Hội thảo quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”
TCCSĐT - Sáng 10-3-2017, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.
Các đồng chí: TSKH. Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; TS. Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; TS. Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel); Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, chủ trì Hội thảo.
Đồng chí Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đã tới dự. Cùng tham dự Hội thảo, còn có các diễn giả chính là chuyên gia quốc tế đến từ Đại học Waseda (Nhật Bản), Đại học Harvard (Hoa Kỳ), các chuyên gia đến từ hơn 20 tổ chức quốc tế, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình khẳng định, qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đề ra các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp. Đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, chủ trương, đường lối của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng đã liên tục được bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh tình hình mới.
Trên cơ sở đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã thể chế hóa thành khoảng 300 văn bản quy phạm pháp luật bao quát khá đầy đủ các nội dung có liên quan đến chính sách công nghiệp quốc gia. Các chính sách chung và chính sách ngành trong lĩnh vực công nghiệp được ban hành trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến sự phát triển của công nghiệp Việt Nam hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhất là trong 10 năm trở lại đây.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng công nghiệp tăng trưởng liên tục trong nhiều năm. Từ 2006 - 2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,42 lần, tỷ trọng GDP công nghiệp cũng duy trì ổn định khoảng 31% - 32%/tổng GDP cả nước. Tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp trong giai đoạn này bình quân đạt 6,9%/năm…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển công nghiệp đất nước cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Điển hình, như công nghiệp đang ở trình độ thấp, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, nội lực còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế... Năng suất lao động công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo còn ở mức thấp. Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006 - 2015 khoảng 2,4%/năm, tốc độ tăng chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%/năm.
So với quốc gia trong khu vực, năng suất lao động công nghiệp của Việt Nam, nhất là năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn khá thấp (Malaysia có mức năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến chế tạo cao gấp 6,4 lần so với Việt Nam, Thái Lan cao gấp 6,4 lần, Philippines cao gấp 3,4 lần). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ngành công nghiệp vẫn còn khá thấp, đóng góp của yếu tố công nghệ đối với tăng năng suất của ngành chế biến, chế tạo chỉ chiếm khoảng 11,1%.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, để tiếp tục thực hiện chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xây dựng nền tảng sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, việc xây dựng khung khổ chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đồng bộ, hiệu quả nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 hết sức cần thiết.
Nhiệm vụ này đã được nêu rõ trong Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa XII (Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 01-11-2016): Xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia, tạo khuôn khổ chính sách đồng bộ, trọng tâm, đột phá hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; xác định rõ vai trò của các thành phần kinh tế trong phát triển công nghiệp để định hướng chính sách phát triển phù hợp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp, đa dạng hóa nguồn tài chính cho phát triển công nghiệp. Các tham luận cũng đề xuất một số định hướng về chính sách phát triển cho giai đoạn đến 2025, tầm nhìn 2035, đó là: Điều chỉnh cơ cấu đầu tư, lựa chọn ngành ưu tiên, mũi nhọn, phát triển công nghiệp hỗ trợ và bảo vệ sản xuất nội địa thông qua hàng rào kỹ thuật…/.
Quan hệ NATO - Mỹ liệu có còn như trước?  (10/03/2017)
Đại hội XII của Đảng và những quan điểm về an sinh xã hội  (10/03/2017)
Agribank cùng ngành ngân hàng tập trung vốn phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên  (10/03/2017)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 27-02 đến ngày 05-3-2017)  (10/03/2017)
Tây Nguyên: Tiềm năng và cơ hội đầu tư  (10/03/2017)
Tây Nguyên: Tiềm năng và cơ hội đầu tư  (10/03/2017)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên