TCCSĐT - Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ra đời cách đây 5 năm, nhưng theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (Csaga) đã tiến hành mới đây cho thấy, giữa Luật và cuộc sống đang tồn tại một khoảng cách khá lớn.

Để có thể “gọi tên” được “khoảng trống” này, bên cạnh việc khảo sát về thực trạng, Csaga đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên về thực trạng BLGĐ với phụ nữ và theo dõi đánh giá việc thực thi Luật Phòng, chống BLGĐ tại hai huyện Tân Lạc (Hòa Bình) và Thanh Liêm (Hà Nam). Kết quả cho thấy, tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực đang ở mức khá cao, công tác thực hiện Luật vẫn chưa thực sự vận hành một cách đồng bộ và có hiệu quả như mong muốn.

Từ một khảo sát…

Kết quả khảo sát về thực trạng phụ nữ bị BLGĐ ở hai tỉnh Hòa Bình và Hà Nam của Csaga cho thấy, đa số phụ nữ tại hai tỉnh thực hiện khảo sát vẫn phải chịu ít nhất một dạng bạo lực (61,4%). Tại tỉnh Hòa Bình, con số này là 59,9%; còn tại tỉnh Hà Nam là 62,37%. Trong đó, bạo lực tinh thần chiếm tỷ lệ nhiều hơn cả với 47,67% phụ nữ cả hai tỉnh đã từng phải chịu dạng bạo lực này. Bạo lực thể chất đứng thứ hai với 35,75%.

Csaga nhận định, những kết quả trên không có điểm khác biệt nhiều so với những nghiên cứu ở tầm vĩ mô khác. Đặc biệt, so sánh với số liệu của cuộc Điều tra quốc gia được thực hiện trong năm 2010 trên phạm vi toàn quốc, số liệu của Csaga không khác nhau nhiều. Tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực tinh thần, thể xác, tình dục trong cuộc Điều tra quốc gia là: 54%, 32% và 10% thì con số này ở khảo sát của Csaga tại hai tỉnh Hòa Bình và Hà Nam là: 47,67%; 35,75%; 27,2%.

Theo Giám đốc Csaga Nguyễn Vân Anh, ngoài phát hiện mới về tỷ lệ bạo lực kinh tế, những số liệu trên vẫn phản ánh thực trạng phụ nữ bị BLGĐ như từ trước tới nay. Đánh giá kỹ mức độ ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ thì thấy hậu quả không nhỏ. Dù có bị bạo lực ở dạng nào, với mức độ nào thì người phụ nữ đều bị ảnh hưởng tới tâm lý, thể chất và công việc. Vấn đề là khi bạo lực xảy ra, dù dưới hình thức nào, dù ở mức độ nặng hay nhẹ, không chỉ phụ nữ bị ảnh hưởng mà con cái họ, gia đình họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 30% người bị bạo lực phải chịu các loại thương tích, trong đó gần 2% bị thương tích nặng như: chấn thương nội tạng và vết đâm, rạch vào người. Các tác hại khác của bạo lực là: đau đầu, mất ngủ và nghiêm trọng hơn là gây cảm giác luôn căng thẳng, sợ hãi, lo lắng và khó khăn trong việc ra quyết định (63,6% phụ nữ bị bạo lực ở tỉnh Hòa Bình và 46,9% phụ nữ bị bạo lực ở tỉnh Hà Nam chịu những ảnh hưởng này). Khoảng 17% phụ nữ bị BLGĐ có ý định tự tử, trong đó thì 19,3% đã từng có hành vi tự tử...

Phụ nữ là người có ảnh hưởng rất lớn tới gia đình và con cái, nên khi họ phải lãnh chịu những hậu quả nặng nề và dai dẳng từ BLGĐ thì con cái và gia đình họ cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Theo kết quả khảo sát, BLGĐ đã khiến cho gần 30% trẻ em trong các gia đình đó học hành sút kém, thường xuyên gây gổ, đánh nhau với bạn bè. Nguy hại hơn, có tới 3,3% số trẻ em đó còn sử dụng bạo lực lại với chính bố của mình.

Cũng theo số liệu của Csaga ở tỉnh Hà Nam cho thấy, cứ 10 người phụ nữ thì có một người ngày nào cũng phải trải nghiệm những ảnh hưởng này. Như vậy, tại địa  phương này, ngày nào cũng có 1/10 gia đình bị ảnh hưởng bởi bạo lực.

Đến việc thực thi Luật trong cuộc sống

Tương tự như kết quả cuộc Điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ năm 2010, kết quả Nghiên cứu thực trạng về BLGĐ ở Hòa Bình và Hà Nam còn chỉ ra một chi tiết quan trọng, đó là tình trạng phụ nữ bị bạo lực thường chọn cách im lặng và âm thầm chịu đựng. Khi bạo lực xảy ra, ngược với cơ chế tự vệ là phải chạy trốn, cãi lại, giải thích cho chồng, nói chuyện với người khác hoặc kêu cứu, phụ nữ ở 2 địa phương này chọn cách im lặng. Đặc biệt, khi bị bạo lực tình dục, có khoảng 70,2% phụ nữ chấp nhận, coi như thực hiện nghĩa vụ vợ chồng. Phụ nữ ở tỉnh Hà Nam có xu hướng chịu đựng nhiều hơn với tỷ lệ là 77,78%, còn ở tỉnh Hòa Bình ít hơn với 61,5%. Khoảng 40% phụ nữ có bày tỏ sự không đồng tình nhưng cuối cùng vẫn phải quan hệ.

Thực tế không chỉ ở hai tỉnh Hòa Bình và Hà Nam, những nghiên cứu trước đây cũng đều chỉ ra rằng, nạn nhân bạo lực gia đình chỉ tìm kiếm sự trợ giúp khi không thể chịu đựng được thêm nữa, hoặc khi họ muốn chia sẻ, bị đuổi khỏi nhà, bị thương tích quá nặng hoặc là bị dọa giết.

Theo bà Vân Anh, nơi tốt nhất có thể hỗ trợ giúp đỡ bảo vệ nạn nhân và ngăn chặn hành vi bạo lực là các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân các cán bộ, chính quyền địa phương, nhưng trên thực tế, nạn nhân bị bạo lực lại không tìm đến những địa chỉ này. Lý do nạn nhân bị BLGĐ không tìm đến những nơi này bởi họ không tin tưởng mình sẽ được bảo vệ. Hầu hết nạn nhân đều cho rằng, vấn đề của mình không được chính quyền quan tâm. Kết quả khảo sát cho thấy, đa số nạn nhân BLGĐ tìm sự giúp đỡ ở hàng xóm (69,2%), họ hàng (28,2%) và nhà ngoại (10,2%); chỉ một số rất ít nạn nhân tìm hội phụ nữ (5%); khoảng 2% tìm đến với trưởng thôn, trưởng bản, không mấy ai tìm đến với công an và chính quyền. Ngay cả hội phụ nữ và trưởng thôn ở tỉnh Hà Nam cũng không được bất cứ phụ nữ nào bị bạo lực tìm tới.

Những người bị BLGĐ còn cho rằng, cách giải quyết các vụ việc BLGĐ hiện nay nặng về hòa giải mà không giải quyết triệt để theo những quy định của pháp luật. Kết quả nghiên cứu của Csaga cho thấy, hành động phổ biến nhất của cả chính quyền và người xung quanh khi có bạo lực xảy ra là hòa giải. Điều đáng nói, hòa giải càng nhiều thì phụ nữ càng thấy được giúp đỡ ít hơn. Kết quả khảo sát của Csaga chỉ rõ, ở đâu có tỷ lệ hòa giải cao, ở đó có tỷ lệ hài lòng của nạn nhân với sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể thấp.

Theo kết quả nghiên cứu này, mỗi khi có bạo lực xảy ra và được báo cáo, hành động thường thấy là tổ hòa giải tới can thiệp. Không chỉ ở Hòa Bình và Hà Nam mà điều này xảy ra ở bất kỳ địa phương nào trên cả nước. Hiện nay, bất cứ một thôn hay xã nào trên cả nước cũng có tổ hòa giải, với chức năng dàn xếp và xoa dịu tất cả các mâu thuẫn, kể cả mâu thuẫn dẫn đến ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người trong cuộc.

Chính cách giải quyết chủ yếu mang tính hòa giải nên hầu hết những người gây bạo lực thường không bị xử lý, trừ trường hợp có gây thương tích nặng hoặc tử vong thì mới bị đưa ra xử trước tòa. Nguyên do của chuyện này là quan điểm và hành vi về việc xử lý người gây bạo lực vẫn mang nặng sự bao dung và cổ hủ. Cả người phụ nữ và cộng đồng đều cho rằng, chỉ nên khuyên nhủ trong gia đình và do đó, ít có những biện pháp xử lý khác được áp dụng với người gây ra bạo lực.

Một trong những nguyên nhân khiến cho nạn nhân BLGĐ im lặng và âm thầm chịu đựng là bởi chính thái độ của cộng đồng và các cơ quan, chính quyền, đoàn thể với vấn đề BLGĐ. Không chỉ ở hai tỉnh Hòa Bình và Hà Nam mà chính quyền ở các địa phương trên cả nước hầu như đều chưa thực sự quan tâm đến vấn đề giải quyết BLGĐ. Có trên 42% phụ nữ ở hai tỉnh Hòa Bình và Hà Nam cho rằng, chính quyền ít quan tâm đến vấn đề BLGĐ.

Những “khoảng trống” cần thu hẹp

Tại hai địa phương mà Csaga tiến hành khảo sát một cách ngẫu nhiên, các chỉ số đánh giá về các mặt thực thi pháp luật này đều thấp, ở mức độ 1 hoặc dưới 1. Chẳng hạn như thực thi vấn đề hỗ trợ nạn nhân, Luật quy định là từ cấp địa phương đã phải có đủ các dịch vụ hỗ trợ như: tư vấn, địa chỉ an toàn, chỗ tạm lánh… thì cả huyện Tân Lạc và huyện Thanh Liêm đều không có cơ sở thực hiện công tác này. Phần hỗ trợ nạn nhân ở Tân Lạc đạt 0,6 điểm; Thanh Liêm đạt 0,4 điểm. Trong khi chỗ tạm lánh là một dịch vụ hỗ trợ vô cùng cần thiết cho người bị bạo lực, thì ở hai địa phương được khảo sát ngẫu nhiên này thậm chí chưa biết đến khái niệm. Cả Tân Lạc và Thanh Liêm không có một địa chỉ nào mà nạn nhân có thể tìm đến để chắc chắn có sự trợ giúp an toàn, hiệu quả một cách toàn diện.

Việc xử lý người gây bạo lực cũng là vấn đề quan trọng được thể hiện rất rõ trong Luật và các nghị định liên quan. Do các mối quan hệ làng xã, họ hàng, ít khi người có trách nhiệm có thể xử lý người gây bạo lực theo đúng pháp luật. Khi bạo lực xảy ra, người gây bạo lực chỉ bị công an nhắc nhở, răn đe. Đây là cấp cao nhất xử lý người gây bạo lực, còn lại đa số các vụ bạo lực được bỏ qua hoặc chỉ bị tổ hòa giải đến lập biên bản rồi không có bước xử lý tiếp theo. Các biện pháp được quy định trong Luật chưa có tác dụng tại địa phương, kể từ các biện pháp đơn giản nhất như: góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; giáo dục tại phường, thị trấn đến biện pháp cấm tiếp xúc hay tạm giam. Chỉ các hành vi nghiêm trọng dẫn đến mất tính mạng mới được xử lý. Chính vì vậy, vấn đề xử lý người gây bạo lực chỉ đạt 0,5 điểm tại tỉnh Hòa Bình và 0,2 điểm ở tỉnh Hà Nam.

Luật Phòng, chống BLGĐ ra đời vào năm 2007, với mục đích bảo vệ nạn nhân và ngăn chặn hành vi bạo lực. Tuy nhiên, thực trạng về BLGĐ với phụ nữ cũng như cách giải quyết của các cấp thẩm quyền về vấn đề BLGĐ cho thấy, còn đang tồn tại một “khoảng trống” giữa Luật và cuộc sống. Những kết quả khảo sát bước đầu của Csaga về việc thực thi Luật Phòng, chống BLGĐ tại tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Nam đã phần nào giúp hình dung về tình hình này.

Chỉ số thực thi Luật thấp cũng phản ánh nguyên nhân khiến cho nạn nhân BLGĐ tìm cách im lặng. Nạn nhân BLGĐ chưa tìm kiếm được sự giúp đỡ có hiệu quả từ những cơ quan có thẩm quyền. Những kết quả trên cũng đã phần nào lý giải vì sao nhận thức chung của cộng đồng về giới và các quy định của pháp luật liên quan đến BLGĐ vẫn còn hạn chế. Không chỉ người dân mà những người thực thi luật cũng không hiểu biết một cách đầy đủ về luật và các vấn đề về giới. Có những quan niệm sai lầm về nam quyền vẫn tồn tại ở làng xã làm cản trở công tác phòng, chống BLGĐ hiện nay. Người dân cần phải biết luật, cần biết mình có quyền được pháp luật bảo vệ thì mới đòi quyền được. Những người thực thi pháp luật phải hiểu sâu sắc về luật, về giới thì mới giải quyết tốt vấn đề đặc thù này.

Từ những kết quả khảo sát nghiên cứu về thực trạng bạo lực với phụ nữ và việc thực thi luật, Csaga đã chỉ ra một yêu cầu rõ ràng về việc cải thiện việc thực thi không những bằng văn bản từ cấp Nhà nước mà cần được thực hiện bằng hành động tại mỗi ngành, nghề, đoàn thể từng cấp và từng địa phương. Yêu cầu này càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn khi công tác phòng, chống BLGĐ đã được đưa vào chương trình hành động quốc gia hằng năm của Chính phủ./.