TCCS - Sau hơn mười năm tái lập, nhờ làm tốt công tác phát triển Đảng, đến nay, trong số 1.396 thôn, bản, tổ phố của tỉnh Bắc Cạn chỉ còn ba thôn, bản chưa có đảng viên. Đây có thể coi là một “kỳ tích”, bởi gần 1.400 thôn, bản, tổ phố đó - nơi có bảy dân tộc anh em sống phân tán trên diện tích rộng gần 5.000 km2 từ khe, suối sâu tới đồi núi cao rất đa dạng và hiểm trở. Vả nữa, cuộc sống mọi mặt của người dân còn muôn vàn khó khăn vì Bắc Cạn vẫn là một trong những tỉnh thuộc diện khó khăn nhất nước. Vậy, tại sao trong hoàn cảnh đó, Bắc Cạn lại vượt lên làm tốt việc lâu nay được coi là khá khó khăn ấy?

Quyết liệt trong chỉ đạo

Trả lời câu hỏi của chúng tôi: Vì sao Bắc Cạn làm tốt công tác phát triển Đảng ở thôn, bản?, đồng chí Đinh Thị Sơn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Cạn khẳng định: Có được kết quả đó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, sự cố gắng của cấp ủy các cấp, nhưng trước hết phải nói tới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy dành cho lĩnh vực này. Ngay từ ngày đầu tái lập tỉnh (năm 1997), Tỉnh ủy xác định, điều kiện tự nhiên - xã hội của tỉnh rất khó khăn, muốn phát triển kinh tế- xã hội, không chỉ dựa vào sự giúp đỡ của Trung ương, của các nguồn lực bên ngoài, mà cái chủ yếu là tự thân phải từng bước lo được cho chính mình, vì không ai hiểu và lo cho Bắc Cạn được bằng chính người Bắc Cạn! Và, mấu chốt của vấn đề là phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên rộng khắp. Càng những nơi khó khăn, gian khổ, càng phải có đội ngũ đủ mạnh để điều hành công việc, nhất là ở các thôn, bản vùng cao, vùng xa.

Từ định hướng đó, Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển Đảng mang tính chiến lược trong mười năm, với lộ trình thực hiện cụ thể. Hằng năm, Ban Tổ chức có các chỉ thị về công tác phát triển Đảng để chỉ đạo, bổ sung, rút kinh nghiệm kịp thời về những ưu điểm, hạn chế trong cách làm phù hợp tình hình và yêu cầu của thực tế và đòi hỏi các cấp ủy thực hiện nghiêm túc. Không chỉ vậy, ngay trong các chuyến đi làm việc với địa phương, lãnh đạo Tỉnh ủy bao giờ cũng dành thời gian đến tận những thôn, bản xem xét, nắm tình hình phát triển Đảng và chỉ đạo các ban, ngành chức năng kịp thời tháo gỡ vướng mắc.

Do phong tục, tập quán và trình độ dân trí ở các thôn, bản vùng xa còn hạn chế nên công tác phát triển Đảng thường gặp khó khăn. Chẳng hạn người có đủ uy tín đối với quần chúng thì lại không đủ tiêu chuẩn kết nạp Đảng như sinh nhiều con, trình độ học vấn thấp... Khi nhận được đề nghị cho hướng xử lý về những trường hợp cụ thể đó, vấn đề nào Ban Tổ chức Tỉnh ủy đủ thẩm quyền quyết định thì quyết định ngay, hoặc cử cán bộ về tận nơi xem xét, cho ý kiến. Vấn đề nào phải trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến thì cũng khẩn trương tiến hành. Quy định được đặt ra là những việc đó phải giải quyết trong vòng ba ngày, kể từ khi nhận được kiến nghị từ cấp ủy cấp dưới.

Cấp trên chỉ đạo quyết liệt đã làm gương và lôi cuốn cấp dưới quyết liệt hành động. Ở huyện Chợ Mới, hơn mười năm qua, Huyện ủy đã xây dựng và ban hành một loạt nghị quyết có mối liên quan, hỗ trợ công tác phát triển Đảng. Trong các nghị quyết đó, công tác phát triển Đảng luôn được coi là mấu chốt để giải quyết tốt các vấn đề kinh tế - xã hội khác. Bên cạnh các nghị quyết chuyên đề, Huyện ủy Chợ Mới luôn có các chỉ thị chỉ đạo, xác định, hướng dẫn các nội dung liên quan công tác phát triển Đảng theo từng năm, từng quý, thậm chí có lúc là từng tháng, tùy theo tình hình thực tế.

Còn ở Pác Nặm - huyện vùng cao, vùng xa nhất tỉnh Bắc Cạn - sự chỉ đạo quyết liệt thể hiện ở chỗ, Huyện ủy ra chủ trương giao hẳn cho Phó Bí thư hoặc Thường trực Đảng ủy xã, ngoài các nhiệm vụ bình thường phải chuyên trách công tác phát triển Đảng trên địa bàn và chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực này. Phải có người chuyên trách, phải có người chịu trách nhiệm cụ thể thì hiệu quả mới cao được. Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Pác Nặm, Ma Thế Quyên, lý giải như vậy.

Nhờ vậy, tuy mới được tách ra từ huyện Ba Bể được hơn năm năm, nhưng Pác Nặm đã hoàn thành nhiệm vụ xóa các thôn, bản chưa có đảng viên.

Sáng tạo trong hành động

Tạo nguồn luôn là khâu khó khăn nhất trong công tác phát triển Đảng ở thôn, bản bởi phong tục, tập quán và trình độ người dân còn hạn chế. Từ lâu, Bắc Cạn có chủ trương đưa con em ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa thực hiện nghĩa vụ quân sự để được đào tạo trong môi trường quân đội. Hết nghĩa vụ, những người đó được đào tạo thêm một khóa học ngắn về chuyên môn, nghiệp vụ nào đó, rồi trở về thôn, bản và coi đây là một nguồn phát triển Đảng rất quan trọng. Tuy nhiên, số lượng theo nguồn này luôn là “hạt muối bỏ biển” so với nhu cầu thực tế. Vì thế, việc phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng phát triển Đảng tại chỗ luôn được đặt lên hàng đầu. Vấn đề là phải làm thế nào để vừa bảo đảm tiêu chuẩn theo Điều lệ Đảng đề ra, vừa phù hợp điều kiện cụ thể của từng thôn, bản?

Pác Nặm đã có cách làm như sau: thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi như 134, 135... và các mô hình phát triển sản xuất như mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xen canh, tăng năng suất; sử dụng giống mới; một vụ lúa một vụ cá..., các chi bộ phát hiện những người có khả năng nhận thức tốt, làm ăn giỏi để đưa vào “tầm ngắm”. Sau đó, rà soát theo tiêu chuẩn đã quy định và tiếp tục tìm cách bổ sung. Ví như, trình độ học vấn thấp thì gửi học các lớp xóa mù theo Chương trình xóa mù chữ cho đồng bào vùng cao. Nếu vướng các vấn đề khác như đẻ quá hai con, có đạo... thì tùy từng trường hợp cụ thể, trình xin ý kiên cấp trên. Với cách làm này, vấn đề “bí đầu vào” từng bước được giải quyết.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về công tác phát triển Đảng ở thôn, bản, đồng chí Ma Văn Khoát, Phó Bí thư Đảng ủy xã Yên Cư, huyện Chợ Mới thẳng thắn nói: - Phát triển Đảng ở đây mà cứ rập khuôn là không ổn đâu, phải linh động giải quyết mới được. ở các thôn người Dao, người Mông mà cứ đòi hỏi vào Đảng phải có trình độ trung học là không có đâu, chỉ tiểu học thôi. Ai làm ăn giỏi, sống tốt là cho vào thôi, chuyện nhiều chữ, ít chữ từ từ giải quyết mà.

Cái “từ từ giải quyết” ở đây là cho “nợ” tiêu chuẩn, kết nạp trước đã, rồi sau đó đi học các lớp bổ túc. Tuy nhiên, không phải một lúc mà giải quyết được “món nợ” này vì lớp bổ túc thường mở ở trung tâm xã, mà từ bản xa nhất đến lớp học có khi mất cả ngày đường. Do vậy, “trước mắt đành phải chấp nhận như thế đã”- Đó là lời khẳng định của đồng chí Trần Thanh Hương, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Chợ Mới. Đồng chí lý giải thêm, chấp nhận, không có nghĩa là coi nhẹ chất lượng đảng viên mà vì hoàn cảnh bắt buộc nên phải quyết định thế để làm điểm tựa cho những việc tiếp theo. ở giữa một bản heo hút nơi lưng chừng núi, có được một đảng viên là có một điểm tựa, là một đầu mối quan trọng để các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến được với dân. Nó giống như khi chúng ta bắt đầu nhóm lửa vậy, điều quan trọng nhất là phải có một hòn than đỏ, khéo thổi sẽ có một bếp lửa to. Sẽ không bao giờ có một bếp lửa nếu không có một hòn than đỏ. Đó là điều chắc chắn. Đây là một sự linh hoạt cần thiết trong hành động.

Nhờ quyết liệt trong chỉ đạo và linh hoạt trong hành động nên công tác phát triển Đảng ở Bắc Cạn đã có những bước tiến rõ rệt. Mười năm qua, bình quân mỗi năm Bắc Cạn kết nạp được 1.000 người vào Đảng. Cuối năm 1997, Bắc Cạn còn 152 thôn, bản và 26 trường học chưa có đảng viên thì đến nay chỉ còn ba thôn, bản và một trường mầm non chưa có đảng viên. Bắc Cạn hiện có gần 22 nghìn đảng viên, chiếm 7,1% dân số, một tỷ lệ khá cao so với cả nước.

Không để “tắt lửa mới thêm củi”

Khi việc “phủ sóng” đảng viên tới các thôn, bản vùng cao, vùng xa cơ bản hoàn thành thì Bắc Cạn lại phải đối mặt với nguy cơ tái lập các thôn, bản không có đảng viên. Nguy cơ này đã trở thành hiện thực ở một số nơi. Cách đây không lâu, đảng viên người Hmông duy nhất ở bản Phia Đen, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, đã “vác chảo gang” theo gia đình di cư tự do vào phía Nam. Thế là bản lại trở về tình trạng “trắng đảng viên”. Hay như ở thôn Phia Rả, xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, trở thành bản chưa có đảng viên chỉ vì hai đồng chí nữ ở đây đi lấy chồng sang thôn khác. Qua đây có thể thấy, việc phát triển Đảng trong thôn, bản ở Bắc Cạn tuy đã làm tốt nhưng tính bền vững chưa cao. Chỉ cần có sự dịch chuyển nhỏ về con người là nguy cơ “tái trắng đảng viên” xảy ra. Mặt khác, số lượng đảng viên mỏng đã làm tăng số lượng chi bộ ghép. Hiện tại, toàn tỉnh Bắc Cạn có 204/1.154 chi bộ thôn, bản tổ phố phải sinh hoạt ghép. Mặt khác, ở một số nơi, chất lượng đảng viên mới chưa cao nên cho dù có đủ số lượng đảng viên thành lập chi bộ, nhưng vẫn phải sinh hoạt ghép. Thậm chí có nơi phải tăng cường bí thư từ nơi khác đến, như Bí thư Chi bộ hai thôn Nà Lẩy và Lùng Pảng ở xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm là Trưởng thôn Khâu Đấng được Đảng ủy xã “biệt phái” vào vì theo lời Phó Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Thịnh nói là “chưa có ai đủ giỏi để làm bí thư chi bộ cả”.

Từ thực tế đó cho thấy, việc phát triển Đảng ở thôn, bản ở Bắc Cạn mới chỉ khắc phục vấn đề thôn, bản chưa có đảng viên, nhưng mỗi thôn chỉ có một, hai đảng viên thì việc phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ở đó còn là vấn đề khó. Như vậy, cùng với việc xóa các thôn, bản chưa có đảng viên, các cấp ủy ở Bắc Cạn tiếp tục tập trung nâng số lượng đảng viên lên để tăng tính bền vững. Để làm được điều này, Bắc Cạn duy trì cách làm trên; mặt khác phải có hướng giải quyết kịp thời vấn đề rất nhạy cảm trong công tác kết nạp Đảng đang rất phổ biến ở vùng cao. Đó là, vấn đề người sinh con thứ ba. Đồng chí Trần Thanh Hương, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Chợ Mới, cho biết ở các thôn, bản số người khoảng năm, sáu mươi tuổi tương đối nhiều, tuổi đời tuy cao nhưng họ lại có uy tín trong thôn, bản, có kinh nghiệm về mọi mặt, đủ điều kiện để kết nạp vào Đảng, nhưng hầu hết trong số họ có khá nhiều con. Thế là vướng quy định của Điều lệ Đảng, Pháp lệnh Dân số nên không thể kết nạp được. Nếu giải quyết được khâu đang rất vướng mắc này thì chúng ta sẽ có thêm một số lượng đảng viên tương đối khá cả về chất lượng lẫn số lượng ở các thôn, bản. Vấn đề này đề nghị cấp trên nghiên cứu, giải quyết ngay để có thêm lực lượng bổ sung cho đội ngũ đảng viên hiện đang rất mỏng ở các thôn bản, vùng sâu, vùng xa chứ không nên đợi đến khi “tắt lửa mới cho thêm củi”.

Về vấn đề này, thiết nghĩ, đối với các thôn, bản vùng cao, vùng xa thì các cấp ủy cần có sự vận dụng linh động, mang tính đặc thù phù hợp tình hình thực tế để ở những nơi vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn đó ngày càng có thêm nhiều người của Đảng chung sức gánh vác nhiệm vụ vẻ vang là lo cho nhân dân, lo cho đất nước./.