Tác động của cục diện thế giới đối với cấu trúc khu vực Đông Nam Á hiện nay
TCCS - Thế giới, thời đại và lịch sử đang diễn ra những thay đổi chưa từng có. Việc định hình trật tự thế giới hiện nay phản ánh cục diện vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, ngày càng quyết liệt hơn, chủ yếu giữa các chủ thể chính là Mỹ, Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU). Được xem là một trong những “vùng trũng về an ninh”, điểm xoáy của địa - chính trị toàn cầu, do vậy, cấu trúc hợp tác phức hợp, đa tầng nấc ở khu vực Đông Nam Á đang chịu tác động mạnh mẽ của cục diện thế giới hiện nay.
Những chuyển biến trong cục diện thế giới
Nhìn nhận một cách tổng thể, thế giới đang chứng kiến sự thay đổi trong cán cân quyền lực giữa các lực lượng chi phối, như Mỹ, Trung Quốc, Nga và EU, cũng như cạnh tranh địa - chính trị đang diễn ra gay gắt, nhất là giữa một bên là Mỹ và phương Tây đang cố gắng duy trì một trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, và một bên là các cường quốc mới nổi như Trung Quốc đang tìm kiếm vai trò lớn hơn trong một cục diện thế giới mới. Cho dù nhìn từ góc độ nào, trật tự quốc tế lấy Liên hợp quốc làm trung tâm sau Chiến tranh thế giới thứ hai đang bị xói mòn một cách nghiêm trọng. Trật tự thế giới cũ đang dần tan rã, trong khi đó một trật tự thế giới mới đang hình thành, nhưng chưa định hình rõ nét. Trên thực tế, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mặc dù sức mạnh, vai trò và vị trí toàn cầu của Mỹ suy giảm một cách đáng kể, nhưng vẫn là một cường quốc lớn mạnh trên các phương diện. Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ và được xem là đối thủ lớn nhất của Mỹ, cạnh tranh vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vẫn chưa thể đuổi kịp Mỹ trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, cán cân quyền lực thay đổi nhiều so với giai đoạn trước, Mỹ vẫn là siêu cường, nhưng khó có thể lãnh đạo thế giới; các trung tâm quyền lực khác, như Trung Quốc, Nga ngày càng có vai trò quan trọng hơn trên bàn cờ địa - chính trị thế giới. Có thể thấy một số chuyển biến trong cục diện thế giới hiện nay:
Thứ nhất, sự gia tăng trong cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc toàn diện, sâu rộng hơn, có tính hệ thống hơn và ngày càng quyết liệt hơn. Đồng thời, cán cân quyền lực giữa các cường quốc ngày càng thu hẹp khiến cục diện thế giới càng trở nên bất ổn. Với Mỹ, cho rằng “Trung Quốc ngày nay là một đối thủ cạnh tranh ngang hàng đáng gờm hơn về kinh tế, tinh vi hơn về mặt ngoại giao và linh hoạt hơn về mặt tư tưởng so với Liên Xô trước đây”(1), tuy nhiên, cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc hiện nay vẫn chưa trở thành một kiểu cạnh tranh địa - chiến lược có “tổng bằng không”. Sự cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc chỉ nhằm bảo vệ “lợi ích thực chất” của chính họ. Mỹ tuyên bố định hình một trật tự thế giới “dựa trên luật lệ”, nhưng yêu cầu các luật lệ đó phải phù hợp với hệ tư tưởng của Mỹ và các giá trị phương Tây. Còn đối với Trung Quốc, mặc dù chủ trương “hòa bình là điều quan trọng nhất” và tuyên bố duy trì quan điểm “đôi bên cùng có lợi”, nhưng Trung Quốc cũng không nhượng bộ khi đề cập đến “lợi ích cốt lõi” của mình.
Những động thái cạnh tranh nước lớn dường như đang đưa thế giới phát triển theo hướng tương đối “hỗn loạn”. Tuy nhiên, cục diện thế giới hiện nay không bị chia thành hai khối đối lập như thời kỳ Chiến tranh lạnh. Thay vào đó, một quá trình cấu trúc lại toàn diện các liên minh đang được tiến hành, điều này buộc các bên tham gia phải định vị lại vị trí trong mối tương tác quyền lực quốc tế, từ đó tìm kiếm không gian chiến lược trong một hệ thống thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ.
Trên thực tế, các quốc gia nhìn nhận bối cảnh thế giới hiện nay theo những cách khác nhau. Chẳng hạn như Mỹ xác định, “sự hợp tác giữa các quốc gia ngày càng trở nên khó khăn hơn do cạnh tranh địa - chính trị, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy ngày càng gia tăng”; và rằng, cục diện thế giới hiện nay là “sự cạnh tranh giữa các nền dân chủ và các chế độ chuyên quyền”. Điều này đòi hỏi các nước phải suy nghĩ và hành động theo những cách thức mới. Đồng thời, Mỹ cho rằng thách thức chiến lược cấp bách nhất là Mỹ phải đối mặt với “các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại”, đó là Trung Quốc và Nga. Cũng theo quan điểm của Mỹ, hai nước Nga và Trung Quốc đặt ra những thách thức khác nhau đối với Mỹ. Trong khi Nga được cho là “mối đe dọa trực tiếp đối với hệ thống quốc tế tự do và cởi mở”, thì Trung Quốc được coi là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có tham vọng định hình lại trật tự thế giới và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thúc đẩy mục tiêu đó”(2).
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng, ngày nay thế giới đứng trước muôn vàn thử thách, khó khăn mà không một quốc gia nào có thể chiếm vị trí độc tôn, bá chủ thế giới. Đồng thời, Trung Quốc nhấn mạnh Mỹ và phương Tây đang thúc đẩy chủ nghĩa bá quyền chính trị “theo phe” và “tâm lý Chiến tranh lạnh”, cũng như thúc đẩy một cuộc “Chiến tranh lạnh mới”. Chính vì vậy, những thay đổi trên thế giới hiện nay đang diễn ra theo những cách thức chưa từng có tiền lệ. Quan hệ Trung Quốc - Mỹ là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới hiện nay và đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp và nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, sự gia tăng trong cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc khiến thế giới ngày càng chia rẽ và phân mảnh hơn. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc An-tô-ni-ô Gu-tơ-rết, “chúng ta đang trên bờ vực thẳm và đi sai hướng. Thế giới của chúng ta chưa bao giờ bị đe dọa và chia rẽ nhiều hơn thế. Chúng ta phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong cuộc khủng hoảng”(3). Nhận diện sâu sắc về cục diện thế giới hiện nay, Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin khẳng định: “Giờ đây, giai đoạn lịch sử thống trị của phương Tây trong các vấn đề thế giới sắp kết thúc. Thế giới đơn cực đang bị lùi vào dĩ vãng. Chúng ta đang ở một ngã tư lịch sử. Chúng ta đang ở trong một thập niên khó đoán định nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Phương Tây không thể “đơn thương độc mã” cai trị nhân loại và phần lớn các quốc gia không còn muốn điều này. Đây là mâu thuẫn chủ yếu của thời đại mới”(4). Tuy trật tự thế giới đã bước vào một “khúc quanh lịch sử”, đồng thời là thời điểm dễ bị tổn thương nhất, nhưng các cường quốc dường như đang nỗ lực không để các mối quan hệ này vượt tầm kiểm soát.
Thứ hai, tác động của cuộc xung đột Nga - U-crai-na đối với cục diện thế giới hiện nay làm trầm trọng hơn xung đột địa - chính trị trên thế giới và các cường quốc cũng đang đối diện với nguy cơ rơi vào “bẫy Thucydides”. Năm 2022, xung đột giữa Nga và U-crai-na là một trong những thay đổi lớn về địa - chính trị toàn cầu thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh. Thực chất của cuộc xung đột này là kết quả của nhiều thập niên tích tụ và gia tăng xung đột chiến lược giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu. Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, phương Tây đặt mục tiêu chiến lược là ngăn chặn sự trỗi dậy của Nga và liên tục bao vây không gian chiến lược của Nga bằng cách thúc đẩy sự mở rộng về phía Đông của NATO, kích động các cuộc “cách mạng màu” và triển khai những hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Kết quả là, U-crai-na đã trở thành địa bàn tranh chấp chiến lược giữa các nước lớn. Cuộc xung đột Nga - U-crai-na đã phá vỡ giới hạn cuối cùng của an ninh quốc tế và các vấn đề an ninh truyền thống một lần nữa nổi lên, nguy cơ về xung đột vũ trang diện rộng ngày càng lớn. Kể từ khi xung đột Nga - U-crai-na bùng phát, Mỹ và phương Tây, một mặt, hỗ trợ U-crai-na về mọi mặt; mặt khác, phát động cuộc chiến phức hợp chống Nga trên các lĩnh vực. Sự xuất hiện của những hình thức và phương thức chiến tranh mới đã đưa ra lời cảnh báo về những cuộc chiến tranh thế giới có thể xảy ra trong tương lai.
Hơn nữa, thế giới đang phải đối mặt với không chỉ nguy cơ leo thang chiến tranh thông thường trở thành xung đột hạt nhân, mà còn lan rộng xung đột cục bộ ra lục địa Á - Âu. Đồng thời, xung đột tại U-crai-na đã đẩy nhanh sự chia rẽ và đối đầu giữa các cường quốc lớn trên toàn cầu. Hành động của Nga ở U-crai-na và cách thức can dự của NATO, nhất là Mỹ, đã phản ánh tình trạng vô chính phủ trên thế giới hiện nay. Trên thực tế, căng thẳng giữa Nga và phương Tây thúc đẩy nhanh hơn tiến trình tan vỡ của trật tự quốc tế cũ và sự hình thành của một trật tự quốc tế mới. Trong đó, thế giới đang chứng kiến một xu thế tập hợp lực lượng giữa các chiến tuyến đối lập nhau, nhưng không thể loại trừ nhau bởi tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các lực lượng này rất lớn, nhất là giữa Mỹ/EU với Trung Quốc/Nga. Điều này khiến an ninh thế giới ngày càng phức tạp hơn. Cùng với việc cả Nga và NATO gia tăng cường độ và quy mô xung đột ở U-crai-na, cũng như căng thẳng địa - chính trị giữa hai bên ngày càng bế tắc hơn, khiến cả Nga và NATO đang đối diện với “bẫy Thucydides”.
Tác động đối với cấu trúc khu vực Đông Nam Á
Sự chuyển biến trong cục diện thế giới hiện nay phản ánh khá sâu sắc trong cấu trúc khu vực Đông Nam Á. Khu vực này là “vùng trũng an ninh” của thế giới, chứa đựng những mâu thuẫn địa - chính trị, những vấn đề an ninh của thế giới. Chính vì vậy, khu vực Đông Nam Á đang tồn tại một cấu trúc đa tầng nấc, trong đó bao hàm sự tồn tại của nhiều chủ thể, nhưng chưa chủ thể nào có thể trở thành lực lượng lãnh đạo khu vực. Điều này cho phép Đông Nam Á khai thác các thỏa thuận chiến lược và an ninh song phương để bổ sung hoặc được bổ sung bởi các nhóm kinh tế và chính trị khác nhau. Mặc dù Đông Nam Á cũng là một trong những khu vực diễn ra cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng khu vực này khác với châu Âu khi không một cường quốc nào chi phối hoàn toàn cục diện khu vực; thay vào đó, các cường quốc đều gia tăng sự hiện diện, đều thừa nhận và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. ASEAN đang cố gắng thể hiện sự tự chủ chiến lược của khối; đồng thời, nhấn mạnh hơn đến việc xây dựng một cộng đồng dựa trên các quy tắc hợp tác của mình, thay vì một trật tự chủ yếu dựa trên các tính toán quyền lực của các nước lớn. Sự chuyển biến của cục diện thế giới ngày càng khó đoán định như hiện nay, cùng sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng khiến sự “thâm hụt lòng tin” giữa các cường quốc ngày càng lớn. Điều đó, một mặt, gia tăng sức ép đối với ASEAN trước nguy cơ phải “chọn bên” giữa các lực lượng chính trị quốc tế; mặt khác, đem lại cơ hội xây dựng một trật tự do ASEAN đóng vai trò trung tâm trong bối cảnh các cường quốc trong khu vực gia tăng cạnh tranh, song vẫn phải thừa nhận và ủng hộ ASEAN.
Hiện nay, cấu trúc quyền lực khu vực Đông Nam Á đang có những biến động khá phức tạp và bị chi phối bởi các động lực chính: Một là, vai trò mang tính chi phối của cặp quan hệ Mỹ và Trung Quốc ở khu vực này, rộng ra là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; hai là, những nỗ lực mới của ASEAN trong việc hình thành cấu trúc khu vực với việc củng cố vai trò trung tâm của khối này; ba là, sự gia tăng can dự và củng cố vai trò của các nhân tố, như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Ô-xtrây-li-a và EU, phần nào đó là Hàn Quốc, đang làm thay đổi cán cân lực lượng trong cạnh tranh chiến lược khu vực. Các yếu tố trên đang tác động cả chiều thuận và nghịch, làm cho cấu trúc quyền lực khu vực Đông Nam Á trở nên phức tạp và khó dự đoán.
Mỹ và Trung Quốc là hai nhân tố chính ảnh hưởng đến việc thiết lập một trật tự “cân bằng thấp”(5) ở khu vực. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa hai nước này khiến không nước nào có thể trở thành lực lượng lãnh đạo khu vực. Mỹ duy trì vị trí chi phối về mặt an ninh thông qua mô hình “trục và nan hoa” (“trục” là Mỹ và “nan hoa” là các nước đồng minh quân sự của Mỹ thông qua các hiệp ước), hiện nay là “trục và nan hoa +” (Mỹ và các nước đồng minh quân sự có hiệp ước, cộng thêm các đối tác mới) nhằm kiềm chế Trung Quốc. Nhưng vai trò của Mỹ ở Đông Nam Á đang bị Trung Quốc thách thức khi Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đối với khu vực này. Tuy nhiên, mặc dù cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc ngày càng gay gắt, nhưng hai bên không mong muốn sự cạnh tranh này trở thành xung đột ở Đông Nam Á cho dù yếu tố cạnh tranh đang lấn át yếu tố hợp tác tại khu vực.
Cùng với việc thúc đẩy “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và hệ thống đồng minh, Mỹ tăng cường thúc đẩy các cơ chế, như Thỏa thuận hợp tác ba bên giữa Mỹ, Anh và Ô-xtrây-li-a (AUKUS), nhóm “Bộ Tứ” (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a - QUAD); trong đó, cả AUKUS, QUAD và chiến lược của EU về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tuy không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, nhưng được ngầm hiểu là nhân tố không thể không tính đến. Do vậy, Trung Quốc phản đối các cơ chế này của Mỹ, gọi những thỏa thuận này là sản phẩm của “tâm lý Chiến tranh lạnh lỗi thời”; đồng thời, cảnh báo Mỹ, Anh, Ô-xtrây-li-a đang “làm tổn hại lợi ích của chính họ”(6). Ngoài ra, năm 2022, Mỹ triển khai Sáng kiến “Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (IPEF) nhằm khỏa lấp khoảng trống về sự hiện diện kinh tế ở khu vực cũng như cạnh tranh với Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc. IPEF lần đầu tiên thu hút sự tham gia của châu Á về các vấn đề kinh tế kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017. IPEF được coi là “công cụ” của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn nhằm kiềm chế các hoạt động kinh tế và địa - chiến lược của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước những động thái của Mỹ ở khu vực, Trung Quốc thúc đẩy Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI, tháng 4-2022), trong đó Đông Nam Á là một trong những trọng điểm của sáng kiến này. GSI phản ánh tư tưởng ngoại giao mới của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh quốc tế; là sự bổ sung và cải tiến khái niệm an ninh mới của Trung Quốc và khái niệm quản trị toàn cầu, có giá trị lý luận của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy “Sáng kiến phát triển toàn cầu” (GDI, năm 2021) nhằm hướng tới xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”. Ngoài ra, Trung Quốc tích cực đẩy mạnh Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với kỳ vọng góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây.
Trong khi đó, xét về mặt tầng nấc trong cấu trúc quyền lực ở khu vực Đông Nam Á, rộng ra là châu Á - Thái Bình Dương, thì trục quan hệ tương tác Mỹ - Trung Quốc là đứng đầu, tầng nấc thứ hai là ASEAN, sau đó đến các cường quốc tầm trung. Do vậy, ASEAN với vai trò thấp hơn trong cấu trúc quyền lực khu vực, không ngừng thúc đẩy “vai trò trung tâm” của mình nhằm củng cố vị thế dẫn dắt cấu trúc khu vực. Tuy nhiên, do những hạn chế nội tại và những tính toán chiến lược của các cường quốc, vai trò trung tâm của ASEAN mới chỉ dừng lại ở việc “cung cấp diễn đàn cho các cường quốc ngồi lại với nhau”. Khát vọng về vai trò trung tâm của ASEAN vẫn chưa được hiện thực hóa một cách đầy đủ. Bên cạnh đó, các nước lớn và các nước tầm trung khác, như Nhật Bản, Ấn Độ, EU, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a và Nga... cũng đang gia tăng can dự và củng cố vị trí trong cấu trúc quyền lực khu vực theo cách vừa tham gia các cơ chế hợp tác của ASEAN và ủng hộ vai trò trung tâm của khối này, vừa tham gia vào sự cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trong việc định hình cấu trúc khu vực Đông Nam Á hiện nay. Song, mỗi nước lại có cách diễn giải sự tham gia ở mức độ khác nhau và chủ yếu dựa trên lợi ích quốc gia của mình.
Có thể thấy, cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc ở Đông Nam Á cũng như trên phạm vi toàn cầu không theo mô hình cạnh tranh như thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trung Quốc tăng cường hành động để nâng cao vị thế của mình hơn là nhằm chống và làm suy yếu Mỹ; sức mạnh tương đối của Trung Quốc đang gia tăng, nhưng Mỹ không thừa nhận thực tế này. Đồng thời, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thể hiện rõ những động thái đáp trả thực sự trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Điều này được gọi là “kình địch mềm” hoặc “cạnh tranh mềm” hơn là “kình địch cứng” hoặc “cạnh tranh cứng”, nên cạnh tranh giữa hai nước có thể được kiểm soát và xung đột trực tiếp có thể tránh được(7).
Không chỉ vậy, hai cường quốc này đang sử dụng những bộ công cụ rất khác nhau để theo đuổi các mục tiêu khu vực và toàn cầu của mình. Trong đó, Trung Quốc có sức mạnh thương mại là công cụ chính để gia tăng ảnh hưởng toàn cầu, Mỹ có sức mạnh chính là quân sự cũng như sự vượt trội về mặt công nghệ để có thể khẳng định sức mạnh toàn cầu. Trong đó, sự khác biệt rõ nhất nằm ở việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để cạnh tranh với sức mạnh quân sự của Mỹ và điều này thể hiện khá rõ ở khu vực Đông Nam Á(8). Với lợi thế về kinh tế với ASEAN, Trung Quốc sử dụng công cụ về mặt kinh tế để phục vụ cho chiến lược khu vực của mình. Theo đó, các nước ASEAN có quan hệ kinh tế mật thiết hơn với Trung Quốc. Chẳng hạn như tính đến năm 2022, trong 13 năm liên tục, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Đối với Mỹ, nước này tuy có vai trò an ninh quan trọng đối với Đông Nam Á, là nhân tố then chốt có khả năng kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực; đồng thời, Mỹ có bộ công cụ an ninh quan trọng đó là hệ thống “trục và nan hoa” ở khu vực, song Mỹ vẫn chưa thể hiện rõ ràng về mặt ý đồ và hành động ở khu vực này. Các quốc gia ASEAN còn tỏ ra hoài nghi về các chiến lược khu vực của Mỹ, bởi Mỹ chủ yếu tăng cường quan hệ với các nước đồng minh và bạn bè truyền thống của mình. Trong khi đó, Trung Quốc liên tục có những động thái thúc đẩy quan hệ với các quốc gia như ở khu vực Tiểu vùng Mê Công, cũng như tăng cường mở rộng và tăng cường sự hiện diện của mình ở một số nước Đông Nam Á. Ngược lại, ảnh hưởng của Mỹ dường như suy yếu đáng kể, điều này khiến Trung Quốc có nhiều không gian hơn trong việc gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, do có sự hiện diện của Mỹ và các cường quốc tầm trung khác, như Nhật Bản, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, các nước EU, thậm chí là Nga, khiến Đông Nam Á không nằm trong phạm vi ảnh hưởng của một cường quốc cụ thể nào. Do đó, theo các chuyên gia, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á cũng như trên phạm vi toàn cầu sẽ còn tiếp tục dai dẳng, nhưng “người chiến thắng” cuối cùng có thể sẽ là ASEAN, bởi các nước ASEAN có thể sẽ tối đa hóa lợi ích từ cả hai cường quốc này trong khi áp dụng thành công các chiến lược “phòng ngừa” (hedging) truyền thống đối với cả hai cường quốc. Vai trò trung tâm của ASEAN có thể sẽ được các bên thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi mà lòng tin giữa các nước lớn trong hợp tác ở khu vực ngày càng suy giảm. Theo đó, ASEAN là một chủ thể có quyền lực không nhỏ trong kiến tạo cấu trúc hợp tác trong khu vực; đồng thời, các nước ASEAN cũng thực thi quyền tự quyết của mình.
Mặc dù vậy, ASEAN được xem là đang ở trạng thái bất ổn của trật tự quyền lực ở Đông Nam Á, ít nhất là từ nay đến năm 2030. Hiện nay, ASEAN được coi là “trung tâm” hay “trục” của các hợp tác đa tầng và đan xen ở châu Á - Thái Bình Dương (như Diễn đàn Khu vực ASEAN - ARF, ASEAN+1, ASEAN +3, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á - EAS). Trên thực tế, đây chỉ là giải pháp khôn ngoan của các nước đối tác, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản, trong cạnh tranh chiến lược để trở thành vai trò “đầu tàu”, vị thế lãnh đạo trong khu vực. Về phần mình, ASEAN lo ngại bị “hòa tan” trong tiến trình hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do vậy khối này mong muốn nắm giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực đang bị thách thức bởi sự lôi kéo của các nước lớn, cũng như sự đồng thuận, đoàn kết nội bộ đang suy giảm. Mặt khác, sự suy giảm vai trò của các tổ chức quốc tế, hay nói cách khác là chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa một cách mạnh mẽ, tác động đến tham vọng của ASEAN trong việc xây dựng một cấu trúc khu vực do khối này dẫn dắt. Hơn nữa, việc Mỹ rút khỏi hàng loạt định chế đa phương và nhiều thỏa ước quốc tế quan trọng cũng thể hiện sự “xói mòn” của các cơ chế đa phương quốc tế. Điều này làm suy giảm niềm tin của các nước đối với các cơ chế đa phương trong cấu trúc khu vực Đông Nam Á, nhất là vai trò của ASEAN.
Có thể nói, xung đột địa - chính trị leo thang hiện nay đã trở thành một trong những thách thức lớn đối với trật tự thế giới. Sự chuyển hóa trật tự thế giới hiện nay không phải là sự chuyển giao quyền lực đơn thuần hay sự chuyển đổi lực lượng chủ đạo trong cấu trúc quốc tế, mà là sự xác lập lại vị thế, vai trò của các cường quốc trên thế giới cùng với việc thay đổi sâu sắc bản chất của trật tự thế giới. Theo đó, thế giới đang rơi vào trạng thái tương đối “hỗn loạn” do sự đối đầu địa - chính trị giữa các lực lượng chính trị, mà đứng đầu là giữa Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời, cuộc xung đột Nga - U-crai-na đang khoét sâu thêm mâu thuẫn địa - chính trị giữa các cường quốc. Điều này là bước ngoặt lớn trong tiến trình tan rã của trật tự thế giới cũ do Mỹ lãnh đạo từ sau Chiến tranh lạnh, và đang hình thành một trật tự thế giới mới, trong đó không cường quốc nào có thể lãnh đạo toàn cầu. Trong bối cảnh đó, khu vực Đông Nam Á cũng hình thành một trật tự khu vực đa tầng nấc, có sự giằng co về vai trò dẫn dắt khu vực của các chủ thể, nhất là giữa Mỹ, Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực mà hầu hết cường quốc có thể ngồi lại với nhau dưới sự chủ trì của ASEAN cho dù mâu thuẫn với nhau ngày càng sâu sắc. Chính vì vậy, Đông Nam Á ngày càng nổi bật trong bức tranh địa - chính trị bao phủ bởi gam màu xám của thế giới./.
------------------------
(1) Kurt Campbell, Jake Sullivan: “Competition without Catastrophe: How America Can Both Challenge and Coexist with China” (Tạm dịch: Cạnh tranh không gây thảm họa: Làm thế nào Mỹ có thể thách thức và cùng tồn tại với Trung Quốc), Foreign Affairs, ngày 1-8-2019, https://www.foreignaffairs.com/articles/china/competition-with-china-without-catastrophe
(2) The White House: “National Security Strategy” (Tạm dịch: Chiến lược An ninh quốc gia), tháng 10-2022, https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/10/Biden-Harris-Administrations-National-Security-Strategy-10.2022.pdf
(3) United Nations: “Secretary - General’s Address to the General Assembly” (Tạm dịch: Tổng Thư ký phát biểu trước Đại hội đồng), ngày 21-9-2021, https://www.un.org/sg/en/content/sg/statement/2021-09-21/secretary-general%E2%80%99s-address-the-general-assembly
(4) President of Russia: “Valdai International Discussion Club meeting” (Tạm dịch: Hội nghị Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Van-đai), ngày 27-10-2022, http://en.kremlin.ru/events/president/news/69695
(5) Thuật ngữ “cân bằng thấp” được sử dụng nhằm mô tả mức độ cân bằng yếu giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, mức độ cân bằng này luôn có nguy cơ bị phá vỡ (hay mất cân bằng). Điều này trái ngược với mức độ “cân bằng cao”, có tính ổn định và vững chắc trong quan hệ quốc tế. Liên quan đến khái niệm “cân bằng” trong quan hệ quốc tế còn có “cân bằng cứng” (hard balancing) và “cân bằng mềm” (soft balancing). Trong trường hợp này, khái niệm “cân bằng thấp” gần hơn với khái niệm “cân bằng mềm” trong tương tác quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc xác lập trật tự khu vực
(7) Shambaugh, David L.: “Where great powers meet: America and China in Southeast Asia” (Tạm dịch: Nơi các cường quốc gặp nhau: Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á), Oxford University Press, tr. 4; David Shambaugh: “U.S. - China Rivalry in Southeast Asia: Power Shift or Competitive Coexistence?” (Tạm dịch: Kình địch giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á: Chuyển dịch quyền lực hay cùng tồn tại mang tính cạnh tranh?), International Security, Vol. 42, No. 4, 2018), tr. 88
(8) Shambaugh, David L.: “Where great powers meet: America and China in Southeast Asia” (Tạm dịch: Nơi các cường quốc gặp nhau: Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á), Tlđd, tr. 4
ASEAN trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á  (24/05/2023)
Cục diện thế giới năm 2022: Định hình trong bất định  (03/04/2023)
Một số vấn đề nổi bật của thế giới hiện nay  (15/02/2023)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay