Ngày 28-3, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp Viện Nghiên cứu Tôn giáo (thuộc Viên Khoa học xã hội Việt Nam) và Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Biến động tín ngưỡng tôn giáo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở đồng bằng sông Cửu Long".

Tham dự Hội thảo có đông đảo đại biểu đại diện các cơ quan Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện Ủy ban nhân dân, Ban Dân vận, Công an và Ban Tôn giáo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là Hội thảo khoa học quan trọng lần đầu tiên được tổ chức nhằm tìm hiểu, cung cấp tổng hợp cơ sở khoa học về biến động tín ngưỡng tôn giáo ở đồng bằng sông Cửu Long phục vụ mục tiêu tiếp tục đổi mới chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo theo tin thần nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Trong những năm qua, với chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà Nước ta, đông đảo chức sắc tín đồ các tôn giáo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, hoạt động đúng luật pháp và luật đạo, tích cực tham gia các phong trào chung tay xây dựng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương theo đường hướng "Sống tốt đời, đẹp đạo".

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 4 dân tộc chủ yếu cùng chung sống như: Kinh, Khmer, Hoa, Chăm, là địa bàn quan trọng về kinh tế, văn hóa, đối ngoại, an ninh, quốc phòng của cả nước. Quá trình hình thành và phát triển đặc biệt là từ cuối thế kỷ 17 cho đến nay, vùng đất này đã hình thành không gian văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo mang đậm dấu ấn, sắc thái riêng. Từ chỗ chỉ có các tôn giáo như: Đạo Phật, Thiên chúa, Cao đài, Tin lành (trong đó Phật giáo, Cao đài và Tin lành có nhiều hệ phái khác nhau), đến nay vùng đồng bằng sông Cửu Long có đến 12 tôn giáo có pháp nhân cùng hoạt động với khoảng 5,95 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm 34,07% dân số), hơn 47.334 chức sắc, chức việc, 4.646 cơ sở thờ tự và trên 1.196 cơ sở tín ngưỡng dân gian như: đình, miếu, đền, hội quán.

Hội thảo thống nhất nhận định: Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, cũng như cả nước, tín ngưỡng tôn giáo ở đồng bằng sông Cửu Long đã và đang có những chuyển biến lớn, có cả biểu hiện tích cực và tiêu cực. Ngoài 12 tôn giáo có pháp nhân còn có 25 tổ chức xưng danh tôn giáo như Thanh Hải Vô Thượng Sư, Pháp Luân Công… đang hoạt động trái phép trên địa bàn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trong một ngày làm việc, Hội thảo đã nghe 21 báo cáo khoa học và nhiều ý kiến tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu, nhà tu hành, cán bộ quản lý về tôn giáo tập trung thảo luận sâu nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, dẫn giải xoay quanh 04 vấn đề hội thảo quan tâm như: những nét đặc sắc của các tôn giáo, nhiều khi là độc nhất vô nhị về tín ngưỡng tôn giáo ở đồng bằng sông Cửu Long; tình hình, đặc điểm của những tôn giáo, tín ngưỡng đang hoạt động; những quan điểm chính sách chủ yếu của đảng và nhà nước và tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng tôn giáo từ sau đổi mới đến nay và việc vận dụng quan điểm, chính sách ấy tại mỗi địa phương đồng thời trao đổi kinh nghiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng…

Căn cứ tình hình thực tiễn đó, các tỉnh, thành đề ra giải pháp cụ thể, hoặc kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, gợi mở đường hướng phát triển, thiết thực giúp cho Ban Tổ chức Hội thảo tổng kết, đánh giá thực trạng một cách chính xác, đầy đủ, sát hợp phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo ở ĐBSCL đạt hiệu quả thiết thực hơn trong thời gian tới./.