Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh - dưới góc độ tiếp cận mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
TCCSĐT - Tư tưởng nhân văn là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó là sự kế thừa truyền thống nhân văn của dân tộc, tư tưởng nhân văn của nhân loại và được nâng lên tầm cao mới dưới ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn Mác - Lê-nin.
Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh được thể hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, trước hết, thể hiện ở tư tưởng về con người, về con đường và mục tiêu giải phóng con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc...”(1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, lựa chọn con đường cách mạng vô sản giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Sinh ra trong hoàn cảnh nước nhà bị biến thành nô lệ, nhân dân chịu cảnh lầm than, Người sớm chứng kiến cuộc sống khổ ải của nhân dân ta dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Người đau lòng trước sự thất bại liên tiếp của các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Với khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân, Hồ Chí Minh đã quyết định lên con tàu Amiral Latouche - Tréville để đi tìm con đường cứu nước. Tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh thể hiện ở mục đích ra đi là “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Trên hành trình bôn ba đó, Hồ Chí Minh đã trải qua một cuộc khảo sát vô cùng phong phú và khi có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, Người đã đi đến khẳng định “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đặt cách mạng Việt Nam trong sự gắn bó với cách mạng vô sản thế giới và lựa chọn con đường phát triển tất yếu của Việt Nam sau khi giành độc lập là tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Hồ Chí Minh luôn trăn trở suy nghĩ về con người và hơn hết, Người mong muốn giải phóng con người, đã tìm thấy con đường tất yếu để giải phóng con người. Hồ Chí Minh đặt con người trong lòng dân tộc, muốn giải phóng con người trước hết giải phóng dân tộc và giải phóng dân tộc để giải phóng con người. Hồ Chí Minh khẳng định điều đó một cách dứt khoát khi nói lên khát vọng của mình: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(2).
Hồ Chí Minh thấm nhuần sâu sắc tư tưởng nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là luôn đấu tranh để xây dựng một thiên đường trên hiện thực cho mọi người. Đó chính là tìm ra con đường cách mạng khoa học để giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước mà “tự do của mỗi người là điều kiện đảm bảo tự do của tất cả mọi người”. Hồ Chí Minh đã vạch ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội thì độc lập dân tộc mới bền vững, hạnh phúc tự do của nhân dân mới đạt được thực sự, người lao động mới được hoàn toàn giải phóng.
Xây dựng chế độ chính trị phát huy quyền làm chủ của nhân dân là mục tiêu quan trọng thể hiện tính nhân văn của chủ nghĩa xã hội
Theo Hồ Chí Minh, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chế độ chính trị phải là chế độ chính trị dân chủ, do nhân dân lao động là chủ và làm chủ; Nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Người nói: “Chủ nghĩa xã hội là do quần chúng nhân dân tự mình xây dựng nên”(3) và “Đó là công trình tập thể của quần chúng lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng”(4). Nhà nước có hai chức năng: dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Hai chức năng đó không tách rời nhau, mà luôn luôn đi đôi với nhau. Một mặt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải phát huy quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của nhân dân; mặt khác, lại yêu cầu phải chuyên chính với thiểu số phản động chống lại lợi ích của nhân dân, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa.
Hồ Chí Minh xác định rõ dân chủ như một giá trị phổ biến mà loài người mong muốn và đến chế độ xã hội chủ nghĩa giá trị phổ quát này mới đạt đến mức độ hoàn bị nhất. Xây dựng chế độ dân chủ chính là thể hiện rõ tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh. Người chủ trương tạo điều kiện cho nhân dân có cơ hội được bày tỏ quan điểm, chính kiến, nguyện vọng của mình. Giá trị dân chủ là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội được Người diễn đạt bằng một ngôn ngữ bình dị, nhưng ẩn chứa nhiều điều lớn lao, hệ trọng: dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân; chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ; bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Mặt khác, Người còn xác định dân chủ như một động lực của sự phát triển: thực hành dân chủ là chiếc chìa khóa vạn năng giải quyết mọi khó khăn; dân chủ là chìa khóa của mọi tiến bộ và phát triển… Khi nền dân chủ mới được xây dựng cũng đồng nghĩa là nhân dân được giải phóng về chính trị, mọi người thực sự là chủ nhân của xã hội. Đó là khát vọng ngàn đời của cha ông ta.
Mục tiêu phát triển kinh tế, giải phóng sức sản xuất, tạo ra của cải vật chất dồi dào nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân
Trong tư duy Hồ Chí Minh, nền kinh tế mà chúng ta xây dựng là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công - nông nghiệp hiện đại, khoa học - kỹ thuật tiên tiến, cách bóc lột theo chủ nghĩa tư bản được bỏ dần, đời sống vật chất của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(5). Do đó, ngay sau khi giành độc lập, Người chủ trương tập trung xử lý những vấn đề cấp bách nhất liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Có thể nói, giành độc lập dân tộc, tập trung phát triển kinh tế để phục vụ nhân dân đã thể hiện tư duy mẫn tiệp của Hồ Chí Minh về con đường phát triển của đất nước, đó cũng chính là con đường thể hiện đầy đủ tư tưởng nhân văn của Người.
Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta cần phát triển toàn diện các ngành mà những ngành chủ yếu là công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, trong đó “công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế nước nhà”. Kết hợp các loại lợi ích kinh tế là vấn đề rất được Hồ Chí Minh quan tâm. Người đặc biệt nhấn mạnh chế độ khoán là một trong những hình thức của sự kết hợp lợi ích kinh tế của các chủ thể trên các quy mô khác nhau. Hồ Chí Minh cũng đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể trong mục tiêu kinh tế. Người nói: “Lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thỏa mãn… Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”(6). Đây là trình độ phát triển cao của xã hội xã hội chủ nghĩa. Bản chất đó thuộc về chủ nghĩa xã hội. Nhìn nhận bản chất quan trọng này, Hồ Chí Minh đưa ra một quan niệm, chủ nghĩa xã hội là xã hội trong đó mình vì mọi người và mọi người vì mình. Do đó, một trong những nét nổi bật của con người mới xã hội chủ nghĩa là phải đạt tới trình độ phát triển cao về đạo đức, về nhân cách, đủ sức chiến thắng chủ nghĩa cá nhân. Xã hội xã hội chủ nghĩa vừa đòi hỏi, vừa tạo ra những con người như thế.
Xây dựng xã hội mới có sự phát triển cao về văn hóa, đạo đức, công bằng và văn minh
Theo Hồ Chí Minh, văn hóa là một mục tiêu cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Văn hóa thể hiện trong mọi sinh hoạt tinh thần của xã hội, đó là xóa nạn mù chữ, xây dựng, phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, xây dựng phát triển văn hóa nghệ thuật, thực hiện nếp sống mới, thực hành vệ sinh phòng bệnh, giải trí lành mạnh, bài trừ mê tín dị đoan, khắc phục phong tục tập quán lạc hậu.
Về bản chất của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Người khẳng định “phải xã hội chủ nghĩa về nội dung”; để có một nền văn hóa như thế, ta phải phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc, đồng thời, học tập văn hóa tiên tiến của thế giới. Phương châm xây dựng nền văn hóa mới là: dân tộc, khoa học, đại chúng. Hồ Chí Minh nhắc nhở phải làm cho phong trào văn hóa có bề rộng, đồng thời phải có bề sâu. Trong khi đáp ứng mặt giải trí thì không được xem nhẹ nâng cao tri thức của quần chúng. Bản chất nhân văn của văn hóa trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc ở các chức năng cơ bản của văn hóa là nâng cao dân trí, bồi dưỡng lý tưởng và hướng con người đến chân, thiện, mỹ để hoàn thiện bản thân.
Tư tưởng nhân văn còn thể hiện rõ ở vấn đề Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa là đào tạo con người. Bởi lẽ, mục tiêu cao nhất, động lực quyết định nhất của công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới chính là con người. Trong lý luận xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh quan tâm trước hết về mặt tư tưởng. Người cho rằng: “Muốn có con người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa”, tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở mỗi con người là kết quả của việc học tập, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội.
Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh đến việc trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng; đồng thời, Người cũng rất quan tâm đến mặt tài năng, luôn tạo điều kiện để mỗi người rèn luyện tài năng, đem tài năng cống hiến cho xã hội. Tuy vậy, Hồ Chí Minh luôn gắn tài năng với đạo đức. Theo Người, “có tài mà không có đức là hỏng”; dĩ nhiên đức phải đi đôi với tài, nếu không có tài thì không thể làm việc được. Cũng như vậy, Người luôn gắn phẩm chất chính trị với trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó, “chính trị là tinh thần, chuyên môn là thể xác”. Hai mặt đó gắn bó thống nhất trong một con người. Do vậy, tất cả mọi người đều phải luôn luôn trau dồi đạo đức và tài năng, vừa có đức vừa có tài, vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Nét đặc trưng trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh còn thể hiện sâu sắc ở mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, văn minh. Người nói: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng.
Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”(7).
Bản chất của việc thực hiện công bằng xã hội là giải quyết tốt mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa quyền lợi và nghĩa vụ tạo ra điều kiện như nhau với mỗi cá nhân trong xã hội để họ có điều kiện phát triển, hoàn thiện cá nhân. Xét trên khía cạnh đó, tư tưởng công bằng trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là tư tưởng nhân văn cao cả. Khi công bằng xã hội được thực hiện cũng có nghĩa là lợi ích chính đáng của mỗi người được tôn trọng và bảo đảm. Đây chính là động lực để mỗi người hăng hái đóng góp công sức của mình vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, khi nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không bàn đến tư tưởng nhân văn, bởi, như Người đã khẳng định: Nghĩ cho cùng… mọi vấn đề là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Chính triết lý hành động đó đã thôi thúc Hồ Chí Minh tìm kiếm và xác định con đường đúng đắn để cứu nước và giải phóng dân tộc, giai cấp và con người./.
------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 496
2. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 187
3. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 12, tr. 568
4, 6. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 11, tr. 609, tr. 610
5. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr.64
7. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 15, tr. 224
Bài viết có tham khảo tài liệu của một số tác giả khác, như PGS, TS. Phạm Ngọc Anh, PGS, TS. Bùi Đình Phong, GS, TS. Mạch Quang Thắng...
Việt Nam theo dõi sát hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981  (21/05/2015)
Học giả ở Argentina, Bỉ phản bác đường chín đoạn của Trung Quốc  (21/05/2015)
Quan hệ Việt Nam - Đức: khẳng định quan hệ đối tác chiến lược  (21/05/2015)
Phát huy vai trò giám sát của Quốc hội đối với việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam  (21/05/2015)
Phát huy vai trò giám sát của Quốc hội đối với việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam  (21/05/2015)
Quốc hội nghe Báo cáo về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội  (21/05/2015)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển