và tư cách của người cách mạng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành bại của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về chủ nghĩa xã hội một cách sâu sắc và khoa học, nhưng lại giản dị, có sức cảm hóa rất lớn đối với nhân dân. Với câu hỏi chủ nghĩa xã hội là gì, Người trả lời rất sáng tỏ: "xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội"(3). Luận đề tổng quát đó được Người cụ thể hóa thêm: "Chủ nghĩa xã hội nghĩa là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng"(4). "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh"(5).
Bản chất của chủ nghĩa xã hội còn được làm sáng tỏ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tới trọng trách của Đảng với nhân dân, nhất là khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền. Người luôn luôn lấy cuộc sống hạnh phúc của nhân dân làm thước đo hiệu quả, làm căn cứ đánh giá công việc của Đảng và Nhà nước ta. Bản chất và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội có được bộc lộ ra không, có được phản ánh đúng đắn không, chính là ở đó. Người viết: "chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi"(6).
Qua đó, chúng ta thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cao như thế nào sự tận tụy, hy sinh, sự mẫu mực, trong sáng của Đảng và Nhà nước, biểu hiện không những ở tổ chức và thể chế, mà còn ở từng người, từng cán bộ, đảng viên của Đảng, những công chức của bộ máy chính quyền, những công bộc của dân. Người thấu hiểu sâu sắc rằng, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải như vậy. Chính điều này làm sáng tỏ biết bao sự nhạy cảm và tinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đặt lý luận về Đảng và Nhà nước của dân, do dân, vì dân vào vị trí cốt yếu của lý luận về chủ nghĩa xã hội và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nói chung. Cũng như vậy, Người xác định đạo đức và tư cách của người cách mạng ở vị trí quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành bại của công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội.
Mục đích của chủ nghĩa xã hội, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân là một trong những vấn đề quan trọng mà Người đặc biệt quan tâm. Theo Người, dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân; chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, bởi vậy, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân; dân chủ là chìa khóa của mọi sự tiến bộ và phát triển. Quan niệm này đã đặt nền tảng và giữ vai trò chỉ đạo trong hoạt động của Đảng và Nhà nước ta.
Cùng với chế độ mới, nền kinh tế mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh tới nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa trong mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Bao quát mục tiêu đó, Người nhắc nhở chúng ta: "Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất... Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc"(7).
Bàn về động lực, nhất là động lực bên trong, thúc đẩy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những chỉ dẫn thiết thực và quý báu. Theo Người, động lực quan trọng và quyết định của xây dựng chủ nghĩa xã hội chính là nhân tố con người. Do đó, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa. Truyền thống yêu nước của dân tộc, sự cố kết cộng đồng, sức lao động sáng tạo của nhân dân là sức mạnh tổng hợp tạo nên động lực quan trọng của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người luôn luôn xây đắp khối đoàn kết dân tộc và nhấn mạnh: đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân là nguồn sức mạnh vô địch.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa là động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhận thấy rõ vai trò ngày càng tăng của văn hóa trong sự phát triển, Người cho rằng, văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi; phải xúc tiến công tác đào tạo con người mới và cán bộ mới. Đó là nguồn vốn, là của cải quý báu nhất của quốc gia.
Cùng với động lực tinh thần, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng động lực kinh tế trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có tác dụng giải phóng mọi năng lực sản xuất vì ích nước, lợi nhà. Người sớm chủ trương áp dụng "Tân kinh tế chính sách" (Chính sách kinh tế mới) của V.Lê-nin khi Người khởi thảo Điều lệ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Như vậy, dự cảm và trù tính về tương lai của Người thực sự là sáng suốt và chuẩn xác.
Ngoài các động lực bên trong, do các nhân tố nội sinh tạo nên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải kết hợp được các nhân tố nội sinh với các nhân tố bên ngoài (ngoại sinh). Một trong những sự kết hợp đó là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế trên lập trường của giai cấp công nhân.
Bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đứng trước một thực tế là trở thành Đảng cầm quyền. Nỗi quan tâm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền là làm sao cho Đảng không trở thành Đảng quan liêu, xa dân, thoái hóa, biến chất, làm mất lòng tin của dân. Để tránh được nguy cơ đó, theo Người, trước hết Đảng phải tăng cường đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Người coi đó là điểm mấu chốt. Chỉ như vậy, Đảng mới mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mới xứng đáng với lòng tin của nhân dân.
Bên cạnh đó, Đảng phải luôn luôn giữ được mối liên hệ máu thịt với nhân dân, bởi vì, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân là "nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi"(8). Muốn vậy, trong phương thức lãnh đạo, Đảng "phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành cách chỉ đạo nhân dân"(9). Người cho rằng, những cán bộ, đảng viên có khuyết điểm thường sợ dân nói. Nhưng nếu thành thật với dân, biết mình có lỗi, xin lỗi dân thì dân cũng rất vui lòng và sẽ tha thứ cho.
* *
*
Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã để lại cho chúng ta di sản tinh thần to lớn, với những giá trị nhân văn cao cả, đặc biệt là tư tưởng đạo đức cách mạng và đồng thời cũng là đạo đức xã hội chủ nghĩa. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Trung ương Đảng phát động và được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc là một biện pháp rất quan trọng để trước hết, mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, cũng như củng cố, giữ vững niềm tin của họ và nhất là của nhân dân đối với Đảng, đối với lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Điều đó càng trở nên cấp thiết khi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cũng như sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội ta đang có chiều hướng gia tăng.
Để cuộc vận động đạt hiệu quả thiết thực, trước hết phải nâng cao nhận thức về đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời phải coi trọng làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Như vậy, vấn đề có tầm quan trọng là phải hành động sau khi nhận thức đã được nâng lên. Chính khâu hành động - thực hiện tốt lại góp phần củng cố và nâng cao nhận thức mới. Thực tiễn cho thấy, trong thời gian vừa qua, ở các đơn vị biết tổ chức học tập tốt, biết liên hệ một cách sát thực và coi trọng hành động thiết thực thì bước đầu tạo được chuyển biến rõ rệt trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ngược lại, nơi nào chỉ coi trọng việc học tập, thậm chí tổ chức thi nói rất rầm rộ, nhưng không có chương trình hành động cụ thể thì sau khi học tập, tình hình vẫn như cũ, không tạo được chuyển biến cần thiết theo yêu cầu đặt ra đối với cuộc vận động lần này. Bên cạnh đó, nếu các đơn vị biết sơ kết và phổ biến kinh nghiệm kịp thời thì sẽ thúc đẩy cuộc vận động đạt hiệu quả cao hơn.
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t 9, tr 280 (TG nhấn mạnh)
(3), (4) Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 591, 317
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t 8, tr 226
Những đỉnh cao chỉ huy: Cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới  (14/08/2007)
Dự báo tình hình thế giới nửa cuối năm 2007 và năm 2008  (14/08/2007)
Một số đảng cánh tả cầm quyền ở Mỹ La-tinh  (14/08/2007)
“Chủ nghĩa tư bản có thể sống sót không?”  (14/08/2007)
An ninh thông tin trong thời đại toàn cầu hóa  (14/08/2007)
Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh thực hiện lời Bác Hồ dạy  (14/08/2007)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm