Nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách công, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội
TCCSĐT - Sáng 01-11, tại Hà Nội, Hội thảo Khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đồng tổ chức.
Tham dự Hội thảo có PGS, TS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; ông Vi Quang Đạo, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo Điện tử Chính phủ; ông Kim Jinoh, Giám đốc quốc gia KOICA tại Việt Nam; ông Lee Hyuk, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam; cùng các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, giảng viên và chuyên gia báo chí - truyền thông, lãnh đạo cơ quan báo chí, các nhà báo.
Quang cảnh Hội thảo
Dẫn đề Hội thảo, tiếp cận truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội từ nghiên cứu lý luận đến xây dựng mô hình thực tiễn, PGS, TS. Trương Ngọc Nam nhấn mạnh, truyền thông chính sách nhằm xây dựng đồng thuận xã hội là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu, hoạch định và thực thi chính sách. Hiệu quả truyền thông chính sách không chỉ quyết định sự thành công của từng chính sách riêng lẻ mà còn góp phần bảo đảm năng lực điều hành của Chính phủ cũng như năng lực cầm quyền của Đảng. Việc nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách càng có ý nghĩa hơn khi chính phủ đương nhiệm làm việc quyết liệt với tinh thần kiến tạo và hành động. Truyền thông chính sách là quá trình chủ thể chính sách tiếp cận, gắn kết công chúng thông qua phương thức, phương tiện truyền thông phù hợp nhằm làm cho công chúng hiểu biết và ủng hộ chính sách. Ở một mức độ cao hơn, truyền thông chính sách nhằm xây dựng đồng thuận xã hội như nguồn lực để thực hiện thành công chính sách. Đồng thuận xã hội là trạng thái đa số công chúng đạt được sự đồng tình, nhất trí đối với chính sách có tác động đến lợi ích của họ. Đồng thuận xã hội đạt được khi công chúng đồng tâm, đồng lòng quy tụ theo một hệ giá trị, hệ mục tiêu và lợi ích chung. Do vậy, Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi về chiến lược, mô hình, phương thức và kinh nghiệm của hai nước trong truyền thông chính sách nhằm xây dựng đồng thuận xã hội.
Tiếp nối thành công của Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách: Kinh nghiệm Việt Nam và Hàn Quốc” tổ chức năm 2016, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam, ông Kim Jinoh mong muốn Hội thảo được tổ chức lần thứ hai này sẽ đóng góp những kinh nghiệm quý báu trong thực hiện chính sách truyền thông của Việt Nam và Hàn Quốc, qua đó, tạo dựng nền tảng cho những hợp tác sâu rộng hơn giữa hai nước.
Tại phiên trao đổi “Kinh nghiệm Việt Nam và Hàn Quốc về truyền thông chính sách”, ông Lê Việt Đông, Phó Tổng Giám đốc Cổng Thông tin Chính phủ nhận định, trong những năm gần đây, công tác thông tin đến công chúng, truyền thông về các chính sách của Chính phủ, sự chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ đã có những bước tiến mạnh mẽ. Từ nhận thức đến việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức thông tin, nhằm bảo đảm quyền được cung cấp thông tin, quyền được tiếp cận thông tin của người dân. Với chức năng là cơ quan thông tin truyền thông đa phương tiện của Chính phủ trên không gian mạng internet toàn cầu, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ thuộc Văn phòng Chính phủ đã và đang triển khai toàn diện, đầy đủ các nội dung truyền thông về chính sách của Chính phủ. Phó Tổng Giám đốc Cổng Thông tin Chính phủ cũng đã chỉ ra những vấn đề đang đặt ra cần giải quyết trong truyền thông chính sách, như: Phải nâng cao hơn nữa hiệu quả tác động của truyền thông chính sách; Phải chống “lợi ích nhóm” trong truyền thông chính sách; Các cơ quan chức năng cần nhận thức rõ ràng hơn về vai trò rất quan trọng của báo chí trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách.
Bàn về “Vai trò của truyền thông trong chu trình chính sách nhằm xây dựng đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay”, PGS, TS. Nguyễn Xuân Phong đặt vai trò của truyền thông trong chu trình chính sách công - vòng đời trọn vẹn của một chính sách trải qua các bước, các giai đoạn. Vai trò này thể hiện từ khi tìm kiếm các thông tin, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho việc hoạch định chính sách, đến khi chính sách được hình thành về mặt lý thuyết sẽ phải được truyền thông, công bố trước xã hội để lấy ý kiến, góp ý, phản biện từ phía xã hội (đội ngũ trí thức, chuyên gia, người dân,…). Đây là cơ sở cho sự minh bạch, rõ ràng - khía cạnh đầu tiên tạo cơ sở cho sự đồng thuận của xã hội. Trong chu trình của chính sách, mặc dù truyền thông có các nhiệm vụ ở mỗi giai đoạn khác nhau nhưng đều đóng vai trò quan trọng trong tất cả các giai đoạn đó. Sự tham gia của truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, tập hợp được mọi người dân đứng về phía chính sách, chính quyền, làm cho nhân dân thống nhất từ nhận thức đến thái độ và hành vi.
Đánh giá “Yếu tố nào quyết định hiệu quả truyền thông chính sách trong kỷ nguyên số?”, TS. Uhm SeungYong, Giám đốc Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc cho rằng có thể có rất nhiều câu trả lời, như năng lực kỹ thuật số hoặc sản xuất các nội dung hấp dẫn giới trẻ. Tuy nhiên, quan điểm của ông là chính phủ cần nỗ lực giao tiếp với công chúng theo cách tích lũy vốn xã hội và đặt nền tảng cho một môi trường chính sách tích cực trong dài hạn. Bởi, với sự tăng trưởng của người dùng mạng xã hội cũng như cấu trúc truyền thông đa diện hiện nay, vốn xã hội giúp cho truyền thông trở nên hiệu quả hơn ngay cả khi thiếu vốn xã hội. Truyền thông chính sách góp phần quan trọng vào hiệu quả của chính sách công và chính sách công sẽ được thực hiện thành công trong một xã hội có tích lũy vốn xã hội cao.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Trong phần thảo luận với chủ đề “Xây dựng mô hình truyền thông chính sách cho chính phủ kiến tạo”, với tham luận “Truyền thông chính sách công tạo đồng thuận xã hội: Sớm chuyển đổi mô hình tổ chức truyền thông chính sách công ở Việt Nam”, PGS, TS. Nguyễn Văn Dững, Giảng viên cao cấp, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, trong hơn 30 năm qua, cùng với quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội, bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế, Việt Nam đã và đang trong quá trình chuyển đổi nhận thức và hành vi xã hội tương thích với điều kiện mới trong môi trường truyền thông số. Quá trình chuyển đổi của nhận thức xã hội từ việc tuyệt đối hóa khái niệm tuyên truyền, chuyển dần sang khái niệm truyền thông trong môi trường truyền thông số. PGS, TS. Nguyễn Văn Dững cũng đề cập đến khái niệm và mô thức của truyền thông chính sách công, vai trò của thiết chế báo chí - truyền thông kiến tạo trong truyền thông chính sách, đề xuất chuyển đổi mô hình truyền thông chính sách công ở Việt Nam.
Phân tích vai trò của truyền thông trong việc thông tin về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực y tế sức khỏe, GS, TS. Đào Văn Dũng, Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra khái niệm, mục đích và phương pháp tiếp cận đa ngành trong truyền thông với mô hình “Phối hợp đa ngành truyền thông về sức khỏe” có cấu trúc gồm các ban xây dựng đảng, ngành chủ quản về sức khỏe, các ngành có liên quan, trong đó, vai trò chỉ đạo, điều hành thống nhất là Ban Tuyên giáo Trung ương và có sự phân công cụ thể trách nhiệm, nội dung công việc cho các đơn vị thành viên, với vai trò tham mưu nòng cốt thuộc về ngành sức khỏe. GS, TS. Đào Văn Dũng đã khẳng định sự thành công của mô hình này áp dụng ở 63 tỉnh, thành trong cả nước với các hoạt động của ngành sức khỏe nhiều năm qua, như chương trình phối hợp đa ngành trong phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS.
Cũng đề cập tới lĩnh vực y tế, TS. Lee Hunyul và TS. Jeong Se Hoon, Đại học Korea đã đưa ra kinh nghiệm về công tác “Truyền thông chính sách về các chiến dịch y tế của Hàn Quốc”. Công trình này của nhóm học giả xem xét các thành tố nguồn tin, thông điệp, kênh truyền thông và người nhận góp phần tạo nên thành công của các chiến dịch truyền thông công. Theo đó, nội dung và cấu trúc của thông tin do nguồn tin tạo ra và chuyển tải tới người nhận. Kênh là phương tiện chuyển tải thông điệp đến người nhận. Người nhận là công chúng tiếp nhận thông tin do nguồn tin tạo ra. Khi xem xét những yếu tố này, nhóm học giả nghiên cứu các chiến dịch truyền thông công ở Hàn Quốc dựa trên việc phân tích nguồn tin, thông điệp và kênh truyền thông thường được sử dụng.
Khẳng định nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách là mối quan tâm của cả giới nghiên cứu và giới hoạch định chính sách, TS. Vũ Thanh Vân cho rằng, hiệu quả truyền thông chính sách phụ thuộc vào tính hợp lý của chính sách, năng lực tổ chức truyền thông của chủ thể chính sách và sự tham gia của các phương tiện truyền thông. Để tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách, cần nâng cao năng lực truyền thông của công chúng như cách tiếp cận từ dưới lên. Nghiên cứu của TS. Vũ Thanh Vân đã giải đáp 3 vấn đề đặt ra, đó là: Tại sao năng lực truyền thông của công chúng là yếu tố quyết định; Năng lực truyền thông của công chúng là gì; Năng cao năng lực truyền thông của công chúng như thế nào. Theo TS. Vũ Thanh Vân, năng lực truyền thông của công chúng là năng lực tiếp cận, sử dụng, khai thác truyền thông để tìm hiểu, đánh giá, phân tích chính sách. Năng lực này được hiểu trên phương diện đối tượng của truyền thông. Đây chính là điểm cốt lõi để công tác truyền thông chính sách đi vào thực chất. Chính vì vậy, để nâng cao năng lực truyền thông công, tư duy chức năng về truyền thông cần được quan niệm theo hướng tư duy giá trị của truyền thông, tức là truyền thông thực hiện chức năng gì đối với công chúng, qua đó, cần nhìn nhận cả ở phương diện công chúng có thể khai thác các chức năng của truyền thông như thế nào để tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội./.
Điện mừng các vị lãnh đạo của Nhật Bản được tái bổ nhiệm  (01/11/2017)
Kiến nghị đưa logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn  (01/11/2017)
Yêu cầu ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ  (01/11/2017)
Chủ tịch Quốc hội chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào  (01/11/2017)
Lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về đổi mới mô hình tăng trưởng  (01/11/2017)
Tổng Bí thư tiếp Đặc phái viên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc  (01/11/2017)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên