TCCSĐT - Năm 1992, tỉnh Trà Vinh được tái lập trong điều kiện kinh tế - xã hội còn kém phát triển. Những năm qua, tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình đó cũng phát sinh những mâu thuẫn phức tạp trong nhân dân như tình trạng khiếu nại, tố cáo của nhân dân, đình công của công nhân…, đáng nói nhất là vấn đề tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Tính từ năm 1992 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ, với nhiều lượt người khiếu kiện tại các cơ quan công quyền của tỉnh và Trung ương. Nội dung chủ yếu liên quan đến vấn đề bồi thường đất và tài sản gắn liền với đất do Nhà nước giải tỏa, thi công các công trình. Trong đó, có những vụ diễn biến rất phức tạp đã được giải quyết nhiều lần và hết thẩm quyền, nhưng quần chúng không đồng tình, tiếp tục khiếu kiện vượt cấp. Một số vụ, quần chúng tập trung nhiều ngày tại các cơ quan công quyền của tỉnh để chờ được giải quyết. Do tính chất khiếu kiện phức tạp, một vài công trình đã phải ngừng thi công nhiều năm, thậm chí có công trình chưa hoàn thành nhưng tỉnh buộc phải ra quyết định kết thúc thi công. Nhìn nhận lại, bước đầu có thể rút ra một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khiếu kiện:

Thứ nhất, trước khi thực hiện các dự án quy hoạch, giải tỏa đền bù, công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương của tỉnh đối với các hộ dân khu vực bị giải tỏa chưa sâu rộng, thiếu tính đồng bộ và nhất quán nên chưa tạo được sự đồng thuận cao của các hộ dân. Hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo để người dân hiểu và thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu.

Thứ hai, việc thực hiện chính sách giải tỏa, bồi hoàn có thiếu sót, giá bồi hoàn chưa hợp lý, thiếu công bằng; khi thu hồi đất người dân bị thiệt thòi; chưa quan tâm đúng mức vấn đề hỗ trợ ổn định đời sống người dân sau khi bị giải tỏa. Trong việc triển khai các nghị định, không tính đến vấn đề biến động về giá chuyển nhượng đất trên thị trường, nên việc giải tỏa kéo dài, nhưng tính chung một khung giá bồi hoàn; có trường hợp trưng dụng đất của dân nhưng không có văn bản pháp lý, không bồi hoàn, v.v.

Thứ ba, một số trường hợp quần chúng khiếu kiện, khiếu nại đến các cơ quan chức năng ở Trung ương, do có sự thiếu kiểm tra và chủ quan trong việc chuyển đơn của công dân yêu cầu địa phương xem xét giải quyết. Từ đó, gây sự ngộ nhận trong số người đi khiếu kiện, khi họ cho rằng, đây là ý kiến yêu cầu địa phương phải giải quyết theo đơn, tạo điều kiện cho họ khiếu kiện nhiều lần và kéo dài, làm phức tạp thêm vụ việc.

Thứ tư, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác hòa giải ở cơ sở, một số nơi thực hiện chưa tốt. Một số cơ quan nhà nước còn đùn đẩy trách nhiệm, chưa phối hợp tốt trong giải quyết; trả lời không thống nhất, thiếu nhất quán trong giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân.

Tuy nhiên, cũng có nhiều vụ khiếu kiện đã được giải quyết thỏa đáng, đúng chính sách, pháp luật, hết thẩm quyền; nhưng do nhận thức và ý thức tôn trọng pháp luật còn hạn chế, bị phần tử xấu kích động, xúi giục… nên một số quần chúng vẫn không đồng tình, tiếp tục khiếu kiện vượt cấp kéo dài, gây nhiều khó khăn trong việc giải quyết dứt điểm vụ việc. Bên cạnh đó, tình hình khiếu kiện đòi lại nhà và đất có thời gian các tổ chức tôn giáo đã sử dụng cũng có diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu sinh hoạt tôn giáo ngày càng cao, muốn mở rộng phạm vi hoạt động và phát triển tín đồ. Bên cạnh đó, do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số chức sắc, tín đồ, khi cho rằng, phần đất họ “đòi lại” vốn thuộc quyền “sở hữu” của tôn giáo. Một số ít trường hợp còn do cơ quan quản lý, sử dụng nhà, đất có sơ suất như ngừng sử dụng nhiều năm, sử dụng không đúng mục đích; hay công tác giải quyết khiếu kiện liên quan đến tôn giáo của cấp ủy, chính quyền địa phương còn lúng túng, để vụ việc kéo dài, gây bức xúc trong chức sắc, tín đồ.

Nắm rõ tình hình trên, Công an tỉnh Trà Vinh đã tích cực tham gia giải quyết thông qua các biện pháp tích cực sau:

1. Tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập các tổ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đột xuất, đông người, các “điểm nóng” của tỉnh do lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ trưởng, thủ trưởng các sở, ban, ngành chức năng liên quan (có Công an tỉnh) làm thành viên. Nhờ vậy, công tác giải quyết tranh chấp, khiếu kiện đông người (nhất là thông qua tiếp xúc, đối thoại theo định kỳ hàng tháng giữa lãnh đạo tỉnh và đại diện bên khiếu kiện) có sự chuyển biến rõ nét, tìm ra các giải pháp và đã ổn định được một số vụ việc.

2. Thường xuyên nắm chắc tình hình, nội dung khiếu kiện; diễn biến, nguyên nhân phát sinh của từng vụ việc; tình hình các điểm nhà, đất liên quan đến tôn giáo hiện do Nhà nước quản lý, sử dụng; những sơ hở, thiếu sót về phía chính quyền... Qua đó, nghiên cứu chủ trương, hướng giải quyết hợp lý trên cơ sở chính sách, pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, của các cơ sở tôn giáo, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, để tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết.

3. Thành lập Tổ công tác đặc biệt tham mưu giải quyết khiếu kiện đông người để bảo đảm nắm chắc tình hình, chủ động nghiên cứu, đề xuất cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết, xử lý các tình huống khiếu kiện phức tạp xảy ra.

4. Tổ chức rà soát, xác định, phân hóa số đối tượng đầu đơn, cầm đầu, kích động, xúi giục trong các vụ khiếu kiện phức tạp kéo dài, đã giải quyết hết thẩm quyền. Từ đó, thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ phục vụ xử lý đối tượng khi cần thiết. Nắm rõ ý đồ và tiến hành các biện pháp phù hợp với từng đối tượng (như tác động thông qua người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo, phối hợp với các ngành vận động, giáo dục, răn đe…), ngăn chặn đối tượng tiếp tục kích động, xúi giục, làm cho vụ việc diễn biến phức tạp hơn; tạo điều kiện để cấp ủy, chính quyền và các tổ công tác của tỉnh chỉ đạo giải quyết.

5. Phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức công tác vận động quần chúng, tuyên truyền chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo; giữ gìn an ninh, trật tự khi xảy ra tình huống tập trung đông người khiếu kiện tại các cơ quan công quyền; tổ chức cưỡng chế việc thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền để tạo điều kiện cho việc thi công công trình.

6. Thường xuyên tổ chức rà soát, xác định lại địa bàn trọng điểm phức tạp về tranh chấp, khiếu kiện; xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch chuyển hóa các địa bàn này thành địa bàn an toàn về an ninh, trật tự (đang chuẩn bị sơ kết một năm thực hiện để đánh giá, rút kinh nghiệm).

Từ các mặt công tác trên, những năm qua, Công an Trà Vinh đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và tích cực tham gia giải quyết tranh chấp, khiếu kiện đông người, nhất là các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, không để xảy ra gây rối phức tạp, không để xảy ra “điểm nóng”. Tính từ năm 1992 đến nay, tỉnh đã giải quyết ổn định 90/112 vụ xảy ra (trong đó có 87/95 vụ liên quan đến giải tỏa, bồi thường và 3/17 vụ khiếu kiện đất đai liên quan đến tôn giáo). Đặc biệt, góp phần làm hạn chế phát sinh vụ việc mới (năm 2007 xảy ra 1 vụ, 22 lượt người khiếu kiện, so với năm 2006 giảm 5 vụ, 43 lượt người; năm 2008 xảy ra 2 vụ, 14 lượt người khiếu kiện).

Qua thực tiễn Công an tham gia giải quyết tranh chấp, khiếu kiện đông người tại Trà Vinh, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, vấn đề phòng ngừa xảy ra tranh chấp, khiếu kiện đông người (khi triển khai các dự án bồi hoàn, giải phóng mặt bằng cũng như đối với các điểm nhà, đất có liên quan đến tôn giáo hiện Nhà nước quản lý, sử dụng) phải luôn được đặt lên hàng đầu. Vì khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện đông người sẽ dễ phát sinh phức tạp, gây ảnh hưởng lớn về an ninh, trật tự, khó giải quyết.

Hai là, khi xảy ra khiếu kiện đông người tại các cơ quan công quyền, việc công an phối hợp với các ngành vận động, giải thích để quần chúng hiểu, trở về địa phương là biện pháp bắt buộc nhưng chỉ mang tính tình thế và ổn định tình hình tạm thời. Nếu để vụ việc kéo dài, không khẩn trương làm rõ nội dung, nguyên nhân khiếu kiện, chủ trương, hướng giải quyết… và tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết thỏa đáng, dứt điểm, thì quần chúng sẽ bức xúc hơn, khiếu kiện phức tạp hơn, nhất là khiếu kiện vượt cấp, và thường có hành vi gây mất an ninh, trật tự.

Ba là, các vụ khiếu kiện phức tạp kéo dài đã được giải quyết thỏa đáng, hết thẩm quyền, đã khắc phục những sơ hở, thiếu sót, nhưng quần chúng vẫn tiếp tục khiếu kiện, có hành vi gây mất an ninh, trật tự… thì cần tham mưu cấp ủy, chính quyền; ngoài việc kiên trì đối thoại, vận động, giải thích, phải xác định, phân hóa, thu thập tài liệu, chứng cứ vi phạm của số đầu đơn, cầm đầu, kích động, xúi giục quần chúng và có biện pháp phù hợp, nhất là răn đe đối với đối tượng này.

Bốn là, các cơ quan chức năng ở Trung ương khi tiếp nhận và xử lý đơn khiếu kiện của công dân từ các địa phương, nếu có sự nghiên cứu kỹ và chuyển địa phương giải quyết hợp lý thì có thể xử lý được vụ việc, không để kéo dài, gây phức tạp tình hình. Ngược lại, nếu thiếu kiểm tra và chủ quan trong việc chuyển đơn của công dân với yêu cầu địa phương xem xét giải quyết thì dễ gây ngộ nhận, hoặc tạo cớ cho một số người khiếu kiện cho rằng, đó là chủ trương của Trung ương, chỉ đạo địa phương phải giải quyết theo yêu cầu của người khiếu kiện.

Năm là, lực lượng công an phải chủ động nghiên cứu, đặt ra các tình huống quần chúng tập trung đông người khiếu kiện, có hành vi gây mất an ninh, trật tự, chống người thi hành công vụ… tại các cơ quan công quyền. Từ đó, xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện, biện pháp xử lý để sẵn sàng triển khai khi có tình huống phức tạp xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình.

Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến giải tỏa, bồi hoàn sẽ được triển khai, nhất là các công trình mang tính quốc gia như Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Kênh đào Quan Chánh Bố, Khu kinh tế mở Định An... Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Công an tỉnh Trà Vinh tập trung thực hiện những công tác sau:

- Tăng cường nắm tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo chặt chẽ khâu áp giá, bồi hoàn khi triển khai các dự án, công trình có giải tỏa; bồi hoàn bảo đảm thỏa đáng, đúng chính sách, pháp luật, tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân; kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương di dời, phục vụ lợi ích chung của tỉnh. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm minh các trường hợp cán bộ vi phạm pháp luật về đất đai, tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai.

- Rà soát những nơi hệ thống chính trị cơ sở còn yếu kém để tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng, giải quyết ngay tại cơ sở những mâu thuẫn, vướng mắc trong nhân dân, nhằm hạn chế khiếu kiện đông người, vượt cấp.

- Đối với các vụ khiếu kiện phức tạp kéo dài, hiện giải quyết chưa dứt điểm, sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo, phân công các ngành tập trung phối hợp tìm ra chủ trương giải quyết thỏa đáng, đồng thời có biện pháp răn đe, xử lý một số trường hợp lợi dụng quyền tự do dân chủ để xúi giục, kích động khiếu kiện.

- Đối với các điểm nhà, đất liên đến quan tôn giáo, trên cơ sở đã rà soát, xác định cơ sở pháp lý của việc Nhà nước quản lý, sử dụng đối với từng trường hợp, Công an tỉnh sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại giải quyết theo đúng chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai, nhất là quán triệt, thực hiện theo Chỉ thị số 1940/CT-TTg, ngày 31-12-2008, của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo; kết hợp với công tác vận động cá biệt đối với số chức sắc tôn giáo, răn đe những đối tượng cực đoan để họ nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành.

- Quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao tinh thần cảnh giác, tăng cường công tác nắm tình hình; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, nhất là các hội, nhóm phản động bên ngoài lợi dụng tình hình khiếu kiện đông người để kích động, tập hợp lực lượng chống phá, gây mất ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh./.