Đường Trường Sơn qua Lào - tài sản vô giá của tình anh em Việt Nam - Lào

Lê Thanh Hải Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
23:41, ngày 19-05-2014
TCCSĐT - Cùng với tuyến đường Đông Trường Sơn trên đất Việt Nam được hình thành từ cuối năm 1959, tuyến đường Tây Trường Sơn trên đất Lào dần được hình thành vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX, đã tạo thành một mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy dọc dãy Trường Sơn từ Bắc xuống Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của hai dân tộc Việt Nam và Lào.

Có thể nói, đường Tây Trường Sơn là sự minh chứng sinh động cho mối tình đoàn kết keo sơn đặc biệt trong những năm tháng kháng chiến gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang, đưa cách mạng hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam và cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 12-1975 của nhân dân các bộ tộc Lào.

Quyết định “lật cánh” sang Tây Trường Sơn của Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào

Trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, đường Trường Sơn đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng giành độc lập dân tộc; đồng thời là biểu tượng của tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam và Lào.

Đường Đông Trường Sơn được mở từ năm 1959, băng qua sông Bến Hải vào Cam Lộ rồi qua Đường 9 để giao hàng ở Hướng Hoá (Quảng Trị), sau đó chuyển tiếp vào Khu V, đi qua địa hình phức tạp, nhiều hệ thống đồn bốt, căn cứ của địch. Tuy nhiên, đầu năm 1961, đế quốc Mỹ và tay sai liên tiếp mở các cuộc hành quân quy mô lớn hòng cắt đứt sự chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam trên tuyến đường Đông Trương Sơn.

Chính vì vậy, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã thoả thuận đi đến thống nhất mở con đường chiến lược Tây Trường Sơn; quyết định “lật cánh” đường vận tải chiến lược và đường giao liên từ phía Đông dãy núi Trường Sơn sang phía Tây Trường Sơn, mở đường vận tải chiến lược quân sự Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào, dọc theo Đường 9 vượt qua đèo Lao Bảo sang các tỉnh Khăm-muộn, Sa-van-na-khệt, Xa-ra-van, Tà-ven-noọc (nay là Xê-công) và Át-ta-pư, đến Mường Phìn của Lào.

Tháng 5-1961, tuyến đường Tây Trường Sơn bước đầu được khai thông, dài khoảng 100 km từ Đường 9 đến Mường Pha-lan, nối Trung Lào và Hạ Lào. Hàng hóa, vũ khí, trang bị, kỹ thuật, thiết bị y tế... được vận chuyển trên tuyến Tây Trường Sơn một cách thuận lợi bằng các phương tiện gùi, xe đạp thồ, voi thồ, xe cơ giới.

Đầu năm 1961, Đoàn 559 phát triển tuyến hành lang dọc theo biên giới Việt Nam - Lào. Từ La-hạp, Đoàn 70 (Việt Nam) mở thêm một đường nữa vượt sông Tam-luông, qua Ta-oác vào tới Pe-hai giao hàng cho Trị - Thiên và Khu V. Một đường khác được phát triển tiếp vào Ton-sa, làng Yóp (thượng nguồn sông Sê-công, Tây bến Giàng khoảng 60 km) rồi vào Tăng-non, giao hàng cho Khu V và Tây Nguyên. Cuối tháng 6-1961, đường mới mở nối liền đường số 12 ở Lằng khằng tới Pác-pha-năng và đến tháng 12-1961 đã thông tới Đường số 9 ở Mường Phìn. Để mở rộng tuyến đường Tây Trường Sơn, Quân khu IV đã tổ chức mở đường 129 nối đường 12 và Đường 9 trên đất Lào dài 180 km để bảo đảm cho vận tải cơ giới. Đến cuối năm 1961, đường 129 hoàn thành với tính chất đường quân sự, mặt đường rộng 4 m, phục vụ cho Đoàn 245 vận tải ô tô của Tổng cục Hậu cần đưa 50 tấn hàng (1) đến Na-bo (Bắc Đường 9) của Lào.

Quân và dân các bộ tộc Lào sinh sống dọc theo tuyến đường mòn Tây Trường Sơn đã phối hợp với các đơn vị tình Quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia quân sự Việt Nam (Đoàn 565, Đoàn 968, Đoàn 559) kiên cường bảo vệ con đường chiến lược, chiến đấu giữ vững và phát triển vùng giải phóng Trung - Hạ Lào.

Sau một thời gian đi vào hoạt động, tính đến năm 1961, trên tuyến vận tải chiến lược Tây Trường Sơn, Đoàn 559 đã vận chuyển cho Khu V được 317 tấn vũ khí, trang bị và hàng dân dụng; vận chuyển tiếp tế bảo đảm hành quân 91 tấn gạo, tiếp tế cho đường dây Trị - Thiên 20 tấn gạo và muối. Ngoài ra, còn 117 tấn vũ khí trang bị đang được chuyển tải trên tuyến, lập chân hàng ở khu vực Đường 9 hơn 200 tấn. Trong năm, Đoàn 559 tổ chức đưa đón, bảo đảm cho 7.664 cán bộ, chiến sĩ qua tuyến tăng cường cho các chiến trường và 616 người từ Nam ra Bắc (2). Trong năm 1962, trên toàn tuyến vận tải Tây Trường Sơn, Đoàn 559 của Việt Nam đã vận chuyển được 961 tấn vũ khí, 7.800 tấn gạo, đón và đưa gần 1 vạn cán bộ vào và ra (3).

Cùng với xây dựng tuyến đường Tây Trường Sơn qua Lào, quân dân Lào và Quân tình nguyện Việt Nam đã đánh bại các cuộc hành quân phá hoại của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để bảo vệ tuyến đường. Trong những năm 1961, Quân tình nguyện Việt Nam, quân đội Pa-thét Lào đã mở nhiều đợt hoạt động quân sự, tiến công địch ở nhiều nơi thuộc Trung - Hạ Lào, giải phóng Khăm-cợt, Lạc-xao, Mường Phìn, Xê-pôn, Bản Đông làm cho Đường 12 và Đường 9 nối thông với nhau.

Năm 1966, sau khi Quân khu Nam Lào được thành lập và củng cố, lực lượng chuyên gia Đoàn 565 (Việt Nam) được bố trí đầy đủ ở các ngành của Quân khu đến các tỉnh, các huyện. Riêng các huyện dọc tuyến vận tải Tây Trường Sơn, Đoàn 559 cử các đội công tác xuống các xã và một số bản lớn, trọng điểm tuyên truyền vận động xây dựng cơ sở, giúp Nam Lào phát triển lực lượng vũ trang, bán vũ trang. Giữa năm 1965, toàn Quân khu bên cạnh các đơn vị chủ lực, đã có 9.945 dân quân du kích; đến cuối năm 1966 đã phát triển lên 11.566 người, tăng 16%.

Thông qua tuyến đường Tây Trường Sơn trên đất Lào, Đoàn 559 Việt Nam đã vận chuyển một khối lượng hàng hóa, vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm, thuốc men, hàng viện trợ cho Quân khu Nam Lào, cho bộ đội tình nguyện Việt Nam và chuyên gia quân sự Việt Nam hoạt động trên đất Lào. Chỉ tính riêng năm 1967, giao trực tiếp cho quân và dân Nam Lào 4.288 tấn. Năm 1968, vận chuyển tổng cộng trên 5.000 tấn cho quân và dân Nam Lào; 2.093 tấn cho Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào.

Chính quyền và nhân dân các tỉnh Trung - Nam Lào dọc tuyến đường Tây Trường Sơn đã chủ động phối hợp với Đoàn 559 tuyên truyền vận động nhân dân các bản, các xã của 11 huyện hành lang xung quanh tuyến đường sẵn sàng nhường đất ruộng, vườn, nương rẫy, thậm chí cả nhà cửa phải di chuyển đến vị trí khác để phục vụ cho việc mở rộng mạng lưới tuyến vận tải chiến lược. Hàng chục nghìn gia đình và hàng chục vạn nhân dân các bộ tộc, vượt qua gian khổ, nghèo đói, hy sinh cả tài sản cũng như tính mạng cho con đường kháng chiến vĩ đại của hai dân tộc Việt Nam - Lào.

Đường ống dẫn dầu “song song” với tuyến vận tải bằng đường bộ

Năm 1968 các đơn vị Đoàn 559 còn còn phối hợp mở tuyến đường ống dẫn dầu nhằm đáp ứng nhiên liệu cho các hoạt động vận tải. Tuyến ống dẫn dầu phía Tây Trường Sơn được tiếp nối từ Nam Thanh (Nam Đàn, Nghệ An) tới Nga Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) của Việt Nam. Từ Nga Lộc nối với đường ống từ Long Đại (Quảng Bình) theo đường số 18 vòng sang Lào để xuống Đường 9. Một nhánh đường ống khác đi vào Hương Khê (Hà Tĩnh) hướng tới Khe Ve, xuyên qua Cổng Trời thuộc thuộc tỉnh Quảng Bình, vươn tới đèo Mụ Giạ sang Lào, vào đến Nà-tông (thuộc tỉnh Khăm-muộn, Trung Lào). Đầu năm 1969, đường ống này hoàn thành và xăng đã được bơm đến kho Nà-tông, giao cho Trạm 31 có tránh nhiệm trực tiếp cấp phát cho các đoàn xe tải của Đoàn 559 đi tiếp vào phía Nam.

Tháng 3-1969, đoạn đường ống từ Nà-tông đến Ka-vát được khởi công xây dựng. Ngày 09-3-1969, xăng đã được vận hành thông đến Ka-vát. Trong năm 1969, tuyến đường ống Tây Trường Sơn tiếp tục vươn sâu vào phía Nam, tới Hạ Lào, qua Tây Nguyên vào đến miền Đông Nam Bộ (Việt Nam).

Như vậy, nhánh đường ống dẫn xăng dầu Tây Trường Sơn trên đất Lào bắt đầu từ Quảng Bình (Việt Nam) đến Bản Đông, Mường Noòng, Bạc, Tà-xẻng trên đất Lào sang Nam Tây Nguyên, điểm cuối cùng là Bù Gia Mập (Việt Nam). Riêng đoạn trên đất Lào, dài 490 km trong tổng cộng của toàn tuyến ống Đông và Tây Trường Sơn là 1.445 km.

Được sự hỗ trợ của Đoàn 559, tháng 4-1970, liên quân Lào - Việt đã giải phóng tỉnh Át-ta-pư; tháng 6-1970, giải phóng tỉnh Xa-ra-van. Thắng lợi trên chiến trường Lào cùng với các chiến trường Cam-pu-chia đã góp phần nối liền với vùng giải phóng Nam Tây Nguyên của Việt Nam, tạo điều kiện tăng cường và mở rộng tuyến vận tải chiến lược Tây Trường Sơn.

Từ ngày 30-01 đến ngày 23-3-1971, liên quân Lào - Việt đã đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của 20.000 quân nguỵ với sự yểm trợ của 9.000 quân Mỹ, cùng 2.000 máy bay các loại đánh vào Đường 9 - Nam Lào, tiêu diệt và làm bị thương 19.960 tên; bắn rơi và phá huỷ 556 máy bay các loại... (4). Đường mòn Hồ Chí Minh trên cả Tây và Đông Trường Sơn vẫn được giữ vững, thông suốt.

Ngày 21-01-1973, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và ngày 21-02-1973, Hiệp định Viêng Chăn về lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào được ký kết. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng thắng lợi, tháng 11-1973, Chính phủ Việt Nam chính thức phê chuẩn thiết kế xây dựng mạng lưới đường Trường Sơn trên cả hai tuyến Đông và Tây Trường Sơn. Trên đất Lào, Việt Nam chủ trương cải tạo một số tuyến ngang như Đường 20, Đường 16, khôi phục Đường 9 đến Mường Phìn, Đường 25 từ Ka-nốt đến Xa-ra-van. Tính đến 30-4-1975, hệ thống đường Trường Sơn có 16.700 km đường cho xe cơ giới, xuyên qua ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh của Lào và 4 tỉnh của Cam-pu-chia (5). Với tuyến vận tải chiến lược hoàn chỉnh, hàng vạn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm đã được vận chuyển trực tiếp chi viện cho chiến trường, góp phần to lớn vào thắng lợi của nhân dân ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Có thể nói, tuyến đường chiến lược Tây Trường Sơn trên đất Lào đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình. Nó cùng với tuyến đường Đông Trường Sơn đã tạo thành một hệ thống liên hoàn, vững chắc, bảo đảm chi viện liên tục vũ khí, trang bị, cơ động lực lượng, bảo đảm cho đòn tiến công chiến lược khi thời cơ đến. Đồng thời, tuyến hành lang Tây Trường Sơn và Đông Trường Sơn còn là một hệ thống căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch rộng trên nghìn cây số vuông, nối liền hậu phương lớn miền Bắc Việt Nam với các chiến trường Nam Đông Dương. Đây là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của quân và dân Việt Nam và Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh nói chung và tuyến đường Tây Trường Sơn trên đất Lào nói riêng “không chỉ là con đường tiếp tế mà còn là biểu tượng của chiến tranh Việt Nam”(6), là tài sản vô giá của tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Lào và Việt Nam./.

-------------------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Lịch sử bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1994, tr. 50

(2) Báo cáo Tổng kết công tác năm 1961 của “Đoàn 559”, Hồ sơ số 16, Lưu trữ Tổng cục Hậu cần

(3) Đặng Phong: 5 đường mòn Hồ Chí Minh, Nxb. Tri Thức, H, 2008, tr. 58

(4) Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2001, tr. 227

(5) Đặng Phong: 5 đường mòn Hồ Chí Minh, Nxb. Tri Thức, H, 2008, tr. 119

(6) Phương Việt: Đường Hồ Chí Minh - một kỳ công chiến lược, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 4, 1989, tr. 40