Những khía cạnh pháp lý cần được làm rõ trong Dự thảo Luật về Hội
TCCSĐT - Thực hiện chương trình hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quỹ Rosa Luxemburg, Cộng hòa Liên bang Đức, trong hai ngày 12 và 13-7-2016, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đã diễn ra Hội thảo: “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật về Hội”.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia đến từ các cơ quan, tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế, với mục đích thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật về Hội.
Luật về Hội là một đạo luật giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc cụ thể hóa những vấn đề về quyền lập hội của công dân, được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam năm 1946 và được quy định trong Sắc lệnh số 102/SL/L004, ngày 20-5-1957. Những bản hiến pháp tiếp theo, từ Hiến pháp năm 1959 đến Hiến pháp năm 2013 đều ghi nhận về quyền cơ bản này.
Hội thảo đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến những khía cạnh pháp lý về quyền lập hội và những vấn đề cần được làm rõ hơn trong Dự thảo Luật về Hội. Hiện nay, theo ước tính, Việt Nam có khoảng trên 52. 000 hội đang hoạt động. Tuy nhiên, pháp luật điều chỉnh hoạt động về hội còn thiếu đồng bộ. Phần lớn những tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam được điều chỉnh bằng những luật riêng. Những vấn đề liên quan đến quyền lập hội nói chung hiện đang được thực hiện theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, những văn bản này chưa đáp ứng, bao quát hết những yêu cầu về quyền lập hội. Từ thực tế đó đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý về hội của các cơ quan nhà nước và việc hiện thực hóa quyền lập hội của công dân. Vì vậy, xây dựng, ban hành Luật về Hội là một nhu cầu cấp thiết nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý hội và bảo đảm việc thực thi quyền lập hội của công dân.
Hội thảo tập trung vào những vấn đề cơ bản, cần phải có của Luật về Hội. Về đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật, nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định rõ đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật về Hội trong những loại chủ thể sau: tổ chức chính trị - xã hội; hội có tư cách pháp nhân; hội không có tư cách pháp nhân; tổ chức xã hội (tổ chức phi chính phủ). Để bảo đảm quyền lập hội của công dân, cần đơn giản hóa thủ tục thành lập hội. Về điều kiện thủ tục thành lập hội, cần có quy định hợp lý về cách thức thành lập hội. Thời gian làm thủ tục thành lập hội cần được quy định phù hợp, nên quy định thời gian này là 30 ngày. Hội là chủ thể có trách nhiệm tự chủ về tài chính, do vậy phạm vi hoạt động của hội phụ thuộc vào chính khả năng hoạt động của hội và hội viên. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, không nên giới hạn phạm vi hoạt động của hội theo địa giới hành chính; đồng thời, cần quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của hội, cũng như quy định rõ về công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước.
Kinh phí hoạt động của hội là một chủ đề được Hội thảo hết sức quan tâm và được tiếp cận trên quan điểm hội là một tổ chức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, tự nguyện, tự quản, tự chủ về tài chính. Trong hoạt động, hội phải hoàn toàn độc lập, tự chủ tài chính bằng nguồn thu từ hội phí và các nguồn vốn xã hội khác.
Tiếp cận dưới góc độ luật pháp quốc tế, nhiều học giả cho rằng, quyền lập hội bao gồm ba thành tố: lập hội, gia nhập hội và hoạt động hội. Quyền lập hội cần được bảo đảm thông qua việc thực hiện đầy đủ những thành tố của nó. Khi soạn thảo dự án Luật về Hội, trong xu thế hội nhập, những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, những cam kết quốc tế của Việt Nam với các tổ chức quốc tế trong hoạt động lập pháp cần được xem xét và tuân thủ.
Kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc bảo đảm quyền lập hội được đề cập đến trong nhiều tham luận. Đây là những thông tin cần được tiếp thu một cách tích cực trong quá trình soạn thảo Luật về Hội của Việt Nam. Tùy theo quy định của các nước khác nhau, quyền lập hội có thể được đưa vào hiến pháp hoặc có một số đạo luật riêng điều chỉnh những vấn đề về hội và quyền lập hội. Tại Cộng hòa Liên bang Đức “quyền lập hội” được gọi một cách khác là “quyền tự do hiệp hội”. Đây là quyền được ghi trong Đạo luật cơ bản Cộng hòa Liên bang Đức năm 1949. Cùng với đạo luật này, còn có nhiều văn bản pháp lý khác quy định về quyền tự do lập hội. Trong đó, những quy định về phạm vi điều chỉnh, chủ thể, phạm vi hoạt động, điều kiện thành lập, độ tuổi tham gia, số lượng thành viên… của hội là những quy định có giá trị tham khảo trong quá trình xây dựng và ban hành Luật về Hội của Việt Nam.
Sau hai ngày làm việc, nhiều vấn đề pháp lý trong Dự thảo Luật về hội đã được làm sáng tỏ, dưới giác độ khoa học. Nhiều đề xuất, kiến nghị đã được đưa ra. Đây là những ý kiến, quan điểm cần được xem xét trong quá trình soạn thảo Luật về Hội./.
Thủ tướng Romania kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam  (14/07/2016)
Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016  (14/07/2016)
Việt Nam khẳng định phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người  (14/07/2016)
Bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác Nga - Việt Nam  (14/07/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên