TCCS - Bằng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bức tranh nông nghiệp, nông thôn và đời sống người dân khu vực nông thôn huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội có sự thay đổi toàn diện. Đông Anh là huyện thứ hai của thành phố được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhìn lại 10 năm xây dựng nông thôn mới

Giai đoạn 2011 - 2015, huyện hoàn thành Đề án xây dựng nông thôn mới và Quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại 23/23 xã. Năm 2018, hoàn thành điều chỉnh, bổ sung Đề án xây dựng nông thôn mới cho các xã trên địa bàn.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Đông Anh huy động được hơn 7.523 tỷ đồng từ Trung ương, thành phố, các chương trình, dự án, các đơn vị, doanh nghiệp,... để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ huyện đến cơ sở, sự đầu tư nguồn lực đúng trọng tâm, trọng điểm nên kết quả xây dựng nông thôn mới mà Đông Anh đạt được đồng đều và toàn diện. Tính đến tháng 9-2021, có 23/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%. Trong những năm qua, huyện Đông Anh đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp nhựa hóa 100% tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn với hơn 800km... Hệ thống thủy lợi được quy hoạch, xây dựng hoàn chỉnh, bảo đảm tưới tiêu cho 100% số đất canh tác. Hệ thống mạng lưới điện trên địa bàn được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, 28 trường học được xây dựng mới, cải tạo 61 trường học các cấp, 58/90 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 65,2%). 117 nhà văn hóa thôn, 8 trung tâm văn hóa xã được xây dựng, cải tạo, 195/195 khu dân cư trong huyện có nơi sinh hoạt cộng đồng; 145/155 nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt chuẩn. Xã hội hóa được 19/26 chợ trên địa bàn, đáp ứng hoạt động mua bán hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của khu vực dân cư. Công nghệ thông tin được ứng dụng trong quản lý và điều hành, 100% số thôn, làng có dịch vụ Internet và điểm phục vụ bưu chính viễn thông. Trên địa bàn, 100% số nhà ở dân cư nông thôn đều bảo đảm “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng). Đặc biệt, công tác an sinh xã hội được quan tâm đã góp phần lớn vào ổn định đời sống dân cư, xây dựng 1.052 nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng định hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ, duy trì tỷ trọng chủ lực ngành công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 20 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 60 triệu đồng/người/năm (năm 2020), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,9% xuống còn 1,15%.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội so với Nghị quyết Đại hội XXVIII đề ra, trong đó một số chỉ tiêu vượt ở mức cao. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 2.061 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 0,6%, cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt. Giá trị trên 1ha đất canh tác đạt 267 triệu đồng, vượt 117 triệu đồng so với chỉ tiêu Đại hội XXVIII (150 triệu đồng/ha). Thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn, giúp cho lao động có việc làm chiếm tỷ lệ 95%. Trên địa bàn huyện hiện có 128 hợp tác xã (hơn 80% hoạt động hiệu quả) trong các lĩnh vực. Huyện đã dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và nhiều mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP cho năng suất, hiệu quả cao; một số sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu đặc sản. Chăn nuôi tiếp tục được duy trì phát triển, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung, với trên 200 mô hình trang trại cho hiệu quả kinh tế cao.

Giáo dục, văn hóa xã hội có những bước tiến đáng kể, huyện Đông Anh đã phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, tiểu học mức độ 3, trung học cơ sở mức độ 2. Giáo viên các cấp đạt chuẩn 100% (trên chuẩn 68%); 75,6% số học sinh các cấp đạt danh hiệu khá, giỏi. Việc chăm lo sức khỏe nhân dân được chú trọng, cơ sở vật chất y tế từng bước hiện đại hóa trang thiết bị. Hằng năm, có khoảng 641.000 lượt người được khám, chữa bệnh. Tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 86,5% (năm 2010 đạt 49%). Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai thực hiện có hiệu quả, các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống được quan tâm, bảo tồn và phát huy, 147/155 thôn, làng được công nhận làng văn hóa.

Trong xây dựng đô thị văn minh, huyện Đông Anh tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về quy hoạch, chỉnh trang mỹ quan đô thị, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội... Môi trường, cảnh quan được chú trọng, số hộ sử dụng nước sạch đạt 100%. Là địa phương có tốc độ phát triển nhanh về công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, thời gian qua, huyện đưa ra nhiều giải pháp giảm thiểu, khắc phục các tác động xấu đến môi trường, như quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, làng nghề xa dân cư, xây dựng các hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường...

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị gặp những khó khăn nhất định. Một bộ phận cán bộ, đảng viên trách nhiệm chưa cao, người dân chưa nhiệt tình tham gia xây dựng nông thôn mới, chưa phát huy được hết sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Nhiều xã vẫn tập trung vào các tiêu chí xây dựng hạ tầng cơ sở, chưa chú trọng phát triển sản xuất. Phát triển kinh tế của các xã không đồng đều, nên nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cũng không đồng đều.

Nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước; công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp chung sức ủng hộ xây dựng nông thôn mới hiệu quả chưa cao. Đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Quá trình đô thị hóa nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng thu hẹp, gây khó khăn cho quá trình hiện đại hóa và xây dựng nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Hệ thống công trình thủy lợi tại một số địa phương bị xuống cấp, gây ảnh hưởng đến khả năng phục vụ cung cấp nước sản xuất. Vẫn còn một số tiêu chí, tỷ lệ đạt còn thấp. Có tiêu chí tuy đạt nhưng chưa bền vững, như trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm. Tác động của giá cả, yếu tố thị trường, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển khu vực nông thôn.

Công tác môi trường được quan tâm, chú trọng, tuy nhiên do nhận thức của người sản xuất, tốc độ đô thị hóa cao nên vấn đề bảo vệ môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, như tại các làng nghề xã Vân Hà, Liên Hà, Thụy Lâm.

Một số đề xuất

Một là, đề nghị thành phố điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội khu vực ngoài phát triển đô thị (khoảng 2.000ha thuộc địa bàn 6 xã Vân Hà, Liên Hà, Thụy Lâm, Việt Hùng, Xuân Nộn và Dục Tú) thành khu vực phát triển đô thị và lập Quy hoạch phân khu đô thị. Đây là khu vực thuộc các xã có làng nghề truyền thống, có điều kiện phát triển kinh tế và tiếp giáp với khu vực phát triển đô thị của các huyện và thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Hai là, đề nghị thành phố tăng mức hỗ trợ kinh phí để huyện có đủ nguồn lực thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, kêu gọi xã hội hóa để thực hiện Đề án xây dựng huyện Đông Anh thành quận giai đoạn 2020 - 2025, bổ sung hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết trung tâm xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư đô thị để đồng bộ hạ tầng, giảm tác động tiêu cực của đô thị hóa.

Ba là, về giao thông đô thị, đề xuất thành phố giao Ủy ban nhân dân huyện nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư 22 dự án hạ tầng khung thuộc nhiệm vụ chi thành phố để đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố. Đây là các tuyến đường trục chính đô thị, đường liên khu vực tạo sự kết nối đồng bộ, là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, đáp ứng tiêu chí mật độ giao thông theo tiêu chí lên quận.

Bốn là, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tiến độ xây dựng nông thôn mới của huyện đang bị ảnh hưởng, việc lưu thông, luân chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Thành phố cần có các phương án, giải pháp thực hiện tháo gỡ vướng mắc, như hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ; các hoạt động giao dịch, tiêu thụ sản phẩm nông sản và hỗ trợ phân phối thị trường trực tuyến... Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất, như lãi suất, giãn, hoãn nợ, mở rộng quy mô vay vốn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Có thể nói, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở huyện Đông Anh thay đổi nhanh chóng, rõ rệt, khang trang, văn minh hơn; kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư mạnh; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; an ninh trật tự được giữ vững. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được nâng cao, công tác kiểm tra giám sát được coi trọng đã kịp thời chấn chỉnh những vi phạm, sai lệch trong quá trình triển khai thực hiện. Kết quả xây dựng nông thôn mới là tiền đề quan trọng để huyện phấn đấu xây dựng các xã, thị trấn thành phường, đưa huyện sớm trở thành quận từ nay đến năm 2025./.