Ngày 12-8, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc và Tạp chí Dân tộc phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Chính sách dân tộc trong những năm đổi mới, thành tựu cùng những vấn đề đặt ra".

28 tham luận, báo cáo của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, chính quyền ở một số địa phương, cán bộ của Ủy ban Dân tộc, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, gửi đến Ban tổ chức hội thảo, khẳng định: Dấu mốc thể hiện sâu sắc quyết tâm đổi mới của Ðảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc là Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị (tháng 11-1989) và Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Tháng 3-2003, tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) đã ra Nghị quyết về công tác dân tộc... Từ các nghị quyết của Ðảng, nhiều chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước dành đầu tư phát triển vùng dân tộc, miền núi được thực hiện, đã tạo những đổi thay tích cực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ðời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện, diện mạo nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới có nhiều thay đổi. Song, những thay đổi đó chưa tương xứng sự quan tâm, đầu tư của Ðảng và Nhà nước.

Các đại biểu phát biểu ý kiến, nêu rõ những giải pháp nhằm giải quyết kịp thời, có hiệu quả những yêu cầu thiết yếu trong đời sống của đồng bào, đồng thời bảo đảm cho sự phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc, miền núi, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giữa miền núi, vùng cao với miền xuôi. Trong đó cần bổ sung, sửa đổi, ban hành chủ trương, chính sách và pháp luật mới để tiếp tục đưa nghị quyết của Ðảng về công tác dân tộc vào cuộc sống. Tăng cường đầu tư các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội miền núi, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống và dân trí. Xây dựng chính sách, chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2010-2020 theo hướng xác định rõ từng lĩnh vực, từng đối tượng chính sách và quy định cụ thể cho từng vùng. Kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy cơ quan và cán bộ làm công tác dân tộc từ trung ương đến cơ sở. Nâng cao trách nhiệm của các Ban Cán sự Ðảng, Ðảng đoàn, Ðảng ủy Khối trực thuộc Trung ương, các Tỉnh ủy, Thành ủy, chi bộ cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết...