TCCS - Những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vấn đề trọng tâm là nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời, phát huy các thế mạnh sẵn có của Thủ đô.

Nhân viên Công ty Cổ phần ứng dụng Công nghệ & CNC-Vina đặt tại cụm công nghiệp Sông Cùng (xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội) lắp ráp sản phẩm máy trợ thở tại nhà máy_Ảnh: TTXVN

Đổi mới sáng tạo - Công cụ điều hành quản lý quan trọng

Hà Nội hiện là 1 trong 246 thành phố trên thế giới tham gia Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO, với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Đây không chỉ là điểm nhấn, dấu ấn tự hào, mà còn là cơ hội để Thủ đô phát triển trong thời gian tới. Theo đó, Hà Nội triển khai nhiều giải pháp đột phá, tích cực hưởng ứng tinh thần quốc gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… Cụ thể: Thứ nhất, có cơ chế chính sách về khoa học - công nghệ mang tính đột phá phù hợp với đặc thù Thủ đô; Thứ hai, phát triển tiềm lực về khoa học - công nghệ; Thứ ba, thu hút, đào tạo đội ngũ tri thức và nhân lực chất lượng cao về khoa học - công nghệ; Thứ tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; Thứ năm, phối hợp liên ngành trong phát triển thị trường khoa học - công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Thứ sáu, hợp tác, phát triển, đặc biệt là phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành một trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo tầm quốc gia; đồng thời, phát triển sản phẩm chủ lực OCOP...

Về mặt khoa học - công nghệ, Hà Nội có 3 cái nhất. Một là, tiềm lực khoa học - công nghệ có hạ tầng mạnh nhất; nhiều trung tâm nghiên cứu, số lượng giáo sư, tiến sỹ nhiều nhất và đóng góp tỷ lệ cao nhất trong tiềm lực khoa học - công nghệ quốc gia. Hiện, Hà Nội có 124 trường đại học, 113 viện nghiên cứu (chiếm 80% cả nước), 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia (chiếm 82% cả nước) và 105 tổ chức khoa học - công nghệ công lập do các trường đại học, viện nghiên cứu công lập thành lập. Hai là, nguồn lực đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội cũng cao nhất cả nước (cả về đầu tư từ ngân sách cũng như của các doanh nghiệp). Ba là, Hà Nội dẫn đầu cả nước về sản phẩm đầu ra của nghiên cứu khoa học - công nghệ cũng như số lượng công bố quốc tế (năm 2019, Hà Nội có gần 5.000 công bố quốc tế về nghiên cứu khoa học - công nghệ, chiếm 40% của cả nước); tác động khoa học - công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội cũng ở mức cao nhất cả nước; năng suất lao động cao nhất cả nước. Chính vì thế, tác động của khoa học - công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội và năng suất lao động của Hà Nội cũng ở mức cao nhất cả nước.

Thời gian qua, hoạt động khoa học - công nghệ đã có những đóng góp quan trọng, ngày càng khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Các Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học - công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã triển khai, mang lại hiệu quả tốt. Các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, hiệu quả để phát triển khoa học - công nghệ đã được ban hành, cụ thể hóa và triển khai thực hiện; đồng thời, thực hiện cải tiến quy trình, rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; kiện toàn, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước; sắp xếp, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan nghiên cứu khoa học - công nghệ của thành phố.

Công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều đổi mới, hiệu quả hơn, theo hướng xã hội hóa và gắn kết với sản xuất, kinh doanh. Cơ chế quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ được đổi mới và nâng cao hiệu lực. Bên cạnh đó, thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc triển khai các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm có giá trị thực tiễn và khả năng thương mại hóa cao, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập các doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Nổi bật là Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), thuộc Sở Thông tin và Truyền thông; Vườn ươm doanh nghiệp thực phẩm do Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý, phát triển. Các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thủ đô cũng hình thành các trung tâm, câu lạc bộ startup hoạt động hết sức hiệu quả...

Thị trường khoa học - công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Các sản phẩm khoa học - công nghệ thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng. Bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. Kết quả là, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sang cơ chế thị trường, bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. Thành phố cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ... Có 1.216 doanh nghiệp được hướng dẫn công bố, hỗ trợ xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến; 52 nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký bảo hộ. Đến nay, Hà Nội có 94 doanh nghiệp khoa học - công nghệ đăng ký chính thức, đứng thứ hai cả nước.

Các sản phẩm khoa học - công nghệ thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ,… được quan tâm triển khai. Hoạt động sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng có bước tiến bộ; thông tin, thống kê khoa học - công nghệ từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tiềm lực khoa học - công nghệ được quan tâm đầu tư phát triển.

Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ, cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng chung của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Công tác liên kết, hợp tác, hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ được đẩy mạnh và chủ động hơn trong một số lĩnh vực. Sự phối kết hợp với các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn được mở rộng, hiệu quả ngày càng tăng. Hà Nội dự kiến đầu tư cho khoa học - công nghệ chiếm khoảng 70% mức đầu tư từ ngân sách cho lĩnh vực này, trong đó, đầu tư cho khoa học - công nghệ sẽ không thấp hơn 1% GRDP vào năm 2025.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khoa học - công nghệ của thành phố Hà Nội vẫn còn hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ chưa hoàn thiện; chưa khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện đổi mới, chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ; chưa tạo tính tự chủ cho các đơn vị nghiên cứu; kết nối hoạt động giữa các nhà khoa học với thị trường và doanh nghiệp còn yếu. Thị trường khoa học - công nghệ còn mờ nhạt.

Trong thời gian tới, Hà Nội cần phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển, mở rộng mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo. Trong đó, khởi nghiệp sáng tạo có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, giải quyết khó khăn thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Phát triển nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn phục vụ cho việc đề ra các giải pháp quản lý đô thị lớn, thông minh, hiện đại gắn với đặc thù của Thủ đô. Phấn đấu là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ. Hoàn thiện chính sách tuyển dụng, thu hút đội ngũ trí thức, nhất là chuyên gia khoa học - công nghệ đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp giải quyết các vấn đề bức xúc cũng như nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ của thành phố. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về khoa học - công nghệ kết nối với toàn quốc. Xây dựng vườn ươm công nghệ, công nghiệp hỗ trợ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, xây dựng thị trường khoa học - công nghệ, hệ sinh thái khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ về tài chính và đầu tư, khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới. Phát huy vai trò “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới - thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Ngoài ra, Hà Nội cũng xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” hoạt động theo nguyên tắc khoa học, đổi mới sáng tạo mở nhằm tạo kết nối, liên kết giữa người dân, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các viên nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn, các chuyên gia trong và ngoài nước, các trung tâm/chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực để tham vấn, giải quyết các vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh

Với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chương trình số 07/CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đầu tiên là tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Thứ hai, phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ. Thứ ba, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế Thủ đô. Thứ tư, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thứ năm, phát triển thị trường khoa học - công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập, phấn đấu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo và 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm. Trong đó, ít nhất có 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng... Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Đề án dự kiến 312,92 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố cấp là 234,92 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa là 69 tỷ đồng; chú trọng xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” để tham vấn, giải quyết các vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Cuối cùng là tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập. Chú trọng xúc tiến, trao đổi, kết nối với các đối tác quốc tế đến từ các quốc gia phát triển có nền khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại…

Triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình số 07-CTr/TU, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội chủ trì triển khai thực hiện 2 nội dung: Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP); tốc độ tăng năng suất lao động đạt 7-7,5%. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội chủ trì triển khai thực hiện nội dung: Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp trên 70%. Sở Thông tin và Truyền thông thành phố chủ trì triển khai thực hiện nội dung: Tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP. Sở Khoa học - công nghệ chủ trì triển khai thực hiện 3 nội dung: Doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%; Tối thiểu 40% sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế và tốc độ gia tăng đăng ký sáng chế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Triển khai Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, ngày 15-5-2018, của Chính phủ “Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo”, thành phố Hà Nội xác định việc cải cách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ở tất cả các khâu trong chuỗi hoạt động của doanh nghiệp, bắt đầu từ các hoạt động khởi sự kinh doanh đến các hoạt động sau khởi nghiệp; đồng thời, lựa chọn ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử là một trong những khâu đột phá. Nhờ đó, môi trường sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của thành phố từng bước được cải thiện, được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục tăng hạng trong 5 năm gần đây.

Nhằm thực hiện mục tiêu “Tiên phong cả nước về môi trường kinh doanh”, Hà Nội tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI. Theo đó, Hà Nội đặt ra các mục tiêu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố; phấn đấu tiên phong trong cả nước vể cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh theo tinh thần của các Nghị quyết số 19/NQ-CP; xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích các sáng kiến cải cách nhằm rút ngắn quy trình, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung thủ tục hành chính. Tạo sự đột phá về thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cải thiện việc tiếp cận các nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp: đất đai, vốn, lao động, công nghệ; giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định của Nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, điện năng,…; rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản, bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; giải quyết tranh chấp hợp đồng, tranh chấp phá sản doanh nghiệp và thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp; tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển du lịch, nâng cao năng lực sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế./.