TCCSĐT - Trong khuôn khổ Diễn đàn Việt Nam - Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư tổ chức trong hai ngày 5 và 6-7-2012 tại Hà Nội, đã diễn ra các buổi hội thảo, tọa đàm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, của các bộ, ngành Việt Nam với các nước tham dự.

Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng

Tại Hội thảo “Đối tác nông nghiệp và năng lượng Việt Nam - Mỹ Latinh”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã giới thiệu những thành tựu kinh tế - chính trị - xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và kinh doanh nước ngoài. Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh đã có bước phát triển tích cực trong nhiều lĩnh vực có thế mạnh, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Việt Nam đã có các dự án hợp tác dầu khí với các nước Venezuela, Peru, Cuba, Bolivia…, bước đầu đã có những cuộc tiếp xúc, xúc tiến năng lượng (điện, dầu khí) với Brazil, Argentina, xúc tiến hợp tác đóng tàu với Paraguay.

Việt Nam coi năng lượng là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, mức tiêu thụ năng lượng thương mại của Việt Nam khoảng 36 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó nhu cầu xăng dầu vào khoảng 17 triệu tấn. Theo dự báo, tổng nhu cầu năng lượng thương mại sẽ tăng trung bình khoảng trên 7% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2025, trong đó nhu cầu điện sẽ tăng khoảng 15% mỗi năm. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước, trong điều kiện giá dầu mỏ biến động khó lường do tình hình chính trị trên thế giới có nhiều biến động, Chính phủ Việt Nam tích cực thực hiện một số giải pháp, như tăng cường và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng cho sản xuất điện và giao thông; đẩy mạnh chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng; thực hiện lộ trình năng lượng theo cơ chế thị trường; tăng cường dự trữ dầu thô và các sản phẩm dầu; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế chia sẻ thông tin thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư, cùng xây dựng và thực hiện các nguyên tắc và hướng dẫn để tăng cường thị trường năng lượng ổn định bền vững và minh bạch.

Đứng từ góc độ là nhà quản lý của một tổng công ty có mức đóng góp 25% - 30% tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm, là đầu tàu kinh tế của đất nước, và là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Nguyễn Quốc Thập cho biết, Petrovietnam trong những năm qua luôn đi tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế. Petrovietnam xác định, Mỹ Latinh là khu vực có tiềm năng dầu khí cao, là địa bàn đầu tư trọng điểm, chiến lược. Do vậy Petrovietnam đã chủ động thiết lập, phát triển quan hệ, xúc tiến hợp tác các đối tác tiềm năng tại Mỹ Latinh như: PDVSA (Venezuela), CUPET (Cuba), PERUPETRO (Peru), ENARSA (Argentina), YPFB (Bolivia), PETRONIC (Nicaragua), PETROECUADOR (Ecuador), ECOPETRO (Colombia) và PETROBRAS (Brazil). Từ năm 2008 đến nay, Tập đoàn đã ký kết và triển khai 5 hợp đồng dầu khí tại khu vực này, 2 hợp đồng đã ký kết đang chờ phê chuẩn và 1 hợp đồng chuẩn bị ký kết, tập trung ở Venezuela, Cuba và Peru.

 

Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác thương mại các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, đầu tư, hợp tác phát triển lĩnh vực năng lượng với các nước Mỹ Latinh.


Coi trọng hợp tác nông nghiệp

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Diệp Kỉnh Tần, tại Hội thảo “Đối tác nông nghiệp và năng lượng Việt Nam - Mỹ Latinh”, đã dẫn ra những con số ấn tượng mà ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được trong những năm qua. Từ năm 2000 đến nay, tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt gần 5,5%/năm. Năm 2011, sản lượng lúa đạt 42,3 triệu tấn, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu đạt gần 7,1 triệu tấn; sản lượng các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng sữa đều tăng mạnh; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,2%; tổng sản lượng thủy sản đạt 5,43 triệu tấn; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn ước tính giảm còn 15,5% (theo tiêu chí mới giai đoạn 2011-2015).

Việt Nam đã ký một số hiệp định, thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác song phương trong các lĩnh vực liên quan như: nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp với một số nước Mỹ Latinh như: Cuba, Venezuela, Mehico, Chile, Argentina, El Salvador; trao đổi các đoàn quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức triển lãm, giới thiệu sản phẩm giữa các bên liên quan. Các thỏa thuận hợp tác được ký kết đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa nông sản, thực phẩm, góp phần tăng cường hoạt động thương mại và hợp tác khoa học giữa các nước.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho biết, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác thương mại hàng nông lâm thủy sản, đầu tư, hợp tác phát triển sản xuất các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hợp tác và phát triển câu công nghiệp như cao su, cà phê, tạo điều thuận lợi cho các doanh nghiệp các bên liên quan trong xuất khẩu hàng sang thị trường của phía bên kia. Các giải pháp cụ thể là: huy động nguồn lực của các bên liên quan, bao gồm cả việc tham gia của bên thứ ba như Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và các tổ chức quốc tế khác; nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp hai bên hợp tác; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin; thiết lập và vận hành cơ chế đánh giá hợp tác nhằm tăng cường ảnh hưởng tích cực của các dự án chương trình hoạt động hợp tác.

Kết nối giao thông, viễn thông Việt Nam - Mỹ Latinh

Cùng nhau chia sẻ, trao đổi thông tin nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, trong buổi tọa đàm “Kết nối giao thông, hậu cần, viễn thông và dịch vụ Việt Nam - Mỹ Latinh”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu đáng kể, như đã xây dựng được thêm khoảng 30.000km đường bộ; giao thông đô thị từng bước được mở rộng, đặc biệt các tuyến vành đai, tuyến cửa ngõ đến các thành phố lớn; đường thủy nội địa, với 2.236 sông suối có tổng chiều dài khoảng 220.000km, trong đó, khoảng 19% có thể khai thác vận tải thủy và có 7% (15.400km) được quản lý khai thác thực tế; 22 cảng hàng không đang được khai thác, đạt mức tăng trưởng hành khách, hàng hóa trung bình 10%/năm. Đến năm 2020, sẽ có 10 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa, trong đó có cảng hàng không quy mô lớn với công suất phục vụ từ 80 -100 triệu khách/năm. Mạng lưới đường sắt Việt Nam hiện có tổng chiều dài 2.600 km, đang được phát triển theo hướng hiện đại hóa, nhanh chóng hình thành hệ thống đường sắt đô thị, đặc biệt là tại các đô thị lớn, từng bước xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao.

Trao đổi về kết quả hợp tác trong lĩnh vực viễn thông giữa Việt Nam - Mỹ Latinh, Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, cho đến nay, doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã mở rộng đầu tư tại một số thị trường Mỹ Latinh như Haiti, Peru và bước đầu gặt hái những kết quả tích cực. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội, xúc tiến đầu tư tại các thị trường khác trong khu vực như Cuba, Ecuador, Paraguay, Argentina...

Trong những năm tới, với định hướng xây dựng thị trường viễn thông phát triển bền vững, từng bước vươn ra quốc tế, Việt Nam luôn đánh giá cao và khuyến khích các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực viễn thông nhằm mở rộng thị trường, nâng cao doanh thu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Việt Nam sẵn sàng chào đón và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông Mỹ Latinh hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam, đồng thời cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của đối tác với các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đầu tư kinh doanh tại thị trường Mỹ Latinh.

Tiềm năng hợp tác địa phương Việt Nam - Mỹ Latinh

Cuộc tọa đàm về tiềm năng hợp tác địa phương Việt Nam - Mỹ Latinh là cơ hội tiếp xúc, trao đổi, tìm hiểu thông tin sâu hơn về khả năng hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với các đối tác Mỹ Latinh.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ là cầu nối vững chắc, hỗ trợ các địa phương Việt Nam phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác Mỹ Latinh. Cơ quan đại diện Việt Nam ở Mỹ Latinh và các cơ quan đại diện các nước Mỹ Latinh tại Việt Nam là những địa chỉ tin cậy, cung cấp thông tin, tư vấn và hỗ trợ cần thiết trong quá trình xây dựng và triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa các đối tác hai bên.

Trình bày về nhu cầu hợp tác của các địa phương Việt Nam, Vụ trưởng, Giám đốc Quỹ Ngoại giao kinh tế, Bộ Ngoại giao Trần Ngọc An nhấn mạnh, Việt Nam và Mỹ Latinh có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và đầu tư. Một số địa phương, như thành phố Đà Nẵng khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ Latinh đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cụ thể là công nghệ sinh học, năng lượng sinh học; thành phố Cần Thơ chú trọng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, công nghệ chế biến xuất khẩu, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là các cụm công nghiệp, các khu đô thị dịch vụ và văn hóa đã được quy hoạch là những lĩnh vực mà tỉnh Hải Dương kêu gọi các nước Mỹ Latinh đầu tư; tỉnh Quảng Nam muốn tìm kiếm thị trường các nước Mỹ Latinh để xuất khẩu các hàng hóa như sản phẩm may mặc, giày da, đồ gỗ, linh kiện điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ...

Để kết nối giữa các địa phương Việt Nam với các nước Mỹ Latinh về hợp tác kinh tế, thương mại, các đại biểu tham dự tọa đàm đã đề xuất giải pháp, như tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá hai chiều thông qua xây dựng trang thông tin điện tử, giới thiệu thông tin cập nhật về thị trường, đầu tư, cơ chế chính sách, tập quán kinh doanh, thị hiếu người tiêu dùng của các đối tác tiềm năng Việt Nam - Mỹ Latinh; tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch, giao lưu nhân dân, quan hệ hữu nghị nhằm hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi tìm ra các cơ hội hợp tác trên cơ sở thế mạnh, lợi thế so sánh, nguồn lực cũng như khả năng của các vùng, miền, địa phương của cả hai bên; hình thành những ý tưởng và biện pháp tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn, thiết lập quan hệ và xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể.

Gặp gỡ song phương, tăng cường hiểu biết

Nằm trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn Việt Nam - Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư, lãnh đạo đại diện các bộ, ngành địa phương của Việt Nam đã có nhiều cuộc tiếp xúc song phương quan trọng với các trưởng đoàn các nước Mỹ Latinh. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Brazil và Thứ trưởng Ngoại giao El Salvador; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Phủ Tổng thống Cộng hòa Dominicana, tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Brazil và Thứ trưởng Ngoại thương Colombia; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã tiếp Thứ trưởng Ngoại thương Colombia; Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Việt Thanh đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao El Salvador; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Brazil và Thứ trưởng Ngoại giao El Salvador; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Brazil; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã tiếp Chủ tịch Phòng Thương mại Argentina.

Trong các cuộc tiếp xúc, các Trưởng đoàn Mỹ La tinh đều hoan nghênh những thành tựu đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức Diễn đàn Việt Nam - Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư, coi đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ Latinh hiểu về tiềm năng hợp tác nhiều mặt của nhau, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hai bên trong thời gian tới. Các nước đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, viễn thông, dầu khí, kết cấu hạ tầng, lắp ráp ôtô, sản xuất hàng hóa …

Phát biểu với các vị đại diện các nước Mỹ Latinh dự Diễn đàn đến chào xã giao, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam và các nước Mỹ Latinh đã có quan hệ chính trị tốt đẹp, sự gắn bó về văn hóa tinh thần chính là nền tảng vững chắc để phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, đặc biệt là về kinh tế, thương mại và đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy, cùng với việc gia tăng tiếp xúc ở các cấp, nhất là ở cấp cao, trao đổi thương mại đầu tư giữa Việt Nam các nước Mỹ Latinh có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên tiềm năng hợp tác giữa các bên còn rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, giao thông, hậu cần viễn thông và dịch vụ. Việt Nam sẽ tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ Latinh đầu tư kinh doanh ổn định hiệu quả tại Việt Nam và mong muốn chính phủ cùng các doanh nghiệp Mỹ Latinh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam tại Mỹ Latinh.

Các trưởng đoàn của các nước Mỹ Latinh cũng bày tỏ, với những điều kiện sẵn có, các nước Mỹ Latinh mong muốn mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các trưởng đoàn cũng nhất trí đề nghị Việt Nam cùng các nước tăng cường quan hệ cấp cao, mở rộng các hoạt động xúc tiến, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp các bên hoạt động hiệu quả.

 

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Bộ trưởng Phủ Tổng thống Cộng hòa Dominicana Jose Miguel Mejia


Tại cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Phủ Tổng thống Cộng hòa Dominicana Jose Miguel Mejia bên lề Diễn đàn Việt Nam - Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư, hai vị bộ trưởng đã thông báo cho nhau những nét lớn về tình hình mỗi nước, khu vực và quốc tế, đồng thời trao đổi và nhất trí về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước; tăng cường phối hợp ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có Liên hợp quốc và Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC). Dominicana là đoàn đại biểu cấp cao có số lượng thành viên đông nhất sang tham dự và có đóng góp quan trọng cho thành công của Diễn đàn. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam coi trọng việc tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Cộng hòa Dominicana, đồng thời đề nghị Dominicana sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Bộ trưởng Jose Miguel Mejia bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Dominicana và khẳng định Dominicana sẽ quan tâm xem xét tích cực việc công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam.

Trong ngày làm việc thứ hai của Diễn đàn, các đoàn đại biểu của các nước Mỹ Latinh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, thăm quan một số cơ sở, doanh nghiệp của tỉnh./.