Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

PGS, TS. Mai Hải Oanh Tạp chí Cộng sản
21:20, ngày 28-11-2015

TCCSĐT - Môi trường không những là một khái niệm sinh thái học, nó còn là một phạm trù triết học, bao gồm môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường văn hóa. Sự phát triển của con người từ xưa đến nay luôn gắn với môi trường, trong đó, có môi trường văn hóa.

Về mặt khái niệm, môi trường văn hóa là tổng hòa các loại điều kiện văn hóa tinh thần tồn tại xung quanh con người và tác động tới hoạt động của con người. Yếu tố chủ yếu tạo thành môi trường văn hóa là giáo dục, khoa học, kinh tế, văn nghệ, đạo đức, tôn giáo, triết học, tâm lý dân tộc và tập tục truyền thống.

Cấu trúc của môi trường văn hóa

Là một hệ thống, môi trường văn hóa có cấu trúc đặc thù. Cấu trúc môi trường văn hóa bao gồm các tầng bậc sau đây:

Tầng thứ nhất hay còn gọi là tầng cơ sở. Đây là tầng rộng bao gồm phong tục tập quán, văn hóa truyền thống, văn hóa đại chúng, văn hóa lễ hội, giáo dục trẻ thơ và giáo dục phổ thông... Bên cạnh đó là sinh hoạt tôn giáo, môi trường dư luận xã hội. Môi trường dư luận gồm 2 bộ phận: một bộ phận gắn liền với đạo đức và quan niệm truyền thống (bộ phận này chủ yếu mang tính tự phát); một bộ phận nữa là dư luận do chính quyền sử dụng truyền thông đại chúng để tuyên truyền và tạo dư luận rộng rãi về nhiều vấn đề khác nhau (một cách có ý thức).

Tầng thứ hai: là môi trường văn hóa của tầng lớp có học thức, có nghề nghiệp nhất định trong xã hội. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp thì có môi trường văn hóa doanh nghiệp, đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng thì có môi trường văn hóa trường học.

Tầng thứ ba: là môi trường văn hóa của tầng lớp tri thức bậc cao như các nhà quản lý hoạch định chính sách, các nhân tài khoa học - kỹ thuật và nghệ thuật, các nhà văn hóa, giáo sư đại học.... Môi trường văn hóa tầng thứ ba có thể kể đến: Một là, tư duy triết học (thế giới quan, nhân sinh quan...) tác động đến sự lựa chọn và con đường phát triển của các cá nhân; hai là, quan điểm khoa học, quan điểm văn nghệ, quan điểm đạo đức... chi phối đến hành vi và ứng xử văn hóa của tầng lớp này; ba là, không gian văn hóa và trình độ thưởng thức chia sẻ văn hóa.

Sự tách biệt ba tầng văn hóa trên đây chỉ là tương đối. Mặt khác, từ góc độ thời gian và không gian, cũng có thể nhìn thấy cấu trúc môi trường văn hóa gồm ba phương diện: hiện thực hiện tại của dân tộc/quốc gia là trung tâm; hai phương diện còn lại văn hóa bản địa truyền thống và văn hóa nước ngoài.

Nói văn hóa hiện thực bản địa là cốt lõi của môi trường văn hóa là hoàn toàn có cơ sở lý luận và thực tiễn. Quan điểm duy vật lịch sử cho rằng tồn tại xã hội quy định ý thức xã hội, vì thế, dù tự giác hay không, con người luôn dựa vào kinh tế, chính trị và đời sống xã hội hiện thực để tạo dựng môi trường văn hóa của mình. Nhưng môi trường văn hóa không phải là cái gì nhất thành bất biến mà có sự vận động, biến đổi. Mặt khác, ở mỗi quốc gia, mỗi vùng đất lại có môi trường văn hóa khác nhau. Khác với môi trường văn hóa quá khứ, môi trường văn hóa nước ta hiện nay gắn liền với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu tinh thần nhân văn tiến bộ của văn hóa nhân loại hiện đại...

Môi trường văn hóa hiện thực đương đại là một tổ hợp phức tạp, có công khai và bán công khai, có hợp pháp và bất hợp pháp, có dòng chính và ngoại vi, có tiến bộ và lạc hậu, có nhân văn và phản nhân văn, có kế thừa và tiếp thu, có dân tộc và nhân loại...

Trong cấu trúc môi trường văn hóa đương đại, văn hóa truyền thống luôn có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp. Sự khúc xạ hay ảnh hưởng của văn hóa cũng như môi trường văn hóa truyền thống dĩ nhiên không thẳng tuột mà thẩm thấu phức tạp. Ở đây, cần thấy mối quan hệ hai chiều. Một mặt, môi trường văn hóa truyền thống tác động lên môi trường văn hóa đương đại, mặt khác, môi trường văn hóa đương đại sẽ chọn lựa và cải biến khiến cho yếu tố truyền thống phù hợp với cấu trúc nội tại của nó. Hơn nữa, văn hóa hiện thực sau một thời gian tồn tại, một bộ phận của nó sẽ lùi về kho tàng văn hoá truyền thống. Như vậy, mối quan hệ giữa môi trường văn hóa truyền thống và môi trường văn hóa hiện thực đương đại là mối quan hệ tất nhiên và cần thiết. Mọi hành động tách rời, đoạn tuyệt văn hóa truyền thống cực đoan sẽ rơi vào thảm họa. Nói cách khác, muốn phát triển văn hóa đúng đắn, phải biết xuất phát trên nền tảng của văn hóa dân tộc, phát huy sức mạnh của văn hóa truyền thống trong sự thích ứng với môi trường văn hóa hiện đại. Ảnh hưởng của môi trường văn hóa truyền thống, tất nhiên có cả yếu tố tích cực và yếu tố tiêu cực. Vì thế, chúng ta phải có sự chọn lọc cần thiết, biến yếu tố truyền thống thành động lực phát triển và nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa hiện thực đương đại.

Song song với việc tiếp thu và phát huy những yếu tố văn hóa truyền thống, việc hấp thụ những yếu tố tích cực trong môi trường văn hóa nhân loại cũng hết sức quan trọng. Văn hóa bên ngoài mà chúng ta đang nói ở đây bao gồm cả văn hóa phương Đông và phương Tây. Trong quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây và văn hóa các nước lớn, các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam, cần tỉnh táo để không bị đồng hóa và không bị rơi vào cảnh bị bóp nghẹt, bị chèn ép về văn hóa và không gian sinh tồn phát triển văn hóa. Giao lưu văn hóa rộng lớn là một đặc điểm nổi bật của kỷ nguyên toàn cầu hóa, nhưng điều quan trọng là phải ý thức được rằng, yếu tố nội sinh là cái đi trước, yếu tố ngoại sinh là cái bổ sung, làm giàu thêm văn hóa dân tộc và đồng thời, đó cũng là cơ hội/con đường để quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới.

Phải làm sao để văn hóa hiện thực đương đại bắt rễ thật sâu vào đời sống của nhân dân thì chúng ta mới có thể điều chỉnh và tiếp thu một cách hiệu quả văn hóa truyền thống và văn hóa nhân loại, tạo thành sức mạnh thật sự để phát triển văn hóa.

Cuối cùng, môi trường văn hóa của một xã hội còn bao hàm cả phần cứng và phần mềm. Phần cứng là cơ sở hạ tầng giáo dục, hạ tầng kết cấu nghiên cứu khoa học, hạ tầng vui chơi giải trí và hạ tầng du lịch văn hóa. Phần mềm bao gồm nội dung giáo dục các loại tư tưởng lý luận, tinh thần dân tộc và giá trị văn hóa. Muốn hình thành môi trường văn hóa tốt đẹp, cần coi trọng cả phần cứng lẫn phần mềm, biết kết hợp chúng một cách hài hòa trong một chỉnh thể thống nhất.

Môi trường văn hóa và sự ổn định phát triển tiến bộ xã hội

Từ tầm nhìn vĩ mô, môi trường văn hóa là một bộ phận hợp thành của toàn bộ môi trường xã hội, vì thế, nó có vai trò to lớn đối với sự ổn định phát triển và tiến bộ của toàn thể xã hội.

1. Môi trường văn hóa và ổn định xã hội

Ổn định xã hội là tiền đề để xã hội vận hành và phát triển một cách bình thường, là tình trạng kinh tế - xã hội tốt đẹp và đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Vai trò của môi trường văn hóa đối với ổn định xã hội biểu hiện như sau:

Thứ nhất, môi trường văn hóa có ảnh hưởng đến sự hình thành quan điểm giá trị và quan niệm phân phối xã hội một cách hợp lý, nhân văn, phù hợp với các tầng lớp khác nhau trong xã hội nhằm bảo đảm sự ổn định.

Tùy thuộc vào đặc thù văn hóa và quan điểm giá trị khác nhau, mỗi quốc gia sẽ có một lựa chọn riêng. Có những quốc gia nhấn mạnh công bằng xã hội, hài hòa xã hội. Quan điểm này sẽ chi phối cách phân phối xã hội, chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Ngược lại, có những quốc gia coi trọng quan điểm “cá lớn nuốt cá bé”, kỳ thị chủng tộc. Nếu như quan điểm trên có lợi cho ổn định xã hội thì quan điểm sau lại tạo nên bất bình xã hội, dẫn tới xung đột xã hội và biến động chính trị.

Thứ hai, môi trường văn hóa ảnh hưởng tới ổn định xã hội thông qua quan hệ giữa con người với con người. Xã hội là do con người tổ chức hợp thành. Cá nhân, gia đình là tế bào của xã hội. Con người sống trong xã hội tất nhiên sẽ phát sinh nhiều loại quan hệ và những mối quan hệ này ở những mức độ khác nhau sẽ ảnh hưởng đến ổn định xã hội. Phải tăng cường ý thức đạo đức bao gồm quan niệm công đức xã hội và quan niệm đạo đức nghề nghiệp. Dùng đạo đức nghề nghiệp và công đức xã hội để quy phạm hành vi của mọi người. Thông qua dư luận xã hội và hoạt động văn hóa làm cho các yêu cầu đạo đức trở thành một bộ phận hợp thành ý thức tư tưởng của mọi công dân.

Thứ ba, phải thực hiện công bằng xã hội. Môi trường văn hóa tạo cơ hội, tạo điều kiện hưởng thụ văn hóa. Hưởng thụ giáo dục được coi là phương diện rộng nhất trong môi trường văn hóa. Cơ hội hưởng thụ giáo dục là cơ hội vô cùng quan trọng với tất cả mọi người, vì nó chuẩn bị hành trang tri thức cho cho người có thể thích ứng được với những yêu cầu của xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, việc hưởng thụ các giá trị tinh thần khác thông qua sách báo, truyền hình, ca nhạc, triển lãm, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái cũng rất quan trọng. Vấn đề đặt ra với chúng ta hiện nay là song song với việc mở rộng không gian và môi trường văn hóa, cần chú trọng hơn nữa chất lượng hưởng thụ văn hóa, giảm dần sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị, giữa vùng phát triển nhanh và vùng phát triển chậm, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

2. Môi trường văn hóa và biến đổi xã hội

Xã hội ổn định không có nghĩa là xã hội không có biến đổi. Trong hệ thống xã hội to lớn và phức tạp, giữa các tầng bậc, các thành phần, các yếu tố có thể xẩy ra tình trạng không thích ứng, không hài hòa. Đây là cội nguồn khách quan của biến đổi xã hội. Mục đích của biến đổi xã hội là giải quyết mâu thuẫn và khắc phục tình trạng không thích ứng để làm cho xã hội phát triển thuận lợi. Nhìn vào lịch sử, có thể nhận thấy hai loại biến đổi xã hội chính: thứ nhất, biến đổi lật đổ xẩy ra khi mà giai cấp thống trị không còn khả năng lãnh đạo xã hội; thứ hai, biến đổi mang tính cải cách. Đó là khi giai cấp thống trị ý thức được tình trạng không thích ứng giữa các quan hệ xã hội, sự căng thẳng ngột ngạt trong môi trường văn hóa và họ tìm mọi cách để khắc phục tình trạng này nhằm bảo đảm sự phát triển của xã hội một cách thuận lợi. Với tư cách là một bộ phận hợp thành môi trường xã hội, môi trường văn hóa tất có liên quan đến sự biến đổi xã hội, đặc biệt là liên quan đến văn minh chính trị của nhà cầm quyền và sự lựa chọn hình thức phát triển đất nước của người dân.

3. Môi trường văn hóa với tiến bộ của văn minh xã hội

Trước hết, nói về văn minh vật chất. Trong thời đại ngày nay, sự phát triển văn minh vật chất gắn liền với thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại như kỹ thuật số, công nghệ tin học, công nghệ sinh học... Như vậy, văn minh vật chất hiện đại không còn dựa nhiều vào thể lực mà chủ yếu dựa vào trí lực, không phải là khai thác và lợi dụng tài nguyên theo kiểu tiêu hao mà khai thác tài nguyên song song với việc bảo vệ và tái sinh tài nguyên. Đó là lý do đòi hỏi chúng ta phải tích cực tìm kiếm nguyên vật liệu mới, năng lượng mới. Nền văn minh vật chất hiện đại, vì thế, phải dựa vào trình độ khoa học cao, mà muốn đạt trình độ cao thì phải phát triển khoa học, giáo dục, công nghệ... vì khoa học, giáo dục chính là những thành tố quan trọng nhất của môi trường văn hóa. Một môi trường văn hóa tốt sẽ giúp con người đạt được những thành tựu mới về văn minh vật chất.

Còn về văn minh tinh thần, tác động của môi trường văn hóa là điều không cần phải bàn cãi. Trước hết, môi trường văn hóa tốt đẹp sẽ tương thích và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của đời sống văn hóa tinh thần vì thành phần cơ bản của môi trường văn hóa bao gồm tình trạng đời sống văn hoá của quần chúng, tình trạng giáo dục khoa học - kỹ thuật, tình trạng phương thức đạo đức và xã hội và tình trạng lý luận tư tưởng. Thứ hai, nhìn từ góc độ khác sẽ thấy phạm vi môi trường văn hóa rộng hơn giá trị văn hóa tinh thần. Vì môi trường văn hóa hiện thực bao gồm loại hình văn hóa, hoạt động văn hóa, tâm lý văn hóa nên ở đó, tồn tại cả cái tốt và cái xấu, tích cực và tiêu cực, tiến bộ và lạc hậu.... Còn phạm trù giá trị văn hóa tinh thần là phạm trù chỉ những giá trị mang ý nghĩa kết tinh, ở đó không có chỗ cho những sản phẩm văn hóa kém chất lượng. Nói thế để thấy rằng, cần phải loại trừ những mặt tiêu cực, phi nhân văn trong môi trường văn hóa để môi trường văn hóa có khả năng tạo điều kiện tốt nhất để hình thành những giá trị văn hóa mới. Giữa văn minh tinh thần và môi trường văn hóa có quan hệ hai chiều, thúc đẩy và tương hỗ. Văn minh tinh thần quy định việc xây dựng và tạo dựng môi trường văn hóa vừa thích ứng, phù hợp, vừa bảo đảm cho sự tồn tại của nó.

4. Môi trường văn hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường văn hoá có tác dụng thúc đẩy tích cực đối với phát triển kinh tế. Thứ nhất, môi trường văn hóa có tác dụng điều chỉnh hài hòa đối với vận hành bình thường của nền kinh tế. Các loại giá trị văn hóa không những là cơ sở chỉ đạo động cơ tăng trưởng kinh tế mà còn quy định tính hợp lý của mục tiêu tăng trưởng. Thứ hai, môi trường văn hóa tốt đẹp có thể điều hoà sửa chữa uốn nắn tính hẹp hòi của quan điểm giá trị vì lợi nhuận của kinh tế thị trường. Tăng cường việc xây dựng môi trường văn hóa có thể ngăn chặn được tác động tiêu cực của tinh thần luân lý kinh tế thị trường. Làm thế nào để phát huy có hiệu quả tác dụng của môi trường văn hoá đối với phát triển kinh tế sao cho phát triển kinh tế lành mạnh và bền vững. Đó là: Phải dùng góc nhìn văn hoá để xem xét và hướng dẫn phát triển kinh tế. Đặc biệt phải coi trọng vai trò động lực của văn hóa; Phải không ngừng nâng cao tỉ trọng văn hoá tinh thần thúc đẩy tiêu dùng loại nặng về vật chất chuyển hướng sang loại tiêu dùng nặng về khoa học, kỹ thuật, tri thức; Làm trong sạch thị trường văn hóa, chỉnh đốn và quy phạm trật tự thị trường văn hoá theo pháp luật; Đặt phát triển văn hoá vào vị trí chiến lược quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước.

5. Môi trường văn hóa và sự phát triển toàn diện con người. Tăng cường xây dựng môi trường văn hóa tạo dựng nên một môi trường văn hóa lành mạnh, tiến lên, phát triển là bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện phát triển toàn diện con người. Trước hết, môi trường văn hóa ở vào vị trí cốt lõi (như giáo dục, khoa học, kinh tế, văn nghệ, đạo đức, tôn giáo, triết học, tâm lý dân tộc và tập tục truyền thống) đối với thế giới tinh thần, có tác dụng chỉ hướng quan trọng quyết định định hướng phát triển thế giới tinh thần của con người. Thứ hai, môi trường văn hóa ở vào tầng thế tục (như phong hóa, phong tục, lễ hội) có tác dụng tụ hội tinh thần con người, tăng cường lực tụ hội các thành viên trong xã hội. Thứ ba, môi trường văn hóa ở tầng vật chất (như hình thái thực thể của văn bia liệt sĩ, danh lam thắng cảnh có tính văn hóa) có tác dụng cảm hóa kêu gọi mãnh liệt đối với thế giới tinh thần của con người. Đã có tác dụng cảm hóa và kêu gọi về tâm lý đối với con người, môi trường văn hóa về bản chất là chỉ hướng cho con người, xây dựng con người. Tác dụng xây dựng tố chất đạo đức tư tưởng đối với con người của nó biểu hiện ra ở ba mặt. Một là tác dụng hội tụ tức là nói môi trường văn hóa có tác dụng hội tụ nhận thức chung các thành viên xã hội, thúc đẩy các thành viên xã hội hoà đồng. Hai là tác dụng giáo hoá, tức là chỉ hệ thống đạo đức, luân lý, lý luận, tư tưởng ở vào địa vị thống trị trong môi trường văn hoá có tác dụng giáo dục con người. Ba là tác dụng định hướng, tức là chỉ môi trường văn hoá thông qua lý tưởng chung để chỉ đạo phương hướng phát triển tố chất đạo đức, tư tưởng của các thành viên trong xã hội ở một trình độ nhất định đã tạo ra bản sắc riêng trong phát triển và phương hướng phát triển của xã hội.

Nhiệm vụ cơ bản và đường lối thực hiện

Nhìn vào nhiệm vụ cơ bản xây dựng môi trường văn hóa, muốn làm tốt việc xây dựng môi trường văn hóa đầu tiên phải gắn hết sức thực hiện đổi mới lý luận. Đổi mới lý luận chủ yếu bao gồm ba mặt: Định vị chính xác vị trí và vai trò của văn hóa trong hệ thống xã hội, nhấn mạnh văn hóa là tiêu chí nổi bật của tiến bộ văn minh xã hội; Thành lập một hệ thống quan niệm tư tưởng thích ứng với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Luận chứng khoa học về điều kiện và quy luật của phát triển công nghiệp văn hóa. Thứ hai phải tích cực xúc tiến đổi mới thể chế: từ quản lý hành chính là chính chuyển hướng sang quản lý pháp luật là chính; căn cứ vào yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa điều chỉnh hợp lý công nghiệp văn hóa; thành lập và hoàn thiện hệ thống đánh giá xã hội về ngành nghề văn hóa.
Nhìn vào việc tăng cường ý tưởng cơ bản xây dựng môi trường văn hoá thì phải lấy văn hóa tiên tiến làm chủ đạo xây dựng lên môi trường văn hóa lành mạnh tiến tới đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện con người. Nhiệm vụ này biểu hiện ra năm mặt dưới đây: (1) coi trọng xây dựng lý luận văn hóa mới tạo ra chỉ đạo lý luận phản ánh tinh thần thời đại cho mọi người; (2) đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa khu vực xã hội như văn hóa thành thị, văn hóa nông thôn, văn hóa trường học, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh trại quân đội. Tăng cường lực tác động của văn hóa các khu vực này; (3) đẩy mạnh việc xây dựng kết cấu hạ tầng văn hóa. Đẩy nhanh tốc độ tối ưu hóa, khoa học hóa kết cấu hạ tầng văn hóa; (4) chú trọng tới đời sống sinh hoạt hằng ngày tạo dựng lên một không khí văn hoá đại chúng tích cực tiến lên; (5) coi trọng việc xây dựng đạo đức và pháp luật, sáng tạo ra hệ thống bảo đảm song trùng của phát triển toàn diện con người.

Ra sức xây dựng môi trường văn hóa có lợi cho đổi mới đòi hỏi các yêu cầu dưới đây. Một là, đặt việc xây dựng môi trường văn hoá vào vị trí quan trọng của xây dựng văn hoá tinh thần. Hai là, xây dựng quan niệm lấy con người làm gốc. Phải chuyển biến phương thức công tác hướng tới lấy con người làm trung tâm. Ba là, tạo dựng thế giới quan, quan điểm khoa học - kỹ thuật và quan điểm giá trị thích ứng với đổi mới khoa học. Bốn là, phải xử lý tốt đổi mới khoa học, đổi mới lý luận với đổi mới thể chế. Xây dựng môi trường văn hoá tính đổi mới, điều căn bản nhất là xây dựng tinh thần đổi mới, chỉ đạo bằng quan niệm lấy con người làm gốc.

Nhìn vào đường lối hiện thực của xây dựng môi trường văn hoá phải cụ thể thực hiện từ ba mặt. Thứ nhất là đổi mới quan niệm. Đảng ta đã đặt cơ sở tư tưởng, lý luận cho việc xây dựng môi trường văn hoá. Đổi mới quan niệm yêu cầu đầu tiên là bồi dưỡng tính hiếu kỳ; Tiếp đến phải khoan dung đối với thất bại; Sau cùng là phải khuyến khích mạo hiểm nổi trội, xuất sắc. Thứ hai là cải cách thể chế. Để tạo ra bảo đảm cho môi trường văn hóa phát triển lành mạnh, điều then chốt là phải kiện toàn và hoàn thiện cơ chế mở cửa, cơ chế cạnh tranh, cơ chế khuyến khích. Thứ ba, hình thành nên thể chuyển tải vật chất. Đấy là yêu cầu vừa phải tạo dựng lên môi trường văn hóa tốt đẹp và vừa phải xây dựng kết cấu hạ tầng văn hóa nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của môi trường văn hóa./.