Đó là chủ đề chính của hội thảo quốc gia diễn ra tại Hà Nội ngày 17-12-2013. Hội thảo nhằm chia sẻ và thảo luận về việc xây dựng xã hội học tập cho Việt Nam trong công cuộc phát triển và bối cảnh hội nhập ASEAN đến năm 2015 cũng như trong thế giới toàn cầu hóa.
Hội thảo do Ban Chỉ đạo quốc gia Xây dựng xã hội học tập, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực Liên hợp quốc tại Việt Nam và Viện Học tập suốt đời UNESCO tổ chức.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: tại Việt Nam, sự học luôn được đề cao trong mọi gia đình, mọi dòng tộc. So với các nước có trình độ phát triển kinh tế, xã hội ngang bằng Việt Nam, có thể nói rằng giáo dục, đào tạo nói riêng và các vấn đề liên quan đến con người nói chung luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết lòng chăm lo. Từ năm 2005, Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010 và mới đây đã phê duyệt tiếp đề án xây dựng xã hội học tập từ nay đến 2020. Đề án được xây dựng tương đối cụ thể với sự phân công trách nhiệm rất rõ giữa tất cả các cấp, các ngành, tuy nhiên thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ một vài điểm đáng lưu ý trong quá trình thảo luận các giải pháp thực hiện Đề án như: về vấn đề đổi mới và hội nhập, cần xây dựng một xã hội học tập gắn với việc tiếp thu những tinh hoa không chỉ về giáo dục mà cả văn hóa của nhân loại; đồng thời cũng để những giá trị của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam góp phần chung vào nền văn minh của nhân loại. Việc xây dựng xã hội học tập, cần tận dụng triệt để những thành tựu khoa học - công nghệ để tạo điều kiện cho một công dân học tập suốt đời, cho một xã hội học tập được thực hiện nhanh hơn. Thêm nữa, xã hội học tập là dành cho tất cả mọi người nhưng phải phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước, trong đó đặc biệt quan tâm trước hết là những người gặp nhiều khó khăn, dễ bị thiệt thòi như: phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu sổ ở những vùng thường xuyên bị thiên tai…

Phó Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, hoạch định chính sách cần xác định cho được những trở ngại chính trong việc thực hiện xã hội học tập qua kinh nghiệm của các nước và ở Việt Nam. Cần hết sức cổ vũ cho sáng tạo, đổi mới, qua đó phát huy tất cả sức mạnh của nhân dân, chuyên gia trong và ngoài nước, để phản biện, đóng góp vào các chính sách, trước hết là các chính sách liên quan đến xã hội học tập.

Đây là hội thảo lần đầu tiên được tổ chức bằng phương pháp tiếp cận liên ngành và có sự tham gia của các bên liên quan nhằm huy động các nỗ lực trong hoạt động xây dựng tầm nhìn. Tại hội thảo, các đại biểu có cơ hội học hỏi thêm từ phiên trao đổi cấp cao về định hướng chung và "hoạt động xây dựng tầm nhìn" liên quan đến xây dựng xã hội học tập dựa trên các quan điểm toàn cầu và khu vực về xây dựng xã hội học tập và các ý nghĩa, tác động đối với Việt Nam. Từ đó, xây dựng dự thảo ban đầu về các đặc trưng mong muốn đối với công dân học tập và xã hội học tập của Việt Nam.

Đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta cho biết: Cam kết trở thành xã hội học tập của Việt Nam là yếu tố căn bản để tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình và chuyển giao sang nền kinh tế kỹ thuật và tay nghề cao. Điều này sẽ góp phần đặt nền tảng cho sự tăng trưởng hòa nhập và bền vững ở Việt Nam. Xã hội học tập đồng thời cũng phải là xã hội hòa đồng, quyền giáo dục phải được phổ cập và khả năng tiếp cận phát triển kỹ năng phải được đảm bảo cho tất cả mọi người, đặc biệt là các đối tượng dân tộc thiểu số, phụ nữ, người khuyết tật... Do xã hội học tập bao trùm tất cả các giai đoạn của cuộc đời và bắt đầu ngay từ những khối lớp tiểu học và trung học, nên cần chú trọng ngay từ những khối lớp dưới để đảm bảo xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng.

Các đại biểu từ nhiều quốc gia cùng chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện xã hội học tập ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Thái Lan... Bài học kinh nghiệm từ các nước là việc xây dựng xã hội học tập trước hết đòi hỏi phải hình thành khái niệm toàn diện về học tập suốt đời, cần chú trọng mở rộng về lượng lẫn chất đối với hệ thống học tập suốt đời. Một xã hội học tập phải nỗ lực phát triển một hệ thống học tập suốt đời bình đẳng và hòa nhập. Xã hội học tập cần phải có trụ đỡ là các miền học tập, thành phố học tập và cộng đồng học tập. Chính sách xây dựng xã hội học tập cần được hậu thuẫn bởi nguồn lực tài chính và dựa vào nghiên cứu với minh chứng có tính thuyết phục cao./.