TCCSĐT - Ngày 29-10-2018, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”.
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Quyền Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành và Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền PGS, TS. Trương Ngọc Nam. Cùng dự Hội thảo có đông đảo đại diện các ban, bộ, ngành trung ương cùng các nhà khoa học trong lĩnh vực xuất bản trên cả nước.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Quyền Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành nhấn mạnh: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, ngành xuất bản - với tư cách vừa là một ngành kinh tế-công nghệ, vừa là một “binh chủng” trên mặt trận tư tưởng của Đảng, Nhà nước cũng bị tác động không nhỏ... Với sự kết hợp các công nghệ và thông tin số hóa, internet kết nối vạn vật, trí thông minh nhân tạo, công nghệ robot in 3D... cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra thay đổi đột biến trong toàn bộ công tác xuất bản, trong đó có bước nhảy vọt về tốc độ sản xuất, chia sẻ và lan tỏa xuất bản phẩm.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra yêu cầu mới đối với công tác xuất bản. Những nhà xuất bản truyền thống nếu không thích nghi, bắt kịp với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, không kịp thời ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ cùng những lợi thế của xu hướng xuất bản số, xuất bản điện tử và quy trình xuất bản, không có điều kiện về nguồn vốn để thay thế máy móc, trang thiết bị hiện đại sẽ trở nên yếu thế trong cuộc cạnh tranh quyết liệt của thị trường. Ngoài kiến thức chuyên môn sâu, đội ngũ cán bộ xuất bản phải có tính năng động, sáng tạo, có năng lực ngoại ngữ, tin học và có kiến thức khoa học - công nghệ cần thiết, tối thiểu để có thể tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động quản lý và chuyên môn, tương ứng với phương thức xuất bản mới, sử dụng kênh thông tin đa phương tiện, công nghệ quản lý quản trị nhà xuất bản, quản trị mạng lưới bán hàng...

7 ý kiến trao đổi tại hội thảo và 33 bài tham luận được gửi đến từ các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo quản lý trong ngành xuất bản, đã tập trung vào các vấn đề: Cách mạng 4.0, khái niệm đặc trưng và những nội dung cơ bản; Vị trí và đặc thù của hoạt động xuất bản; Vai trò của công tác biên tập trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu đặt ra đối với ngành xuất bản Việt Nam; Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới ngành xuất bản; Thực trạng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản ở nước ta hiện nay và những vấn đề đang đặt ra trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0;...; Sự chuyển biến về mô hình và quy trình xuất bản; Sự xuất hiện sách điện tử và các thiết bị đọc sách điện tử, phương thức xuất bản mới; Sử dụng kênh truyền thông đa phương tiện, công nghệ quản lý, quản trị nhà xuất bản, quản trị mạng lưới bán hàng…

Hội thảo cũng đã gợi mở nhiều vấn đề và đặt ra các yêu cầu cấp thiết cho công tác đào tạo cán bộ xuất bản. Bối cảnh mới không chỉ đặt ra các yêu cầu xoay quanh chương trình đào tạo (thời lượng, nội dung chương trình, mục tiêu đào tạo hướng tới) mà còn đòi hỏi năng lực đào tạo, trình độ chuyên môn, năng lực tin học và ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, phương thức đào tạo kết hợp nhà trường với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế…/.