TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2019), Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội phối hợp tổ chức Tọa đàm “Nhà báo chiến sĩ noi gương nhà báo Hồ Chí Minh”; Báo Long An tổ chức Hội thảo Báo Đảng khu vực miền Đông Nam bộ (mở rộng) năm 2019 với chủ đề "Báo chí trước thách thức từ mạng xã hội".

 

Các buổi hội thảo, tọa đàm tổ chức nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là dịp để những người làm báo gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động báo chí; đồng thời, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, cách làm hay để làm tốt hơn nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản bác lại các thông tin sai trái trên mạng xã hội.

Nhà báo chiến sĩ noi gương nhà báo Hồ Chí Minh

Tọa đàm “Nhà báo chiến sĩ noi gương nhà báo Hồ Chí Minh”
Tọa đàm “Nhà báo chiến sĩ noi gương nhà báo Hồ Chí Minh”

“Nhà báo chiến sĩ noi gương nhà báo Hồ Chí Minh” là Tọa đàm do Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội phối hợp tổ chức ngày 14-6 tại Hà Nội. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2019), 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 75 Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị.

Tọa đàm “Nhà báo chiến sĩ noi gương nhà báo Hồ Chí Minh” nhằm cung cấp nhiều luận cứ khoa học, lịch sử và thực tiễn, tiếp tục khẳng định những giá trị tư tưởng, quan điểm và lời chỉ dẫn, căn dặn của Người đối với báo chí cách mạng nói chung, báo chí Quân đội nói riêng trong giai đoạn mới; nêu bật những phẩm chất cao quý, đáng kính của Nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh. Đồng thời, các ý kiến tham luận tại tọa đàm khẳng định những kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của đội ngũ nhà báo trong Quân đội; kịp thời động viên đội ngũ nhà báo chiến sĩ tiếp tục phát huy truyền thống, tôi luyện “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến khẳng định: Trải qua các thời kỳ, báo chí quân đội luôn thực hiện tốt chức năng là tiếng nói của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; diễn đàn tin cậy của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân cả nước. Các cơ quan báo chí quân đội luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích trong quá trình tác nghiệp; không ngả nghiêng trước sự tác động, chống phá của các thế lực thù địch và ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường. Đội ngũ những người làm báo trong quân đội - những nhà báo chiến sĩ luôn học tập, noi theo gương sáng của Nhà báo Hồ Chí Minh. Nhiều nhà báo chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đội ngũ nhà báo chiến sĩ qua các thế hệ, với phẩm chất cách mạng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trách nhiệm chính trị - xã hội cao, trình độ nghiệp vụ vững vàng đã phản ánh đa dạng, thông tin nhiều chiều thực tiễn sinh động, phong phú của xã hội và hoạt động quân sự quốc phòng; hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó.

Chia sẻ tại tọa đàm, nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nêu rõ: Những tiêu chí về rèn luyện phẩm chất, đạo đức của nhà báo nói chung cũng chính là tiêu chí rèn luyện của nhà báo quân đội nói riêng. Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ cao cả là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, bảo lợi ích tối cao của nhân dân, nên một nhà báo quân đội, trong khi đề cập tới việc rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà báo nói chung, trước hết phải tự mình rèn luyện để xứng đáng là một chiến sĩ quân đội, xứng đáng với danh hiệu Bộ đội cụ Hồ.

Tại Tọa đàm, một số ý kiến cũng đề cập tới việc để báo chí quân đội tiếp tục phát triển, khẳng định vị thế của mình, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; phát huy vai trò quản lý của cơ quan chủ quản - cơ quan quản lý đối với các cơ quan báo chí trong quân đội, nhằm đảm bảo cho báo chí quân đội hoạt động đúng định hướng, đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích; tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan báo chí theo hướng cơ bản, chính quy, hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao. Đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành chức năng, mà trước hết là các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí; gắn việc làm này với đẩy mạnh các hoạt động quảng bá để nâng cao vị thế báo chí quân đội trong quá trình phát triển.

Các ý kiến tập trung phân tích, chỉ rõ yêu cầu phải nâng cao chất lượng công tác xây dựng đội ngũ nhà báo chiến sĩ “vừa hồng, vừa chuyên”, trong đó phải hết sức chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phóng viên, biên tập viên; gắn đào tạo cơ bản với đào tạo tại chức, đào tạo trong nước với bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm quản lý, nghiệp vụ báo chí ở nước ngoài.

Các cơ quan báo chí phải làm tốt công tác luân chuyển, đưa phóng viên, biên tập viên đi thực tiễn cơ sở, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, những nơi khó khăn, nguy hiểm; tạo điều kiện cho họ “đắm mình” vào cuộc sống, sinh hoạt của bộ đội, trên cơ sở đó có những tác phẩm báo chí thực sự mang hơi thở của thực tiễn.

Báo chí trước thách thức từ mạng xã hội

Ngày 15-6, Báo Long An tổ chức Hội thảo Báo Đảng khu vực miền Đông Nam bộ (mở rộng) năm 2019 với chủ đề "Báo chí trước thách thức từ mạng xã hội". Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo tỉnh Long An cùng đại diện của 14 đơn vị báo chí thuộc các tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây nguyên đã đến dự.

Quang cảnh Hội thảo: "Báo chí trước thách thức từ mạng xã hội"
Quang cảnh Hội thảo: "Báo chí trước thách thức từ mạng xã hội". Nguồn: baoapbac.vn

Hội thảo là dịp để những người làm báo Đảng địa phương gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động báo chí; đồng thời, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, cách làm hay để làm tốt hơn nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ tuyên truyền, phản bác lại các thông tin sai trái trên mạng xã hội.

Tại hội thảo, ý kiến của các đại biểu đều cho rằng, mạng xã hội đang ngày càng phát triển, sử dụng phổ biến tạo nên những tác động lớn đối với báo chí ở cả hai khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực, tạo ra nhiều cơ hội lẫn thách thức. Nhiều đơn vị báo chí hiện nay xem mạng xã hội như là công cụ hỗ trợ đắc lực để khai thác nguồn tin, truyền tải thông tin đến độc giả… Tuy nhiên, nếu không thận trọng, tỉnh táo thì rất dễ bị những thông tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội; hoặc trở thành công cụ sản xuất nội dung cho mạng xã hội, đánh mất bạn đọc…

Theo Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Tây Ninh Huỳnh Thanh Nam: Sự "bắt tay" của báo chí và mạng xã hội góp phần giúp cơ quan báo chí tiếp cận được nhiều nguồn thông tin; tạo ra cú nhảy vọt, làm thay đổi hoàn toàn cách thức truyền tải thông tin, tương tác với bạn đọc. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng tạo ra nhiều nguy cơ nếu không tỉnh táo, báo chí có thể đánh mất mình để trở thành công cụ sản xuất nội dung cho các nền tảng mạng xã hội khi mà người đọc tìm đến nguồn tin chính trên mạng xã hội, không cần quan tâm nguồn tin đó từ đâu, ai là người viết. Hoặc mạng xã hội cũng tạo ra những “phóng viên salon” chuyên tiếp nhận nguồn tin chưa qua kiểm chứng để xử lý thành sản phẩm báo chí. Do đó, các cơ quan báo chí cần có những sự thay đổi nhanh nhạy, nắm bắt xu thế để tận dụng những lợi thế do mạng xã hội mang lại. Đồng thời phải xác định rõ ràng báo chí hoạt động dựa trên nền tảng của đạo đức và luật pháp yêu cầu người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, khai thác lợi thế từ mạng xã hội để phục vụ công việc…

Nêu ý kiến tại hội thảo, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Khắc Văn cho rằng: Báo chí và mạng xã hội hiện đang tồn tại song song, tòa soạn báo chí chuyên nghiệp đưa thông tin theo kiểu của báo, còn công chúng đưa thông tin lên mạng xã hội theo kiểu của họ. Do đó, tạo ra tính cạnh tranh khá mạng mẽ về thông tin. Tuy nhiên, dù mạng xã hội có số lượng thông tin cực kỳ lớn, phù hợp nhu cầu tiếp nhận của nhiều người nhưng hầu hết chưa được kiểm chứng, thiếu độ tin cậy. Trong khi đó, báo chí có lợi thế là những thông tin chính thống và độ tin cậy cao. Do đó, báo chí cần phát huy tối đa lợi thế này thông qua việc nâng cao chất lượng thông tin, cách thức truyền tải để tạo niềm tin đối với công chúng, bạn đọc...

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng tham gia ý kiến tập trung vào các vấn đề như: Thông tin chính thống và mạng xã hội; mạng xã hội đặt ra những thách thức gì cho báo chí hiện nay; báo chí trong môi trường cạnh tranh thông tin; khai thác mạng xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí; sử dụng mạng xã hội để tương tác, kết nối, xây dựng nguồn tin; ứng xử của nhà báo trên mạng xã hội với tư cách là người đại diện của các cơ quan báo chí; sử dụng mạng xã hội để kinh doanh báo chí và làm gì trước thách thức từ mạng xã hội…

Tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập cũng như đối mặt và vượt qua những thách thức, khó khăn, hơn lúc nào hết, báo chí, nhất là các cơ quan báo Đảng phải có lập trường chính trị vững vàng, không ngừng đổi mới, xác định rõ nhân tố quyết định là con người, là trí tuệ, tài năng, đạo đức và sự nỗ lực của người làm báo. Đồng thời, báo chí phải góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh; xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận xã hội./.