Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 10 đến 16-6-2019)
Tổ chức lao động quốc tế tiếp tục khẳng định vai trò thúc đẩy và bảo đảm quyền lợi của người lao động
ILO được thành lập vào năm 1919 từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, trong khuôn khổ của Hiệp ước Versailles để chấm dứt chiến tranh. Tổ chức được thành lập dựa trên niềm tin rằng nền hòa bình phổ quát và lâu dài chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở công bằng xã hội.
Kể từ khi ra đời, nhất là vào thời điểm bùng nổ của xung đột ở châu Âu vào cuối năm 1930, ILO là một trong số ít các tổ chức quốc tế hoạt động không bị gián đoạn trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tháng 5-1944, ILO đã thông qua Tuyên bố Philadelphia, tái khẳng định tầm nhìn và xác định một bộ nguyên tắc đặt quyền con người vào trung tâm. Năm 1945, ILO trở thành cơ quan chuyên môn đầu tiên của tổ chức Liên hợp quốc mới được thành lập, với số lượng thành viên ngày càng tăng. Năm 1969, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, ILO đã được trao giải Nobel Hòa bình.
Có thể thấy, trong 100 năm qua, ILO luôn đóng vai trò quan trọng tại các thời điểm lịch sử thế giới, từ cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930 của thế kỷ XX, giải phóng thuộc địa, chiến thắng nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, cho đến công cuộc tìm kiếm việc làm bền vững cho tất cả mọi người vì một thế giới toàn cầu hóa công bằng.
Trong vai trò là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc về lao động và việc làm, ILO đã thiết lập các tiêu chuẩn lao động quốc tế, thúc đẩy quyền của người lao động. Tính đến tháng 6-2018, ILO đã thông qua 189 Công ước và 205 Khuyến nghị, tạo tiền đề xây dựng khuôn khổ pháp lý quốc gia cho lao động và việc làm. Với sự hỗ trợ và dịch vụ của ILO, khoảng 85% các quốc gia thành viên ILO đã thiết lập các tổ chức ba bên để giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động.
Bước sang thế kỷ XXI, vai trò của ILO vẫn liên tục được cải tiến đáng kể nhằm đáp ứng những thay đổi của thị trường lao động và sự tiến bộ của quá trình toàn cầu hóa. Phạm vi hoạt động của ILO mở rộng thêm nhiều lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, ILO còn đấu tranh cho khái niệm việc làm bền vững trong tổng thể chiến lược phát triển quốc tế, trở thành một trong những nội dung cơ bản của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và 17 Mục tiêu phát triển bền vững đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua.
Năm 2019 đánh dấu cột mốc kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của tổ chức ILO. Chủ đề của năm nay được ILO lựa chọn là “Nâng cao Công bằng xã hội, Thúc đẩy việc làm bền vững”. Thông điệp này được đánh giá nhất quán với nghị quyết của Hội nghị ILO về thúc đẩy công bằng xã hội thông qua việc làm bền vững (năm 2016) và tái khẳng định giá trị thời đại của sứ mệnh đấu tranh vì công bằng xã hội cũng như Chương trình nghị sự về việc làm bền vững của ILO. Hội nghị với sự tham gia của các đại biểu đại diện cho các chính phủ, người lao động và chủ lao động, hướng tới mục tiêu thông qua một tuyên bố mang tính bước ngoặt, tập trung vào tương lai của việc làm. Tuyên bố nhân dịp 100 năm thành lập ILO ngắn gọn và mang tính “chính trị”. Tuy không mang tính ràng buộc, nhưng Tuyên bố sẽ thiết lập một khuôn khổ cho ILO, các nhà nước, những người sử dụng lao động, các công đoàn và người lao động trong những thập niên tiếp theo.
Những bước đi tích cực trong triển khai thỏa thuận di cư giữa Mỹ và Mexico
Ngày 12-6, Ngoại trưởng Mexico M. Ebrard cho biết nước này đã chính thức triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia tới khu vực biên giới phía Nam, giáp với Guatemala, để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp. Động thái này là những bước đi tích cực nhằm triển khai thỏa thuận giữa Mỹ và Mexico.
Trong bối cảnh làn sóng người di cư vẫn đổ dồn về phía biên giới giữa Mỹ và Mexico nhằm tìm cách đặt chân vào Mỹ, ngày 30-5, Tổng thống Mỹ D. Trump đe dọa từ ngày 10-6, Mỹ sẽ áp thuế 5% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và mức thuế này sẽ tăng lên tới 25% vào tháng 10 nếu Mexico không đưa ra được các biện pháp mạnh tay ngăn chặn dòng người di cư tới Mỹ.
Lo ngại nền kinh tế trước nguy cơ rơi vào suy thoái nếu tất cả hàng hóa bị đánh thuế, Mexico đã phải cử 1 phái đoàn tới Mỹ để đàm phán về 1 thỏa thuận di cư nhằm né tránh việc bị Mỹ áp thuế. Sau những nỗ lực đàm phán, ngày 07-6, Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận về di cư, qua đó Mexico tránh được việc bị Mỹ áp thuế đối với hàng hóa xuất sang nước mình. Theo thỏa thuận, Mexico sẽ triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia tới khu vực biên giới phía Nam giáp Guatemala để ngăn chặn dòng người di cư Trung Mỹ, cũng như tiếp nhận những người di cư chờ xin tị nạn vào Mỹ. Ngoài ra, Mexico cũng sẽ triển khai một chương trình tạo việc làm và bảo vệ quyền con người đối với những người di cư trong quá trình đợi xét duyệt đơn xin tị nạn tại Mỹ. Đổi lại, phía Mỹ cam kết ủng hộ Kế hoạch Phát triển tổng thể đối với khu vực phía Nam Mexico và các nước thuộc tam giác phía Bắc Trung Mỹ, gồm Guatemala, El Salvador và Honduras. Ngay sau khi đạt được thỏa thuận trên, Tổng thống D. Trump quyết định đình chỉ vô thời hạn kế hoạch áp thuế bổ sung nhằm vào hàng hóa Mexico.
Mặc dù thỏa thuận di cư đã được các quan chức hai nước thống nhất song thỏa thuận trên vẫn cần phải được Quốc hội Mexico phê chuẩn. Và dù Mỹ đã quyết định ngừng áp thuế vô thời hạn với Mexico, song giới chức Mỹ vẫn để ngỏ khả năng áp thuế trở lại bất cứ lúc nào.
Cùng với việc triển khai 6.000 quân thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia tới biên giới phía Nam, các đại diện của Mexico cũng sẽ gặp đại diện của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn và những tổ chức khác trong ngày 18-6 nhằm thiếp lập hệ thống “quản lý người di cư”, xác định những nỗ lực của quốc gia để giải quyết vấn đề di cư. Những động thái trên tuy mới chỉ là những bước đi đầu tiên trong nỗ lực triển khai thỏa thuận mà Mỹ và Mexico vừa đạt được, song điều này cho thấy những nhượng bộ và thiện chí từ phía Mexico.
Ấn Độ thúc đẩy chính sách “láng giềng trước tiên”
Thủ tướng Ấn Độ N. Modi vừa thực hiện chuyến công du hai ngày tới Maldives và Sri Lanka. Chuyến công du tới các quốc gia láng giềng Nam Á cho thấy Ấn Độ đề cao chính sách “láng giềng trước tiên”.
Trong chuyến thăm chính thức Maldives ngày 09-6, Thủ tướng N. Modi nhấn mạnh, Ấn Độ hết sức coi trọng mối quan hệ với Maldives và cả hai nước đều mong muốn xây dựng quan hệ đối tác bền chặt. Trong khi đó, Tổng thống Maldives M. Solih cam kết hỗ trợ đầy đủ nhằm làm sâu sắc “mối quan hệ đối tác nhiều mặt, cùng có lợi giữa Ấn Độ và Maldives”. Trong chuyến thăm này, Ấn Độ và Maldives đã ký kết 6 thỏa thuận nhằm tăng cường quan hệ song phương trong một số lĩnh vực chủ chốt, trong đó có quốc phòng và hàng hải. Hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Maldives đồng ý thành lập một ủy ban hợp tác về chống khủng bố, chống lại chủ nghĩa bạo lực và cực đoan.
Trong chuyến thăm Sri Lanka ngày 10-6, tại cuộc hội đàm với Tổng thống Sri Lanka M. Sirisena, Thủ tướng N. Modi cho biết, chuyến thăm Sri Lanka sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết và chân thành của Ấn Độ với quốc gia biển láng giềng này, phù hợp với “Chính sách láng giềng trước tiên” và tầm nhìn về an ninh và tăng trưởng cho tất cả các nước trong khu vực”. Trong khi đó, Tổng thống M. Sirisena cũng khẳng định Sri Lanka coi trọng mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia biển láng giềng và bạn bè lâu đời.
Có thể thấy, chính sách đối ngoại “Láng giềng trước tiên” đang là điểm nổi bật trong cách tiếp cận ngoại giao của Thủ tướng N. Modi. Theo đó, Ấn Độ đã đặt mối quan hệ với các nước láng giềng lân cận là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của nước này. Trong hai năm nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng N. Modi đã liên tục thực hiện các chuyến công du đến hầu hết các quốc gia Nam Á và không ngừng đẩy mạnh các cuộc gặp gỡ cấp cao nhằm nhấn mạnh vai trò và vị thế của New Delhi với khu vực láng giềng lân cận Ấn Độ. Tháng 6-2014, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Ấn Độ đã chọn Buhtan làm điểm đến đầu tiên. Ông cũng đã đến thăm Nepal vào tháng 8-2014. Afghanistan cũng là một minh chứng thành công trong chính sách đối ngoại láng giềng của Ấn Độ. Lãnh đạo hai bên thường xuyên có cuộc viếng thăm cấp cao. Ấn Độ cũng tiếp tục xây dựng thành công quan hệ láng giềng tốt đẹp với Bangladesh.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, các quốc gia láng giềng có tầm quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ trong việc khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới. Do đó, việc thúc đẩy mối quan hệ với các nước láng giềng Nam Á sẽ giúp Ấn Độ bảo đảm sự ổn định, an ninh và phát triển kinh tế, mở rộng cánh cửa ra bên ngoài, củng cố vai trò, tham gia sắp xếp lại “bàn cờ” khu vực Nam Á.
Nhật Bản trong sứ mệnh trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran
Với mong muốn làm trung gian hòa giải căng thẳng giữa Mỹ và Iran, qua đó bảo đảm hòa bình và ổn định tại khu vực Trung Đông, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã thực hiện chuyến thăm Iran trong hai ngày 12 và 13-6, trở thành vị thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Nhật Bản thăm chính thức Iran kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.
Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Iran H. Rouhani, Thủ tướng S. Abe cho rằng Iran cần thể hiện vai trò xây dựng trong duy trì an ninh và ổn định tại khu vực. Thủ tướng S. Abe nhấn mạnh, khu vực Trung Đông cần ngăn chặn nguy cơ xung đột vũ trang bằng mọi giá. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản mong muốn giữ một vai trò quan trọng nhằm xoa dịu căng thẳng khu vực, đồng thời đây là ý niệm duy nhất đưa Tokyo xích lại gần hơn với Tehran.
Đối với thỏa thuận hạt nhân nhân lịch sử, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), Thủ tướng S. Abe hy vọng Iran tiếp tục tuân thủ. Về quan hệ kinh tế giữa hai bên, Thủ tướng S. Abe cho biết, Nhật Bản sẽ tiếp tục quan tâm tới việc phát triển quan hệ kinh tế với Iran.
Về phần mình, Tổng thống H. Rouhni hoan nghênh nỗ lực của Nhật Bản trong việc giảm căng thẳng giữa Iran và Mỹ, đồng thời cho biết ông rất trông đợi sự thay đổi tích cực tại Trung Đông và thế giới nếu Mỹ ngừng gây sức ép kinh tế với Tehran thông qua các biện pháp trừng phạt. Tổng thống Iran khẳng định, “nước này sẽ mở con đường đàm phán với Mỹ, nếu Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu dầu mỏ”. Bên cạnh đó, Tổng thống H. Rouhani khẳng định vẫn duy trì cam kết của nước này đối với thỏa thuận JCPOA.
Trên thực tế, Nhật Bản được đánh giá là có mối quan hệ tốt với Iran. Năm 2019 là năm hai nước kỷ niệm 90 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Iran đã đẩy Tokyo vào thế khó khi Washington là một đồng minh an ninh, còn Iran là nguồn nhập khẩu dầu của Nhật Bản. Không chỉ là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn cho Nhật Bản, Iran còn là một thị trường giàu tiềm năng đối với các công ty Nhật Bản. Theo thống kê của chính phủ Nhật Bản, các công ty của Nhật Bản có tổng cộng 32 văn phòng ở Iran trong năm 2017. Chính vì vậy, Thủ tướng S. Abe hy vọng có thể tận dụng mối quan hệ tốt đẹp này để làm trung gian hòa giải và thúc đẩy đối thoại giữa Washington và Tehran. Các chuyên gia ngoại giao cũng đánh giá cao vai trò sứ giả của Thủ tướng S. Abe nhằm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Theo các nhà phân tích, nhà lãnh đạo Nhật Bản chưa thể tạo ra được sự thay đổi tích cực trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran chỉ với chuyến thăm lần này, tuy nhiên chuyến thăm cũng giúp ông nâng cao vị thế của một chính khách thế giới có trách nhiệm trước các vấn đề toàn cầu.
Triển vọng giải quyết căng thẳng thương mại sau Hội nghị G20
Sau hai ngày nhóm họp, Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Fukuoka (Nhật Bản) đã đạt được một số kết quả tích cực, song với việc tuyên bố chung không đề cập cụ thể tới nội dung tranh chấp thương mại, vấn đề này tiếp tục đặt ra thách thức sau hội nghị.
Một số thành công đạt được tại Hội nghị như thống nhất về việc thúc đẩy tăng cường tính minh bạch trong hoạt động vay và cho vay, cũng như bảo đảm phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng bền vững hơn. Về vấn đề dân số già, tuyên bố của các bộ trưởng G20 cũng thừa nhận những thay đổi về dân số đang đặt ra các thách thức và cơ hội đối với tất cả các thành viên G20 và vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế khóa và cấu trúc. Ngoài ra, việc các thành viên G20 “đồng tâm hiệp lực” đối phó với hoạt động trốn thuế bằng việc tiến tới xây dựng bộ quy tắc chung về thuế doanh nghiệp vào năm 2020. Các tuyên bố này đã chứng tỏ G20 vẫn là một cơ chế hành động thực tế và có trách nhiệm.
Tuy nhiên, với nhiều điểm tích cực, song tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo tài chính của G20 vẫn không thể giải quyết được vấn đề bất đồng thương mại. Trong bối cảnh các bất đồng thương mại đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng, quy mô và tính phức tạp, đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu chấm dứt. Giới phân tích nhận định căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc chính là yếu tố chủ chốt đã và đang thách thức G20 trong nỗ lực đưa ra một quan điểm thống nhất đối với vấn đề mang tính toàn cầu này.
Trong tuyên bố chung, lãnh đạo tài chính G20 cũng đã không nhắc đến cụm từ “cần khẩn cấp giải quyết các căng thẳng thương mại” như trong bản dự thảo, do yêu cầu của Mỹ. Thay vào đó, văn kiện này chỉ dừng lại ở việc thừa nhận sự gia tăng các căng thẳng thương mại và địa chính trị là những thách thức đối với kinh tế toàn cầu và các nước cam kết tiếp tục giải quyết những nguy cơ, cũng như sẵn sàng có thêm những hành động để giảm thiểu những mối đe dọa đối với thương mại toàn cầu. Điều này đã làm tan vỡ hy vọng của giới đầu tư về một văn kiện thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tài chính G20 trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại, vốn đang tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Việc các lãnh đạo tài chính G20 loại bỏ cụm từ “cần khẩn cấp giải quyết các căng thẳng thương mại” là một bước thụt lùi so với thỏa thuận đạt được tại Hội nghị G20 ở Argentina hồi năm ngoái. Trên thực tế, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kìm hãm hoạt động đầu tư, sản xuất cũng như đà tăng trưởng. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các biện pháp thuế quan sắp tới của Mỹ và Trung Quốc có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sụt giảm khoảng 0,3% trong năm 2020, với hơn một nửa tác động bắt nguồn từ lòng tin doanh nghiệp sụt giảm và tâm lý tiêu cực của thị trường tài chính. Xét tổng thế, IMF ước tính cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung Quốc, bao gồm những biện pháp đã được triển khai hồi năm ngoái, có thể làm giảm 0,5% GDP toàn cầu vào năm 2020 với con số thiệt hại tương đương khoảng 455 tỷ USD. Tranh chấp thương mại đang trở thành một hòn đá tảng cản trở đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và lòng tin thị trường có nguy cơ sẽ tiếp tục bị hủy hoại nếu Mỹ và Trung Quốc không thể tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, đây sẽ là vấn đề hết sức khó khăn, bởi kết quả của Hội nghị này đang phủ bóng lên cơ hội lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đạt được đồng thuận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng 6 tới.
Được coi là một trong các diễn đàn quan trọng để 20 nền kinh tế chủ chốt thảo luận về các vấn đề kinh tế thế giới và phối hợp chính sách để bảo đảm đà tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, trong bối cảnh các căng thẳng thương mại, tình hình địa chính trị trên thế giới đang ngày càng gia tăng và chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa, triển vọng kinh tế toàn cầu càng trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết nếu các nền kinh tế G20 tiếp tục né tránh việc giải quyết những bất đồng thương mại./.
Trung Kiên (tổng hợp)Phát triển khu vực tài chính - ngân hàng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (16/06/2019)
Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác tổ chức, cán bộ  (15/06/2019)
Thúc đẩy hợp tác toàn diện và hiệu quả giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Vientiane  (15/06/2019)
Toàn văn bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân  (14/06/2019)
Tác động của cạnh tranh địa - chiến lược Nga - Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một vài dự báo  (14/06/2019)
Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết quan trọng  (14/06/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển