Báo chí nước ta trong cuộc đấu đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được một số thành quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay cần nhận diện và khắc phục được những vấn đề đang đặt ra hiện nay đối với báo chí trong cuộc chiến này.

Nhận thức của xã hội về vai trò của báo chí trong đời sống xã hội, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay chưa cao

Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, báo chí nước ta đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong đời sống xã hội. Mặc dù, đã có sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, sự tin cậy của nhân dân, nhưng nhìn chung, do tính độc lập của báo chí chưa được thể hiện, sự lệ thuộc của thông tin báo chí vào các cơ quan chức năng, tin tức báo chí chưa thật sự cập nhật, kịp thời, chất lượng thông tin chưa cao, độ tin cậy, tính chính xác của tin tức báo chí chưa đảm bảo, năng lực giám sát và phản biện của báo chí thấp… nhìn tổng thể hiệu quả của báo chí trong đời sống xã hội nói chung, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng chưa cao. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến xã hội nhìn nhận, đánh giá vai trò của báo chí trong đời sống xã hội, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thấp.

Như vậy, làm thế nào để xã hội đánh giá đúng vai trò của báo chí trong đời sống xã hội nói chung và trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay nói riêng. Đó trước hết là cần có sự xác định đúng vị trí của báo chí trong đời sống chính trị đát nước; cần làm rõ tính độc lập và tự chủ của báo chí; cần xây dựng và sớm ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động báo chí và tự do ngôn luận; khả năng tài chính của cơ quan báo chí; năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, lập trường tư tưởng, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của nhà báo… chỉ có trên cơ sở này, báo chí mới làm tốt chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội của mình trong đời sống xã hội và qua đó khẳng định được vai trò của mình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Mặt khác, sự nhận thức chưa cao của xã hội đối với vai trò của báo chí trong đời sống xã hội nói chung và trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng còn do bản thân xã hội chưa có sự hiểu biết thấu đáo về báo chí, bản chất của báo chí, hoạt động tác nghiệp báo chí, tổ chức báo chí, vị thế, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội và vai trò của báo chí… trong đời sống xã hội một cách chính xác và đầy đủ.
Trong bối cảnh hiện nay, để xã hội đánh giá đúng, đầy đủ vai trò của báo chí trong đời sống xã hội, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng rõ ràng, vấn đề đặt ra không chỉ riêng đối với báo chí mà cả sự nhìn nhận của Đảng, Nhà nước, sự nhận thức, chia xẻ của cả xã hội.

Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, các mối quan hệ của cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị, xã hội đối với báo chí; đặc biệt, cần sớm xây dựng và ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động báo chí, quy chế phát ngôn của các cơ quan công quyền… trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn nhiều bất cập

Mặc dù, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến báo chí, đã ban hành nhiều chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật về báo chí, tạo mọi điều kiện thuận lợi để báo chí hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong đời sống xã hội; các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên hợp tác, hỗ trợ các hoạt động báo chí. Tuy nhiên, do báo chí chỉ được coi là một bộ phận, một lực lượng (đội quân xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng), một thành phần phụ thuộc trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước hay tổ chức chính trị- xã hội nên lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhiều khi không chỉ theo chủ trương, chính sách, pháp luật mà chủ yếu là theo sự chỉ đạo trực tiếp mang tính đặc thù của mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, thậm chí, mang nặng dấu ấn, phong cách và ý muốn chủ quan của thủ trưởng cơ quan. Điều này hạn chế sự chủ động, cũng như tính khách quan, độc lập, tính chuyên nghiệp của hoạt động báo chí.

Bên cạnh đó, vấn đề quan hệ giữa báo chí và các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội do vị thế của báo chí trong đời sống xã hội chưa được coi trọng nên trong các mối quan hệ này, báo chí thường ở thế bị động, phụ thuộc. Thật vậy, để khai thác và thu thập thông tin trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không có cách nào khác là báo chí hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan chức năng - những cơ quan nghiệp vụ trực tiếp đấu tranh chống tham nhũng như: công an, tòa án, viện kiểm sát, thanh tra, kiểm tra… Việc các cơ quan, đơn vị này có cũng cấp thông tin cho báo chí hay không, cung cấp ở mức độ nào, cung cấp kịp thời hay không, sự chân thực, đầy đủ của thông tin đến đâu… hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Cho đến nay, hầu như chưa có quy định, chế tài bắt buộc đối với họ.

Những vấn đề nêu trên, rõ ràng, để báo chí phát huy tốt vai trò của mình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần phải đổi mới một cách căn bản sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với báo chí; đồng thời, cần xây dựng và ban hành các quy chế, chế tài cụ thể nhằm điều chỉnh và kiểm soát các mối quan hệ của báo chí với các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị-xã hội trong tạo điều kiện hỗ trợ và cung cấp thông tin cho báo chí. Không được sự tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp, không có thông tin, thông tin không kịp thời, thông tin không đầy đủ… báo chí sẽ là đứng ngoài cuộc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Chưa có cơ chế chính sách phù hợp trong đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, công nghệ tiên tiến… tạo điều kiện để báo chí thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay

Do báo chí không phải là những cơ quan, đơn vị độc lập mà chỉ là một bộ phận, một tổ chức, một cơ quan ngôn luận của các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước hay tổ chức chính trị-xã hội nên vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ, tài chính hoạt động, lương của cán bộ, phóng viên, nhuận bút tác giả… cơ bản đều phụ thuộc vào sự đầu tư, cấp, phát của cơ quan chủ quản. Trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường và khủng hoảng tài chính hiện nay, cơ chế chủ quản này rõ ràng là không phù hợp, gây ra rất nhiều bất cập và hệ lụy trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan báo chí.

Báo chí với vai trò và vị thế của mình trong xã hội hiện đại do hướng tới thỏa mãn nhu cầu thông tin chung của đông đảo công chúng, vì vậy, nếu ta có những cơ chế chính sách phù hợp trong lãnh đạo, quản lý báo chí thì rõ ràng báo chí hoàn toàn có thể hoạt động một cách tự chủ về tài chính. Trong xã hội hiện đại, nhiều quốc gia cho thấy, nhiều cơ quan báo chí, nhiều tập đoàn báo chí đã trở thành một lực lượng mạnh mẽ không chỉ về uy tín và quyền lực xã hội, mà hơn thế còn có sức mạnh vật chất và tài chính.

Báo chí trong xã hội hiện đại để đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, nhu cầu thông tin, nhu cầu giải trí ngày càng cao của công chúng cần phải được đầu tư lớn về xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở sản xuất, trang thiết bị công nghệ tiên tiến, phương tiện di chuyển hiện đại… rõ ràng, để thực hiện được yêu cầu này, cần phải có một nguồn lực tài chính không nhỏ, mà nguồn tài chính này chủ yếu được cấp từ các cơ quan chủ quản. Trong khi báo chí chỉ là một bộ phận, thậm chí là bộ phận nhỏ, không quan trọng trong một cơ quan, đơn vị, vì vậy sự đầu tư, tập trung tài chính cho báo chí thường không phải là ưu tiên hàng đầu, cấp bách của cơ quan chủ quản.

Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự “bao cấp” về vật chất của cơ quan chủ quản, cần xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách tạo điều kiện tốt nhất để các cơ quan báo chí thu hút, khai thác và huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động báo chí của mình. Nghĩa là cần ban hành những cơ chế, chính sách tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất để xã hội hóa nguồn lực tài chính hoạt động báo chí.

Chưa có cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện để các nhà báo chủ động, tích cực và an toàn tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng; để bảo vệ nhà báo và người cung cấp thông tin cho báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đồng thời, kịp thời khen thưởng, cổ vũ động viên nhà báo và nhân dân có thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Đấu tranh chống tham nhũng là một cuộc chiến nhiều gay go và ác liệt. Ngay cả những cơ quan chức năng đặc biệt với đầy đủ sức mạnh về lực lượng, được pháp luật bảo vệ, được trang bị phương tiện và công cụ đặc thù, được cả hệ thống chính trị hỗ trợ, được nhân dân giúp đỡ nhưng vẫn gặp không ít rủi ro và nguy hiểm của cuộc chiến này. Đối với nhà báo, không có những lợi thế nêu trên, khi tham gia cuộc chiến này rủi ro và nguy hiểm sẽ tăng lên gấp bội. Cùng với những nhà báo, nhân dân với tư cách là người cung cấp thông tin, tố cáo những hành vi tham nhũng cũng bị trả thù, trù dập và có thể còn nguy hiểm đến cả tính mạng.

Trong bối cảnh tham nhũng trở thành quốc nạn, trở thành những thế lực to lớn, hành hoành trong đời sống xã hội hiện nay thì vấn đề đặt ra hết sức cấp bách là cần xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách, chế tài đặc thù hướng tới; một mặt, bảo vệ sự an toàn về tính mạng, tài sản và công việc của nhà báo và người dân chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống tham nhũng; mặt khác, kịp thời khen thưởng, cổ vũ, động viên nhà báo và người dân có thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Những chế tài, cơ chế, chính sách này sẽ tạo ra một môi trường xã hội vừa lành mạnh, minh bạch, công khai vừa làm xuất hiện những động lực mới lôi cuốn cả xã hội cùng chung tay chủ động, tích cực đấu tranh chống tham nhũng. Chỉ có như thế, nỗi sợ lan truyền trong xã hội về sự ghê gớm, sự tàn độc của các thế lực tham nhũng mới được giải tỏa.

Vấn đề cần quan tâm là sự hạn chế, yếu kém về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cũng như đời sống vật chất, tinh thần của nhà báo tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Gần 30 năm đổi mới, chúng ta đã xây dựng được một đội ngũ nhà báo đông đảo, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nhất định, cũng như có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, so với những đòi hỏi của thực tiễn phát triển xã hội và đời sống truyền thông thì ta thấy, nhìn chung, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các nhà báo còn thấp, nhiều người thậm chí không được đào tạo về nghiệp vụ báo chí; Bản lĩnh chính trị ở không ít nhà báo còn biểu hiện giao động, chưa vững vàng; Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp không được thường xuyên trau dồi, không ít trường hợp nhà báo bị tha hóa, biến chất, bị đồng tiền lung lạc, bị mua chuộc, bẻ cong ngòi bút, phạm tội…

Thực tế này, chính là sự cảnh báo về những thách thức, nguy cơ đối với báo giới tác nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường. Nhất là trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nhà báo cần phải và cần được thường xuyên học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lập trường chính trị, giai cấp, cần phải tích cực xây dựng, tạo lập một lối sống trung thực, trong sáng, lành mạnh, không ngừng trau dồi và rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp chỉ như thế mới có bản lĩnh vững vàng, chuyên nghiệp, đủ tư cách chủ động tấn công những hiện tượng tiêu cực và tham nhũng.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đạt mức thu nhập trung bình trên thế giới - nghĩa là đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cơ bản đã được nâng cao, nhiều nhóm xã hội đã có đời sống khá giả, giầu có. Trong khi đó, so sánh tương quan giữa các nhóm trí thức trong xã hội thì mặc dù hoạt động báo chí rất vất vả và nhiều bất trắc, nhất là trong đấu tranh chống tiêu cực và tham nhũng, nhưng nhìn chung đời sống của nhà báo thuộc nhóm có thu nhập thấp, bấp bênh, có đời sống thấp trong xã hội.

Thực vậy, do làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước hay tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp nên thường mức lương của các nhà báo thường rất thấp; trong khi đó, nhuận bút tin bài không cao, không ổn định, do đặc thù công việc nên phải di chuyển, đi lại nhiều, phải đầu tư cao cho trang thiết bị máy móc chuyên dụng của cá nhân… trong khi đó, nhìn chung, thu nhập của nhà báo trong tương quan với lao động chất lượng cao đặc thù trong xã hội hiện nay là rất thấp. Đa số các nhà báo vừa làm nghề, vừa loay hoay kiếm sống bằng những việc làm thêm phụ trợ khác vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng báo chí cũng như hiệu quả xã hội của báo chí đối với đời sống. Một khi, đời sống vất chất và tinh thần của bản thân và gia đình còn thấp, nặng nỗi lo cơm áo, gạo tiền thì sự toàn tâm, toàn ý, sự hăng hái, hết lòng với sự nghiệp báo chí, sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ./.