TCCSĐT - Nhằm phân tích, đánh giá thực trạng, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong bối cảnh hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp, khuyến nghị về quản trị DNNN đối với Việt Nam trong tái cấu trúc nền kinh tế, ngày 29-11-2011, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Quản trị doanh nghiệp nhà nước trong tái cấu trúc nền kinh tế”.

Sau phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) - bà Victoria Kwakwa và Giám đốc Trung tâm Tài chính và Phát triển châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Tài chính, Trung Quốc) Bành Nhuận Trung, các diễn giả đến từ một số nước và tổ chức tài chính quốc tế đã trình bày những nội dung xoay quanh chủ đề nâng cao hiệu quả quản trị DNNN, như thực trạng quản trị DNNN, những tồn tại trên thực tế, kinh nghiệm rút ra, mục tiêu hướng tới và những giải pháp để đạt mục tiêu đó.

Quản trị tốt DNNN nhằm đóng góp tích cực vào hiệu quả kinh tế chung và năng lực cạnh tranh quốc gia

Thuật ngữ doanh nghiệp nhà nước (DNNN - SOE) được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dùng để chỉ “các doanh nghiệp mà nhà nước có quyền kiểm soát thông qua sở hữu toàn bộ, đa số hay thiểu số quan trọng”. Ở một số quốc gia OECD, DNNN vẫn chiếm một phần quan trọng trong GDP, lực lượng lao động và vốn. DNNN thường phổ biến trong các ngành cung cấp dịch vụ công cộng và kết cấu hạ tầng như năng lượng, giao thông, viễn thông - những ngành mà hiệu quả của nó rất quan trọng đối với người dân và các ngành kinh tế khác. Vì thế, trong phát biểu của mình, ông Sameer Goyal (WB) nhấn mạnh, quản trị DNNN cần được đặc biệt chú trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động, giá trị vốn cho cổ đông và mức độ ổn định tài chính cho doanh  nghiệp; góp phần nâng cao vị thế tài chính của chính phủ, giảm nợ ngoài dự kiến; thúc đẩy quá trình định giá và cổ phần hóa; giúp nâng cao khả năng tiếp cận với các nguồn vốn thay thế; tăng cường giám sát và phòng chống lạm dụng. Quản trị tốt DNNN nhằm bảo đảm sự đóng góp tích cực vào hiệu quả kinh tế chung và năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo kinh nghiệm của OECD, để quản trị DNNN hiệu quả cần, một là, khuôn khổ pháp lý và quản lý DNNN phải bảo đảm một sân chơi bình đẳng trên thị trường - nơi các DNNN và doanh nghiệp tư nhân có thể tự do cạnh tranh nhằm làm tránh sự biến dạng thị trường, trong đó cần phân định rõ chức năng chủ sở hữu và các chức năng khác, đặc biệt là chức năng quản lý thị trường; chính phủ cần nỗ lực đơn giản hóa và hợp lý hóa thông lệ hoạt động và khuôn khổ pháp lý cho DNNN; bất kỳ nghĩa vụ và trách nhiệm nào mà DNNN phải thực hiện có liên quan đến dịch vụ công vượt ra ngoài chuẩn mực cho phép chung cần được luật pháp quy định rõ ràng; cho phép DNNN linh hoạt trong thay đổi cơ cấu vốn khi cần thiết để đạt mục tiêu của doanh nghiệp; DNNN phải đáp ứng các điều kiện cạnh tranh về sử dụng tài chính. Hai là, nhà nước cần làm tốt vai trò chủ sở hữu và tích cực xây dựng chính sách rõ ràng, nhất quán bảo đảm việc quản trị DNNN được thực hiện một cách chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả. Ba là, công nhận quyền của mọi cổ đông và bảo đảm quyền được đối xử công bằng. Bốn là, cơ chế, chính sách của nhà nước cần quy định đầy đủ trách nhiệm của DNNN với các bên có quyền lợi liên quan và yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về mối quan hệ của họ với các bên có quyền lợi liên quan đó.

Giám sát và trách nhiệm giải trình trong quản trị DNNN, tập đoàn kinh tế nhà nước

TS. Nguyễn Đình Cung (Viện Quản lý kinh tế Trung ương) đã phân tích hiệu quả hoạt động của các DNNN, các tập đoàn kinh tế nhà nước dưới góc độ giám sát và trách nhiệm giải trình trong quản trị DNNN, tập đoàn kinh tế nhà nước. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, DNNN của Việt Nam có vai trò to lớn và vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, thể hiện ở những khía cạnh như: là bộ phận chủ yếu của thành phần kinh tế chủ đạo trong nền kinh tế; là bộ phận chủ lực thực hiện quá trình công nghiệp hóa; là trụ cột quốc gia trong cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế nước ngoài; là công cụ để điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ; là một trong số các công cụ thực hiện chính sách xã hội của Nhà nước; là thành phần tạo nên nền tảng kinh tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong thời gian qua, DNNN nói chung và tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nói riêng, chưa hoàn thành được vai trò và vị trí của mình trong phát triển kinh tế, hiệu quả kinh doanh thấp và có xu hướng giảm, chưa trở thành doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, là do chưa có cơ chế và thể chế giám sát, đánh giá đối với tổ chức, cá nhân được ủy quyền thực hiện quyền sở hữu nhà nước, cũng như hoạt động thực hiện quyền chủ sở hữu của họ. Vì thế, để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, từ góc độ quản trị doanh nghiệp, cần chọn hai khâu đột phá. Đó là, thiết lập thể chế yêu cầu tập đoàn, tổng công ty nhà nước công khai, minh bạch hóa thông tin theo thông lệ quốc tế, buộc các cơ quan, cá nhân đại diện chủ sở hữu và các bên liên quan trực tiếp hoặc liên đới chịu trách nhiệm giải trình về kết quả, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của họ, kết quả, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN và từng DNNN. Hai là, đổi mới tư duy, thiết lập thể chế, công cụ xây dựng năng lực của thể chế chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước theo thông lệ tốt và pháp luật hiện hành.

Giám đốc doanh nghiệp đẳng cấp thế giới cần làm chủ 3 lĩnh vực: tư duy, kỹ năng và kiến thức

Đến từ Malaysia, ông Aziz Bakar, CEO Học viện Giám đốc nước này, cho biết, DNNN đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Malaysia, với 5% lực lượng lao động quốc gia; là một phần quan trọng của nền kinh tế quốc dân và là nhà cung cấp các dịch vụ thiết yếu trong các lĩnh vực viễn thông, vận tải, ngân hàng và dịch vụ tài chính. Các DNNN của Malaysia hiện nay cũng đang đứng trước nhu cầu cần nâng cao hiệu quả hoạt động. Một trong những giải pháp được đưa ra là các giám đốc doanh nghiệp cần được đào tạo để đạt trình độ quốc tế. Theo sáng kiến của Chương trình chuyển giao công ty có liên quan tới chính phủ, Học viện Giám đốc Malaysia (MINDA) đã được thành lập vào tháng 12-2006. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Tài chính Malaysia với mục tiêu trang bị cho giám đốc các DNNN kiến thức, kỹ năng, tư duy tầm thế giới để từ đó thực hiện các nhiệm vụ của giám đốc một cách chuyên nghiệp và hiệu quả, củng cố hiệu quả làm việc của hội đồng quản trị. Xuất phát từ chỗ xác định rằng, để trở thành một giám đốc doanh nghiệp đẳng cấp thế giới, cần làm chủ 3 lĩnh vực là tư duy, kỹ năng và kiến thức, trong đó tư duy là yếu tố quan trọng nhất, MINDA đã xây dựng chiến lược đào tạo nhằm hỗ trợ giám đốc doanh nghiệp tập trung vào các vai trò và trách nhiệm cơ bản, như hoạch định chiến lược, quản lý doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp...

Một số vấn đề về vai trò Ủy ban đầu tư nhà nước và quy chế quản trị đối với công ty nhà nước niêm yết ở Trung Quốc

TS. Trần Tiểu Hồng (Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc) cho biết, tại Trung Quốc, sau 30 năm, chế độ quản lý đối với DNNN đã có những thay đổi lớn: từ chỗ chỉ có 1 loại hình doanh nghiệp chuyển thành 2 loại hình là doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp phi quốc doanh. Tổng giá trị sản phẩm công nghiệp của DNNN từ 80% năm 1978 giảm xuống còn 30% năm 2010; từ chỗ nhà nước nắm 100% vốn chuyển thành công ty cổ phần. Tham luận của TS Trần Tiểu Hồng trình bày về chức năng nhiệm vụ của Ủy ban đầu tư nhà nước trong quản lý DNNN; vai trò và mô hình hội đồng quản trị trong đổi mới DNNN; mối quan hệ giữa DNNN và tổ chức Đảng trong doanh nghiệp... thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu dự Hội thảo. TS. Trần Tiểu Hồng cho biết, cổ phần trong đại đa số các doanh nghiệp kinh doanh là do Ủy ban Đầu tư nhà nước nắm giữ và quản lý. Ủy ban này có chức năng cơ bản là đại diện cho vốn đầu tư của nhà nước, điều hành nắm giữ vốn nhà nước; chỉ đạo ủy ban đầu tư các địa phương; thực hiện nhiệm vụ do Quốc vụ viện ủy quyền. Trong quản lý DNNN, Ủy ban này xác định nhiệm vụ và phương hướng của DNNN; phê chuẩn chiến lược DNNN; phê chuẩn việc sáp nhập, chia tách và quản lý tài sản; phê chuẩn và quản lý các dự án đầu tư; duyệt dự toán; phê chuẩn những khoản đầu tư và vốn và phân bổ ngân sách; phê chuẩn phương án phân phối lợi nhuận; chế độ báo cáo và công bố thông tin; quyết định và điều động nhân sự; chỉ đạo quản lý...

Từ góc độ của người nghiên cứu, GS. Tưởng Thiết Trụ (Viện Nghiên cứu kinh tế, Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải) đã phân tích những tồn tại chủ yếu trong quy chế quản trị đối với công ty nhà nước niêm yết, trong đó chú trọng đến vấn đề thiếu sự tách biệt trong quản lý giữa công ty mẹ và công ty con “đồng thời nắm quyền quản trị của công ty mẹ và công ty con: vừa là lãnh đạo của công ty quốc doanh do chính phủ bổ nhiệm đồng thời chịu trách nhiệm lãnh đạo đối với công ty con khi niêm yết trên sàn”. Sự không tách biệt đó, theo GS. Tưởng Thiết Trụ, đã dẫn đến những vấn đề như: những cổ đông nhà nước lấn át lợi ích của những cổ đông vừa và nhỏ trong công ty niêm yết; cổ đông nhà nước coi cơ chế quản trị đối với công ty niêm yết như một công cụ chỉ đạo của chính phủ; đại diện cổ đông nhà nước là “siêu lãnh đạo” của công ty niêm yết; quyền lợi và ràng buộc lỏng lẻo dẫn đến hành vi tư lợi của lãnh đạo. Cũng theo GS. Tưởng Thiết Trụ, thực trạng một lãnh đạo “đóng hai vai” dẫn đến một loạt tồn tại như: có những hành vi thiếu chuẩn mực vì chủ yếu phải lo đáp ứng yêu cầu của cấp trên chứ không phải yêu cầu của thị trường, muốn ổn định, sợ thay đổi, do “không cần có công” mà “cần không sai sót” nên thiếu bản lĩnh, không dám làm, không dám đối mặt với thách thức...; thường xảy ra mâu thuẫn trong các quyết sách của công ty vì họ vừa phải nhìn lên, lại vừa phải nhìn xuống, vừa vì “đại cục”, lại vừa phải vì “tiểu cục”, vừa chú ý đến quyền lợi của tập đoàn, lại vừa phải chú ý đến quyền lợi của công ty niêm yết; làm mất đi khả năng bảo toàn và gia tăng giá trị tài sản của nhà nước; cùng tồn tại quản lý bên trong và quản lý bên ngoài. Do có “quyền cổ đông lớn” mà lại thiếu chủ thể sở hữu đối với tài sản nhà nước nên khó tránh khỏi tình trạng “nội bộ tự quản lý”... GS. Tưởng Thiết Trụ đưa ra một số giải pháp cho thực trạng này, chẳng hạn: chuyển mô hình quản trị doanh nghiệp từ đơn sở hữu sang đa sở hữu để làm giảm tính độc quyền trong quyết sách, tránh tình trạng công ty mẹ can thiệp vào công ty con; nâng cao quyền của cổ đông trong quản trị doanh nghiệp; đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế giám đốc chuyên nghiệp, thực hiện tuyển chọn giám đốc cho công ty sở hữu nhà nước đã niêm yết theo cơ chế thị trường...

Ghi nhận những tham luận và ý kiến phát biểu, trao đổi, Ban Tổ chức Hội thảo khẳng định, đó là những đóng góp rất có giá trị tham khảo, gợi ý cách nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn, đóng góp thiết thực vào quá trình xây dựng, hoàn thiện “Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước” đang được Bộ Tài chính Việt Nam triển khai./.