TCCS - Sự gia tăng nguồn thải từ các công trình xây dựng, cơ sở sản xuất quy mô lớn, cùng với sự thiếu hụt các điểm tập kết chất thải rắn tại các quận, huyện đang khiến cho công tác quản lý chất thải rắn ở thành phố Hà Nội gặp nhiều khó khăn.

Phối cảnh tổng thể Nhà máy điện rác Sóc Sơn_Nguồn: kinhtechungkhoan.vn

Thủ đô Hà Nội hiện nay là khu vực đang tồn tại những vấn nạn từ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Một trong những khó khăn lớn nhất của chính quyền thành phố là xử lý lượng rác thải rắn thải ra trong thành phố mỗi ngày. Cụ thể, thành phố Hà Nội đang phải xử lý khoảng 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày từ các khu công nghiệp và hoạt động sinh hoạt thiết yếu của người dân trên địa bàn, đây thực sự là thách thức lớn với chính quyền và người dân Thủ đô.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lượng chất thải rắn ngày càng nhiều trên địa bàn Thủ đô, thậm chí, nhiều nơi còn có hiện tượng ứ đọng, quá tải với khối lượng lớn. Đầu tiên, Hà Nội là một trong những thành phố đông dân nhất cả nước, xấp xỉ hơn 8 triệu dân, nên lượng chất thải rắn xả ra từ quá trình sinh hoạt hằng ngày nhằm giải quyết những nhu cầu thiết yếu là cực kỳ lớn.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng, dẫn đến lượng chất thải rắn xuất hiện từ sự gia tăng các công trình xây dựng, cơ sở sản xuất quy mô lớn. Trong khi đó, công tác thu gom, xử lý rác thải lại có tồn tại rất nhiều bất cập, từ vấn đề thiếu hạ tầng kỹ thuật cho việc duy trì vệ sinh môi trường, xử lý rác cho đến việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn rác thải chưa có sự khoa học và hợp lý, những điều này dẫn đến việc thường xuất hiện những lượng rác thải lớn bị ứ đọng, ùn tắc, gây ô nhiễm ở nhiều con phố lớn, nguy cơ “vỡ trận đầu ra” của lượng rác thải rắn hiển hiện trước mắt.

Một nguyên nhân quan trọng nữa, đó là ý thức của người dân trong vấn đề xử lý rác thải, có thể nói hiện tượng đổ trộm rác thải diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố, hàng trăm tấn phế thải từ rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt, làng nghề thường xuyên được đổ trộm thẳng ra hai bên vỉa hè của những con đường lớn trong thành phố, như Đại lộ Thăng Long hay Khu đô thị Thanh Hà…

Theo thống kê cụ thể từ Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, cho đến nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn địa bàn thành phố rơi vào khoảng 7.000 tấn/ngày, được tiếp nhận và xử lý hằng ngày vào khoảng 6.500 tấn, đây là con số cực kỳ lớn, tạo áp lực nặng nền lên đội ngũ thu gom và vận chuyển rác thải rắn, đặt ra yêu cầu phải gia tăng tần suất lao động của đội ngũ có chức năng, tuy vậy, nguy cơ rò rỉ rác thải ra môi trường vẫn là rất cao. Lượng rác thải rắn trên được chia theo cơ cấu tỷ lệ lần lượt là 51,9% thành phần rác thải thực phẩm, 38% là chất thải rắn công nghiệp (chất trơ, cao su, da, gỗ…) và cuối cùng là lượng chất thải rắn có thể tái chế chiếm khoảng 7,1 %... Biện pháp được sử dụng chủ yếu trong những năm gần đầy để xử lý lượng chất thải rắn trên là thông qua việc chôn lấp (chiếm 78% tổng lượng rác thải rắn thu gọn) và phương pháp đốt không phát điện (khoảng 2%).

Từ thực tế cho thấy, nhiều khu xử lý rác thải ở Hà Nội không còn khả năng tiếp nhận lượng rác thải lớn để xử lý bằng cách chôn lấp, nhiều bãi rác đã rơi vào tình trạng đầy ứ, đặt ra yêu cầu cần phải có những biện pháp xử lý rác thải một cách nhanh gọn và dứt điểm, không để xảy ra tình trạng ứ đọng. Trước tình hình đó, chính quyền thành phố Hà Nội đã triển khai việc ứng dụng công nghệ hiện đại, nghiền chất thải rắn theo hình thức trạm trung chuyển tạm thời, tái chế chất thải rắn tại chân cầu Thanh Trì, nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ… Đặc biệt hơn, trong giai đoạn tới, Ủy ban nhân dân thành phố định hướng trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đẩy mạnh việc xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến có thu hồi năng lượng để phát điện. Hiện thành phố đã quy hoạch được 2 dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao đang trong quá trình hoàn thành, những nhà máy trên được trang bị công nghệ lò đốt - lò ghi cơ học tiên tiến nhất trên thế giới, bảo đảm cho việc rác thải bị đốt cháy hoàn toàn và có khả năng thu nhiệt để phát điện.

Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng chủ động xây dựng quy định quản lý chất thải rắn, từ khâu thu gom, phân loại rác, vận chuyển cho đến khâu xử lý và tái chế. Bên cạnh những hành động nêu trên, chính quyền thành phố Hà Nội cũng đã thực hiện quản lý chặt chẽ tần suất làm việc của từng đơn vị có trách nhiệm trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn thành phố và tuyên truyền, lên án, xử phạt những hành vi đổ trộm rác thải ra nơi công cộng. Đây là những giải pháp tổng thể, bài bản, giúp thành phố giải quyết vấn đề xử lý rác thải theo hướng tối ưu về môi trường, phù hợp với đô thị văn minh, hiện đại.

Trong định hướng lâu dài, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành có liên quan chủ động quy hoạch lại lượng chất thải rắn ở Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có cả vị trí, quy mô của các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn để lồng ghép vào quy hoạch chung. Triển khai các biện pháp đồng bộ nêu trên, chắc chắn công tác quản lý rác thải sẽ đi vào dần đi vào nền nếp, góp phần làm cho Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn./.