Quan điểm của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về phát triển văn hóa
TCCSĐT - Quan điểm của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về phát triển văn hóa vừa thể hiện sự nhất quán, vừa thể hiện sự phát triển trong nhận thức của Đảng về vai trò của văn hóa, về định hướng phát triển cũng như xác định các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa.
Nhận thức của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về vai trò của văn hóa
Vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển đất nước đã được Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khẳng định ngay từ khi mới thành lập (năm 1951). Trong Nghị quyết Đại hội lần thứ I năm 1955, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã coi văn hóa là nhân tố bảo đảm cho sự thắng lợi về chính trị, quân sự và kinh tế. Đảng coi chính trị là cơ bản, quân sự là sức ép, kinh tế là đòn bẩy, văn hóa là cột chống. Chính vì vậy, Đảng đã xác định những nội dung cơ bản của công tác văn hóa: Không ngừng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối chính sách của Đảng và thực hiện quyền tự do dân chủ của toàn dân, giáo dục lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết giữa nhân dân các bộ tộc, tập trung xóa nạn mù chữ, loại trừ dốt nát và những tục lệ lạc hậu, mê tín dị đoan ra khỏi ý thức, tư tưởng nhân dân (1).
Trong các Nghị quyết của các Đại hội toàn quốc lần thứ II (năm 1972), lần thứ III (năm 1982), lần thứ IV (năm 1986), Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đều nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Để phát huy vai trò của văn hóa, Đảng chủ trương: “Cách mạng về mặt tư tưởng và văn hóa, lấy giáo dục làm trọng tâm và phải đi trước một bước”(2). Như vậy, vai trò của văn hóa ở đây được nhìn nhận như một động lực tinh thần, tạo những tiền đề cần thiết để con người có thể tham gia mọi hoạt động kinh tế, xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đưa xã hội phát triển đi lên.
Thực tiễn đời sống hiện thực của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào những năm đổi mới cũng khẳng định vai trò của văn hóa như là nhân tố bên trong của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cho rằng, phát triển tách khỏi cội nguồn văn hóa dân tộc thì nhất định sẽ lâm vào nguy cơ tha hóa, đi vào kinh tế nhiều thành phần hiện đại hóa mà xa rời những giá trị văn hóa truyền thống, sẽ làm mất bản sắc dân tộc, gây bất bình trong nhân dân, tạo mảnh đất cho sự xâm nhập của văn hóa độc hại ngoại lai. Quán triệt tinh thần đó, Đại hội VI (năm 1996) của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã khẳng định vai trò của văn hóa như sau: “Đảng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là cái làm cho dân tộc tồn tại và phát triển. Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội”(3). Có thể thấy, quan điểm của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về vai trò của văn hóa là thống nhất với quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhận thức đó đánh dấu một bước tiến trong sự phát triển tư duy của Đảng cầm quyền. Nghị quyết của Đại hội Đảng thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy cách mạng của Đảng trong thời kỳ đổi mới, với việc đánh giá cao vai trò, sứ mệnh cao cả của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; sự hình thành, phát triển nhân cách trí tuệ con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng, phát triển văn hóa là sự nghiệp cách mạng lâu dài của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhận thức nói trên về vai trò của văn hóa đã được Đảng Nhân dân Cách mạng Lào quán triệt từ Đại hội VI cho đến các Đại hội VII, VIII và tiếp tục được khẳng định trong Đại hội IX.
Về định hướng và nhiệm vụ phát triển văn hóa
Bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, Đại hội lần thứ IV Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đưa ra định hướng xây dựng nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa. Định hướng rõ nét và quan trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã được Nghị quyết 9 khóa V (năm 1994) của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đưa ra là xây dựng một nền văn hóa có tính dân tộc, quần chúng và tiên tiến.
Những định hướng nói trên của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về xây dựng và phát triển văn hóa đã đi vào cuộc sống và được thực tiễn đất nước Lào những năm đổi mới khẳng định là đúng đắn.
Đến Đại hội lần thứ VII (năm 2001), Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã bổ sung định hướng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đảng nhận định: Xây dựng nền văn hóa có tính dân tộc, khoa học và nhân dân, giữ gìn và phát huy bản sắc và truyền thống dân tộc, đồng thời nhanh chóng tiếp thu chọn lọc những thành tựu hiện đại (4).
Bản sắc văn hóa của mỗi nước là sự thể hiện truyền thống văn hóa, lối sống, thuần phong, lễ nghi, sản phẩm văn hóa, những giá trị đặc trưng riêng của nước đó, là cái để phân biệt văn hóa dân tộc này với văn hóa dân tộc khác. Do đó, trong tiến trình hội nhập quốc tế, muốn không đánh mất mình, thì phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đó. Đồng thời, muốn hội nhập được với thế giới, cũng cần tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, những thành tựu của văn minh và tiến bộ.
Các Nghị quyết của Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khóa VIII và IX tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về định hướng xây dựng và phát triển văn hóa. Đặc biệt, các nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc khóa IX Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã khẳng định việc tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích nhân dân và các tổ chức tham gia thực hiện có hiệu quả trong các hoạt động văn hóa, thể thao, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và bảo trợ các hoạt động văn hóa, thể thao để phát triển thị trường và các sản phẩm dịch vụ văn hóa, thể thao phong phú lành mạnh; mở rộng giao lưu văn hóa. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có nêu: “Kiên định thực tiễn của Đảng là phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội, giữa xây dựng sự phồn vinh và ấm no về vật chất với văn minh tinh thần. Trong những năm trước mắt cần quan tâm hơn và chú trọng hơn đến việc phát triển lĩnh vực xã hội - văn hóa”(5).
Như đã nêu ở trên, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa được Đảng Nhân dân Cách mạng Lào coi là cột chống cho các lĩnh vực kinh tế và chính trị. Do đó, xây dựng và phát triển văn hóa phải gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Để thực hiện những định hướng xây dựng và phát triển văn hóa đã đề ra, trong tiến trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, ngay từ khi bắt đầu thời kỳ đổi mới, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể như sau: Tập trung xóa mù chữ, tiến tới không ngừng nâng cao trình độ học vấn và văn hóa của nhân dân; Quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức khoa học và đào tạo cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, kết hợp giáo dục ý thức dân tộc với tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa; Chú trọng việc kế thừa và phát huy di sản văn hóa quý báu của dân tộc và các bộ tộc, đồng thời xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu; Tiếp thu có chọn lọc những thành quả của nền văn hóa thế giới, kết hợp những tinh hoa của thời đại với truyền thống tốt đẹp của dân tộc; Kiên quyết chống lại sự tiến công của kẻ địch trên mặt trận tư tưởng văn hóa, ngăn chặn những ảnh hưởng xấu từ bên ngoài xâm nhập vào (6).
Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, để thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng và Nhà nước Lào thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Một là, xây dựng con người Lào với những phẩm chất như: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; Yêu văn hóa Lào, có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Lào; Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng luật pháp, quy ước cộng đồng; Cần cù và sáng tạo trong lao động, học tập, làm việc có năng suất cao; Có trình độ thể lực tốt, có trình độ chuyên môn cao.
Hai là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh thông qua các hoạt động: Đẩy mạnh việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, cộng động dân cư, thu hẹp dần khoảng cách đời sống văn hóa giữa đô thị và nông thôn, giữa các tầng lớp nhân dân; Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa gia đình Lào; Củng cố, phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa.
Ba là, phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật bằng việc: Khuyến khích phong trào sáng tác và mọi phong cách sáng tác, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Hướng văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực sinh động, chân thực và sâu sắc sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước, sáng tạo nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối văn hóa của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; phát huy vai trò thẩm định tác phẩm văn học - nghệ thuật, hướng dẫn dư luận xã hội. Bảo đảm tự do sáng tác đi đôi với trách nhiệm công dân; Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo lớp văn nghệ sĩ trẻ, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho văn nghệ sĩ.
Bốn là, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc với việc: Đầu tư và tổ chức điều tra, thống kê và phổ biến các giá trị văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết và văn học - nghệ thuật của các dân tộc ở Lào. Khôi phục các lễ hội dân gian, trùng tu, tôn tạo các di sản văn hóa vật thể.
Năm là, củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hóa. Củng cố, hoàn thiện thiết chế về văn hóa, bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; nâng cao vai trò làm chủ của nhân dân và lực lượng tham gia hoạt động văn hóa; Nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa hiện có, nâng cấp các đơn vị văn hóa - nghệ thuật trọng điểm; xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở; Hoàn chỉnh các văn bản pháp luật về văn hóa - nghệ thuật, bảo tồn bảo tàng, truyền thông đại chúng.
Sáu là, mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế. Làm tốt việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Lào với thế giới, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học tiến bộ của nước ngoài, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời thông qua giao lưu văn hóa để nêu cao lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo của nhân dân vào công cuộc xây dựng đất nước Lào.
Về giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa
Để hoàn thành những nhiệm vụ nói trên, theo quan điểm của Đảng Nhân Dân Cách mạng Lào, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Giải pháp về giáo dục nhận thức
- Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng và các thiết chế văn hóa trong việc giáo dục nhân cách, tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, nâng cao trình độ nhận thức về các lĩnh vực của đời sống xã hội, về vai trò của văn hóa và ý thức tham gia các hoạt động văn hóa của người dân;
- Tăng cường giáo dục cho toàn dân, chủ yếu là thanh thiếu niên và nhi đồng biết tự hào, quý trọng nền văn hóa dân tộc; chủ động ngăn ngừa những hành vi xấu trái với đạo lý và tập quán tốt đẹp của dân tộc (7);
- Đưa nội dung giáo dục nhận thức văn hóa vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục các cấp;
- Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục lối sống văn hóa, nâng cao ý thức xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú;
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc định hướng nhận thức về các lĩnh vực hoạt động văn hóa;
- Phát huy vai trò của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và tổ chức đoàn thể trong quản lý và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cải tiến nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục nhận thức;
- Giáo dục phải là nguồn nâng cao tri thức cũng như truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của cách mạng, vừa phải gắn với tiến bộ khoa học, công nghệ mới (8).
Giải pháp về tổ chức bộ máy
- Hình thành hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa thông suốt từ cấp bộ - tỉnh - mường - bản; tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chăm lo phát triển ngành văn hóa và đời sống văn hóa cơ sở;
- Thực hiện chương trình sắp xếp bộ máy, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan văn hóa;
- Tăng cường bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương đến cơ sở;
- Xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế;
- Xây dựng và hoàn thiện luật văn hóa (9).
Giải pháp về cơ chế, chính sách
Cần có những cơ chế, chính sách hợp lý để phát huy những tiềm năng và sức sáng tạo của toàn dân, các nghệ sĩ, người làm công tác văn hóa, thu hút vốn và sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân cho phát triển văn hóa. Có thể kể đến một số chính sách như sau:
- Tài trợ, đặt hàng đối với biểu diễn nghệ thuật, báo chí, ấn phẩm; trợ giá cho một số ấn phẩm văn hóa giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc;
- Xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật lành mạnh và đúng hướng;
- Chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc;
- Mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế;
- Chính sách khuyến khích các văn nghệ sĩ, nghệ nhân gắn bó với cơ sở, với thực tiễn lao động sản xuất;
- Khuyến khích công tác văn nghệ quần chúng (10);
- Cho phép một số đoàn nghệ thuật mang tính chất gia đình, tư nhân hoặc tập thể được hoạt động trong khuôn khổ luật pháp, có sự quản lý của nhà nước về nội dung và chất lượng nghệ thuật.
Giải pháp về đầu tư cơ sở vật chất
- Tăng mức đầu tư cho văn hóa từ nguồn chi thường xuyên và nguồn chi phát triển trong ngân sách nhà nước. Tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho văn hóa phải tăng tương ứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Khuyến khích các tỉnh, huyện, bản tăng thêm nguồn đầu tư cho văn hóa;
- Ưu tiên đầu tư cho hoạt động truyền thông đại chúng, nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu phê bình và hướng dẫn dư luận xã hội;
- Tăng đầu tư cho việc xây dựng các chương trình nghệ thuật, giới thiệu, quảng bá về đất nước và con người Lào;
- Đầu tư thích đáng cho việc giữ gìn các công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử và phát huy vốn cổ nghệ thuật truyền thống;
- Đầu tư ngân sách cho lĩnh vực đào tạo tài năng trẻ;
- Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho văn hóa như: kêu gọi tài trợ, viện trợ không vụ lợi, liên doanh, gọi lập quỹ của nước ngoài, của tổ chức quốc tế, Lào kiều, các công ty, các thành phần kinh tế;
- Đầu tư cho các chương trình ca nhạc truyền thống, dân ca trên hệ thống truyền hình, phát thanh;
- Đầu tư xây dựng chương trình nghiên cứu toàn diện và tổng hợp về các khuynh hướng và diễn biến của đời sống văn hóa trong nước và trên thế giới;
- Đầu tư cho việc sưu tầm, giữ gìn các di sản văn hóa; các hoạt động thư viện, bảo tồn, bảo tàng;
- Đầu tư xây dựng và củng cố hệ thống các thiết chế văn hóa;
- Củng cố và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật về văn hóa một cách có trọng điểm và sử dụng có hiệu quả cao (11).
Trên cơ sở những mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng và giải pháp phát triển văn hóa mà Đảng Nhân Dân Cách mạng Lào đã đề ra trong các văn kiện của Đảng, cần tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận sau đây:
Một là, tập trung nghiên cứu vấn đề đổi mới và hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, con người và xã hội. Chú ý mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị và đổi mới về văn hóa - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hai là, cần đi sâu nghiên cứu vấn đề xây dựng con người Lào đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt quan tâm tới vấn đề cải cách giáo dục, đào tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh và quốc phòng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
Ba là, cần nghiên cứu làm rõ vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Bốn là, làm rõ mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, kinh tế và văn hóa, từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ văn hóa nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội./.
-------------------------------
Chú thích:
(1) Khăm Bay Kẹo Mạ Ny: Nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh ở Ắt Ta nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hiện nay, Luận án tiến sĩ triết học, H, 2010, tr. 45
(2) Văn kiện Đại hội lần thứ IV của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Nxb. Quốc gia, 1987 (Bản tiếng Lào), tr. 81
(3) Văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Nxb. Quốc gia, 1996 (Bản tiếng Lào)
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Viêng Chăn, 2001
(5) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, (Bản tiếng Việt), 2011, tr. 22
(6) Báo cáo chính trị của Đại hội toàn quốc lần thứ IV Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, năm 1986, tr. 60 - 61
(7) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, Viêng Chăn, 1996, tr. 34
(8) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, (Bản tiếng Việt), 2011, tr. 23
(9) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, Viêng Chăn, 1996, tr. 35
(10) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, Viêng Chăn, 1996, tr. 35
(11) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, Viêng Chăn, 1996, tr. 34 - 35
Việt Nam - Thái Lan tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân  (06/12/2013)
Việt Nam quan tâm sâu sắc tới tình hình ở Biển Hoa Đông  (06/12/2013)
Các lãnh đạo tiếp xúc cử tri tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình  (06/12/2013)
Tập trung bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014  (06/12/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên