“Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử”
Đồng chí Trung tướng Nguyễn Thành Cung phát biểu khai mạc Hội thảo
|
Dự và chỉ đạo Hội thảo có đồng chí Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Lê Hữu Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; Trung tướng Chăn xa mỏn Chăn nha lạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, nhân chứng cách mạng Lào; các đại biểu là thủ trưởng cơ quan Bộ Quốc phòng, các tổng cục, Bộ Tư lệnh các quân khu, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận trung ương, Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Lào, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân và đại diện các cơ sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Trị, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội…
Đặc biệt, dự Hội thảo còn có Đoàn cán bộ Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, lãnh đạo tỉnh Xavannakhet, cán bộ nghiên cứu lịch sử quân sự và các nhân chứng lịch sử của Lào từng tham gia chiến dịch.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Thành Cung cho biết: Cách đây 40 năm, vào Mùa xuân năm 1971, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, quân và dân Mặt trận Đường 9 Quảng Trị cùng quân dân cả nước phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Lào mở chiến dịch phản công trên Đường 9 - Nam Lào, đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của quân đội Việt Nam cộng hòa, với sự yểm trợ của quân đội Mỹ, làm thất bại nặng nề cả về quân sự lẫn chính trị của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bảo vệ vững chắc tuyến hành lang vận tải chiến lược dọc biên giới Việt - Lào, làm phá sản một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tiến lên giành thắng lợi quyết định.
Đồng chí Lê Hữu Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị khẳng định: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Trị có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, bởi nơi đây có Đường 9 đi sang nước bạn Lào, 2 nhánh đường Hồ Chí Minh; phía Đông - Bắc từ Dốc Miếu, Mỹ ngụy dựng hàng rào điện tử Macnamara tạo thành một vành đai trắng. Với địa thế trọng yếu đó, hòng “bóp nghẹt” cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam, Mỹ, ngụy mở “Cuộc hành quân Lam Sơn 719” đánh vào vùng Đường 9 - Nam Lào. Đây là một trong ba cuộc tiến công quy mô lớn của địch nhằm đánh phá, cắt đứt tuyến vận tải chiến lược của ta từ gốc, hủy diệt cơ sở hậu cần chiến lược và làm cho lực lượng vũ tranh của ta ở miền Nam suy yếu, không thể tập trung đánh lớn trong mùa khô năm 1971 - 1972, để Mỹ dễ dàng thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, giành thế chủ động trên chiến trường.
Biết trước mưu đồ của địch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã quyết định mở Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, với quy mô lớn, tác chiến hiệp đồng binh chủng nhằm tiêu diệt nhiều đơn vị dự bị chiến lược của địch, bảo vệ vững chắc tuyến hành lang vận chuyển chiến lược và hậu phương của ta, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch và đánh phá “bình định” của chúng.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trung tướng Chăn xa mỏn Chăn nha lạt, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào nhấn mạnh, mục đích chính của chiến lược quân sự của Mỹ trong thời gian đó là tiến hành các cuộc hành quân chiến lược ở chiến trường Đông Dương, mở đồng loạt các cuộc tấn công trên cả 3 chiến trường, nhằm cắt đứt liên lạc, tiếp tế cấp chiến lược trên cả 3 nước; giành được chiến thắng (sau một năm, 1971), chúng thực hiện cuộc tấn công vào Đông Bắc Cam-pu-chia, cuộc hành quân chiến lược Quang Trung vào Tây Nguyên - Việt Nam và Cuộc hành quân chiến lược “Lam Sơn - 719” từ Nam Việt Nam tấn công theo trục đường số 9 (năm 1971), đánh vào Bản Đông - Mường Phìn - Sê Pôn (Trung - Hạ Lào). Trong đó, cuộc hành quân “Lam Sơn - 719” là lớn nhất. Mục đích của cuộc hành quân này là “đánh phá tận gốc tuyến hành lang vận tải chiến lược” của cách mạng ba nước Đông Dương, chiếm toàn bộ địa bàn tỉnh Xavannakhet, chia cắt vùng giải phóng của Lào, làm cho cách mạng Lào lâm vào thế khó khăn, dẫn đến thoái trào. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn tăng cường viện trợ cho lực lượng Ngụy - Lào và Lực lượng đặc biệt Vàng Pao, phối hợp cùng lính đánh thuê Thái Lan tăng cường hoạt động giành thế có lợi trên chiến trường Đông Dương nói chung và chiến trường Lào nói riêng.
Phát huy sức mạnh tổng hợp, củng cố tăng cường đoàn kết, liên minh chiến đấu nhân dân ba nước Đông Dương, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giành quyền chủ động, kiên quyết đấu tranh đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, hai Bộ Tổng tham mưu Việt Nam và Lào đã tăng cường chỉ đạo các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam và quân giải phóng Lào ở các quân khu Bắc - Trung - Nam Lào, tổ chức các mặt trận để bảo đảm chỉ huy, chỉ đạo chiến trường trong từng khu vực và toàn quốc, nhằm xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Theo đó, Bộ Chỉ huy tối cao đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam mở “Chiến dịch 74B”, “Chiến dịch 139”, ở chiến trường Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, để giải phóng vùng Mường Xủi; Xảm Thông - Long Chẹng, thành lập Mặt trận số 9, (khối 23) ở Nam Lào, nhằm đối phó với cuộc hành quân chiến lược Lam Sơn 719 của Mỹ - Ngụy vào Trung - Nam Lào; thành lập Mặt trận Y ở Hạ Lào để tấn công tiêu diệt lực lượng chủ lực quan trọng của địch. Đặc biệt, nhận rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong các chiến dịch phối hợp giữa quân đội hai nước Việt Nam, Lào, Trung ương Đảng và Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng Lào đã đề ra quyết tâm, tổ chức lực lượng tham gia giải phóng Trung Lào, xây dựng được thế chiến trường liên hoàn giữa Việt Nam và Lào.
Sự chỉ đạo và phương hướng chiến lược đó đã góp phần quyết định vào thắng lợi của nhân dân các bộ tộc Lào trong những năm quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trực tiếp là mùa khô năm 1970 - 1971 với việc đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của đế quốc Mỹ và tay sai, mở ra cục diện mới trên chiến trường, tạo thế, tạo lực đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nhận định: Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Thắng lợi này là một đòn chí mạng đánh vào âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Đông Dương, vào âm mưu dùng “người Đông Dương đánh người Đông Dương”, đồng thời đánh bại một bước quan trọng chính sách “Việt Nam hoá chiến tranh”, làm cho tinh thần của Mỹ - ngụy vốn đã suy sụp càng suy sụp nhanh chóng.
Đối với nhân dân Đông Dương, thắng lợi của chiến dịch đã tác động mạnh mẽ đến cục diện chiến tranh trên chiến trường ba nước Đông Dương, làm cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước phát triển mạnh mẽ.
Thắng lợi của chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào phản ánh sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta cả về trí thông minh, tài thao lược và trình độ tác chiến. Trên thực tế, mặc dù kẻ thù đã huy động đến mức cao nhất cái gọi là “tiềm lực” và “ưu thế tuyệt đối” của binh khí kỹ thuật và phương tiện chiến tranh, nhưng bộ đội ta đã chiến đấu dũng cảm, kiên quyết phản công và tiến công, chia cắt và vây hãm đội hình hành quân của địch, giáng cho chúng những đòn sấm sét, giành thắng lợi giòn giã.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung làm sâu sắc hơn, sáng tỏ hơn những vấn đề sau:
Một là, nêu bật vai trò, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; sự phát triển, trưởng thành trong chỉ đạo, điều hành chiến dịch đến nghệ thuật chỉ huy hiệp đồng tác chiến của các lực lượng vũ trang và nhân dân hai nước Việt - Lào; tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của lực lượng tham gia chiến dịch.
Hai là, đi sâu phân tích làm rõ âm mưu, thủ đoạn, bản chất hiếu chiến xâm lược của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong việc ngăn chặn tuyến vận tải chiến lược của ta, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Ba là, khẳng định và làm sáng tỏ tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi, những kinh nghiệm quý báu về sự chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến đấu; về sự phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào, giữa các lực lượng tham gia chiến dịch; qua đó vận dụng và phát huy những bài học lịch sử vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố, tăng cường quốc phòng trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay.
Lịch sử diễn ra một lần, nhưng nhận thức về nó không chỉ một lần. Với ý nghĩa đó, xuất phát từ quan điểm khách quan, khoa học, dựa trên những tư liệu tin cậy và bằng phương pháp nghiên cứu đúng đắn, Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào: Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử” sẽ góp phần nhìn nhận một cách đầy đủ, sâu sắc và có sức thuyết phục về tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi của chiến dịch này. Kết quả hội thảo sẽ cung cấp những cứ liệu quan trọng để bổ sung vào lịch sử kháng chiến, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam và lịch sử mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Hội thảo cũng nhằm tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; khơi dậy niềm tự hào dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài tham luận của các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước./.
Thống nhất nhận thức, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông  (29/11/2011)
Hội thảo lý luận lần thứ 7 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc  (28/11/2011)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh  (28/11/2011)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thái tử Đan Mạch  (28/11/2011)
Việt Nam - Đan Mạch trao đổi kinh nghiệm tăng trưởng xanh bền vững  (28/11/2011)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên