Triển vọng mới của phong trào cánh tả Mỹ La-tinh

TS. LÊ VIẾT DUYÊN
Đại sứ Việt Nam tại Venezuela
15:31, ngày 20-01-2022

TCCS - Đứng vững trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, kiên cường vượt qua những thách thức của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và đại dịch COVID-19, phong trào cánh tả Mỹ La-tinh đã có sự phục hồi với những bước phát triển mới. Các cuộc bầu cử trong năm 2021 tại các quốc gia Mỹ La-tinh cho thấy những thay đổi mạnh mẽ có thể làm rung chuyển nền chính trị tại Mỹ La-tinh trong thời gian tới.

Tổng thống Nicaragua đương nhiệm Daniel Ortega tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư_Ảnh: AFP/Getty Images

Mở đầu là thắng lợi của Tổng thống theo đường lối cánh tả Pê-đrô Ca-xti-lô (Pedro Castillo) tại Pê-ru trong cuộc bầu cử hồi tháng 4-2021. Tiếp theo đó là thắng lợi vang dội với tỷ lệ áp đảo đánh dấu nhiệm kỳ thứ tư của Tổng thống đương nhiệm Đa-ni-en Oóc-tê-ga (Daniel Ortega) trong cuộc bầu cử ngày 7-11-2021 tại Ni-ca-ra-goa. Đồng thời, một loạt cuộc bầu cử quan trọng khác trong khu vực đang mở ra con đường phát triển mới cho các quốc gia tại khu vực Mỹ La-tinh, như các cuộc bầu cử Tổng thống tại Chi-lê và Ôn-đu-rát. Bên cạnh đó, các cuộc bầu cử khu vực, địa phương và các cơ quan lập pháp quan trọng tại Vê-nê-xu-ê-la và Ác-hen-ti-na cũng tiếp tục củng cố vai trò, vị thế, uy tín và thực lực của các lực lượng cánh tả đang nắm quyền. Đặc biệt, tại Vê-nê-xu-ê-la, Chính phủ của Tổng thống Ni-cô-la Ma-đu-rô (Nicolas Maduro) và Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Vê-nê-xu-ê-la đã giành thắng lợi vang dội trong các cuộc bầu cử khu vực và địa phương ngày 21-11-2021, củng cố thêm vai trò và vị thế lãnh đạo đất nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, chiến thắng của Tổng thống cánh tả Lu-i Ác-xơ (Luis Arce) tại Bô-li-vi-a từ cuối năm 2020 và nhất là việc Cu-ba tiếp tục trụ vững trước các lệnh trừng phạt, bao vây cấm vận hà khắc, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ lớn cho phong trào cánh tả Mỹ La-tinh trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Những diễn biến mới trong khu vực cho thấy, phong trào cánh tả Mỹ La-tinh đang có những bước phát triển mới.

Phát triển với những đặc trưng riêng của khu vực

Thứ nhất, phong trào cánh tả Mỹ La-tinh bắt nguồn từ phong trào giải phóng dân tộc hướng tới mục tiêu chống chủ nghĩa tự do mới. Các phong trào giải phóng dân tộc tại Mỹ La-tinh vốn có lịch sử phát triển mạnh mẽ do từng tồn tại lâu dài dưới ách đô hộ của thực dân phương Tây. Đặc biệt, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc và tinh thần giải phóng của Xi-môn Bô-li-va, Giô-xê Mác-tin, Chê Gê-va-ra, Phi-đen Ca-xtơ-rô... là các luồng tư tưởng chính trong đời sống người dân Mỹ La-tinh. Bên cạnh đó, kể từ sau Chiến tranh lạnh, Mỹ La-tinh trở thành “nơi thí nghiệm” của chủ nghĩa tự do mới và mang những hình thức tinh vi nhất với đặc trưng là sự thống trị của tư bản tài chính, xóa bỏ vai trò quản lý của nhà nước, vùi dập giai cấp công nhân, cổ xúy chủ nghĩa tiêu dùng và tôn sùng vật chất, tình trạng bất bình đẳng kinh tế ngày càng nghiêm trọng, khiến khu vực chìm trong các cuộc nổi dậy của quần chúng và các phong trào cách mạng xã hội.

Thứ hai, sự phát triển của phong trào cánh tả Mỹ La-tinh mang tính chu kỳ. Mặc dù liên tục bị các thế lực đế quốc, tư bản cực hữu đàn áp, chống phá, nhưng lực lượng cánh tả tại Mỹ La-tinh vẫn tồn tại và phát triển mang tính chu kỳ. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, những năm 2010 đã chứng kiến “làn sóng hồng” trong khu vực sau khi Tổng thống U-gô Cha-vét thắng cử tại Vê-nê-xu-ê-la vào năm 1998 và tiếp theo đó có tới 2/3 dân số Mỹ La-tinh sống trong các chế độ cánh tả và chỉ một số ít nước như Cô-lôm-bi-a, Mê-hi-cô có chính phủ bảo thủ cánh hữu. Tuy nhiên, bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, khu vực Mỹ La-tinh đã chứng kiến một cuộc phản công của phe cánh hữu. Kể từ năm 2015, Bra-xin, Vê-nê-xu-ê-la và Ni-ca-ra-goa đều lâm vào khó khăn cả về kinh tế và chính trị. Uy tín chính phủ cánh tả của Chi-lê suy giảm mạnh. Các đảng bảo thủ và thiên hữu đã tấn công quyết liệt và giành chính quyền tại Bra-xin, Ác-hen-ti-na và Chi-lê, tái lập lại mô hình tân tự do. Mặc dù vậy, một số chính phủ cánh tả vẫn tiếp tục tăng cường vai trò và mạnh mẽ hơn trong các cuộc bầu cử sau hơn một thập niên cầm quyền, như tại Vê-nê-xu-ê-la, Bô-li-vi-a. Đến cuối của thập niên thứ hai trong thế kỷ XXI, Chính phủ theo đường lối tiến bộ của Tổng thống Lô-pê Ốp-ra-đô (López Obrador) đã nắm quyền ở Mê-hi-cô từ tháng 7-2018, Tổng thống theo đường lối bảo thủ Mô-ri-xi-ô Mác-ri (Mauricio Macri) đã thua liên minh cánh tả của Tổng thống An-béc-tô Phéc-nan-đét (Alberto Fernández) và Crít-xti-na Ki-chnơ (Cristina Kirchner) tại Ác-hen-ti-na từ tháng 12-2019; tại Bô-li-vi-a, sau thất bại tạm thời do cuộc đảo chính của phe cánh hữu, đảng cánh tả của Tổng thống L. Ác-xơ đã thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử vào tháng 10-2020. Tại Pê-ru, sau những vòng cạnh tranh gay gắt, Tổng thống P. Ca-xti-lô của Đảng cánh tả Pê-ru tự do đã giành chiến thắng sít sao và thành lập chính quyền cánh tả sau một thời gian bất ổn chính trị kéo dài. Hơn nữa, khi một cuộc khủng hoảng xảy ra trong nhiệm kỳ cánh hữu, xác suất có một tổng thống cánh tả trong nhiệm kỳ tiếp theo sẽ tăng lên đáng kể và xu hướng này cho thấy, các đảng cánh tả đã quay lại nắm quyền.

Tổng thống Peru Pedro Castillo với nhân dân_Nguồn: peoplesdispatch.org

Thứ ba, các đảng cánh tả ở Mỹ La-tinh có xu hướng thông qua các cuộc bầu cử dân chủ để giành chính quyền và có đường lối phát triển đa dạng. Điểm đặc biệt của các đảng cánh tả Mỹ La-tinh là đấu tranh nghị trường, dựa vào sức mạnh của đông đảo quần chúng lao động để tiến hành cách mạng dân chủ, bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc, làm chủ tài nguyên quốc gia và giành quyền phân phối phúc lợi xã hội công bằng, xây dựng xã hội mới. Đặc biệt, phương cách giành chính quyền này của các chính phủ tiến bộ, cánh tả ở Mỹ La-tinh bắt đầu từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX khi Tổng thống U-gô Cha-vét thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử ở Vê-nê-xu-ê-la, thúc đẩy phong trào cánh tả lan rộng khắp khu vực.

Thứ tư, phong trào cánh tả Mỹ La-tinh chịu tác động từ các nước lớn và quan hệ nước lớn. Mỹ La-tinh vừa là nơi thu hút số lượng lớn vốn đầu tư từ các trung tâm kinh tế và các tổ chức tài chính trên thế giới, vừa là địa bàn tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn do nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mang tính chiến lược. Mặc dù giàu tài nguyên nhưng trong một thời gian dài, đa số người dân khu vực Mỹ La-tinh sống trong tình trạng nghèo đói, đất nước bị phụ thuộc vào Mỹ và các nước phương Tây. Thậm chí, Mỹ luôn coi khu vực Mỹ La-tinh là “sân sau” của mình, tìm cách củng cố và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, ngăn chặn và loại trừ ảnh hưởng của các nước lớn khác, đồng thời ngăn chặn các cuộc cải cách, phong trào cách mạng và tiến bộ của người dân nơi đây. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tìm cách mở rộng lợi ích, sự hiện diện và ảnh hưởng tại khu vực làm đối trọng với sức ép của Mỹ tại các khu vực khác trên thế giới. Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại và đầu tư chính của khu vực Mỹ La-tinh. Trung Quốc sử dụng quan hệ song phương và các diễn đàn khu vực để vận động ủng hộ cho lợi ích của mình. Bên cạnh đó, Nga cũng coi Mỹ La-tinh là khu vực triển khai các biện pháp chiến lược răn đe, đối trọng với việc Mỹ tiếp cận không gian ảnh hưởng của Nga ở châu Âu. Trung Quốc với sức mạnh kinh tế và Nga với sức mạnh quân sự là những yếu tố ngăn cản quyền bá chủ toàn diện của Mỹ trong khu vực. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU), một mặt, mở rộng quan hệ toàn diện với khu vực Mỹ La-tinh nhằm duy trì ảnh hưởng truyền thống; mặt khác, vừa phối hợp chặt chẽ với Mỹ để ngăn chặn và kiềm chế các nước lớn khác mở rộng ảnh hưởng, vừa cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở khu vực. Ngoài ra, tuy không phải là một nước lớn nhưng Cu-ba lại có vai trò và ảnh hưởng rất lớn đến các phong trào cánh tả ở Mỹ La-tinh nói chung và phong trào cách mạng tại Vê-nê-xu-ê-la nói riêng về tư tưởng, đường lối và sự ủng hộ thiết thực, hiệu quả.

Thứ năm, phong trào cánh tả Mỹ La-tinh cũng chịu ảnh hưởng từ các biến động tình hình kinh tế - xã hội trong khu vực. Mô hình kinh tế tự do mới do tư bản nước ngoài là chủ đạo đã thúc đẩy một mô hình phát triển phụ thuộc với bản chất “ngoại vi” của các quốc gia khu vực Mỹ La-tinh trong nền kinh tế toàn cầu và không đóng góp gì nhiều trong việc cải thiện an sinh xã hội và nâng cao đời sống người dân. Vì vậy, trong thời gian cầm quyền, các chính phủ cánh tả tại Vê-nê-xu-ê-la, Bô-li-vi-a đã trở thành động lực chính trong việc lãnh đạo các phong trào cánh tả tại Mỹ La-tinh chống lại chủ nghĩa tự do mới và chủ nghĩa đế quốc. Các chính đảng cánh tả này đã tiến hành quốc hữu hóa các lĩnh vực kinh tế quan trọng, củng cố lại vai trò của nhà nước trong việc phân phối lại của cải, thúc đẩy các dịch vụ xã hội cho người nghèo và xây dựng liên minh giữa các nước, như Liên minh Bô-li-va cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA), để thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước Mỹ La-tinh và thách thức quyền bá chủ của Mỹ. Cũng chính vì vậy mà phong trào cánh tả Mỹ La-tinh bị các thế lực cánh hữu khu vực chống phá quyết liệt với sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước phương Tây. Mặc dù các chính phủ cánh tả đã cố gắng chuyển đổi mô hình phát triển khai thác, cố gắng thay đổi vị trí “ngoại vi” trong nền kinh tế toàn cầu, phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho chi tiêu xã hội để giảm nghèo, hoàn thiện luật pháp và chính sách đối với nguồn vốn nước ngoài, song cũng chưa thể khắc phục được điểm yếu của mô hình khai thác đã gây ra đối với an sinh xã hội trong bối cảnh điều kiện lịch sử kém phát triển của khu vực Mỹ La-tinh và sự chống phá của phe đối lập trong và ngoài nước đối với các chính phủ tiến bộ. Trong bối cảnh đó, khả năng các đảng cánh tả giành được chính quyền tại các nước Mỹ La-tinh cũng phụ thuộc vào tình hình biến động chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và trong khu vực. Thống kê 100 cuộc bầu cử diễn ra từ năm 1975 đến năm 2007 ở 18 quốc gia Mỹ La-tinh cho thấy, sự bùng nổ sản xuất nông nghiệp, khai khoáng và dầu mỏ có liên quan mật thiết đến khả năng một quốc gia sẽ có chính phủ trung tả. Khả năng giành chính quyền của các đảng cánh tả cũng là kết quả từ sự bất mãn với việc quản lý kinh tế yếu kém của chính phủ cánh hữu. Chính vì vậy, những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và sự yếu kém của các chính phủ cánh hữu trong việc kiểm soát tình hình đại dịch COVID-19 cũng càng làm gia tăng sự bất mãn, chán ghét và thúc đẩy xu hướng chuyển sang đường lối thiên tả tại Mỹ La-tinh kể từ năm 2020.

Cuối cùng, mặc dù là lực lượng lãnh đạo các phong trào quần chúng xã hội, song khi giành được chính quyền, các đảng cánh tả chấp chính lại có nguy cơ rơi vào tình trạng quan liêu hay quản lý kinh tế yếu kém, dẫn tới sự bất mãn trong quần chúng nhân dân. Cùng với đó là sự thiếu đoàn kết chặt chẽ trong nội bộ cánh tả đã giúp lực lượng cánh hữu có cơ hội giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử như tại Chi-lê hay Bra-xin năm 2018. Bên cạnh đó, một đặc điểm văn hóa tại khu vực Mỹ La-tinh là tư tưởng sùng bái thủ lĩnh cũng khiến các nhà lãnh đạo dần mất liên lạc với quần chúng, rơi vào vòng xoáy chuyên quyền, văn hóa chính trị lỗi thời, làm suy yếu các chính sách công và tạo cơ hội cho các đảng cánh hữu tìm cách khai thác, khoét sâu mâu thuẫn, yếu kém để xóa bỏ vai trò lãnh đạo.

Phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh biến động của tình hình khu vực và thế giới

Trước hết, tình hình kinh tế, xã hội khu vực đang tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự trở lại nắm quyền của các lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh. Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và vấn đề y tế đang diễn ra gay gắt do tác động của đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm những khiếm khuyết về an sinh xã hội. Vì vậy, người dân có xu hướng phản đối những chính phủ cánh hữu đương nhiệm vốn thất bại trong việc thu hẹp tình trạng bất bình đẳng và đói nghèo. Bên cạnh các nước đã chuyển hướng sang cánh tả như Bô-li-vi-a, Pê-ru, sự bất bình của người dân với các phản ứng của chính phủ đối với đại dịch COVID-19 và lo lắng về suy thoái kinh tế đang thúc đẩy người dân Mỹ La-tinh bỏ phiếu chống các chính phủ cánh hữu đương nhiệm theo đường lối tân tự do, tìm kiếm những hy vọng mới nhằm bảo đảm mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, y tế công cộng hiệu quả và mạnh mẽ hơn. Nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ ở hầu hết mọi quốc gia Mỹ La-tinh, tạo ra sự bất bình trong xã hội ở các nước như Cô-lôm-bi-a, Chi-lê, Bra-xin..., báo hiệu xu hướng một chu kỳ làn sóng cánh tả mới đang trỗi dậy, nhất là khi các chính phủ cánh tả cam kết áp dụng các chính sách thân thiện với thị trường, giảm bất bình đẳng, thúc đẩy hội nhập kinh tế, tập trung cải thiện nguồn vốn con người, đáp ứng các mối quan tâm chính đáng của người dân và thu hút đầu tư nước ngoài thông qua lợi thế so sánh của quốc gia.

Hai là, xu thế lực lượng cánh tả ngày càng củng cố được lực lượng đang tạo ra một luồng gió mới tại Mỹ La-tinh. Trong bối cảnh các chính phủ cánh tả đang củng cố quyền lãnh đạo tại Vê-nê-xu-ê-la, Ni-ca-ra-goa, Ác-hen-ti-na, Mê-hi-cô hay trở lại nắm quyền tại Bô-li-vi-a, Pê-ru và mới đây nhất là chiến thắng của Tổng thống cánh tả Xi-ô-ma-ra Ca-xtơ-rô (Xiomara Castro) trong cuộc bầu cử tháng 11-2021 ở Ôn-đu-rát đã càng thúc đẩy triển vọng lan rộng hơn nữa của lực lượng cánh tả trong các cuộc bầu cử sắp tới trong khu vực, trước bối cảnh khủng hoảng y tế, tài chính, kinh tế và chính trị của đại dịch COVID-19 ngày càng trầm trọng, với khả năng thắng cử của các tổng thống theo đường lối cánh tả Gu-xta-vô Pê-tơ-rô (Gustavo Petro) tại Cô-lôm-bi-a, hoặc sự trở lại của cựu Tổng thống Lu-la đa Xin-va (Lula da Silva) và Đảng Công nhân tại Bra-xin trong các cuộc bầu cử trong năm 2022.

Ba là, cho đến nay, lực lượng cánh tả có sức mạnh và sự đoàn kết lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Các chính phủ cánh tả là yếu tố quan trọng trong việc hình thành và hợp nhất của các tổ chức khu vực, như Tổ chức các quốc gia Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (CELAC), Liên minh Bô-li-va cho các dân tộc châu Mỹ - Hiệp định thương mại của các dân tộc (ALBA-TCP) và hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự thống nhất và hội nhập của Mỹ La-tinh. Các nhà lãnh đạo cánh tả đã đoàn kết hỗ trợ nhau đối mặt với các khủng hoảng chính trị, như tại Bô-li-vi-a, Pê-ru trong thời gian qua. Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt của Mê-hi-cô và sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước cánh tả trong khu vực, CELAC đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 9-2021, khôi phục vai trò, phát huy được vị thế và trở thành một trong những diễn đàn tập hợp, đoàn kết các nước Mỹ La-tinh trong bối cảnh khủng hoảng và chia rẽ trong khu vực. Ngoài ra, với những nỗ lực to lớn của Vê-nê-xu-ê-la, Cu-ba và các nước thành viên, ALBA-TCP đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác thiết thực giữa các nước thành viên, ngày càng phát huy vai trò và vị thế trong khu vực.

Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel (trái) và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Hội nghị thượng đỉnh ALBA-TCP lần thứ XX tại La Habana, Cuba, ngày 14-12-2021_Ảnh: REUTERS

Bốn là, sức sống của các nước cánh tả vẫn còn đang rất mạnh mẽ, điển hình là Vê-nê-xu-ê-la, Cu-ba, Bô-li-vi-a, Ni-ca-ra-goa. Bất chấp sự chống phá quyết liệt của Mỹ và các nước phương Tây, các nước tiên phong trong phong trào cánh tả vẫn đứng vững, kiên trì con đường tiến bộ và xã hội chủ nghĩa, cho thấy sức sống bất diệt và niềm tin của người dân lao động dành cho các chính phủ cánh tả tại Mỹ La-tinh.

Nỗ lực vượt qua thách thức, duy trì triển vọng phát triển

Là một lục địa của các cuộc cách mạng và luôn đứng trước sự tấn công, chống phá quyết liệt của các thế lực phản cách mạng; do đó, các lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh vẫn cần nỗ lực vượt qua nhiều thách thức xây dựng tư duy chiến lược sáng suốt từ những kinh nghiệm chính trị của mình để duy trì triển vọng phát triển, cụ thể là:

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và y tế do đại dịch COVID-19, nguy cơ sai lầm trong điều hành đất nước của các chính phủ cánh tả và sự tác động từ các thế lực bên ngoài vẫn luôn là những thách thức thường trực với phong trào cánh tả Mỹ La-tinh. Các nền kinh tế Mỹ La-tinh vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu đã bị tác động mạnh từ những diễn biến bất thường và sự chậm phục hồi của kinh tế thế giới. Giảm nguồn thu ngân sách và chi tiêu công khiến các chính phủ cánh tả gặp nhiều khó khăn trong việc nắm giữ quyền lực của mình. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các chính phủ cánh tả cũng khó có thể đưa ra được giải pháp hữu hiệu thay thế chủ nghĩa tự do mới vốn xuất phát từ sự bất mãn do các chính sách kinh tế mà Mỹ và các tổ chức tài chính quốc tế ủng hộ trong những năm 90 của thế kỷ XX, như tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, các biện pháp “thắt lưng, buộc bụng” và chấm dứt chủ nghĩa bảo hộ kinh tế, đặc biệt khi chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ bị triệt tiêu ở hầu hết các nước Mỹ La-tinh và ảnh hưởng kinh tế của Mỹ phần lớn vẫn không suy giảm. Đồng thời, các chính phủ cánh tả cũng cần thấy rõ tầm quan trọng của việc hội nhập và tăng cường vai trò trong chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu. Chủ nghĩa dân tộc tài nguyên và các chính sách phân phối lại lợi ích từ tài nguyên cũng không thể tách rời khỏi cấu trúc của nền kinh tế thế giới, lợi ích quốc gia và lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai thác, sự phụ thuộc của nền kinh tế quốc gia và sức mạnh địa - chính trị do tài nguyên mang lại như trường hợp của Vê-nê-xu-ê-la.

Thứ hai, mặc dù sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 sẽ mang lại một luồng gió giúp củng cố sự hỗ trợ cho các chính phủ cánh tả mới, nhưng chi tiêu ngân sách phát sinh do đại dịch COVID-19 sẽ đặt ra một thách thức lớn. Nhu cầu quay trở lại kỷ luật tài khóa và lãi suất cao hơn sẽ hạn chế khả năng xây dựng mạng lưới an toàn lớn hơn mà các chính đảng cánh tả đã cam kết, bên cạnh nguy cơ rơi vào tình trạng quan liêu, tham nhũng ở một số quốc gia khu vực Mỹ La-tinh như đã chứng kiến trong lịch sử. Hơn nữa, sau khi hiệu ứng trong phục hồi kinh tế qua đi, các vấn đề cơ cấu để tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm vẫn hiện hữu ở hầu hết các quốc gia. Mặc dù các cuộc bầu cử ở Mỹ La-tinh hiện đang ủng hộ việc thay đổi hiện trạng, nhất là tại các nước có chính phủ cánh hữu, nhưng khi giành được chính quyền, những thách thức mà các quốc gia Mỹ La-tinh phải đối mặt và những kỳ vọng của cử tri sẽ đặt ra những thách thức to lớn đối với các chính quyền cánh tả.

Thứ ba, lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh tiếp tục là đối tượng bị chống phá quyết liệt từ các thế lực bên ngoài và phe nhóm cánh hữu trong nước. Các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ tiếp tục gia tăng các lệnh trừng phạt đối với các chính phủ cánh tả trong khu vực, đặc biệt là Vê-nê-xu-ê-la, Cu-ba, Ni-ca-ra-goa - những nước chủ chốt trong phong trào cánh tả vốn bị Mỹ coi là “troika của chế độ chuyên chế”. Bên cạnh đó, Mỹ còn hậu thuẫn cho các lực lượng cánh hữu Mỹ La-tinh trong các cuộc bầu cử, như tại Bra-xin, Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Pa-ra-goay... Mỹ cũng dẫn đầu các chiến dịch truyền thông với sự phối hợp của các lực lượng cánh hữu đối lập, xuyên tạc, bóp méo những mặt tích cực mà chính quyền cánh tả làm được, thổi phồng những khía cạnh tiêu cực, bôi nhọ hình ảnh của các nhà lãnh đạo cánh tả, gây mất lòng tin của người dân. Lợi dụng tình hình đại dịch COVID-19 đã gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề cho các nước Mỹ La-tinh, nơi cơ sở hạ tầng yếu kém, nghèo đói, phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên, bất bình đẳng, Mỹ đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ chống phá các nước chủ chốt ở Mỹ La-tinh do lực lượng cánh tả nắm chính quyền, như xúi giục phong trào biểu tình trên toàn quốc tại Cu-ba vào ngày 11-7-2021, hay liên tục có các hành động chống phá chính phủ Tổng thống N. Ma-đu-rô tại Vê-nê-xu-ê-la, cùng với các lệnh cấm và trừng phạt đơn phương khắc nghiệt gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và đời sống của người dân Vê-nê-xu-ê-la và Cu-ba.

Thứ tư, các chính phủ bảo thủ, cực hữu vẫn còn mạnh và có tiềm lực ở một số quốc gia. Các lực lượng cánh hữu theo đường lối tân tự do, với sự hỗ trợ của Mỹ, luôn câu kết, quyết liệt chống phá nhằm đảo ngược những thành quả tiến bộ do các phong trào cánh tả mang lại khi đập tan các thế lực đã từng kiểm soát Mỹ La-tinh trong lịch sử như quân đội, Giáo hội Công giáo và giới tài phiệt, đồng thời trao quyền cho những nhóm xã hội đã bị gạt ra ngoài lề xã hội như phụ nữ, người nghèo, người dân tộc bản địa. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của các xu hướng bảo thủ, cực hữu vẫn còn mạnh tại Mỹ La-tinh trong bối cảnh khu vực có sự phân cực mạnh về chính trị và kinh tế. Các lực lượng bảo thủ cũng trỗi dậy gần đây tại một số quốc gia như tại En Xan-va-đo, U-ru-goay. Mặc dù sự ủng hộ với chính phủ đã giảm sút nghiêm trọng trong đại dịch COVID-19, Bra-xin vẫn có một chính phủ theo đường lối cánh hữu cho tới tháng 10-2022.

Thứ năm, phong trào cánh tả Mỹ La-tinh còn thiếu sự đoàn kết và đường hướng, chiến lược phát triển do có nhiều khuynh hướng chính trị và lợi ích khác nhau. Lịch sử phát triển của lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh cũng từng chứng kiến những mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa phong trào cánh tả ôn hòa, đại diện bởi Chính phủ của Tổng thống Lu-la đa Xin-va tại Bra-xin và phong trào cánh tả theo đường lối của Tổng thống U-gô Cha-vét tại Vê-nê-xu-ê-la. Đồng thời, các nước đóng vai trò nòng cốt cho phong trào cánh tả tại Mỹ La-tinh hiện nay, như Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la, Bô-li-vi-a cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc chống đỡ với đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế - xã hội, sự chống phá quyết liệt của Mỹ và các thế lực cực hữu trong khu vực. Bên cạnh đó, tại một số cuộc bầu cử gần đây, người dân bỏ phiếu không hẳn là vì sự trở lại của lực lượng cánh tả, mà là thể hiện sự bất mãn với chính phủ đương nhiệm và tìm kiếm sự thay đổi. Ở phạm vi quốc tế, phong trào cánh tả Mỹ La-tinh tuy có sự hỗ trợ về nguồn lực từ các nước, như Trung Quốc, Nga song sự hỗ trợ này cũng không mang tính quyết định, chưa kể việc phong trào đồng thời có thể trở thành đối tượng bị lợi dụng trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

***

Sức sống bền bỉ của các lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh vốn đã bám rễ sâu trong quần chúng nhân dân lao động đã khiến phong trào cánh tả ở Mỹ La-tinh vẫn luôn tồn tại và chuẩn bị cho sự trở lại mạnh mẽ. Cuộc đấu tranh ở Mỹ La-tinh là một cuộc chiến kéo dài để giành được vai trò lãnh đạo của lực lượng cánh tả, chiến thắng trước chủ nghĩa tự do mới và thực hiện hội nhập khu vực nhằm tăng cường khả năng chống lại sự bá quyền của đế quốc, xây dựng các mô hình phát triển phù hợp. Xu thế trở lại nắm quyền của các đảng cánh tả tại Mỹ La-tinh cho thấy trong bối cảnh đại dịch lan tràn, khủng hoảng kinh tế, an ninh con người, sức khỏe, đồng thời bài học thành công của các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba, trong việc khống chế dịch bệnh, bảo đảm tính mạng và cuộc sống cho người dân đã khiến các nước Mỹ La-tinh nhận rõ tính đúng đắn và tất yếu của xu hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của lực lượng cánh tả trong khu vực vốn có nhiều xu hướng chính trị phức tạp này. Các cuộc bầu cử tại Chi-lê, Ác-hen-ti-na trong năm 2021 đều cho thấy sự tín nhiệm vượt trội của các ứng cử viên cánh tả. Trong bối cảnh đó, sự đoàn kết giữa các lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh là hết sức cần thiết. Để có thể phát triển và bảo vệ được những thành quả của mình, các chính phủ cánh tả Mỹ La-tinh cần đề cao tinh thần đoàn kết, đổi mới toàn diện về cả kinh tế, chính trị và xã hội, cũng như có một chiến lược, đường lối phát triển dài hạn, bảo vệ chủ quyền và loại bỏ các hình thức bất bình đẳng trong xã hội. Với đường hướng đó, cùng với sự ủng hộ của người dân và sự đoàn kết chặt chẽ, Mỹ La-tinh sẽ chứng kiến sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của phong trào cánh tả tại khu vực trong thời gian tới./.